Ukraina: Lắm thầy thối ma!

14:00 | 17/08/2015

4,158 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mô hình đàm phán nào để chấm dứt xung đột tại Ukraina? Sau một thời gian dài, mô hình “Bộ tứ Normandie” đã không giúp cải thiện được gì cho tình hình Ukraina, nay các nước lại tiếp tục đề xuất những mô hình mới.
Ukraina: Lắm thầy thối ma!
Nguyên thủ 4 nước trong nhóm Bộ tứ Normandie (Nga - Đức - Pháp – Ukraina) trước cuộc đàm phán tìm lối thoát cho xung đột Ukraina.

Ukraina sắp có đánh lớn

Ukraina sắp có đánh lớn

Quân đội Ukraina đang chuẩn bị một cuộc tấn công quy mô vào Donetsk, phe ly khai đã trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao ở nhiều nơi trên mặt trận. Phái đoàn OSCE khẩn trương rời Donetsk. Ukraina sắp có đánh lớn.

Ngày 15/8, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã đề xuất với Tổng thống Ukraina, Petro Poroshenko, áp dụng mô hình đàm phán mới giải quyết tình hình ở Donbass trong cuộc điện đàm ngày 14/8 giữa hai nhà lãnh đạo này.

Truyền thông Ba Lan cho biết trong cuộc trò chuyện gần đây với ông Poroshenko, ông Duda đã nêu ý tưởng cuộc đàm phán phải có sự tham gia của "các nước hùng mạnh nhất ở châu Âu, cũng như các nước láng giềng của Ukraina, trong đó có Ba Lan".

Ông Duda khẳng định đại diện cả 2 phía - Ukraina và Ba Lan - đã sẵn sàng cho cuộc gặp, tại đó họ cần nhất trí về chi tiết các cuộc đàm phán giữa nhà lãnh đạo các nước.

Ngay lập tức, phe ly khai tại Đông Ukraina bác bỏ sáng kiến của Ba Lan. Đại diện của phe này trong cuộc đàm phán tại thủ đô Belarus, Denis Pouchiline, tuyên bố: “Gia tăng số quốc gia tham gia thương lượng chỉ làm cho tình hình nghiêm trọng thêm”.

Các cuộc đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraina đang diễn ra theo mô hình "Bộ tứ Normandie", với sự tham gia của 4 nước Nga, Ukraina, Pháp và Đức. Kiev đã nhiều lần nhấn mạnh Mỹ cần tham gia tiến trình này.

Chính quyền Ukraina cũng nhiều lần tuyên bố cần thảo luận cuộc xung đột theo cái gọi là mô hình Geneva, gồm Ukraina-Liên minh châu Âu-Mỹ-Nga.

Hồi tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin nói rằng Moskva chưa thấy cần thiết phải mở rộng mô hình Bộ tứ Normandie, song không phản đối Mỹ tham gia tiến trình này.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 16/8, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier đề nghị tiến hành cuộc họp khẩn giữa đại diện quân sự các bên xung đột tại miền Đông Ukraina và đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) để tìm cách hạ nhiệt căng thẳng và duy trì thỏa thuận rút vũ khí.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức đưa ra đề nghị trên trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ Bild am Sontag số ra ngày 16/8.

Theo ông Steinmeire, tình hình tại miền Đông Ukraina rất dễ bùng nổ, do đó trong các cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga và Ukraina, ông đã đề nghị tổ chức ngay cuộc gặp trên, thay vì để hai tuần nữa như dự kiến trước đó.

Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh nếu các bên xung đột không thể hiện mong muốn hòa bình, vòng xoáy leo thang quân sự sẽ bắt đầu bất cứ lúc nào.

Trước đó, cũng trong ngày 16/8, đại diện của Cộng hòa Donesk tự xưng Denis Pusilin kêu gọi các nước bảo trợ thỏa thuận Minsk (gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraina) khẩn cấp can thiệp vào tình hình tại Donbass.

Theo cơ quan quốc phòng của Cộng hòa Donesk tự xưng, trong 24 giờ qua, quân đội Ukraina đã bắn 40 quả tên lửa Grad vào khu vực cách thành phố Donesk 70km.

Các vụ nã pháo và tên lửa chủ yếu được thực hiện vào ban đêm để không bị các nhân viên giám sát của OSCE ghi nhận.

Lệnh ngừng bắn tại Donbass có hiệu lực từ ngày 15/2/2015 theo thỏa thuận được các bên ký kết tại thủ đô Minsk của Belarus. Tuy nhiên, những tuần qua, tình hình tại khu vực này diễn biến rất căng thẳng với số vụ nã pháo, tên lửa và số dân thường thiệt mạng không ngừng tăng lên.

Trong tuyên bố gần đây, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraina phụ trách chiến dịch quân sự tại Donbass Alexdander Motuzyanik nêu rõ Kiev sẽ đưa trở lại giới tuyến những loại vũ khí đã được rút đi trước đây nếu an nguy của các binh sỹ Ukraina bị đe dọa.

Các nhà quan sát cho rằng những diễn biến tại Ukraina đang khiến tiến trình đàm phán hòa bình lâm vào bế tắc. Thậm chí một số còn lo ngại sẽ có xung đột trên diện rộng giữa quân Kiev và phe ly khai trong thời gian tới.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới