“Tử thần” mang tên methanol

13:42 | 13/03/2017

936 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã xảy ra hàng chục vụ ngộ độc rượu với số nạn nhân lên đến hàng trăm người. Và một thực tế đáng báo động là rượu không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ lại được bày bán công khai khắp nơi…

Tràn lan rượu không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ

Trung tuần tháng 2/2017, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra vụ ngộ độc rượu tập thể khiến gần 80 người nhập viện, trong đó có 9 người thiệt mạng. Kết quả xét nghiệm chất methanol trong máu của các bệnh nhân cho thấy nhiều người có nồng độ methanol trong máu cao, trường hợp nồng độ methanol cao nhất là 326 mg/dL (nồng độ methanol trong máu trên 20 mg/dL là ngộ độc, trên 40 mg/dL là ngộ độc rất nặng).

tu than mang ten methanol
Bác sĩ thăm khám cho các bệnh nhân ngộ độc methanol.

Còn theo kết quả kiểm nghiệm 3 mẫu rượu lấy tại vụ ngộ độc thực phẩm ở Lai Châu cho thấy, hàm lượng methanol là 970 mg/l cồn 1000; 556.000 mg/l cồn 1000 và 475.000 mg/l cồn 1000. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn và Tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng, hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/l cồn 1000.

Ở Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay, có 23 người ngộ độc rượu phải vào Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, trong đó 5 người thiệt mạng. Mới đây nhất là vụ một nhóm sinh viên quê ở Gia Lai, đang tạm trú trên địa bàn quận Cầu Giấy đã phải nhập viện do ngộ độc rượu.

Vụ sinh viên ngộ độc do uống rượu nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Chính phủ phải có công điện yêu cầu các cơ quan chức năng khắc phục hậu quả và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Thế nhưng, một nghịch lý đáng báo động đó là, rượu không nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ lại được bày bán công khai khắp mọi nơi.

Trong vai khách đi ăn cơm, tối 12/3, chúng tôi có mặt tại một quán cơm sinh viên trên địa bàn Mễ Trì Hạ (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Sau khi gọi đồ ăn, tôi hỏi chủ quán về đồ uống thì được bà chủ niềm nở giới thiệu đủ các loại rượu. Nào thì rượu ngâm chuối hạt, rượu ngâm quả táo mèo, rượu trắng, rượu nếp cái hoa vàng… giá dao động từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/chai/0,5 lít. Mỗi loại rượu có màu vị khác nhau, nhưng tựu chung là được đóng vào vỏ chai nước lavie.

Thấy thực khách tỏ vẻ lo ngại về chất lượng, bà chủ quán với giọng trầm ồm nói: “Các chú cứ yên tâm uống nhé, rượu chị nhập từ quê Hưng Yên đó. Có vấn đề gì chị chịu trách nhiệm”. Dù chủ quán quả quyết về trách nhiệm, nhưng với số vụ, số người nhập viện do uống rượu “rởm” vừa qua khiến chúng tôi ngán ngẩm.

Không chỉ riêng quán cơm sinh viên trên bán rượu theo kiểu cam kết miệng, qua khảo sát một số quán ăn nhậu trên đường Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Trung Kính, Láng… cho thấy, đa số các quán xá có bán rượu trắng, rượu ngâm thực vật được đóng vào vỏ chai lavie.

Rượu hay methanol?

Theo tìm hiểu, ngộ độc rượu có nguyên nhân trực tiếp là chất methanol có trong cồn công nghiệp. Cồn công nghiệp được pha vào rượu với mục đích tăng nồng độ của rượu. Đây là một chất cực độc, một khi vào cơ thể, sẽ chuyển hóa thành các axit gây tổn thương tế bào, đặc biệt là mắt, não, gan dẫn đến tử vong.

Methanol là một dạng đơn chất của cồn. Nó gần giống với ethanol, một loại cồn có trong bia, rượu và etilic nhưng chứa rất nhiều chất gây hại. Khả năng methanol xuất hiện trong các loại rượu tự chưng cất sẽ là một hiểm họa đối với sức khỏe người dùng.

tu than mang ten methanol
Rượu ngâm xác động vật, bò sát, thực vật xuất hiện ở nhiều quán nhậu - ảnh MH.

Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tùy thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống. Thông thường có hai giai đoạn. Thứ nhất là giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua hoặc trẻ nhỏ không được phát hiện.

Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn.

Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng... nhằm tránh hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân không tỉnh, ứ đọng hầu họng nhiều, thở nhanh và thở sâu, thậm chí có co giật thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... thì cần phải đưa tới bệnh viện khám.

Để điều trị ngộ độc methanol thì lời khuyên đầu tiên từ các chuyên gia đó là ngay lập tức tìm đến các trung tâm y tế khi nghi ngờ mình bị nhiễm độc. Tại bệnh viện, bác sĩ có thể điểu trị ngộ độc methanol bằng cách đưa vào cơ thể chất ethanol, giúp ngăn chất độc lây lan bằng việc cản trở sự sản sinh của axit formic. Việc điều trị cần diễn ra càng sớm càng tốt.

Một cách khác để xử lý đó là sử dụng một loại thuốc có tên fomepizoke. Giống như ethanol, loại thuốc này giúp ngăn chặn quá trình độc tố methanol tiết ra trong cơ thể. Bệnh viện cũng có thể dùng phương pháp thẩm tách máu để lọc methanol ra ngoài.

Chiều 7/3, Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã họp khẩn với các sở ngành, quận huyện để bàn về biện pháp truy xuất, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn.

Sau hơn 1 tuần ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, các đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 225 cơ sở, lấy mẫu xét nghiệm tại labo 25 mẫu; niêm phong gần 2.000 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; tiến hành xử phạt 18 cơ sở với số tiền gần 70 triệu đồng.

Tính đến chiều 7/3, đã có kết quả xét nghiệm 10 mẫu rượu, trong đó có 2 mẫu rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng rất cao. Cụ thể, mẫu rượu trắng pha cẩm lấy tại quán cơm Vĩnh Thành (khu giãn dân phường Mộ Lao, quận Hà Đông) có hàm lượng methanol lên tới 202.475mg/L, vượt ngưỡng cho phép 2.002 lần. Mẫu rượu ngâm của gia đình ông Nguyễn Đình Chính (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) có nồng độ là 89.680mg/L, vượt ngưỡng gần 900 lần.

Thiên Minh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.