Tương lai của chính sách Abenomics

07:14 | 05/10/2015

1,284 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi “3 mũi tên” cũ của chính sách kích thích kinh tế Abenomics giai đoạn 1 vẫn chưa đạt được hiệu quả như những gì đã kỳ vọng sau gần 3 năm thực hiện, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiếp tục “bắn” đi “3 mũi tên” mới khi công bố giai đoạn hai của Abenomics.  

Những con số thất vọng

Cách đây gần 3 năm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố chương trình kích thích kinh tế mang chính tên của ông - Abenomics với “3 mũi tên thần kỳ” gồm: biện pháp tiền tệ mạnh mẽ, biện pháp tài chính linh động và chiến lược tăng trưởng để vực dậy sự đầu tư của khu vực tư nhân.

Ý tưởng cơ bản của Abenomics là thông qua “chính sách tiền tệ táo bạo” (mũi tên thứ nhất) nhằm xoay chuyển dự báo giảm phát trong nền kinh tế Nhật Bản, thông qua “chính sách tài chính linh hoạt” (mũi tên thứ hai) để nâng cao nhu cầu thực tế, xóa bỏ lỗ hổng cung cầu, đồng thời với nỗ lực thoát khỏi giảm phát, thực hiện “chiến lược tăng trưởng kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân” (mũi tên thứ 3) nhằm thúc đẩy tăng trưởng, khơi dậy sức sống kinh tế và xã hội.

tuong lai cua chinh sach abenomics

Thông qua mũi tên thứ nhất và mũi tên thứ hai, Abenomics đã thu được thành tích rất tốt trong “thử thách nhỏ” về việc ứng phó với vấn đề hiện thực ngắn hạn của kinh tế Nhật Bản. Nhưng trong “thử thách lớn”, thông qua mũi tên thứ 3 để ứng phó với mức tăng trưởng trung hạn và dài hạn, thì thành tích ban đầu không lý tưởng, chính sách và biện pháp tăng trưởng bền vững trung hạn và dài hạn trong khi thực hiện lại không đầy đủ. Do vậy, trong thời gian gần 3 năm thực thi, Abenomics cũng đã để lại một số vấn đề.

Tháng 3-2013, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã áp dụng biện pháp nới lỏng tiền tệ quy mô lớn về “số lượng và chất lượng”. Theo biện pháp này, BoJ sẽ cung cấp một nguồn tài chính lớn cho thị trường bằng cách mua lại trái phiếu chính phủ, tín phiếu và các loại chứng khoán khác, nhằm kéo Nhật Bản ra khỏi vòng xoáy giảm phát bằng cách đạt được mục tiêu lạm phát khoảng 2% trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, biện pháp trên chỉ phát huy tác dụng khi đồng yên yếu đi và giá chứng khoán tăng. Do đó, đến giai đoạn thị trường chứng khoán thế giới bất ổn trong tháng 8-2015, chủ yếu bắt nguồn từ thị trường Trung Quốc, biện pháp tiền tệ trên đã bộc lộ điểm yếu của mình.

Chỉ số giá tiêu dùng cho thấy tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản hiện đang giảm xuống mức gần 0%. Giá dầu thô thế giới giảm sâu và giảm liên tục cũng đóng góp một phần vào việc này. Nhiều nhà kinh tế ở khu vực tư nhân dự đoán rằng tỷ lệ lạm phát sẽ tăng trên 1% vào năm tài khóa tới. Những gì người ta cho là tác dụng phụ của biện pháp nới lỏng tiền tệ đã bắt đầu xuất hiện.

Một trong những tác dụng không mong muốn là cán cân thương mại bị thâm hụt. Mặc dù giá dầu thô giảm cũng khiến mức thâm hụt thương mại của Nhật Bản đang có xu hướng cải thiện, nhưng do ảnh hưởng của việc đồng yên giảm giá, tình hình đang có dấu hiệu ngày càng xấu đi. Tháng 8-2015 ghi dấu tháng thứ 5 liên tiếp Nhật Bản rơi vào thâm hụt thương mại (569,7 tỉ yên, tương đương khoảng 4,7 tỉ USD).

BoJ có lẽ không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ lạm phát về 0% thì ngân hàng này sẽ phải hoãn mục tiêu đạt được lạm phát 2%.

Những mục tiêu tham vọng

Muốn khắc phục tình trạng giảm phát kéo dài 15 năm và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững cần phải có thời gian nhất định và nguồn vốn “chính trị” để đảm bảo. Sau khi ông Abe tái đắc cử Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền và có được tỷ lệ ủng hộ đảm bảo để ngồi vững trên ngôi vị Thủ tướng trong ít nhất 3 năm nữa, chiến lược Abenomics chắc chắn sẽ được tiếp tục thúc đẩy.

Abenomics giai đoạn hai, hay Abenomics phiên bản 2.0, gồm có 3 mũi tên mới gồm: kinh tế tăng trưởng mạnh, hỗ trợ nuôi dạy trẻ em và cải thiện an sinh xã hội. Ba mũi tên của giai đoạn hai tập trung nhiều vào an sinh xã hội, khác hẳn về chất so với 3 mũi tên của giai đoạn một vốn tập trung vào tài chính - tiền tệ.

Sự thay đổi mục tiêu trong Abenomics phiên bản 2.0 không khó để lý giải, bởi Nhật Bản vốn được biết là cường quốc của những người già và chính cơ cấu dân số già với tỷ lệ sinh sản thấp đã và đang là gánh nặng đặt lên vai nền kinh tế.

Tỷ lệ sinh thấp đã đành là có một phần nguyên nhân do xu hướng xã hội, nhưng dân số già cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy. Theo số liệu điều tra của Bộ Thông tin và các vấn đề đối nội Nhật Bản, khoảng 150.000 người già, hầu hết ở cấp độ 3 (trong hệ thống 5 cấp độ) hoặc cao hơn, tức là không tự chăm sóc được bản thân, cần sự hỗ trợ đặc biệt, đang phải xếp hàng chờ đợi để vào các nhà dưỡng lão. Tình trạng này kéo theo thực tế hằng năm có khoảng 100.000 người trong độ tuổi lao động bỏ việc để chăm sóc cha mẹ già, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ít nhân công.

Để giải quyết triệt để vấn đề này, Thủ tướng Shinzo Abe đã đặt mục tiêu nâng cao tỷ suất sinh của quốc gia từ 1,4 ở hiện tại lên 1,8 vào năm 2020, đồng thời hỗ trợ giáo dục mầm non miễn phí, hỗ trợ cho các cặp vợ chồng điều trị vô sinh và hỗ trợ nhiều hơn cho các gia đình bố/mẹ đơn thân. Điều này được hi vọng sẽ giúp đảm bảo dân số của Nhật Bản - hiện tại khoảng 127 triệu người, trong vòng 50 năm tới vẫn trên 100 triệu người.

Bên cạnh đó, số nhà dưỡng lão sẽ được tăng lên để đảm bảo không ai phải xếp hàng chờ đợi nữa, trong khi vẫn nhắm đến mục tiêu tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho người về hưu.

Tuy nhiên, ông Abe vẫn cam kết sẽ tăng thuế suất thuế tiêu thụ lên 10% vào tháng 4-2017, để “chặn đứng một cú sốc” tương tự như vụ sụp đổ của Lehman Brothers hồi năm 2008 - khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe mô tả 3 mũi tên mới của mình sẽ cung cấp “hi vọng”, “giấc mơ” và “sự yên tâm”, nhưng rõ ràng, với gánh nặng an sinh xã hội trong nước, giữa lúc tình hình kinh tế - chính trị - xã hội thế giới đang xuất hiện rất nhiều vấn đề từ khủng hoảng di dân, nợ công của Hy Lạp… đe dọa đến tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu, việc các mục tiêu tham vọng của Abenomics 2.0 có đạt được không vẫn là một dấu hỏi lớn.

 

Linh Phương

Năng lượng Mới 462

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc