Lộ trình thay đổi hình thức quản lý hộ khẩu

Từ thủ công sang điện tử

06:39 | 23/11/2017

332 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung tướng Trần Văn Vệ - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) thông báo, sau khi xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư thì mỗi người dân sẽ có một mã số định danh. Chỉ cần truy cập vào mã số định danh sẽ ra thông tin công dân thay vì rất nhiều loại giấy tờ.  

Chiều 15-11, Báo Nhân Dân phối hợp Tổng cục Cảnh sát tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Lộ trình thay đổi hình thức quản lý hộ khẩu”. Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết, quản lý hộ khẩu, trong đó có tạm trú, thường trú và giấy chứng minh nhân dân là một giấy tờ tùy thân duy nhất chứng minh nhân thân của mỗi con người, không thể bỏ được, các nước trên thế giới cũng không bỏ được hộ khẩu. Sau khi xây dựng hoàn thiện Cơ sở dữ liệu dân cư thì mỗi người dân sẽ có một mã số định danh.

Mã số định danh chứa đựng 15 trường thông tin cơ bản của mỗi người, để sau này công dân giao dịch tại các cơ quan Nhà nước chỉ cần truy cập vào mã số định danh sẽ ra thông tin công dân thay vì rất nhiều loại giấy tờ. Vì vậy chỉ bỏ cách quản lý bằng thủ công như hiện nay sang quản lý bằng điện tử nghĩa là Cơ quan Công an vẫn quản lý bằng hộ khẩu. Còn về chứng minh nhân dân, Chính phủ đã cho phép cấp thí điểm căn cước công dân.

tu thu cong sang dien tu

Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết, tại Điều 2 của Nghị quyết 112/NQ-CP quy định: “Giao Bộ Công an căn cứ nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ thông qua trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Như vậy, việc đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và cấp chứng minh nhân dân sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi dự án được hoàn thành, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình triển khai thực hiện việc cắt bỏ thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân. “Như vậy, thông tin bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân từ ngày 30-10-2017 là không chính xác. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như hiện nay” - Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định.

Ông Nguyễn Công Khanh: Hiện Bộ Tư pháp đã mở rộng ra 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng phần mềm đăng ký khai sinh và trực tiếp kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cấp số định danh cá nhân. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, Bộ Tư pháp tiếp tục mở rộng thêm 10 tỉnh nữa.

Cũng tại buổi tọa đàm, có nhiều ý kiến đề cập đến các thủ tục hành chính có kèm theo sổ hộ khẩu hiện nay. Theo Thượng tá Trần Hồng Phú - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) trực thuộc Tổng cục Cảnh sát, đến nay có tổng số 124 thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin công dân để giải quyết. Cơ quan chức năng đã lên phương án đơn giản hóa đối với 120 thủ tục hành chính, trong đó đề xuất bãi bỏ hoặc hủy bỏ 25 thủ tục hành chính; đơn giản hóa trình tự thực hiện đối với 12 thủ tục hành chính; cắt giảm thành phần hồ sơ của 81 thủ tục hành chính; sửa nội dung hai mẫu đơn, 13 tờ khai và đơn giản hóa 31 giấy tờ công dân.

Nói về lộ trình thay đổi hình thức quản lý hộ khẩu, Đại tá Phùng Đức Thắng - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư cho hay, việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm thay đổi quản lý dân cư từ thủ công bằng số hộ khẩu sang quản lý dân cư bằng công nghệ cao thông qua mã số định danh. Khi công dân được thu thập 15 trường thông tin theo quy định tại khoản 1, Điều 9 Luật Căn cước công dân thì công dân sẽ được xác lập một số định danh cá nhân sử dụng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bỏ sổ hộ khẩu nhưng quản lý hộ khẩu vẫn được quản lý trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho nên những gì liên quan đến hộ khẩu cũng không thay đổi. Việc quản lý này giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước cải cách thủ tục hành chính, bỏ các thủ tục gây phiền hà cho nhân dân mà theo lộ trình sẽ bỏ sổ hộ khẩu sau khi hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các quy định về đất đai, y tế, giáo dục có liên quan đến sổ hộ khẩu hoàn toàn không bị xáo trộn khi sử dụng phương pháp quản lý mới này mà nó còn tạo điều kiện cho công dân trong các giao dịch, đăng ký sử dụng.

Còn theo ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) nói, để cấp một số định danh cho trẻ vừa sinh ra, cán bộ tư pháp ở các địa phương thí điểm sẽ ghi nhận thông tin về trường hợp các cháu bé. Sau đó thông tin sẽ được cập nhât chuyển lên Bộ Tư pháp và chuyển sang Bộ Công an để lấy số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số, cấu trúc 6 số đầu là: Mã thế kỷ sinh; Mã giới tính; Mã năm sinh của công dân; Mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Còn 6 số sau là các số ngẫu nhiên của công dân. Mã số định danh cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến suốt đời, không trùng lặp ở người khác.

tu thu cong sang dien tu

Trung tướng Trần Văn Vệ

Bộ Công an đã cấp căn cước công dân tại 16 tỉnh. Theo Luật Căn cước công dân, đến ngày 1-1-2020, 47 tỉnh còn lại sẽ cấp hết căn cước công dân với số định danh công dân. Bởi vậy việc hiểu bỏ hộ khẩu, căn cước công dân là không đúng. Từ nay cho đến khi cơ sở dữ liệu về công dân hoàn thiện thì mọi việc vẫn diễn ra bình thường.

Song Nguyễn