Ukraina: Vì sao đổ máu?

14:26 | 21/02/2014

2,802 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ít nhất 53 người chết và hàng trăm người bị thương trong các vụ bạo động mới tại thủ đô Kiev của Ukraina trong 3 ngày qua. Bất chấp một thỏa thuận ngưng bắn, Kiev giờ như một bãi chiến trường.

Người biểu tình ném bom xăng về phía cảnh sát ở thủ đô Kiev ngày 20/2

Bạo động bùng phát mạnh trở lại sau khi quốc hội Ukraina ngày 18/2 hủy việc thảo luận sửa đổi hiến pháp hạn chế quyền hành của tổng thống và chính phủ tấn công các lều trại của người biểu tình tại quảng trường Độc lập ở Kiev. Cảnh sát thì phát động chiến dịch gọi là “chống khủng bố” để giải tán người biểu tình, còn người biểu tình thì kiên quyết bằng mọi giá bám trụ địa bàn. Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình bắt đầu trong đêm 18/2 đã làm chết ít nhất 25 người bao gồm cả hai phía.

Đến ngày 20/2, bạo động tiếp tục làm chết hơn 20 người nữa bất chấp một lệnh ngừng bắn đã được Tổng thống Viktor Yanukovych thông qua với các thủ lĩnh đối lập. Người ta lo ngại là Tổng thống Yanukovych có thể ban hành tình trạng khẩn trương để quân đội can thiệp. Nếu không, ông khó có hy vọng vãn hồi được tình thế trong lúc nhiều đảng viên đảng cầm quyền của ông, kể cả thị trưởng Kiev, tuyên bố rời khỏi đảng phản đối sự đổ máu.

Hình ảnh những vụ xung đột đẫm máu và Kiev chìm trong biển lửa mấy ngày qua đã gây sốc cho cả thế giới. Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập và khẩn cấp về những cái chết vừa qua. Từ Vatican, Đức Giáo hoàng Francis kêu gọi “tất cả các bên chấm dứt bạo lực và tìm cách đạt thỏa thuận để lập lại hòa bình cho đất nước”.

Mỹ và Liên minh châu Âu đã đưa ra những biện pháp chế tài đối với các giới chức cao cấp Ukraina để đáp lại vụ đổ máu tại thủ đô nước này. Tổng thống Barack Obama cáo buộc chính phủ Ukraina phải chịu trách nhiệm. Ông Obama nói: “Cùng với các đối tác châu Âu, chúng tôi tiếp tục tiếp xúc với tất cả các bên. Và chúng tôi nhấn mạnh với Tổng thống Viktor Yanukovych và chính phủ Ukraina là họ có trách nhiệm chính để ngăn chặn những hành vi bạo động khủng khiếp, rút cảnh sát chống bạo động, làm việc với phe đối lập để phục hồi an ninh và phẩm giá con người và thúc đẩy đất nước tiến tới”.

Ngày 20/2, các bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu đã mở một cuộc họp khẩn cấp tại Brussels để ứng phó với tình hình Ukraina và thảo luận về những biện pháp chế tài. Để chống lại Ukraina, những nước chủ trương trừng phạt có một loạt các biện pháp vẫn thường được châu Âu áp dụng: Phong tỏa tài sản tại châu Âu, cấm nhập cảnh vào EU. Các nước này có thể bổ sung biện pháp cấm vận xuất khẩu sang Ukraina tất cả các thiết bị có thể được sử dụng để trấn áp người biểu tình, như vòi rồng phun nước, khí cay hoặc các thiết bị của cảnh sát chống bạo động.

Châu Âu cũng đã trừng phạt những quan chức Ukraina chịu trách nhiệm về các vụ trấn áp như cấm nhập cảnh hay phong tỏa tài khoản. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao châu Âu cho rằng không nên đưa Tổng thống Viktor Ianoukovitch vào danh sách những quan chức bị trừng phạt để không làm mất tất cả khả năng tiến hành đối thoại.

Dù vậy, các quan sát viên không tin rằng Mỹ và châu Âu có chính sách nào hiệu quả tại Ukraina. Thủ tướng Đức, Angela Merkel hôm qua mô tả việc chế tài chỉ là một trong các biện pháp, và đề nghị tái phát động một tiến trình chính trị có thể bao gồm cả Nga. Bà Merkel nói: “Chế tài là chưa đủ… đó là điều chúng tôi nghĩ. Tiến trình chính trị phải được tái phát động, bởi vì chỉ có tiến trình chính trị mới có thể góp phần vào việc tái lập hòa bình, và chúng ta đang mưu tìm tất cả các liên hệ có thể có được, kể cả theo hướng Nga”.

Ngày 20/2, Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych có cuộc gặp các bộ trưởng ngoại giao Ba Lan, Đức và Pháp đã đến Kiev với vai trò trung gian đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập. Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin đã gặp người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ukraina Leonid Kozhara tại Kiev. Nội dung cuộc thảo luận là tình hình ở Ukraina và triển vọng sự hợp tác kinh tế thương mại song phương.

EU và Nga đã đổ lỗi cho nhau về tình hình bất ổn ngày càng tăng ở Ukraina, bùng ra sau khi Tổng thống Yanukovych rút ra khỏi một thỏa thuận kinh tế và chính trị với EU và thay vào đó là chấp nhận một kế hoạch cứu nguy của Nga.

Ngày 19/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovich có cùng quan điểm khi tố cáo đó là âm mưu đảo chính của phe đối lập. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên án phương Tây “khuyến khích phe đối lập hành động ngoài pháp luật”. Lên tiếng trên Đài truyền hình Kuwait ông nói: “Chúng tôi không muốn áp đặt điều gì như các đối tác phương Tây của chúng ta đã làm”. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng những kẻ đối nghịch dùng bạo lực theo kiểu Đức Quốc xã cướp chính quyền năm 1933.

Các nhà phân tích nói rằng viện trợ tài chính của Moscow cho Ukraina là một lý do quan trọng khiến Tổng thống Yanukovych ngả về phía Nga, trong khi Liên minh châu Âu chưa có một hỗ trợ nào cho Kiev.

Giáo sư môn quan hệ quốc tế Klaus Larres của Ðại học North Carolina ở Chapel Hill nhận định: "Cho đến giờ, Liên minh châu Âu nói rất hay, hứa hẹn đủ điều. Nhưng trên thực tế họ chưa đưa ra một đề nghị hỗ trợ tài chính thiết thực nào, trong khi Nga đã đề nghị giúp Ukraina 2 tỉ USD, và Moscow đã mua 2 tỉ USD trái phiếu của Ukraina. Đó mới chính là những gì mà Ukraina đang hết sức cần. Do đó tôi nghĩ rằng đồng tiền cần phải đi trước nếu Liên minh châu Âu muốn kéo Ukraina về phía mình".

Giáo sư Larres nói rằng đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập là cần thiết bởi vì các cuộc biểu tình không thể đưa đến việc Tổng thống Yanukovych từ chức. "Chúng ta không nên cố tình không chú ý, đôi khi truyền thông phương Tây đã cố tình không chú ý, tới việc Tổng thống Yanukovych là nhà lãnh đạo được bầu lên cách dân chủ. Ông được bầu lên làm tổng thống trong cuộc bầu cử tự do năm 2010".

Giáo sư Larres cho rằng bất chấp việc từ chức của Thủ tướng Mykola Azarov có chủ trương thân Nga hồi tháng trước, Nga vẫn tiếp tục nắm giữ một vai trò ở Ukraina, là nước đang thiếu thốn tiền bạc. Ông nói 2 tỉ USD mà Moscow bỏ ra để mua trái phiếu của Ukraina sẽ có ích rất nhiều cho việc bảo đảm vai trò này của Nga.

Quang cảnh như thời chiến tranh ở Kiev trong mấy ngày qua

 

 

Nh.Thạch

tổng hợp

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps