Dự thảo Luật phí và lệ phí:

Từ góc nhìn chuyên gia

23:38 | 24/09/2015

783 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu chuyện phí và lệ phí đang ám ảnh nhiều người dân cũng như các doanh nghiệp. Chuyện một con gà phải “cõng” tới 14 loại phí là ví dụ tiêu biểu. Mới đây, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề trong dự thảo Luật phí và lệ phí” để đóng góp ý kiến sửa đổi bổ sung cho Dự thảo Luật phí, lệ phí sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vào tháng 11 tới.
Bất cập, tồn tại khi thực hiện quy định về phí, lệ phí

6 điểm mới đáng chú ý của dự thảo

Tại hội thảo, các đại biểu được thông tin về kết quả phân tích tham vấn của nhóm chuyên gia kinh tế, tài chính, chính sách ở trung ương và địa phương.

tu goc nhin chuyen gia
PGS.TS Lê Xuân Trường

Theo nhóm tác giả PGS.TS Lê Xuân Trường và PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) thì so với Pháp lệnh Phí và lệ phí, dự thảo luật lần này có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, trong đó có 6 điểm mới chủ yếu bao gồm:

Đầu tiên, khái niệm phí đã phản ánh đúng bản chất của các khoản thu. Sự sửa đổi khái niệm phí này được đánh giá đã có những tác động tích cực: đối tượng thu phí của Nhà nước thu hẹp lại, Nhà nước mở rộng xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ cho xã hội, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo công bằng hơn trong cung cấp dịch vụ công.

Thứ hai, quy định rõ và phân biệt hai chủ thể “người nộp phí, lệ phí” với “tổ chức thu phí, lệ phí”, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức thu phí, lệ phí và quản lý thu phí, từ đó, đảm bảo tính rõ ràng trong tổ chức thực hiện, tính minh bạch, công khai trong quản lý thu phí, lệ phí.

Thứ ba, về thẩm quyền xác định danh mục phí và lệ phí mở rộng hơn, giao cho Quốc hội chứ không phải là của Thường vụ Quốc hội như Pháp lệnh nữa.

Thứ tư, thống nhất một nguyên tắc xác định mức thu phí chung, đồng thời áp dụng nguyên tắc “đảm bảo bù đắp chi phí” thay cho nguyên tắc “đảm bảo thu hồi vốn trong thời gian hợp lý”, bổ sung thêm nguyên tắc xác định mức thu “hợp lý”. Quy định này có tác động tới mọi tổ chức, cá nhân được Nhà nước cung cấp dịch vụ công.

Thứ năm, về thẩm quyền xác định mức thu phí, lệ phí: Quốc hội quyết định nguyên tắc xác định mức thu và không giao Chính phủ quy định chi tiết nguyên tắc xác định mức thu như trước đây. Chính phủ được giao thẩm quyền quy định chi tiết mức thu trên cơ sở nguyên tắc mà luật quy định.

Thứ sáu, quy định về danh mục phí và lệ phí. Đây là điểm mới nổi bật nhất của dự thảo luật lần này. Xét về số lượng, giảm 22 khoản phí và 3 khoản lệ phí. Và như vậy, sự thay đổi này hướng tới thúc đẩy xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ, giảm bao cấp của Nhà nước, hướng tới huy động nguồn lực của xã hội để đầy từ cung cấp dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ tạo sự sẵn có của những dịch vụ không nhất thiết Nhà nước phải là người cung cấp, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập theo hướng “ai hưởng người đó trả tiền”.

PGS.TS Lê Xuân Trường nhấn mạnh, những thay đổi cơ bản của dự thảo luật sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ và toàn diện để điều chỉnh các mối quan hệ về thu ngân sách trong cung cấp và sử dụng dịch vụ công; khắc phục triệt để tình trạng tùy tiện, tự phát trong tổ chức thu phí, lệ phí; đảm bảo lợi ích chính đáng của công dân; mở rộng dân chủ, công khai và công bằng trong thu phí, lệ phí…

Vướng mắc chưa đồng thuận

Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ mới quy định 170 khoản phí; 131 loại phí cộng lại đã thành 301 khoản. Sau đó, các UBND tỉnh lại chi tiết hóa các khoản đó thì cuối cùng sẽ lên tới một con số rất lớn.

PGS.TS Trường cho rằng, việc cần làm hiện tại là thống kê toàn bộ tất cả các khoản phí, khoản nào chồng chéo, vô lý thì loại bỏ. Và ông cũng đề nghị nên bỏ khỏi danh mục khoản “Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất” vì đã có “Lệ phí trước bạ” có tính chất thu này. Việc bỏ khoản lệ phí này sẽ giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và dân cư. Lệ phí phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên Internet cũng cần được loại bỏ vì đã có phí cấp tên miền địa chỉ sử dụng Internet.

Để đảm bảo quyền được học hành của trẻ em, thúc đẩy phổ cập giáo dục phổ thông, đảm bảo an sinh xã hội. PGS.TS Lê Xuân Trường đề nghị nên giữ lại học phí bậc học phổ thông trong danh mục phí. Theo ông Trường, đối với bậc đại học và giáo dục chuyên nghiệp thì có thể chuyển học phí sang cơ chế giá dịch vụ còn bậc học phổ thông thì không nên.

Đối với viện phí cũng vậy, PGS.TS Trường cho rằng, viện phí và học phí là hai khoản thu gắn bó chặt chẽ với người dân, nếu đồng loạt chuyển sang cơ chế giá dịch vụ sẽ trở thành gánh nặng, nhất là đối với người nghèo. Vì chi phí dành cho y tế và giáo dục, bao gồm cả chi phí khấu hao tài sản trong 2 lĩnh vực này là vô cùng lớn.

Về nguyên nhân của việc đang tồn tại quá nhiều các khoản thu dẫn tới việc “phí chồng phí”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính cho rằng: “Bởi Pháp lệnh hiện hành không tính tới sự phát sinh các khoản phí, lệ phí nên mới dẫn tới trình trạng “đẻ ra nhiều khoản thu” như vậy”.

Phần lớn các khoản thu phát sinh là do chính quyền địa phương và một số đơn vị sự nghiệp công lập ban hành. Tới đây, Luật phí, lệ phí do Quốc hội ban hành chi tiết danh mục các khoản thu thì “địa phương không đẻ ra thêm khoản thu được nữa”.

Phổ cập kiến thức kinh tế cho người dân

Là khẳng định của PGS.TS Lê Xuân Trường về giải pháp trong dài hạn để đảm bảo mục tiêu công khai, minh bạch các khoản phí, lệ phí.

Thời gian vừa qua, loạt bài điều tra “Gánh nặng quê nghèo” phản ánh việc người nông dân Hà Tĩnh mặc dù đã bán toàn bộ thóc lúa trên cánh đồng của mình nhưng vẫn không đủ tiền “nộp sản” trên Báo Nông nghiệp Việt Nam rất được dư luận quan tâm. Và một lần nữa được nhắc tới tại hội thảo lần này.

Câu hỏi được đặt ra là, tại sao địa phương của tỉnh Hà Tĩnh lại dễ dàng ban hành và thu của người dân nhiều khoản mập mờ vô lý như vậy?

“Là vì người dân không hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi nộp các khoản phí, lệ phí” - TS Trường khẳng định.

Thực tế vẫn còn tồn tại một bộ phận người dân thiếu hụt kiến thức pháp luật nói chung và pháp luật tài chính nói riêng, do đó không có khả năng phản kháng khi bị lạm thu. Ví dụ như khi đi ăn hàng bị tính thuế giá trị gia tăng nhưng không đề nghị cấp hóa đơn, đi gửi xe bị thu bát nháo các mức giá khác nhau nhưng dễ dàng cho qua vì nghĩ số tiền không lớn...

PGS.TS Trường cho rằng, Việt Nam cần phải học tập các nước phát triển, phải có chiến lược tầm quốc gia để phổ cập kiến thức tài chính cho người dân, nâng cao dân trí. Và để làm được kế hoạch này thì vai trò của truyền thông là rất quan trọng.

Đồng quan điểm với PGS.TS Trường, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cũng cho rằng, rất cần truyền thông trong việc phổ cập sao cho người dân thực sự hiểu quyền và trách nhiệm của mình trong nộp phí, lệ phí. “Có một thực tế là người dân ở khu vực phát triển, các thành phố, đặc biệt người làm khu vực Nhà nước và doanh nghiệp hiểu rất rõ về khoản thu - nộp, trong khi đó, người dân ở khu vực kém phát triển, ở khu vực nông thôn thì còn hiểu ít, thậm chí không hiểu hết về các khoản thu. Nếu khắc phục được điều này thì hiện tượng “lạm thu” sẽ không còn” - ông Cường phân tích.

 

Cẩm Tú

Năng lượng Mới số 459