Tướng Lê Mã Lương: Nguy cơ mất tự do bay trên Biển Đông đã hiện hữu!

10:28 | 21/04/2016

|
(PetroTimes) - Vị tướng từng kinh qua trận mạc và có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử khoa học quân sự đã thẳng thắn như vậy khi trả lời phóng viên Báo điện tử PetroTimes về hàng loạt động thái gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua.
Philippines từ chối điều tra chung với Trung Quốc vụ tàu cá bị đâm chìm trên Biển Đông
Ngư dân Philippines gặp nạn trên Biển Đông: “Người Việt Nam động viên, cứu giúp chúng tôi”
Trung Quốc nói vụ đâm chìm tàu cá Philippines là "tai nạn thông thường"

Tình hình Biển Đông thời gian qua đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Điều này một lần nữa làm dấy lên quan ngại của nhiều nước trước những bước đi đầy phiêu lưu của Trung Quốc để hiện thực hóa tham vọng lưỡi bò phi pháp này.

Trong đó, hành vi bồi lấp các đảo nhân tạo, quân sự hóa với việc đưa máy bay chiến đấu J – 11, hệ thống tên lửa HQ – 9 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khiến cho những cam kết trước đó của Trung Quốc với các bên liên quan đang dần bị “cuốn theo chiều gió”.

Để hiểu rõ hơn bản chất của tình hình hiện nay, PV Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Lê Mã Lương – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

tuong le ma luong nguy co mat tu do bay tren bien dong da hien huu

Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Lê Mã Lương – Nguyên Giám đốc bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. (Ảnh Thảo Phượng).

PetroTimes: Thưa Thiếu tướng, ông có bình luận gì về chuyến thị sát của tướng Phạm Trường Long – Phó chủ tịch Quân ủy TƯ Trung Quốc tới quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hôm 15/4 vừa qua?

Tướng Lê Mã Lương: Phải thấy rằng, bản chất bành trướng của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông là xuyên suốt nhiều năm nay rồi. Mỗi bước đi của nước này càng thể hiện tính hiếu chiến, hung hăng và sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn cả kinh tế, ngoại giao và quân sự để áp đặt các yêu sách chủ quyền phi lý của họ trước các nước láng giềng có cùng yêu sách.

Sự việc tướng Phạm Trường Long – Phó chủ tịch Quân ủy TƯ đã có chuyến đi trái phép ra Trường Sa trùng với thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có chuyến công du Châu Á và đến thăm Philippines giám sát cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines, thăm cụm tác chiến tàu sân bay John C. Stennis đang đồn trú trên Biển Đông.

Đây được hiểu là hành động dằn mặt mà Bắc Kinh muốn gửi đến khối các nước G7. Vì trước đó, khối này đã ra tuyên bố lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Đồng thời, đó cũng là hành vi thách thức Mỹ.

tuong le ma luong nguy co mat tu do bay tren bien dong da hien huu

Hình ảnh ông Ashton Carter – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thị sát cùng Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin trên hàng không mẫu hạm John C. Stennis ở Biển Đông. (Ảnh: Defence.gov).

PetroTimes: Theo ông việc máy bay quân sự Y – 8 của Trung Quốc công khai hạ cánh phi pháp xuống đá Chữ Thập hôm 17/4 sẽ báo hiệu những nguy cơ tồi tệ nào có thể diễn ra trên Biển Đông trong thời gian tới?

Tướng Lê Mã Lương: Nguy cơ nhãn tiền về một kịch bản Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Biển Đông, đe dọa an toàn và tự do bay qua vùng biển này đối với Việt Nam nói riêng và cả khu vực Đông Nam Á nói chung đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Chỉ trong vòng hơn 1 năm, Trung Quốc cấp tập xây dựng đảo nhân tạo, bố trí lực lượng quân đồn trú cùng với số lượng lớn vũ khí, khẩu đội tên lửa đất đối không HQ – 9 ra đảo Phú Lâm, hàng chục chiếc máy bay quân sự, chiến lược J -11 ra Trường Sa. Liên tục tập trận bắn đạn thật quy mô lớn, cộng với hành vi cản trở, đe dọa tàu cá của các nước đánh bắt trong ngư trường truyền thống đang là những hành động vô cùng nguy hiểm mà Bắc Kinh đang cố tình thực hiện.

Trước đây tôi cũng đã dự đoán trước sau gì Trung Quốc cũng sẽ đưa máy bay quân sự ra Trường Sa neo đậu ở các đường băng quân sự mà họ xây dựng trên các thực thể đảo nhân tạo. Sự xuất hiện của chiếc máy bay vận tải quân sự Y – 8 tại đá Chữ Thập hôm 17/4 đã minh chứng đó là sự thật.

Sâu xa hơn, hành vi lần này của Trung Quốc thể hiện một bước đệm để nước này tiến gần hơn tới việc thành lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ngay trên Biển Đông. Đặc biệt, thời điểm tháng 5 và tháng 6 sẽ là cơ hội tốt, khi đó là thời gian Tòa quốc tế ra phán quyết về vụ kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc mà Philippines khởi xướng.

Rõ ràng, nếu ADIZ thực hiện thì Việt Nam sẽ bị “cắt” đường ra biển và tự do đi lại trên Biển Đông. Điều tồi tệ sẽ này yêu cầu chúng ta có các bước đi mạnh mẽ hơn, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

tuong le ma luong nguy co mat tu do bay tren bien dong da hien huu

Những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã bố trí tên lửa phòng không, lắp đặt rada quan sát và các công trình khác trên một hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông (Ảnh: CSIS).

PetroTimes: Theo ông, trước các nguy cơ tiềm ẩn đó, Việt Nam cần có các bước đi cần thiết gì?

Tướng Lê Mã Lương: Thời gian qua, bất chấp phản ứng của dư luận Quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng, Trung Quốc vẫn ngang nhiên thực hiện những việc làm phi pháp. Phản ứng của chúng ta trước các hành vi xâm phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo mà Trung Quốc tiến hành, theo tôi là rõ ràng, và cần tiếp tục duy trì nhưng ở mức độ mạnh mẽ hơn.

Giờ đây, Trung Quốc dần hoàn thành việc cải tạo xong các bãi đá ngầm ở Trường Sa mà họ đã cưỡng chiếm của Việt Nam từ năm 1988 trở lại đây. Rồi liên tục có các bước quân sự hóa như xây dựng đường băng, đưa máy bay chiến đấu, pháo phòng không, tên lửa ra Biển Đông nhằm từng bước kiểm soát cửa ngõ ra biển của Việt Nam và đe dọa tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

Chúng ta là bên có chính nghĩa trong tay, tư liệu lịch sử và chứng cứ pháp lý cũng rất đầy đủ. Vì vậy theo tôi, cần đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục pháp lý để đưa vấn đề ra tòa án quốc tế.

PetroTimes: Có ý kiến cho rằng, Việt Nam không nên quá phụ thuộc vào một bên thứ 3 nào đó trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ông nhận định sao về việc này?

Tướng Lê Mã Lương: Chúng ta là một nước yêu chuộng hòa bình và luôn muốn sống trong hòa bình, hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới, Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ.

Nhưng với thực tế hiện nay, Trung Quốc đã công khai mưu đồ độc chiếm Biển Đông và thách thức toàn bộ các nước trong khu vực để thỏa mãn tham vọng bành trướng lãnh thổ ra biển, Việt Nam cần có sự đánh giá và nhìn nhận vấn đề thật toàn diện và thận trọng.

Khi vấn đề này có sự tham gia ngày càng tích cực và sâu hơn của các bên liên quan như Mỹ, Úc, Nhật Bản hay Ấn Độ thì chúng ta cũng cần áp dụng linh hoạt đường lối ngoại giao đa phương. Sử dụng các biện pháp đấu tranh pháp lý cần thiết chứ không phải chỉ phụ thuộc vào một bên thứ ba nào đó. Bởi lợi ích của các bên là khác nhau.

Tôi xin nói thêm, trong tư duy quân sự của Việt Nam, chưa bao giờ có từ “run sợ”. Bất cứ kẻ thù nào xâm phạm đến bờ cõi này thì đều bị đánh bại. Việt Nam sẽ luôn bảo vệ hòa bình, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ bằng chính nghĩa!

PV: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Nhật Minh – Thảo Phượng