Ukraina: Không có chuyện liên bang hóa!

14:36 | 31/08/2015

2,987 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko tuyên bố Kiev sẽ cải cách hiến pháp nhưng không có chuyện liên bang hóa hay trao qui chế đặc biệt cho các tỉnh đông nam. Tuyên bố này đi ngược với thỏa thuận Misk 2.
ukraina-khong-co-lien-bang-biec-gi-het
Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko

"Không liên bang hóa, không qui chế đặc biệt. Đó là điều mà chúng tôi và các vị sẽ bỏ phiếu tại Quốc hội vào hôm thứ Hai (31/8). Thông qua đó, chúng ta sẽ bảo vệ qui chế đơn nhất của Ukraina"-ông Poroshenko phát biểu tại đại hội Đảng Khối Poroshenko Đoàn kết.

Vào cuối tháng 7 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Ukraina đã thừa nhận tính hợp pháp của dự thảo sửa đổi hiến pháp được tổng thống đề xuất nhằm phân cấp quyền lực, cũng như các quy định tạm thời xác định qui chế đặc biệt của Donbass bằng đạo luật riêng.

Sau kết luận của Tòa án Hiến pháp, các nghị sĩ Ukraina có thể xem xét dự thảo sửa đổi trong lần thảo luận đầu tiên với tối thiểu 226 phiếu và thông qua trong lần đọc thứ hai với 300 phiếu.

Các đại diện chính thức Cộng hòa Donestk và Lugansk tự xưng, Denis Pushilin và Vladislav Deineigo yêu cầu Kiev phải thảo luận Luật Bầu cử và chỉ định ngày bỏ phiếu tại Quốc hội, bởi sửa đổi Hiến pháp không hề được thống nhất với đại diện các nước cộng hòa ly khai và không được "đưa ra thảo luận trong khuôn khổ tiến trình Minsk 2".

Hồi tháng 2/2015, lãnh đạo bốn nước Nga, Ukraina, Pháp và Đức đã đạt được một thỏa thuận trên nguyên tắc về việc ngừng bắn tại miền đông Ukraina, được gọi là Minsk 2. Điểm quan trọng nhất trong thỏa thuận này là các bên đã đưa ra giải pháp chính trị tổng thể dài hạn cho Ukraina, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là cải cách hiến pháp, tính tới quyền của người dân vùng Donbass.

Việc cải cách hiến pháp Ukraina theo như ghi trong thỏa thuận Minsk hôm 12/2/2015 sẽ được tiến hành đến cuối năm 2015 đưa vào hiệu lực bản hiến pháp mới với trọng tâm là phi tập trung hóa quyền lực. Tuy nhiên, những gì chính quyền Kiev đang làm đã đi ngược với thỏa thuận Minsk 2, vốn liên tục bị vi phạm kể từ ngày ký cho đến nay.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo ba nước Nga, Pháp, Đức hôm 29/8 đã nhất trí với nhau qua điện thoại tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh trong vài tuần sắp tới về tình hình tại Ukraina. Điện Elysée thông báo cả ba nước đều đánh giá cần thiết tổ chức cuộc họp trên với Ukraina theo Công thức Normandie.

Trong cuộc họp lần đầu tiên tại Normandie (phía Bắc nước Pháp) bên lề lễ kỷ niệm ngày quân đồng minh đổ bộ lên nước Pháp, Nga, Đức và Ukraina đã đưa ra Công thức Normandie, có nghĩa là quá trình giải quyết khủng hoảng tại miền Đông Ukraina được dựa trên các cuộc gặp mặt trao đổi thường xuyên.

Trước đó ngày 28/8, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraina (Donbass) về việc đe dọa sẽ chiếm giữ thêm lãnh thổ và tự tổ chức các cuộc bầu cử.

Theo Nhà Trắng, phát biểu trong cuộc điện đàm diễn ra cùng ngày với Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko, ông Biden đã đưa ra đề nghị hỗ trợ của Washington nhằm giúp chính quyền của ông Poroshenko thực thi việc phân quyền và đáp ứng các điều khoản theo kế hoạch hòa bình ở Donbass.

Cũng theo Nhà Trắng, ông Biden và ông Poroshenko cũng trao đổi về các cuộc bầu cử địa phương sắp tới của Ukraina đồng thời lên án các cuộc tấn công gần đây của lực lượng ly khai, trong đó có cuộc tấn công nhằm vào các quan sát viên quốc tế.

Trong những tuần gần đây, tình hình ở vùng Donbass đang diễn biến theo chiều hướng xấu, với việc phe ly khai tăng cường tấn công quân chính phủ. Hiện có nhiều thông tin về các vụ nã pháo với số thương vong của dân thường tăng cao.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới (Theo AP, Reuters, ABC News)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc