Từ Việt phủ Thành Chương, ngẫm về chữ “Thần”

07:00 | 09/06/2013

2,099 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong bối cảnh di sản văn hóa đang bị “phá hoại” toàn diện như hiện nay, có một người như Thành Chương đi gom góp từng mái nhà, từng con chó đá, từng cây cây cầu đá, từng cổng làng, thậm chí từng cái nơm úp cá, từng chiếc thúng, mủng, giần, sàng…. về để trông nom, gìn giữ thì thật đúng là “thần” giao cho ông làm công việc tưởng như vô vọng ấy.

Ngoài trời, nắng như hắt lửa vào mặt. Ấy vậy mà chỉ bước qua cánh cổng của Việt phủ thôi là một bầu không khí khác hẳn: Những cây cổ thụ um tùm, những cây cầu đá hàng trăm năm tuổi, những chú chó đá, rồi những tượng đá đủ loại… như toát ra hơi lạnh, làm cho con người ta thấy dịu hẳn đi.

Không ai có thể nghĩ rằng, chỉ hơn chục năm trước, nơi đây là một khu đồi gần như trọc lông lốc và lổn nhổn sỏi và đá gan gà. Loại đất đá ấy chẳng có thứ cây nào sống được cho ra hồn. Và để cho những cây cổ thụ mua về sống được ở đây, họa sĩ Thành Chương đã phải đi mua… đất về để nuôi cây.

Tôi tha thẩn trong khu Việt phủ và bỗng dưng như thấy mình được sống lùi về quá khứ… trong một không gian văn hóa thấm đẫm tinh thần Việt, phong cách Việt.

Việt phủ Thành Chương

Tôi vào căn nhà tưởng niệm nhà văn Kim Lân và sững sờ bởi cách thiết kế quá giản dị - giản dị như cuộc đời của nhà văn - Không có đồ đạc, không có gì cả ngoài bức tường quét sơn trắng và có những câu văn của nhà văn, mà theo như lời nhà văn Nguyễn Khải thì đó là “Thần viết. Thần mượn bàn tay người để viết…”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, khi mới lên 9 tuổi đã  có câu thơ: “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa. Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” và được một nhà thơ danh tiếng bậc nhất nước ta là Xuân Diệu bảo rằng: “Đó là câu thơ của… Giời. Người không viết được câu thơ như thế”.

Đọc lời của cụ Nguyễn Khải nói về văn của cụ Kim Lân, mới thấy đúng là có những thứ mà “người” không làm được, mà phải “thần”, hay nói một cách trìu tượng hơn thì đó là do thứ “khí hạo nhiên” - thứ khí linh thiêng của trời đất, của linh thiêng hồn người thổi vào mà nên.

Và khu Việt phủ Thành Chương này có lẽ cũng được tạo nên nhờ thứ khí hạo nhiên đó. Người trần, nặng nỗi lo cơm áo, nỗi khát khao danh vọng quyền lực, nỗi đam mê trần tục… không thể nào có đủ tình yêu, đủ đam mê, đủ dũng cảm và đủ sự lãng mạn, phiêu linh để làm nên một khu Việt phủ như thế này.

Nước Việt ta bây giờ, lắm đại gia giàu nứt đố đổ vách và họ đổ tiền, đổ của xây nên nhiều khu công viên với đủ loại đền, đài, cung điện và dĩ nhiên là giống như một nồi “lẩu thập cẩm” về văn hóa. Những khu vui chơi giải trí đó chỉ toát lên được cái sự thừa tiền nhưng thiếu văn hóa. Người ta kéo nhau đến xem và rồi tụ bạ ăn nhậu, lao vào các thú hưởng lạc khác… Cái giá trị văn hóa để lại thì chỉ là con số “không” to tướng.

Nhưng ở khu Việt phủ Thành Chương này thì hoàn toàn khác.

Nơi đây là một quần thể kiến trúc - văn hóa - tâm linh được thể hiện theo quan điểm và con mắt của họa sĩ Thành Chương. Trong làng hội họa, ông là một phong cách độc đáo, một tài năng và một nhân cách lớn.

Tất cả con người, cảnh vật, rồi con trâu, con chó, con bò… trong tranh của ông đều ngây thơ, trong sáng đến lạ kỳ. Nhiều khi tôi cứ thầm liên tưởng sự trong sáng trong tranh của ông với sự trong sáng hồn nhiên trong nhạc của Moza…

Ông sống bằng nghề, tuyệt nhiên không biết mánh mung, không gây vụ nọ, việc kia để PR cho mình.

Và công bằng mà nói, thu nhập từ vẽ tranh của ông không tồi. Nhưng than ôi! Có được đồng nào, ông lại dồn vào khu Việt phủ này hết.

Hơn chục năm nay, ông dồn tiền của, dồn sức lực, dồn tình yêu và tất cả sự đam mê của mình cho khu Việt phủ.

Để có khu Việt phủ này, ông phải tốn vào đây bao nhiêu? Con số này, Thành Chương không biết (và ông cũng chẳng quan tâm), bởi ông làm khu bảo tàng này bằng tình yêu cộng với cả sứ mệnh… Giời giao, cho nên chẳng có con số nào cụ thể. Chỉ biết là tốn nhiều. Tất nhiên phải tiêu tốn nhiều tiền thì mới làm được như thế. Bởi vì từng món đồ ở đây, thứ gì cũng là tiền. Một cái nhà cổ mang về cũng là tiền, khi phải đập đi cũng là tiền, mang vứt đi cũng là tiền. Nhiều tiền đến mức ông không dám tính toán, bởi vì nếu tính toán thì sẽ không dám làm. Mục đích có rồi và ông làm mọi cách để đạt được nó. Ông coi việc của mình là tình yêu văn hóa mạnh mẽ. Khách đến đây thường thấy rằng, họ yêu đất nước mình, điều tưởng như sách vở và xa xôi, nay thấy yêu thật cụ thể, yêu cha ông và tự hào về cha ông, thêm yêu dân tộc và mảnh đất mình sinh ra. Đó là hiệu ứng mà tác phẩm nghệ thuật của ông mang lại cho xã hội. Đây là điều mà chính ông cũng không ngờ tới.

Những kiến trúc cổ ở Việt phủ Thành Chương

Gây dựng nên một khu bảo tàng văn hóa độc nhất vô nhị đã khó, nhưng duy trì sự sống cho nơi này còn khó khăn hơn, bởi lẽ cần có tiền để nuôi người phục vụ, quét dọn, duy tu, bảo dưỡng. Cứ riêng cái việc quét lá rụng trong vườn hằng ngày cũng đã tốn cả chục lao động… Tôi thấy ở một số căn nhà cổ, rui mè, kèo cột, bậu cửa gỗ đã có mối xông, mọt gặm. Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, lại phải thay, phải sửa. Và dĩ nhiên là cũng phải… tiền!

Với họa sĩ Thành Chương, việc gọi là kinh doanh như bây giờ không vì lợi nhuận, chỉ là để thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc duy tu bảo dưỡng thôi. Tự nó nuôi nó mà mình không phải bỏ tiền túi ra nữa. Với thế giới, một nơi như Việt phủ sẽ vừa được bảo vệ, vừa được tôn vinh, tạo điều kiện khai thác triệt để nhằm đem lại lợi ích và lợi nhuận.

Mỗi năm, Nhà nước bỏ ra nhiều ngàn tỉ đồng để trùng tu các di tích. Mà đa phần các di tích được “trùng tu” ấy được đập đi, xây mới. Có thể nói, việc “trùng tu” di tích, đang được coi là cuộc “phá hoại” di tích một cách triệt để nhất, bài bản nhất và… hợp pháp nhất.

Lịch sử cận đại nước ta chứng kiến hai cuộc “phá di tích”.

Cuộc thứ nhất là ở miền Bắc, trong khoảng thời gian từ 1955 đến 1975.

Giai đoạn này, với quan điểm “xóa đi tàn tích phong kiến”, không ít đền chùa, miếu mạo bị biến thành trường học, trụ sở ủy ban, thành nhà kho; không ít những con đường lát đá bị cạy lên lấy đá xây trường học; không hiếm những con chó đá, nghê đá gác cửa đền, đình, gác cổng làng bị đem nung vôi. Nhưng các cuộc “phá hoại” này chỉ phá đi những di tích nhỏ, chưa được công nhận là di sản sản hóa, là di tích lịch sử được công nhận.

Cuộc “phá hoại” từ năm 1990 trở lại đây mới là khủng khiếp và được thực hiện bằng kinh phí quốc gia.

Với cái lý là “trùng tu”, những người có trách nhiệm trong việc quản lý di sản đã phó mặc, để người ta phá đi xây mới và cải tạo di tích theo cách họ nghĩ. Ngay tại Hà Nội, nhiều di tích lịch sử được phá đi, xây mới và họ nhồi nhét vào “di tích lịch sử đã được công nhận” ấy đủ thứ kiến trúc Tây, Tàu tạp nham.

Phải thẳng thắn mà thừa nhận một sự thực phũ phàng là không có quốc gia nào quản lý di sản văn hóa tổ tiên để lại kém như Việt Nam.

Tôi sang Cu Ba mới biết, khu phố cổ của Cu Ba được quản lý cực kỳ nghiêm ngặt. Người chịu trách nhiệm ở đây là một nhà sử học và có quyền hành cực lớn. Người dân sống trong khu phố cổ, muốn sơn lại cánh cửa, muốn đóng một cái đinh lớn ra ngoài mặt tiền căn nhà cũng phải có giấy phép và đừng tưởng là nhà của mình thì muốn làm gì thì làm. Cũng phải nói thêm rằng, ở Cu Ba, người duy nhất dám “chống” lại chính phủ là kiến trúc sư trưởng của thành phố. Không một công trình kiến trúc nào được xây dựng nếu như không có giấy phép của ông. Một việc ai cũng thấy là khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Giang Trạch Dân sang Cu Ba. Ông cùng với Chủ tịch Fidel Castro dự lễ động thổ xây dựng một khách sạn 5 sao. Lễ lạt xong xuôi, những tưởng khách sạn mọc lên ngay. Ai ngờ, ông kiến trúc sư trưởng không cấp phép, vì quần thể khách sạn đó không phù hợp với quy hoạch kiến trúc của La Habana. Phía Trung Quốc sửa lại lần thứ hai, trình lên, ông vẫn không duyệt… Thế là phía Trung Quốc tự ái. Và hơn chục năm trôi qua, bây giờ khu đất đó vẫn quây lại, cỏ mọc hoang dại.

Trông người lại ngẫm đến ta. Các cơ quan sinh ra để bảo tồn, giữ gìn di sản của ta có để cho vui, cho đủ “mâm bát”, chứ thực chất họ chẳng có chút quyền lực gì.

Trong bối cảnh di sản văn hóa đang bị “phá hoại” toàn diện như vậy, có một người như Thành Chương đi gom góp từng mái nhà, từng con chó đá, từng cây cây cầu đá, từng cổng làng, thậm chí từng cái nơm úp cá, từng chiếc thúng, mủng, giần, sàng…. về để trông nom, gìn giữ thì thật đúng là “thần” giao cho ông làm công việc tưởng như vô vọng ấy.

Ông là một “con dã tràng” đang xe cát, cố xây lại, gìn giữ chút văn hóa Việt để cho con cháu còn biết được rằng, ngày xưa… cha ông ta đã sống ở căn nhà như thế này, ngồi uống nước ở cái bàn như thế này…

Việc xây dựng khu Việt phủ Thành Chương cơ bản đã xong. Bây giờ chỉ còn là nuôi dưỡng, duy trì cho khu bảo tàng hoạt động và mang lại giá trị văn hóa đích thực cho xã hội. Nhưng đến lúc này, họa sĩ Thành Chương phải đối diện với một nỗi lo mà bao năm nay ông chưa nghĩ tới (hoặc chưa DÁM nghĩ) - ấy là một mai, khi ông đi về với bố - nhà văn Kim Lân - thì ai sẽ thay ông trông nom khu bảo tàng này? Chính vì vậy mà gần đây, ông đã nói đến việc hiến tặng lại khu bảo tàng này cho ai có đủ tâm, đủ tình yêu với di sản văn hóa cha ông để lại và dĩ nhiên là đủ cả tiền bạc, đủ kinh nghiệm quản lý.

Ờ, mà đúng thật? Giải quyết việc này như thế nào?

Thật ra việc này rất đơn giản.

Ở Việt Nam có nhiều bảo tàng tư nhân với nhiều quy mô khác nhau. Và hầu hết các bảo tàng này được thành lập một cách tự phát, từ tình yêu, tấm lòng và sự đam mê của từng người.

Nhưng cho tới nay, chưa có một cơ quan quản lý Nhà nước nào xem xét một cách thấu đáo, hiệu quả các bảo tàng tư nhân đó.

Tại sao không khuyến khích phát triển bảo tàng tư nhân?

Tại sao không tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho các bảo tàng này phát triển?

Tại sao không nghĩ tới việc là Nhà nước bỏ tiền ra mua lại khu bảo tàng như Việt phủ Thành Chương rồi xây dựng, mở rộng, phát triển lớn hơn nữa? Đã có người đi trước “mở đường” rồi, nay chỉ còn mỗi việc thừa hưởng, gìn giữ để tôn vinh văn hóa Việt mà còn không dám làm thì quả thật cũng chẳng còn gì để nói nữa.

Hằng năm, Nhà nước bỏ ra nhiều ngàn tỉ để “tạo điều kiện thuận lợi” cho người ta “phá di tích”, vậy nếu bỏ ra ít tiền để có một khu gìn giữ văn hóa cha ông theo đúng nghĩa tốt đẹp nhất thì cũng là việc nên làm chứ sao?

Nguyễn Như Phong