Từ tàu lặn ngầm đến khách sạn dưới đáy biển

07:00 | 31/08/2015

2,668 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu chuyện về ông Phan Bội Trân chế tạo tàu ngầm bán cho Malaysia và mới đây là hàng trăm chiếc cho Thái Lan để phục vụ du lịch khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ. Người Thái đã đầu tư vào du lịch thì chắc chắn phải thu hút được du khách.  

ong phan boi tran va dam me dong tau ngam o tuoi ve gia

Ông Phan Bội Trân và đam mê đóng tàu ngầm ở tuổi về già

Ông Phan Bội Trân chỉ chọn niềm đam mê nghiên cứu và đóng tàu ngầm ở tuổi về già. Ông mong muốn những công trình nghiên cứu của mình để lại sẽ giúp ích cho Quân đội nhân dân Việt Nam.

Dự án bất ngờ

Cái duyên của ông Trân để tàu lặn ngầm được hoạt động tại Thái Lan cũng rất đỗi tình cờ. Năm 2014, ông Trân sản xuất cho một công ty du lịch Malaysia 30 chiếc tàu lặn ngầm khiến cho Thái Lan phải để mắt đến. Lượng khách du lịch đến với Malaysia được thỏa thích lặn dưới đáy biển trong veo, ngắm san hô và đàn cá bơi lượn. Thái Lan cũng chẳng chịu thua, họ tìm đến nhà môi giới người Pháp yêu cầu chế tạo hàng trăm chiếc như của Malaysia nhưng phải có những khác biệt. Người môi giới này đã liên lạc với ông Phan Bội Trân để đặt vấn đề ký hợp đồng và sản xuất hàng loạt. Ông Trân không lưỡng lự mà chấp nhận yêu cầu của người môi giới.

tu-tau-lan-ngam-den-khach-san-duoi-day-bien-1

Ông Phan Bội Trân

Đợt này, người môi giới đột ngột tăng giá cao hơn và có một số yêu cầu khắt khe hơn. Ông Trân nói, sở dĩ công ty du lịch của Thái Lan đặt mua tàu lặn của ông vì cạnh tranh du lịch.

Malaysia và Thái Lan đều được mệnh danh là những nơi thu hút du lịch hàng đầu trong khu vực châu Á cũng như trên thế giới. Những điểm vui chơi của Thái Lan cũng như Malaysia đều có những trò chơi khác biệt. Người Thái biết bỏ tiền để đầu tư vào các loại hình vui chơi lạ lẫm, hấp dẫn du khách. Nếu trước đây, dù lượn được xem như trò chơi bãi biển thu hút khách du lịch thì nay, tàu lặn mang thương hiệu Phan Bội Trân lại “lên ngôi” để xuống biển.

Ông Trân nghĩ đến việc thiết kế thiết bị lặn có thể thở bình thường, thoải mái. Người ngồi trên thiết bị lặn của ông Trân có thể lặn ở độ sâu cách mặt nước biển 2m. Ở bên trên có phao nổi để không cho thiết bị lặn có thể xuống độ sâu lớn hơn. Khi lặn, một nửa thân của người chơi sẽ ướt trong nước biển và phần thân còn lại hoàn toàn khô ráo trong lồng kính. Thiết bị lặn không có cửa nên người chơi dễ dàng chui ra, chui vào và thoát hiểm trong trường hợp có sự cố.

tu-tau-lan-ngam-den-khach-san-duoi-day-bien
Tàu lặn ngầm của ông Phan Bội Trân

Tàu lặn ngầm được làm bằng vỏ nhựa composite. Loại nhựa composite có đặc tính không bị mục, chịu được độ mặn của nước biển cũng như các hóa chất. Tàu lặn có chiều dài 2m, ngang 0,8m và cao 1,9m. Trọng lượng tàu khi trên cạn khoảng 250kg và chìm ở dưới nước chỉ khoảng 500gram. Tàu lặn ngầm được thiết kế treo trên một tàu mini khác nổi trên mặt nước bằng sợi dây cáp inox. Dây cáp có đường kính 4 ly đảm bảo sức nặng của tàu khi lặn.

Tàu lặn ngầm của ông Phan Bội Trân được cách điệu và cải tiến dựa trên thiết bị lặn có từ hàng chục năm trước. Ông Trân dựa trên nguyên lý lặn đơn giản của các thợ lặn chuyên nghiệp dưới đáy biển. Ông thiết kế theo mẫu mã riêng và ý tưởng dựa trên áo giáp lặn của những người thợ lặn sử dụng nón có đầu bịt đồng, kèm theo ống nhựa dài để tiếp ôxy. Người thợ lặn còn phải đeo trên người bình ôxy để dự phòng.

Hàng trăm tàu lặn ngầm của ông Trân sẽ chế tạo tại Thái Lan. Nói về mối lo bị lộ công nghệ sản xuất, ông chỉ sợ mẫu mã có thể bị “sao chép” cách điệu nhưng vẫn tự tin về công nghệ lặn - nổi được đảm bảo tuyệt đối.

Ông Trân nói đầy tự tin, Thái Lan và Malaysia cấp phép để sản xuất hàng loạt tàu lặn ngầm một cách dễ dàng.

Họ giải thích với ông Trân lý do cần phát triển ngành du lịch không khói. Du lịch đối với một số nước Đông Nam Á trở thành một ngành công nghiệp và mang về cho một số quốc gia này giá trị thặng dư vô cùng lớn.

Những nghiên cứu sáng chế của “chuyên gia tàu lặn ngầm Việt Nam” được nước ngoài trọng dụng nhưng cũng phải biết cách “tiếp thị”. Ông Trân tính toán đến cách giới thiệu sản phẩm tàu lặn ngầm ra nước ngoài với chi phí rẻ nhất. Ông tính toán 2 cách để tiếp thị sản phẩm đến với khách hàng. Nếu có tiền, ông sẽ sản xuất hàng loạt rồi quảng bá tàu lặn ngầm để tiêu thụ sản phẩm và xuất đi bán.

Lúc này, người sản xuất được quyền sử dụng tên tuổi của khách hàng và ký hợp đồng trực tiếp. Ông Trân không chọn cách này vì chi phí quảng cáo sẽ khá cao và kèm theo số vốn đầu tư lớn. Ông lựa chọn cách an toàn hơn thông qua những hợp đồng của người môi giới. Ở nước ngoài, làm ăn phải có chữ tín. Ông Trân đã giữ được uy tín với nhà môi giới nên những hợp đồng với các quốc gia có nhu cầu mua tàu ngầm đều được giới thiệu đến. Ông Trân xác định, nếu làm ăn trực tiếp với công ty du lịch ở Thái Lan, lợi nhuận từ những chiếc tàu lặn của ông sẽ gấp đôi so với việc thông qua nhà môi giới. Ông Trân cũng không bao giờ nghĩ đến ý định “đi đêm” với các công ty du lịch để phá vỡ hợp đồng nhằm hưởng lợi. Ông nặng chữ “tín” như muốn đưa sản phẩm tàu lặn của mình đến với nhiều nước trên thế giới.

Ở nước ngoài, những sản phẩm do các công ty trong nước sản xuất ra phải được người dân hoặc chính quyền nước sở tại đón nhận. Sản phẩm của những quốc gia này phải có tên tuổi ở trong nước mới tính đến chuyện xuất bán ra nước ngoài. Chẳng hạn, ở Mỹ, máy bay Boeing được người dân và các hãng bay trong nước đặt hàng sản xuất để phục vụ cho người dân. Sau đó, hãng chế tạo tàu bay này được các nước trên thế giới đặt mua, trong đó có Việt Nam. Hay như ở Âu châu, hãng máy bay Airbus được người dân Âu châu đón nhận rồi mới được bán rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Còn ở Việt Nam, ông Trân không bán được bất kỳ chiếc tàu lặn ngầm nào cho các công ty chuyên phục vụ du lịch bởi nhiều lý do tế nhị.

Ấy vậy mà, những chiếc tàu lặn ngầm ấy được các nước có nền du lịch chuyên nghiệp xem là điểm nhấn cho khách du lịch đến thưởng thức.

Ý tưởng khách sạn dưới đáy biển

Mẫu tàu lặn trên được ông Phan Bội Trân nghĩ ra cách đây 4 năm, khi còn làm tàu ngầm Yết Kiêu 1. Ông Trân đã nghiên cứu về tàu ngầm từ rất lâu và nghiên cứu nhiều loại. Ông khẳng định không phải là người “phát minh” ra tàu ngầm mà được kế thừa từ nguyên lý hoạt động của tàu lặn ngầm. Ông Trân mong muốn ngành chế tạo tàu ngầm ở Việt Nam thực sự phát triển thành nền công nghiệp nhưng theo hướng đóng tàu dân sự. Khi còn ở Pháp, ông cảm nhận được chính phủ nước này đã có những chính sách kích thích sự nghiên cứu chế tạo của người dân.

Ông nhớ lại thời gian còn sống ở Pháp: “Nhà nhà sáng chế máy bay, người người được quyền sáng chế máy bay với mục đích chỉ phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí và nghiên cứu”. Tất cả máy bay của người dân Pháp sản xuất ra chỉ mang tính dân sự. Không lâu sau đó, Pháp đã có một nền công nghiệp máy bay dân sự và quân sự mà điển hình là chiếc Rafale từng gây nhiều tiếng vang trên bầu trời quốc tế. Chiếc máy bay đầu tiên của hãng này sản xuất đã được Bộ Quốc phòng Pháp mua lại để phục vụ cho đất nước.

Ông Trân cho hay, bên Pháp tạo mọi điều kiện và cơ chế thoáng để người dân có thể nghiên cứu sản xuất máy bay dân dụng. Người sáng chế, chế tạo thành công máy bay đều có thể đăng ký để cho phép được bay thử. Chính phủ Pháp thông qua tất cả các giấy phép này và người chế tạo ra “đứa con tinh thần” sẽ được trực tiếp vận hành. Một điều hiển nhiên, mọi trục trặc hoặc sự cố có liên quan và người bay thử có bị thiệt mạng đi chăng nữa thì cũng phải tự chịu trách nhiệm.

Trở lại câu chuyện sản xuất tàu lặn ngầm, ông Trân đã được nghiên cứu, chế tạo một phần và về lại Việt Nam mới có điều kiện để tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện. Ở Pháp, ông không có một số tiền lớn để chế tạo và vận hành thử do chi phí khá đắt đỏ. Trên cơ sở nắm bắt được nguyên lý vận hành, ông bắt đầu mày mò chế tạo tàu ngầm Yết Kiêu 1. Tàu lặn ngầm hoạt động không đơn giản như nhiều người nghĩ mà phải biết cách tinh chỉnh cho cân bằng ở dưới mặt nước. Đi hết thành công này đến thành công khác, ông Trân đã hoàn thiện được tàu lặn ngầm phục vụ cho ngành công nghiệp du lịch tại Thái Lan với hợp đồng trên 300 chiếc. Dù rất muốn nói ra về cái giá rẻ bèo của tàu lặn này bán cho Thái Lan nhưng tác giả bài viết đã cam kết với ông Trân không công bố nên xin hẹn với độc giả vào dịp khác.

Sau thành công của tàu lặn ngầm du lịch, ông Phan Bội Trân đang tiếp tục nghiên cứu tàu lặn dành cho 2 người cùng một lúc. Ông cũng tiếp tục chế tạo tàu lặn ngầm khô phục vụ cho du lịch để ngắm san hô và cá biển. Nếu như những gì ông Phan Bội Trân đã phân tích về nguyên lý của tàu lặn ngầm thì rất có thể trong thời gian không xa, ông Trân sẽ là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu và chế tạo ra khách sạn ở dưới biển? Chúng ta hãy chờ xem!

Ông Phan Bội Trân (SN 1954, quê quán TP Huế, hậu duệ của cụ Phan Bội Châu) tên thật là Phan Bội An. Năm 1974, ông Trân đi du học tại Pháp ngành hóa học, chuyên về composite và nhựa kỹ thuật của trường Đại học Marseille. Năm 24 tuồi (1978), ông tốt nghiệp đại học và làm việc cho công ty Comex của Pháp chuyên về tàu ngầm, vỏ máy bay trực thăng.

Năm 2006, ông về lại Việt Nam làm nghề tóc giả và thành lập công ty để nghiên cứu thiết kế máy móc, vỏ tàu, xe đạp điện, đồ chơi trẻ em. Năm 2010, ông sáng chế thành công tàu lặn ngầm mini bằng nhựa composite mang tên Yết Kiêu 1. Tàu có thân tàu dài 3,2m, bề ngang 1m, cao 1,5m, nặng 1 tấn và vận hành bởi 1 người lái.

Hưng Long

Năng lượng Mới 452+453