Tư duy nhiệm kỳ và hệ lụy

13:00 | 23/08/2015

2,748 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đến thời điểm này, đại hội Đảng các cấp và đại hội của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp bầu ra ban lãnh đạo mới nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã đi được một nửa chặng đường. Theo thông lệ, kết thúc đại hội nào cũng được đánh giá giống nhau là “thành công tốt đẹp”.

Tiếng nói tâm huyết từ Đại hội

Tiếng nói tâm huyết từ Đại hội

Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội từ ngày 29 đến 31/7/2015. Báo Năng lượng Mới đã ghi lại một số ý kiến của lãnh đạo các đơn vị tại Đại hội.

Tuy nhiên, đã xuất hiện những vấn đề nan giải mà dư âm sau đó cho thấy một số đại hội chưa hoàn thành được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Có hai vấn đề nổi lên là công tác nhân sựtư duy nhiệm kỳ. Mặc dù nằm ngoài ý thức chủ quan của các ban tổ chức đại hội nhưng rồi nó vẫn tồn tại, khó khắc phục.

48-tu-duy-nhiem-ky

Trước hết nói về vấn đề nhân sự trong các đại hội. Đây là khâu hết sức quan trọng mà có làm tốt khâu này thì kết quả đại hội mới diễn ra đúng với dự kiến và mới được đánh giá là “thành công tốt đẹp”. Tuy nhiên, có những bất ngờ đã xảy ra. Từ nhiều năm trước, nhân sự chủ chốt cho nhiệm kỳ mới được đề cử nhưng không trúng cử vẫn có nhưng ít hơn. Còn gần đây và nhất là đến nhiệm kỳ này, sự bất ngờ ấy đã xuất hiện nhiều hơn. Có ý kiến cho rằng, đó là chuyện bình thường nhưng cũng có ý kiến ngược lại.

Đại hội đảng cấp xã phường và quận huyện cũng như các cơ quan, đơn vị đã có những đồng chí giữ vị trí chủ chốt như chủ tịch, bí thư, thủ trưởng đã thất cử ngay từ vòng bầu ban chấp hành mới. Đó là dấu hiệu không bình thường.

Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt. Những người đứng đầu về chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị đồng thời phải là những đồng chí đứng đầu đảng bộ. Nếu không là bí thư thì phải là phó bí thư hoặc thành viên trong ban thường vụ cấp ủy đảng. Còn trái lại, nếu không trúng ủy viên ban chấp hành thì tất yếu sẽ gặp khó khăn trong công tác điều hành, chỉ huy địa phương, đơn vị.

Ở một số tổ chức hội chính trị, xã hội hoặc nghề nghiệp cũng xảy ra tình huống khó xử như vậy. Có những hội dự kiến bầu ban chấp hành từ 15-17 người nhưng kết quả chỉ 6 người đạt quá bán. Lại có hội các nhân sự dự kiến cho chức danh Phó chủ tịch đều không đắc cử ủy viên Ban Chấp hành. Lại có tổ chức hội vừa công bố danh sách ban chấp hành mới xong thì có vài ba vị ủy viên ban chấp hành vừa trúng cử liền xin rút, không tham gia với những lý do khác nhau.

Tại sao lại xảy ra những tình huống bất ngờ như thế?

Nghiêm túc để nhìn nhận, mổ xẻ vấn đề thì có thể thấy mấy nguyên nhân chính. Một là, đối với những đồng chí cán bộ chủ chốt, được cơ cấu vào ban lãnh đạo khóa tới nhưng bị trượt do năng lực, trình độ và hiệu quả công việc của khóa trước kém.

Sự yếu kém đó được tập thể thấy rõ, quần chúng cũng đánh giá như vậy nên lá phiếu đã phản ánh đúng sự thật. Hai là, có những vấn đề về nội bộ như: mất đoàn kết hoặc đố kỵ cá nhân nên đại hội bỏ phiếu kín là cơ hội cho sự khuất tất lộng hành.

Về công tác tổ chức, không tỉ mỉ, chi tiết và có chỉ đạo chặt chẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến trục trặc. Theo quy định, số nhân sự đề cử để bầu không quá 30% so với số nhân sự dự kiến sẽ vào ban chấp hành mới để tập trung số phiếu. Nhưng ở một số đại hội đã để mất chủ động ở khâu này.

Đại hội Đảng bộ còn phát huy được tính tập trung, dân chủ nên việc khống chế số lượng nhân sự bảo đảm cho bầu cử thuận lợi hơn; còn những đại hội của các tổ chức hội thì lắm chuyện phức tạp. Bởi quá tự do, dân chủ nên trước giờ bỏ phiếu, tình trạng “vỡ trận” thường xảy ra bởi số lượng người được đề cử quá nhiều; người tự ứng cử cũng không ít. Thế nên có đại hội cần bầu khoảng 15 đại biểu vào BCH mới mà có đến hơn 500 vị ứng cử, đề cử.

Ở cấp xã phường, quận huyện còn có xu hướng vận động bầu cử cho dòng tộc, họ hàng. Trước mỗi nhiệm kỳ, bà con, anh em trong mỗi dòng họ đều tích cực vận động nhau tập trung phiếu cho người của họ hàng mình. Cuộc chạy đua ngầm này có tác động rất mạnh tới kết quả bầu cử. Bởi dòng họ nào đông người hơn, có thế lực hơn ở địa phương thì dễ dàng giành thắng lợi.

Trên đây là nói đến chuyện trước và trong đại hội. Còn chuyện “hậu đại hội” cũng lắm điều nan giải. Đó là tư duy nhiệm kỳ của những cán bộ, đảng viên trúng cử. Khi đã ổn định được cả ở vị trí lãnh đạo đảng và chính quyền thì các cán bộ này bắt đầu lo làm một vài việc gì đó gây ấn tượng ở địa phương, đơn vị. Nhưng làm gì phù hợp giữa ý đảng với lòng dân thì tác dụng thúc đẩy sự phát triển ở cơ sở, nâng cao đời sống nhân dân. Còn ngược lại, các vị làm theo sở thích chủ quan để lấy danh nghĩa đổi mới, cách mạng thì hậu quả khôn lường.

Một hiện tượng thường thấy là ê-kíp lãnh đạo mới rất quan tâm đến việc xây lại hoặc nâng cấp trụ sở làm việc, xây thêm những công trình. Tiếp đó là quy hoạch lại đất đai, mở thêm một con đường trong địa bàn mình quản lý. Mà đã có quy hoạch và xây dựng thì chắc chắn các quan sở tại sẽ có quyền lợi trong đó.

Nghĩa là trong nhiệm kỳ mà mình đảm nhiệm, bản thân và gia đình phải được cái gì. Trong khi đó, có những việc dây dưa kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của tập thể mà nhiệm kỳ trước chưa giải quyết dứt điểm, lãnh đạo nhiệm kỳ mới coi mình như người ngoài cuộc. Thế là những người dân có khiếu kiện đến đâu cũng cứ phải đợi chờ.

Và chuyện tranh công đổ lỗi cho nhau cũng diễn ra. Người kế nhiệm thì đổ cho người tiền nhiệm. Những gì người tiền nhiệm làm có thể bị người kế nhiệm cho là dở, dễ bị phủ nhận. Nếu có dư luận kêu ca, chỉ trích thì các vị làm ngơ hoặc tặc lưỡi mà rằng, làm sao cho yên ổn đến hết nhiệm kỳ là được! Tính kế thừa và phát huy không được quan tâm đến.

Vừa qua, Hà Nội tổ chức cuộc hội thảo "Thủ đô Hà Nội truyền thống, nguồn lực, định hướng và phát triển". Trong số hơn 50 tham luận đã có những ý kiến thẳng thắn nói về những kết quả tích cực đã đạt được và những tồn tại của Hà Nội trong những năm qua.

Một vị nguyên là lãnh đạo thành phố hơn chục năm trước nói: “Cảm giác đau ruột nhất là quản lý không có tính kế thừa, tư duy nhiệm kỳ nên cứ đời lãnh đạo này làm xong, hết nhiệm kỳ 5 năm, lãnh đạo khác lên lại chê Hà Nội hết lời, cho đập đi, làm lại cái mới. Tôi nghĩ không có gì tốn kém hơn cho xã hội như vậy. Cốt lõi mọi vấn đề đều xuất phát từ quan điểm “tân quan, tân chính sách” và tính đố kỵ”.

Vị này còn nói: “Qua 8 lần thay đổi quy hoạch thành phố từ năm 1957 đến 2008, tôi thấy rằng, những người làm con dấu phát triển kinh tế khá nhất. Bởi mỗi một lần thay đổi như vậy thì tất cả các con dấu lại phải làm lại”.

Nhưng thực ra thì không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương, đơn vị cũng có thực trạng ấy. Vì thế mà trước mỗi kỳ đại hội, công tác lựa chọn nhân sự cho nhiệm kỳ mới đòi hỏi rất công phu, làm sao tìm ra những con người “Dĩ công vi thượng”. Đây là một việc rất khó, nhưng khó vẫn phải làm.

Và chặng đường còn lại của đại hội đảng các cấp cũng như đại hội của các tổ chức chính trị, nghề nghiệp khác đều phải quan tâm. Mong sao giảm bớt cái “tư duy nhiệm kỳ” và những hệ lụy ấy!

Bùi Đức

Năng lượng Mới 450

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc