Tự xuất khẩu chất xám

07:00 | 03/08/2016

5,019 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỗi năm Nhà nước đầu tư khá nhiều tiền của cho việc nghiên cứu khoa học và chế tạo máy móc. Nhưng hiệu quả không tương xứng với nguồn ngân sách bỏ ra.

Trong khi đó, nhiều bác nông dân không được hỗ trợ một đồng xu nào từ ngân sách nhưng lại tự nghiên cứu, chế tạo ra những loại máy móc và công cụ phục vụ đắc lực cho sản xuất và đời sống. Rồi chất xám của các bác nông dân lại được nước ngoài trân trọng và mời hợp tác. Nếu kéo dài mãi tình trạng này, chất xám của người dân Việt sẽ lần lượt xuất khẩu.

tu xuat khau chat xam
Bố con ông Hải bên chiếc xe bọc thép tự chế tạo

Ông Trần Quốc Hải (ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh) mấy năm trước từng nổi danh cả nước khi chế tạo chiếc trực thăng nhưng không được phép sử dụng. Ông đã bán cho một bảo tàng để triển lãm ở Mỹ. Rồi đến năm 2014, ông Hải được Chính phủ Campuchia trao tặng “Huân chương Đại tướng quân” khi sửa chữa thành công 11 xe bọc thép cũ (thời Liên Xô cũ) và đóng mới 1 xe bọc thép có tính năng vượt trội hơn. Trước đó, ông được mệnh danh là ông vua sáng chế máy nông nghiệp khi tạo ra máy trồng mỳ, lạc, phun thuốc trừ sâu, phục vụ nông nghiệp không chỉ ở Tây Ninh mà còn nhiều địa phương cả nước.

11 chiếc xe bọc thép mà hai bố con ông Hải phục hồi cho quân đội Campuchia có ưu điểm là chỉ tốn 25 lít dầu diesel chạy 100km thay cho 45 lít xăng như trước kia. Mỗi chiếc xe ấy ông được trả công 25.000USD. Còn chiếc xe bọc thép mới chế tạo được trả 200.000USD; xe này ưu điểm hơn là lắp được 3 súng đại liên mà có thể bắn ở cự ly 7m (xe kiểu cũ chỉ bắn được ở khoảng cách 150m trở lên).

Ở xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình có nông dân Bùi Văn Kiên chế tạo được chiếc lò đốt rác có khả năng đốt triệt để rác thải và sản sinh nhiệt lượng để phát điện với công suất 2.000kW. Nhưng ông Kiên đã phải dỡ bỏ chiếc lò chỉ vì bị Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình cấm chế tạo. Mặc dù từ năm 2011, ông Kiên đã có cuộc thử nghiệm công khai trước sự chứng kiến của cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình khi ông đốt một khối lượng từ rác sinh hoạt, rác công nghiệp (sắt thép phế liệu) cho đến rác thải y tế.

Lượng điện sản sinh ra đủ thắp sáng 20 bóng đèn sợi tóc 100W, còn lượng khói đen xả ra môi trường gần như không đáng kể. Đoàn cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã đo đạc những chỉ số điện năng từ chiếc lò này. Sau đó, ông cải tiến mô hình này hiệu quả hơn, đốt rác triệt để hơn, điện năng sản sinh ra ổn định hơn và đặc biệt là lượng khói thải ra môi trường chỉ là "khói trắng", không độc hại.

Người nông dân này không chỉ làm được máy đốt rác phát điện mà còn máy biến nước mặn thành nước ngọt, máy đốt rác sản sinh năng lượng làm bình nóng lạnh... Ông Kiên cho biết: “Tôi còn nhiều ý tưởng lắm, không có tiền, không được cho phép, cũng chả làm được gì”.

Một công ty của Nhật Bản đã quan tâm đến công nghệ của ông Kiên. Đại diện cho công ty này là ông Nukihiko Nakayama đã về tìm hiểu và nhận xét: “Trong sáng chế này, cái quý nhất là lò đốt rác ở nhiệt độ cao. Khi có lò đốt rác này rồi thì nhiệt năng sinh ra có thể làm được rất nhiều ứng dụng chứ không chỉ phát điện. Sáng chế của ông Kiên là duy nhất trên thế giới mà người Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Mỹ chưa ai có thể làm được".

Công ty Nhật ấy sẵn sàng đưa ông Kiên sang Nhật Bản để chế tạo cho họ công nghệ đó. Bởi Chính phủ Nhật Bản khuyến khích người dân tham gia sáng tạo trong việc gia tăng nhiệt năng và sử dụng các ứng dụng của nhiệt.

Mỗi năm chỉ tính các đô thị loại 4 trở lên đã có 6,5 triệu tấn rác thải các loại; còn tính cả nông thôn thì lượng rác thải lên đến hàng chục triệu tấn. Nếu ứng dụng lò đốt rác thải của ông Kiên thì vừa giảm được ô nhiễm môi trường, vừa sản sinh ra một lượng điện đáng kể phục vụ đời sống và còn nhiều công dụng khác. Thế mà sáng chế của ông Kiên đã bị bỏ đi.

Khắp cả nước, nhiều nông dân chế tạo ra các máy nông nghiệp nổi tiếng mà không cần bằng cấp hay học vị gì khiến các nhà khoa học phải im lặng.

Một nghịch lý đang hiện hữu, nếu Nhà nước không sớm có chính sách kịp thời và hợp lý đối với những người nông dân sáng tạo nói trên thì chất xám của họ sẽ được họ tự xuất khẩu sang những nước trọng nhân tài và có chính sách ưu đãi, cởi mở hơn.

Nhìn ra rộng hơn, hiện nay có một lớp trí thức trẻ say mê sáng tạo và hào hứng khởi nghiệp. Nhưng họ cũng bị những rào cản về pháp luật và chính sách nên đã có ý tưởng xin ra nước ngoài làm việc. Cụ thể là quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 292 Bộ luật Hình sự: “Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật”, có phạm vi điều chỉnh tương đối rộng nên không khuyến khích, thậm chí là làm khó đối với sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp. Bộ Tư pháp đang khẩn trương nghiên cứu, rà soát các điều luật liên quan để đề xuất phương án xử lý phù hợp. Nhưng nếu điều luật này không được sửa đổi thì chắc chắn dòng chất xám sẽ tự động được các nhà khoa học trẻ xuất khẩu sang các nước lân cận.

Bùi Đức

Năng lượng Mới số 544

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc