Tuyệt chủng

08:09 | 10/11/2011

1,070 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một ngày buồn lòng cuối tháng 10 vừa qua, bà Trần Minh Hiền, Giám đốc WWF tại Việt Nam thông báo: Con tê giác Java một sừng cuối cùng tại Việt Nam đã chết mặc lòng những nỗ lực bảo tồn vẫn không bảo vệ được loài tê giác quý hiếm này.

Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn một phần di sản của thiên nhiên, một biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Thảm kịch của tê giác Java Việt Nam là một minh chứng đáng buồn cho cuộc khủng hoảng tuyệt chủng này. Giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên cho rằng, vì lực lượng kiểm lâm chỉ có vài người trong khi có khoảng 100.000 người sống quanh khu vực vườn quốc gia tham gia săn bắn. Trung bình, một người nông dân ở đây có thể kiếm được 150.000 đồng/ngày từ hoạt động này nên họ bỏ việc ruộng vườn để vào rừng.

Tê giác Java một sừng sẽ không bao giờ còn được bắt gặp ở Việt Nam

Việt Nam đã điều tra, phân loại, thống kê được trên 21 nghìn loài. Trong đó có 7.750 loài côn trùng, 1.100 loài cá nước ngọt, 2.500 loài cá biển, 162 loài lưỡng cư, 296 loài bò sát, 840 loài chim, 310 loài thú rừng, 17 loài thú biển và hàng chục ngàn loài động vật không xương sống phân bổ trong các hệ sinh thái rừng trên đất liền, rừng ngập mặn, đất ngập nước, vùng biển… Danh lục sách Đỏ Việt Nam năm 2007 đã ghi nhận hơn 400 loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ.

Mặc dù Việt Nam đã có tới 4 bộ luật và rất nhiều các nghị định Chính phủ liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã. Tuy nhiên việc thi hành luật chưa nghiêm. Bên cạnh đó, sự liên kết các cơ quan quản lý thực thi bảo vệ động vật hoang dã với cơ quan đầu mối chưa chặt chẽ, thường xuyên, công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã chưa được các ngành, các cấp chính quyền thật sự quan tâm. Đó là những nguyên nhân khiến các loài động vật hoang dã bị đe dọa có nguy cơ tuyệt chủng. Danh sách báo động đỏ động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng gia tăng.

Thực tế là tình trạng buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép đang ngày càng gia tăng, với quy mô ngày càng lớn. Số liệu được công bố cho thấy trong hơn 10 năm , cả nước đã có hơn 14 nghìn vụ vi phạm về săn bắt, buôn bán động, thực vật hoang dã, tịch thu hơn 181 nghìn cá thể, với trọng lượng khoảng 635 tấn. Theo ước tính, số lượng động, thực vật hoang dã cung cấp cho thị trường mỗi năm khoảng 3.400 tấn, với hơn 1 triệu cá thể, trong đó số lượng gây nuôi chiếm 70%, khai thác bất hợp pháp chiếm 18% và nhập khẩu chiếm 12%.

Xã hội đón nhận hung tin này bằng nhiều cảm xúc khác nhau, nhìn chung là xót xa, nuối tiếc, trách móc hoặc tự trách móc… nhưng cũng có người vận ngay vào việc xây thủy điện trên sông Đồng Nai (6 và 6A) có liên quan đến Khu rừng Quốc gia Nam Cát Tiên, rằng tê giác chết rồi thì giữ rừng làm gì, xây thủy điện mà hưởng lợi cho con người. Lại có người vận vào nền kinh tế thị trường để tỏ ý mong rằng những tệ nạn, quái thai như độc quyền; hàng giả, hàng nhái, hàng cấm; mua quan bán chức; tín dụng đen, sập nợ… mà tuyệt chủng thì hay biết bao!

Thọ Vinh