Từ lính đặc công đến "chuyên gia giữ lửa"

10:00 | 27/01/2017

1,377 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều năm qua, Trịnh Trung Hòa đã trở thành một cái tên được người dân tin tưởng trong lĩnh vực tư vấn tâm lý, đặc biệt là những ca tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình. Ông cũng là tác giả có khá nhiều đầu sách về tình yêu - hôn nhân và nghệ thuật làm vợ, làm chồng… bán khá chạy. Song có lẽ ít người biết, thời trai trẻ Trịnh Trung Hòa từng có một thời gian “vào sinh ra tử”, là một chiến sĩ đặc công với nhiều chiến công nức tiếng…  

Căn phòng nhỏ nằm trên tầng tư của một căn nhà trên phố Võng Thị, bốn mùa lộng gió Hồ Tây là nơi chuyên gia tư vấn tâm lý thường xuyên tiếp khách hàng và cũng là nơi Trịnh Trung Hòa nghiên cứu, viết sách, viết báo… Trên chiếc bàn làm việc bề bộn giấy bút sách vở, một chiếc màn hình “khủng” được đặt trang trọng. “Tôi thường xuyên phải nghiên cứu tài liệu trong và ngoài nước qua mạng Internet, nên phải đầu tư dàn máy tính tới hơn ba chục triệu đồng” - chuyên gia tư vấn chia sẻ.

Gần 20 năm kinh nghiệm làm tư vấn, Trịnh Trung Hòa đã giúp đỡ hàng nghìn lượt khách hàng gặp những vấn đề rắc rối trong tình yêu, hôn nhân và gia đình. Gọi ông là “chuyên gia giữ lửa” cho các gia đình cũng không phải là quá.

tu linh dac cong den chuyen gia giu lua
Chuyên gia tư vấn Trịnh Trung Hòa - chuyên gia giữ lửa cho nhiều gia đình

Nhắc đến nguồn cơn gắn bó với tâm lý học và trở thành nhà tư vấn tâm lý, ông Hòa mới bật mí cho tôi câu chuyện mà rất ít người biết. Đó là trước khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, đi học rồi làm giảng viên môn Tâm lý học của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, ông từng là chiến sĩ đặc công.

Ngoài 20 tuổi chàng thanh niên Hòa đang là giáo viên một trường THCS thì được chọn theo học Đại học Sư phạm I Hà Nội. Năm 1968, khi đang học năm thứ nhất anh được gọi nhập ngũ. Thời điểm đó cuộc chiến kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn khốc liệt nhất. Binh nhất Trịnh Trung Hòa vượt qua vòng khám tuyển và được biên chế vào lính đặc công. Cả tiểu đoàn được huấn luyện và gấp rút lên đường vào chiến trường miền Nam.

Sau ba tháng ròng rã đi bộ, vượt qua biết bao trận bom rải thảm của giặc, Hòa cùng đồng đội đã đến được nơi tập kết (chiến khu thuộc ngoại vi kinh thành Huế). Tại đây, Hòa được lớp đặc công đàn anh thuộc hàng giỏi nhất toàn quân tổ chức huấn luyện cực kỳ bài bản. Từ một sinh viên khoa Văn, song có tố chất sức khỏe tốt, Hòa đã vượt qua được tất cả những bài kiểm tra công phu với lính đặc công như: võ đối kháng, vượt tường cao, hàng rào dây thép gai nhiều lớp, ngâm mình dưới nước, ngụy trang ở các địa hình… Trong thời gian này, đế quốc Mỹ tiếp tục leo thang bắn phá miền Bắc. Đại đội của Hòa, ai cũng căm thù giặc, một lòng tập ngày tập đêm để chờ đến ngày được giết giặc lập công.

tu linh dac cong den chuyen gia giu lua
Ít người biết chuyên gia tư vấn này từng là một chiến sĩ đặc công. Ảnh minh họa

Một buổi sáng sớm, bất ngờ có tiếng còi tập hợp toàn quân. Đại đội của Hòa được lệnh tổ chức hành quân bí mật. Lặng lẽ hành quân suốt nhiều giờ đồng hồ, xuyên qua những cánh rừng lồ ô bạt ngàn cho đến chiều tối Hòa cùng đồng đội mới có mặt tại địa điểm tập kết. Lúc ấy Hòa mới biết là đại đội đặc công của mình được giao nhiệm vụ bí mật tập kích vào một đồn giặc ở đồi Vỹ Dạ. Tin trinh sát của ta báo về, chiều hôm trước một tiểu đoàn lính Mỹ vừa đổ bộ xuống với ý đồ đánh lấn lên chiến khu. Kế hoạch của ta là đêm hôm đó phải đánh phủ đầu, khi mà đối phương còn chưa kịp sắp xếp đội hình, bố phòng…

Trước giờ G, toàn bộ chiến sĩ được trang bị đầy đủ súng ngắn, bộc phá… và được ngụy trang bằng một lớp bùn từ chân đến đầu, chỉ lộ đôi mắt. Trước đó trinh sát ta đã vẽ được sơ đồ bố phòng của đồn giặc để phổ biến cho toàn đơn vị, cá nhân mỗi chiến sĩ cũng được giao nhiệm vụ cụ thể. Do có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng, trận đánh chỉ diễn ra trong vòng mươi phút. Một đại đội đặc công (38 người) của ta đã diệt gọn một tiểu đoàn lính Mỹ (451 tên), thu nhiều vũ khí đạn dược. Phía ta thương vong không đáng kể. Sau trận đánh, đại đội được lệnh rút lên chiến khu tránh đòn trả thù của đối phương. Cá nhân Trịnh Trung Hòa được nhận Huân chương Chiến công.

Trong hai năm, Hòa cùng đồng đội tham gia khoảng 5-6 trận đánh công đồn chớp nhoáng. Khoảng cuối năm 1970, trong một trận đánh Hòa bị trúng một mảnh đạn vào đầu. Anh được đưa về hậu phương chữa trị.

“Ban đầu tôi được đưa về bệnh xá của trung đoàn, sau được đưa ra hẳn ngoài vĩ tuyến 17, là bệnh xá tập trung của cả Liên khu IV. Thời điểm huấn luyện và đánh đồn ở Huế, tuy lương thực khá đầy đủ nhưng cánh lính tráng đều rất vất vả vì phải ăn nhạt. Muối đã khan hiếm, nước mắm lại càng quý hơn. Chính vì thế nên khi được đưa về bệnh xá, được ăn cơm rau chấm nước mắm, cứ hết bữa tôi lại trút nước mắm thừa vào bi đông nước “để dành”. Sau đến bữa thứ tư, thứ năm đều có nước mắm rất ngon thì tôi mới thôi không phải “trữ” nữa” - ông Hòa kể.

Cứ ngỡ là trị thương xong sẽ được quay về đơn vị tiếp tục chiến đấu, chẳng ngờ Hòa được cấp trên tạo điều kiện cho về học tiếp đại học. Sau ba năm thì ông tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, được phân về giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Và mối lương duyên với ngành tâm lý học tình cờ mở ra…

Giảng dạy một thời gian tại Trường Mỹ thuật Công nghiệp, một hôm Hòa được thầy hiệu trưởng gọi vào phòng và đề nghị một việc khiến Hòa bất ngờ: “Trường ta đang rất thiếu giáo viên Tâm lý học mà thừa giáo viên văn. Tôi thấy cậu nhanh nhẹn, tháo vát nên muốn cử cậu đi học thêm về ngành này, để sau quay về trường công tác”.

Dù rất yêu môn Văn, song Hòa cũng không nỡ từ chối đề nghị của thầy hiệu trưởng mà ông vốn kính trọng. Sau ba năm theo học tại một số trường đạo tào, nghiên cứu tâm lý học; đồng thời tự mày mò nghiên cứu các tài liệu của nước ngoài Hòa cảm thấy đủ tự tin để đứng trên bục giảng truyền đạt môn “Tâm lý học trong nghệ thuật”. Giờ giảng của ông hầu hết các sinh viên đều cảm thấy rất “sướng” vì được học một người có kiến thức và cũng rất “tâm lý”. Ngoài thời gian giảng dạy ở trường, nhiều lần ông phải xắn tay vào tư vấn cho các cặp vợ chồng bạn bè có khúc mắc trong đời sống gia đình. “Để có thể khiến cho họ tỉnh ngộ thì mình phải có kiến thức, có vốn sống. Từ đó mà tôi phải đọc thêm nhiều sách báo của nước ngoài như Anh, Pháp, Nga… Lâu dần tự nhiên khối kiến thức về hôn nhân - gia đình cứ dày lên theo năm tháng. Và nghề “giữ lửa” cho các gia đình Việt cũng từ đấy mà hình thành” - ông Hòa chia sẻ.

tu linh dac cong den chuyen gia giu lua
Ông Trịnh Trung Hòa đang tư vấn cho một khách hàng

Đến tuổi nghỉ hưu Trịnh Trung Hòa tiếp tục tham gia tư vấn tâm lý, trở thành diễn giả cho nhiều cơ quan tổ chức doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều công chức, viên chức, nghệ sĩ… cũng thường xuyên liên hệ để nhờ ông tư vấn về nhiều ca đặc biệt của gia đình. Đơn cử như trường hợp một ca sĩ nổi tiếng ở Hà Nội, thông qua một số quan hệ quen biết đến đặt vấn đề nhờ trị bệnh trầm cảm cho bố của cô.

Đây thật sự là một ca khó, vì cụ già hơn 70 tuổi kiên quyết không hợp tác với bác sĩ hay chuyên gia tâm lý. Cả ngày ông không nói không rằng, không ăn uống (hoặc ăn rất ít) khiến cho cơ thể ngày một gày mòn héo úa. Cô ca sĩ lo lắng đến mất ăn mất ngủ, đưa bố đi khám ở nhiều bệnh viện mà chứng bệnh vẫn không thuyên giảm.

Do có kinh nghiệm tư vấn tâm lý cho người già, ông Hòa từng bước tìm hiểu, nói chuyện và “khui” ra được “tâm bệnh” của cụ ông. Nguyên nhân là do cụ bà đã mất nhiều năm, cụ ông có tình cảm với một người phụ nữ hàng xóm song bị các con ngăn cản kịch liệt. Chúng dọa sẽ từ mặt bố nếu ông định tục huyền. Khổ nỗi cụ ông không những có nhu cầu được giao lưu, được chăm sóc bởi bàn tay người phụ nữ mà thậm chí nhu cầu sinh lý của ông cũng còn khá cao. Và khi bị ngăn cản kịch liệt thì cụ ngày một trở nên khó tính rồi sinh bệnh trầm cảm.

Ông Hòa một mặt phải tư vấn cả tâm lý cho cô ca sĩ và người thân hiểu được tình trạng của ông cụ, phương pháp giải quyết sao cho vẹn toàn; đồng thời còn làm “chim đưa thư” đến người phụ nữ là “người yêu” của ông cụ sống cách đó mấy dãy phố. Phải mất vài tháng trời cô ca sĩ mới dần chấp nhận việc gia đình sẽ có thêm thành viên mới.

Trường hợp bà M.P (62 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và chồng 65 tuổi cũng là một ca đòi hỏi nhiều tâm huyết của chuyên gia tư vấn. Theo lời bà P, vợ chồng bà tuy tuổi tác không quá chênh lệch nhưng chuyện vợ chồng của họ lại gặp trục trặc. “Từ lâu tôi đã không còn ham muốn nhưng nhu cầu tình dục của chồng thì vẫn không khác gì thời trai trẻ” - bà nói.

Ban đầu bà P cũng cố gắng chiều chồng, nhưng do sức khỏe yếu nên mỗi lần ông đòi hỏi bà lại cảm thấy ngán ngẩm, sợ hãi. Lâu dần bà ấy rơi vào trạng thái miễn cưỡng, bực bội và không còn đáp ứng được nữa.

Kết quả là chồng bà cảm thấy mình không được vợ chiều sinh ra thất vọng, cáu bẳn. Ông cho rằng bà không yêu chồng nên có những lời lẽ nặng nề, khiến cuộc sống của họ thêm căng thẳng.

Bà nói thật lòng: Tôi quá mệt mỏi, căng thẳng vì tình trạng này kéo dài. Đến mức tôi “bật đèn xanh” cho ông ấy ra ngoài giải quyết. Thậm chí tôi còn đưa thêm tiền cho chồng để ông ấy đi tìm niềm vui ở ngoài. Tôi chỉ yêu cầu ông “vui vẻ” nhưng không được để con cái biết chuyện, không được mang tài sản cho người tình và không để lại hậu quả.

Tuy nhiên chồng tôi là một người mẫu mực, ông không bao giờ chấp nhận những chuyện trái luân thường đạo lý như bồ bịch, ngoại tình hay chỉ là “bóc bánh trả tiền” bên ngoài. Ông ấy cự tuyệt tất cả những lời đề nghị ấy của tôi và chỉ muốn vợ phải “phục vụ”.

Trước tình trạng nan giải, có phần bế tắc này chuyên gia tư vấn trước hết khuyên người vợ luôn phải nuôi dưỡng tình cảm với đối phương (và thể hiện ý muốn chồng cũng phải như vậy). Một khi họ còn muốn làm cho người bạn đời thỏa mãn thì có nhiều cách để làm hài lòng nhau.

Trong trường hợp tâm lý không tốt hoặc sức khỏe không ổn định bà P lựa thời gian tạo tình huống chia sẻ, tâm sự với chồng về vấn đề của mình. Việc này cần phải thật khéo léo, tế nhị, tránh làm bạn đời cảm thấy không được tôn trọng. Khi mà ông chồng không nghe, bà P cố gắng động viên đối phương đi gặp bác sĩ, chuyên gia để xác định nguyên nhân và được tư vấn hướng khắc phục phù hợp. Sau nhiều tháng trời kiên trì thực hiện theo các hướng dẫn của chuyên gia, vợ chồng bà P đã dần có một cuộc sống yên vui, thuận hòa.

Một ca khác, có đôi vợ chồng đang mâu thuẫn quyết liệt, tìm đến chuyên gia tâm lý mà trong lòng họ chỉ nghĩ đến việc ra tòa ly hôn. Họ cho rằng cuộc hôn nhân của cả hai đã đến mức vô phương cứu chữa. Sở dĩ họ còn chưa dứt khoát nộp đơn ra tòa chỉ vì nghĩ đến con cái.

Khác với những nhà tư vấn khác, chuyên gia Trịnh Trung Hòa không tập trung vào giải quyết mâu thuẫn của họ. “Mâu thuẫn được giải quyết, vợ chồng không còn xung đột, nhưng nếu tình yêu giữa họ không còn thì hôn nhân vẫn không có lý do để tồn tại, trước sau gì họ cũng ly hôn. Trái lại nếu tìm cách khôi phục được tình yêu mà họ từng có với nhau thì mâu thuẫn tự khắc được giải quyết” - ông Hòa chia sẻ.

tu linh dac cong den chuyen gia giu lua
Chuyên gia tư vấn Trịnh Trung Hòa trong một talkshow

Và phương pháp tư vấn của ông không phải là hòa giải xung đột (như các tổ hòa giải thường làm) mà bắt đầu bằng khôi phục tình yêu trong mỗi người. Qua nghiên cứu sách vở cũng như trải nghiệm thực tế, Trịnh Trung Hòa thấy rằng, trong mỗi chúng ta có một ngân hàng tình yêu (love bank) và mỗi đối tác hôn nhân có một tài khoản trong ngân hàng đó. Tình yêu sẽ chết khi “số dư tài khoản” của mỗi người cạn kiệt.

Để có thể trở thành một nhà tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, theo ông Hòa trước hết cần phải được học hành một cách bài bản, tử tế và phải học suốt đời. Nhà tư vấn luôn phải cập nhật mọi kiến thức mới nhất, để ứng dụng một cách sáng tạo vào những trường hợp cụ thể. Đặc biệt là phải có tấm lòng vị tha, mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với khách hàng, thực tâm coi những mâu thuẫn, những âu sầu ưu tư của khách hàng như của mình và phải tìm cách hóa giải.

“Nếu bây giờ mỗi ngày bạn bỏ thêm được vào tài khoản của mình một đơn vị tình yêu (love unit) thì số dư tài khoản của bạn sẽ tăng dần, tình yêu sẽ được phục hồi. Chỉ khi nào ta biết được người kia đang cần cái gì, nếu ta thêm vào được đúng cái đó là thêm được một đơn vị tình yêu. Chẳng bao lâu số dư tài khoản của bạn sẽ đầy ắp, tình yêu giữa vợ chồng sống lại, ly hôn sẽ bị đẩy lùi”.

Yên Chi