Bé gái 7 tuổi hiến giác mạc

Tuổi nhỏ nhưng làm việc lớn

07:00 | 07/03/2018

496 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu chuyện về bé Hải An, 7 tuổi ở Hà Nội, trước khi mất vì căn bệnh hiếm gặp - u thần kinh đệm cầu não lan tỏa - đã đăng ký hiến giác mạc cho những bệnh nhân cần ghép mô tạng - làm lay động hàng triệu trái tim và dấy lên một việc làm vô cùng nhân văn, chỉ trong 2 ngày 26 và 27-2-2018, đã có 20 người đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đăng ký hiến tạng.

Hiến tạng là tâm nguyện

Sau ca hiến tạng đầu tiên vào năm 2007 cũng của một em bé dưới 10 tuổi thì Hải An là trường hợp trẻ em thứ hai hiến mô tạng. Tháng 9 năm ngoái là một năm chắc chắn sẽ không thể quên đối với gia đình Hải An, nhất là mẹ của em. Vì đó là ngày đầu tiên Hải An có dấu hiệu liệt dây thần kinh số 7 làm cho miệng em méo và mắt có hiện tượng song thị. Gia đình đã đưa em đi châm cứu và điều trị bằng phương pháp Đông y nhưng tình trạng không cải thiện nhiều.

Đến tháng 11-2017, Hải An được mẹ đưa đi chụp CT thì kết quả đã làm cho cả gia đình chết lặng khi hình ảnh một khối u thể hiện rõ trên phim. Kết luận của bác sĩ ghi rõ: “U thân não”. Trời đất như sụp đổ đối với mẹ em. Và càng đau buồn hơn khi bác sĩ cho biết, sự sống của Hải An chỉ được tính bằng ngày.

tuoi nho nhung lam viec lon
Bé Hải An

Từng ngày, từng ngày… điều trị cho Hải An trôi qua một cách nặng nề và chậm chạp. Sự sống của em thay vì tiến triển sau những đợt xạ trị thì lại càng xấu đi cho đến đầu giờ chiều ngày 22-2-2018, Hải An đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng. Nhưng trước khi về cõi thần tiên em đã hoàn thành tâm nguyện của một thiên thần - tặng lại ánh sáng cho những bệnh nhân có nguy cơ mù lòa bằng việc hiến giác mạc.

Mẹ Hải An kể, lúc em còn tỉnh táo, hai mẹ con thường xuyên tâm sự, thủ thỉ với nhau về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, trong đó có cả chuyện hiến mô tạng. Vì mẹ Hải An từng chia sẻ trên mạng, mong muốn được hiến xác cho y học, còn nội tạng trao tặng cho ai trong danh sách chờ ghép, riêng đôi mắt sẽ tặng cho chị gái của mình.

Theo mẹ Hải An, em cũng có tâm nguyện như vậy. Trước lúc hôn mê sâu, em đã kịp nói với mẹ: “Mẹ hãy đợi nghe tiếng tim con đập một lần nữa”. Và mẹ Hải An đã trả lời: “Mẹ sẽ chờ nghe tiếng tim con đập trong cơ thể bạn khác”.

Khi Hải An sắp qua đời, mẹ Hải An đã gọi điện đến Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến tạng. Tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ cho phép nhận nguồn tạng hiến từ người đủ 18 tuổi trở lên, trong khi Hải An mới 7 tuổi. Cho nên cuối cùng, mẹ Hải An lựa chọn hiến giác mạc của em cho những bệnh nhân bị bệnh lý về giác mạc để có thể hoàn thành tâm nguyện của con.

Đánh thức sự nhân văn

Những ngày qua, câu chuyện về cô bé Hải An lan tỏa như một làn sóng trong xã hội đã đánh thức sự nhân văn dường như đang ngủ quên trong mỗi người. Người ta vượt qua cả quan niệm vốn ăn sâu trong tiềm thức của người phương Đông rằng, “chết phải toàn thây”, “trần sao âm vậy”… để đi đăng ký hiến tạng. Trong 2 ngày 26 và 27-2, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã nhận được đơn đăng ký hiến tạng của 20 người, trong khi trước đó, nhiều nhất chỉ 1-2 người mỗi ngày. Chưa bao giờ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia lại nhộn nhịp như vậy.

Ngày 27-2, vợ chồng anh Võ Thanh Hải và Trần Thị Thu Hiền cùng đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đăng ký hiến tạng. Cả hai đều là quân nhân. Anh Hải công tác tại Học viện Kỹ thuật quân sự, chị Hiền làm việc tại Học viện Quốc phòng. Hai vợ chồng cho biết, câu chuyện về bé Hải An là động lực cho họ thực hiện việc làm ý nghĩa này.

Như anh Hải và chị Hiền, rất nhiều người đã đăng ký hiến tạng sau câu chuyện xúc động về bé Hải An nhưng họ không muốn công khai danh tính.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, những ngày qua, số lượng cuộc gọi tới đường dây nóng và thư gửi qua đường email của trung tâm để xin tư vấn về thủ tục thực hiện tăng gấp nhiều lần bình thường. Kể từ hôm 24-2, có gần 100 email gửi tới và rất nhiều cuộc gọi nhờ tư vấn. Riêng trong 2 ngày 26 và 27-2 đã có khoảng 20 người đến trực tiếp đăng ký.

Ông Phúc cũng nói: “Có nhiều tấm gương về hiến tạng khác không được biết tới bởi gia đình không muốn xuất hiện. Đây là một trong những rào cản lớn đối với công tác truyền thông, vận động hiến mô, tạng hiện nay. Nhiều người có người thân hiến tạng sau khi chết, chết não đã rất khổ sở với những điều tiếng từ dư luận... Chủ yếu họ bị mang tiếng "bán" tạng của người thân”.

Hiện nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng cấy ghép.

Với các gia đình hiến tạng, ngoài mục đích cứu người, làm việc thiện thì mong muốn cháy bỏng của họ là để người thân vẫn còn được hiện diện trên đời; để họ được tiếp tục sống dù là trong cơ thể của một người xa lạ. “Đó chính là tình yêu của những người còn lại đối với người ra đi, mà tình yêu của mẹ Hải An dành cho cô bé là một hiện hữu rất rõ ràng”, một cán bộ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ.

Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, hiện nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng cấy ghép. Từ năm 2006 đến nay, cả nước có hơn 1.000 người được ghép mô, tạng; trong đó nguồn mô, tạng chủ yếu từ người đang sống, người thân hiến một quả thận, một phần gan; nguồn tạng từ người cho chết não rất ít. Mỗi ngày tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có 2-3 bệnh nhân chết não có thể hiến tạng, nhưng số hiến tạng rất ít. Trong khi đó, một người chết não hiến tặng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác.

Hiện có hai địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời là Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).

Trong tang lễ của Hải An ngày 24-2, gửi lời từ biệt đến em, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã viết: “Bé đã làm được một điều khó tin, nhưng là sự thật”. Và điều đáng nói hơn, từ nghĩa cử cao đẹp ấy, Hải An dù còn nhỏ tuổi nhưng đã làm lan tỏa và dấy lên tấm lòng nhân ái, nhân văn của toàn xã hội.

Nguyễn Bách