Tự dựng rào cản cho chính mình

14:44 | 04/10/2011

390 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ việc cà phê Buôn Ma Thuột cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam còn lúng túng trong đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp lầm tưởng nhãn hiệu đã được đăng ký ở Việt Nam thì đương nhiên được bảo hộ trên toàn cầu tư duy hoàn toàn sai lầm.

Mới đây, vụ cà phê Buôn Ma Thuột bị “đánh cắp” thương hiệu ở thị trường Trung Quốc đã làm dấy lên sự lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế, những năm qua, nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như kẹo dừa Bến Tre, thuốc lá Vinataba, nước mắm Phú Quốc… đã bị các doanh nghiệp nước ngoài xâm hại. Và, dường như những bài học phải trả học phí rất cao đó không được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.

Luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc bộ phận sở hữu trí tuệ, Công ty Luật Bross & Partners, người phát hiện ra vụ mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết: Những quy định pháp luật về đăng ký nhãn hiệu ở mỗi nước có những đặc thù riêng, song đều có chung một nguyên tắc ai nộp đơn đầu tiên, sẽ được quyền sở hữu. Doanh nghiệp Việt Nam chưa đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, việc mất thương hiệu là điều khó tránh khỏi.

Trao đổi về vụ việc này, ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) bày tỏ, đây không phải là lần đầu tiên sản phẩm của Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu. Trước đó, bánh đậu xanh Hải Dương, thuốc lá Vinataba… đã rơi vào tình thế này. Có những doanh nghiệp đã khởi kiện và dành được phần thắng ngay tại các nước sở tại. Tuy nhiên, cũng có nhãn hiệu không thể lấy lại được, điển hình như Viataba của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã bị một doanh nghiệp Indonesia chiếm mất từ năm 2002. Bởi vậy, các nhà sản xuất của Việt Nam cần phải quan tâm hơn nữa đến việc bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, thông qua nhiều cách thức khác nhau, ví dụ tại nước nào không có quy định đăng ký chỉ dẫn địa lý thì có thể đăng ký theo hình thức bảo hộ nhãn hiệu hoặc nhãn hiệu tập thể. Theo ông Nam, chúng ta cần nhanh chóng triển khai việc đăng ký sở hữu trí tuệ theo hệ thống đăng ký quốc tế, tránh trường hợp bị xâm hại, việc xử lý sẽ phức tạp, mất thời gian và chi phí vô cùng tốn kém.

Nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã bị một doanh nghiệp ở Trung Quốc đăng ký.

Theo ông Vinh, việc đòi lại chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột sẽ gặp không ít khó khăn vì vụ việc xảy ra ở nước ngoài nên phải tiến hành theo luật của nước sở tại. Tuy nhiên, có thể lấy lại được thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên hai căn cứ, Buôn Ma Thuột là chỉ dẫn địa lý quốc gia đã được bảo hộ từ năm 2005. Sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột đã xuất khẩu đi 60 nước trên thế giới, và nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, được công chúng Trung Quốc biết đến, đây là căn cứ chính. Thứ hai, chúng ta có thể chứng minh ý định của công ty ở Trung Quốc đã dùng công cụ pháp lý để cạnh tranh không lành mạnh. Rõ ràng, việc dùng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột trên sản phẩm cà phê của họ nhằm gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa.

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Cà phê Việt Nam hỗ trợ tỉnh tác động bằng con đường ngoại giao để yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ việc bảo hộ nhãn hiệu Buôn Ma Thuột tại nước này bằng văn bản. Nếu đấu tranh bằng ngoại giao không có kết quả, tỉnh đề nghị các bộ, ngành giới thiệu một công ty luật có kinh nghiệm xử lý các vụ kiện về sở hữu trí tuệ để giúp tỉnh đòi lại thương hiệu.

Qua những vụ việc cà phê Buôn Ma Thuột cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam còn lúng túng trong đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp lầm tưởng nhãn hiệu đã được đăng ký ở Việt Nam thì đương nhiên được bảo hộ trên toàn cầu – tư duy hoàn toàn sai lầm.

Ông Nam nhấn mạnh, Cục Sở hữu trí tuệ sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ và trợ giúp về mặt thủ tục để bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam tại Việt Nam và nước ngoài.

Những mất mát lớn trong các vụ việc sở hữu trí tuệ bị xâm hại là những bài học phải trả học phí rất đắt cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay rất ít doanh nghiệp Việt Nam đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu của mình ở nước ngoài. Không những thế, việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý… ở ngay trong nước cũng chưa được doanh nghiệp quan tâm. Trong tổng số hơn 900 sản phẩm, dịch vụ đặc thù gắn với hơn 700 địa danh trên cả nước mới có 28 sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý. Trong 28 sản phẩm đó chưa có sản phẩm nào được đăng ký chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.

Thực tế đó phản ánh sự chủ quan, hay nói cách khác là tâm lý thờ ơ, tư duy “bình chân như vại”, của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, khiến cho doanh nghiệp nước ngoài có cơ hội “đánh lận” sản phẩm hàng hóa, cạnh tranh không lành mạnh.

Có không ít doanh nghiệp Việt Nam e ngại, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài tốn kém. Song xét về lợi ích lâu dài thì đây là những chi phí chính đáng và hợp lý. Vì nếu đầu tư một khoản chi phí nhất định cho việc bảo hộ sở hữu trí tuệ thì các doanh nghiệp có thể “yên tâm” phát triển thị trường xuất khẩu, đưa hàng hóa thâm nhập và cạnh tranh thắng lợi ở nhiều thị trường các nước trên thế giới, ngược lại, sự “hà tiện” trong chi phí đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ dễ dàng bị các doanh nghiệp nước ngoài “cướp trắng”, lúc đó, chi phí để đòi lại thương hiệu sẽ cao hơn rất nhiều, cái giá phải trả sẽ quá đắt.

Chính doanh nghiệp Việt Nam đã và đang dựng lên rào cản cho chính mình!

Thu Hường