Trường phổ thông ngoài công lập

Tuyển sinh qua “cửa hẹp”

06:57 | 09/05/2018

201 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã “mở” nhiều hơn trong tuyển sinh đầu cấp nhưng Sở GD&ĐT Hà Nội lại “khép” với quy định phải tuyển sinh từ ngày 1 đến 3-7. Nhiều trường ngoài công lập tại Hà Nội mong muốn có sự thay đổi căn bản, được giao quyền tự chủ nhiều hơn.  

Tự chủ trong khuôn khổ

Bên cạnh khối trường công lập, các trường ngoài công lập (tư thục, dân lập) đã và đang phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm gánh nặng sĩ số và giảm chi ngân sách Nhà nước.

Mặc dù có vai trò khá quan trọng trong nền giáo dục nước nhà cùng nhiều cơ chế thuận lợi trong xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng giáo viên, song khối trường ngoài công lập vẫn phụ thuộc về chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh mà chưa được tự chủ. Đây là một trong những lý do khiến khối trường ngoài công lập thường “lép vế” so với trường công lập.

tuyen sinh qua cua hep
Ảnh minh họa

Trong hội thảo “Thực trạng và giải pháp tuyển sinh trường tư thục” được tổ chức cuối tháng 4-2018, đại diện các trường tư thục trên địa bàn Hà Nội đã bày tỏ mong muốn có được sự tự chủ và cơ chế tuyển sinh thuận lợi.

Trước quy định tuyển sinh đầu cấp của Sở GD&ĐT Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cho hay: Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ cho phép các trường tuyển sinh đúng quy định từ ngày 1 đến 3-7, gây khó cho cha mẹ học sinh.

Bà Hiền nêu rõ, khó khăn lớn nhất của các trường tư thục là dù được tự chủ về tài chính, nhân sự, nhưng đến nay vẫn chưa được tự chủ tuyển sinh. Bà Hiền nhấn mạnh: “Điều kiện để trường ngoài công lập tồn tại là phải có điều kiện cơ sở vật chất và tuyển được học sinh. Nếu chúng tôi biết được năm học tới có bao nhiêu học sinh nhập trường thì có thể chủ động chuẩn bị. Nếu sát thời điểm tuyển sinh mới biết con số nộp hồ sơ thì trường không thể tự chủ về cơ sở vật chất. Hiện chúng tôi đã cho đăng ký tuyển sinh trên mạng, con số đăng ký lên tới hơn 2.000 mà chỉ tiêu chỉ có 500. Vì thế, việc tuyển sinh cùng 1 ngày gây khó khăn cho cha mẹ thì bắt buộc các trường phải “lách”. Thực tế, chúng tôi có nhiều cách “lách” để tuyển sinh. Chúng tôi sẵn sàng chịu khiển trách của Sở GD&ĐT nhưng mang lại niềm vui và hạnh phúc cho cha mẹ và học sinh”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) - bày tỏ, hiện nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở TP HCM, hệ thống trường tư thục đã được tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, ở Hà Nội điều này vẫn là “trong mơ” với các trường tư thục.

Bà Văn Liên Na - Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cơ sở 1 - Tân Triều nhận định, tự chủ nằm trong khuôn khổ nhất định thì không còn là tự chủ nữa. Điểm đặc biệt là trường tư thục phải tự lo về toàn bộ cơ sở vật chất, chi phí. Như vậy, để cạnh tranh với trường công lập thì trường tư thục yếu thế hơn rất nhiều.

Ngoài ra, tiêu chí, phương thức tuyển sinh hiện được Sở GD&ĐT Hà Nội quy định là cùng thi tuyển môn Toán và bài thi đánh giá năng lực. Như vậy là chưa hợp lý, bởi mỗi trường sẽ có một tiêu chí tuyển sinh riêng phù hợp với đào tạo của trường mình.

Vị trí nào cho trường ngoài công lập?

Chia sẻ về vấn đề này, bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII - cho rằng, chủ trương xã hội hóa giáo dục là hoàn toàn đúng đắn, nhằm giảm tải cho trường công, làm cho nhiều nghìn trẻ em không bị thất học. Tuy nhiên, Bộ mở nhưng Sở lại siết tuyển sinh, hạn chế quyền tự chủ của các trường tư thục. Bộ GD&ĐT cần phải vào cuộc và có ý kiến cụ thể. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT phải quản lý được những việc Sở làm, phải sâu sát hơn để sớm phát hiện và xử lý những quy định bất cập.

Bà Bùi Thị An nhấn mạnh: “Việc quy định thời gian tuyển sinh trường công lập và tư thục cùng một thời điểm gây khó khăn cho trường tư thục. Nên cần thiết phải giãn thời gian tuyển sinh đối với các trường tư thục. Ở nước ngoài, các trường tư thục được tuyển sinh từ rất sớm. Muốn phát triển bền vững nền giáo dục thì không chỉ có trường công lập mà phải có cả trường tư thục. Các nhà quản lý giáo dục phải hướng đến hài hòa lợi ích, đặc biệt hướng đến ưu tiên sự phát triển của học sinh”.

Trước những băn khoăn, đề xuất của các trường tư thục, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng bày tỏ quan điểm: Các cơ quan quản lý nên cho phép các trường ngoài công lập xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với đặc thù của trường. Sở GD&ĐT có thể phê duyệt và công khai chỉ tiêu, quy trình, thời gian, tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn, chi phí trên website của Sở và các trường. Đối với các lớp đầu cấp từ tiểu học đến THPT, các trường ngoài công lập được phép tuyển sinh từ tháng 3 hằng năm. Các trường được phép kiểm tra đầu vào lựa chọn học sinh phù hợp, nghiêm cấm hoàn toàn việc luyện thi vào các lớp đầu cấp.

Sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các trường tư thục, phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) - khẳng định: “Các nhà trường có tự chủ thì mới sáng tạo được. Từ nhiều năm nay Bộ GD&ĐT đã giao cho cả trường công và trường tư được quyền chủ động sắp xếp nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học. Tức là Bộ đã chủ trương trao quyền tự chủ cho nhà trường”.

Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Thành còn cho rằng: Thông tư 05/2018 của Bộ GD&ĐT quy định thay đổi tuyển sinh vào THCS. Áp dụng hình thức xét tuyển bình thường ở đại đa số các trường THCS. Nhưng đối với các trường tư thục và một số các trường công lập có uy tín, số lượng đăng ký tuyển sinh cao hơn chỉ tiêu thì áp dụng xét tuyển với kiểm tra đánh giá năng lực. Trong Thông tư 05 nêu rõ các sở GD&ĐT chỉ hướng dẫn nhà trường thực hiện phương thức xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực chứ không có quy định nào buộc các trường xây dựng phương án, rồi cấp thẩm quyền phê duyệt”.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến năm học 2017-2018, khối trường tư thục có 242 trường tiểu học (tương ứng 7.067 lớp, 159.697 học sinh) và 52 trường THCS ứng với 2.202 lớp, 60.597 học sinh (bao gồm cả trường liên cấp).

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.