Từ cù lao Ré đến Lý Sơn

07:05 | 14/09/2015

2,367 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tháng 7/2015, gần một năm sau khi có điện lưới quốc gia, cuộc sống ở Lý Sơn đang đổi thay nhiều. Có điện, cuộc sống bớt khó khăn hơn. Điện sáng đảo xa, thoát cảnh tù mù mỗi đêm. Nhưng với dân đảo Lý Sơn, dù cho cuộc sống có đổi thay đến thế nào, Hoàng Sa vẫn luôn hiển hiện ở nơi đây, trong từng chuyến ra khơi, trong từng cơn gió thổi, và cả trong bạt ngàn những ngôi mộ chiêu hồn.

tu cu lao re den ly son

Thống nhất phương án cấp điện cho đảo Bé của Lý Sơn

UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng với ngành điện đã thống nhất về phương án cấp điện cho xã An Bình (đảo Bé) của huyện đảo Lý Sơn trong thời sớm nhất.

Tám giờ sáng, tàu cao tốc An Vĩnh 01 nhổ neo, tăng tốc, luồng nước từ chân vịt mỗi lúc một mạnh, tung bọt trắng xóa, đẩy con tàu rời cảng Sa Kỳ. Tháng 7 biển lặng, sóng nhỏ gợn lăn tăn; thỉnh thoảng, tiếng khách đi tàu ồ lên khi những con cá chuồn lao vút lên khỏi mặt biển như những mũi tên bắn vào không gian lấp loáng nắng. Lý Sơn cách cảng Sa Kỳ 18 hải lý, tương đương 32km; trước kia đi tàu gỗ mất hơn 2 giờ; giờ đây có tàu cao tốc, đi mất hơn 1 giờ.

Tàu An Vĩnh 01 được đưa vào sử dụng từ tháng 6-2012, là 1 trong 4 tàu cao tốc với tổng sức chở lớn, đang khai thác tuyến cảng Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại. Tàu với sức chở khoảng 200 người, và không chỉ chở người, mà chở cả xe máy, xe đạp, gà, vịt, gạo, mắm… Gần đây, lượng khách ra đảo tăng đột biến, thỉnh thoảng vẫn có những đoàn khách không ra được đảo vì hết vé phải đi tàu gỗ… Lương Quyển, Thuyền trưởng tàu An Vĩnh 01 nói với chúng tôi vậy. Chỉ cần qua chi tiết này, cũng thấy Lý Sơn đang đổi thay từng ngày rồi.

tu cu lao re den ly son
Một phần đảo Lớn Lý Sơn nhìn từ đỉnh núi lửa

Hơn chín giờ, tàu cập cảng Lý Sơn, không gian ở đây ồn ào, sôi động như bất kỳ một bến cảng nào đó trên đất liền. Tiếng máy tàu nổ ầm ì khắp cảng. Chưa bước xuống cảng mà đã thấy mặn mòi vị biển; trong ngồn ngộn cá tôm, lồng lộng gió biển và trong sang sảng giọng nói người dân đảo.

Lý Sơn còn có tên gọi khác là cù lao Ré, theo cách giải thích của những người già trên đảo nghĩa là cù lao có nhiều cây ré (họ gừng, trong Đông y gọi là cây thảo đậu khấu). Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi thì việc gọi cù lao Ré thành Lý Sơn là có lý do. Thuở trước, trong hệ thống chữ Nôm không có ký tự ghi chữ “ré” nên phải mượn chứ “lý” trong Hán tự để ghi trong các thư tịch. Dần dà qua thời gian, tồn tại song song 2 cách gọi; cù lao Ré trong dân gian; đảo Lý - Lý Sơn trong các văn bản hành chính; rồi thành tên gọi chính thức như ngày nay.

tu cu lao re den ly son
Mộ chiêu hồn trên đảo Lý Sơn

Lý Sơn chỉ rộng gần 10km2, dân số hơn 21.000 người, là huyện đảo có mật độ dân số đông nhất cả nước. Huyện đảo Phú Quốc có diện tích gấp hơn 50 lần Lý Sơn, nhưng dân số chỉ gấp gần 5 lần Lý Sơn (gần 100.000 người). Sở dĩ có điều này bởi những bằng chứng về lịch sử định cư tại Lý Sơn được tìm thấy đều chứng tỏ đã từ rất lâu nơi đây là một nơi tập trung dân cư đông đúc. Dấu vết về nền văn hóa Sa Huỳnh cũng được tìm thấy trên đảo. Trong nhiều tài liệu lịch sử cổ như bộ sách 4 tập Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá (thế kỷ XVII), trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII)… đều ghi chép về đảo Lý Sơn từ rất sớm và cả những chi tiết về quần đảo gắn liền với lịch sử và con người Lý Sơn, đó là Bãi Cát Vàng - tức quần đảo Hoàng Sa.

 Trước giờ, cuộc sống của bà con dân đảo gắn liền với thuyền lưới, với cây tỏi, củ hành… Trải qua nhiều lần chia tách hành chính, đến năm 1993, Lý Sơn chính thức trở thành huyện đảo với 3 đơn vị hành chính là xã An Hải, An Vĩnh và An Bình. Ngày ấy là một sự kiện trọng đại, nhưng trong tâm thức của người Lý Sơn thì có lẽ tháng 9-2014 mới là mốc thời gian đáng nhớ nhất. Bởi, thời gian đó cáp ngầm vượt biển về với Lý Sơn, đem điện lưới về với bà con dân đảo. Cuộc sống đổi thay từ đây.

Trước khi có điện lưới quốc gia, cuộc sống của người Lý Sơn phụ thuộc vào tổ phát máy điện 340kW chạy dầu diesel và 2 trạm biến áp phụ tải 160KVA, được Nhà nước đầu tư năm 1999. 4 năm sau, ngành điện lực lắp thêm 8 tổ máy phát điện với công suất 3.000kW, cải tạo nâng cấp 9,6km đường dây trung áp, 18,7km đường dây hạ áp, 14 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 3.520kVA để cấp điện cho 2 xã An Hải, An Vĩnh. Mỗi ngày chỉ có điện từ 17 giờ đến 23 giờ, giá điện đắt đỏ do phải chạy dầu. Nhà nào muốn dùng điện ngoài giờ đó thì phải mua máy, mua dầu tự chạy. Bởi thế, dầu diesel một thời là vàng đen trên đảo, nhà nào cũng tích trữ ít nhiều, phòng khi khan hiếm mà gia đình có ma chay, cưới hỏi có cái để bỏ ra dùng.

Lê Hùng, phóng viên báo Công an Đà Nẵng, sinh ra và lớn lên ở Lý Sơn, bảo với tôi rằng, không có điện lưới, đó là trở lực làm Lý Sơn phát triển chậm trong nhiều năm; bởi nhẽ không có điện lưới, đến cây đá ướp cá để ra khơi cũng đắt gấp đôi ngoài đất liền thì trong suốt một thời gian dài, ước mơ chạy máy bơm tưới tỏi của bà con mãi cũng chỉ là ước mơ thôi. Những người con của cù lao Ré đi học hành xa, rồi định cư trong đất liền, trở về đảo với tâm thế thăm quê như anh bạn tôi nhiều lắm. Bởi cố công đi học hành xa, về đảo rồi biết làm gì khi một là tiếp tục đi biển, hai là tiếp tục gắn đời mình với tỏi, với hành.

tu cu lao re den ly son
Tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn

Trước khi có điện lưới, anh Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo từng nói với cánh phóng viên chúng tôi rằng: “Có điện lưới rồi Lý Sơn sẽ khác”. Anh Nguyên nói đúng, gần 1 năm sau khi có điện lưới, Lý Sơn đúng là đổi thay rất nhiều, có thể nói là từng ngày. Khách du lịch ra Lý Sơn giờ tấp nập. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 2 quý đầu năm 2015, Lý Sơn đón gần 35.000 du khách; trong khi cả năm 2014, Lý Sơn đón 36.000 du khách.  Năm 2009, lần đầu tiên tôi đến Lý Sơn, toàn huyện chỉ có hai cái ô tô; một của huyện ủy, một cái 16 chỗ chuyên rước dâu đám cưới. Sáu năm sau, ở Lý Sơn taxi đỗ san sát ở cảng, chờ đưa đón du khách. Phương tiện đi lại được bổ sung, cải thiện; dịch vụ lưu trú cũng đầy đủ hơn. Giờ đây Lý Sơn đã có 2 khách sạn, 15 nhà nghỉ và 20 hộ gia đình đăng ký kinh doanh lưu trú trong nhà (homestay). Cộng thêm cảnh vật đẹp hoang sơ, lịch sử độc đáo…; vậy nên dân đảo Lý Sơn có quyền hy vọng trong một tương lai không xa, du lịch Lý Sơn sẽ phát triển.

tu cu lao re den ly son
Anh Võ Văn Nhành, người duy nhất còn làm được hình nhân và mộ chiêu hồn trên đảo Lý Sơn

Cuộc sống đổi thay là thế, nhưng trên đảo vẫn còn nhiều mảnh đời cơ cực. Cuối tháng 7, Đoàn thanh niên Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) đã có chuyến về nguồn, thăm quê hương của Hải đội Hoàng Sa. Và quan trọng nhất là trao quà cho những hộ gia đình khó khăn, các em học sinh vượt khó trên đảo. 30 phần quà, mỗi phần trị giá 500.000đ, giá trị có thể chưa hẳn nhiều nhưng đó là tấm lòng của thanh niên dầu khí muốn góp phần cho cuộc sống nơi đảo tiền tiêu vơi đi khó nhọc.

 Năng suất tỏi, hành tăng cao; khách du lịch đến mỗi ngày một đông là một tín hiệu vui cho sự phát triển của Lý Sơn. Nhưng không phải sự phát triển ấy không gợi nhiều tâm tư. Tỏi Lý Sơn ngon nổi tiếng, thơm, cay mà không gắt. Do đặc thù canh tác, dân đảo Lý Sơn trồng tỏi, trồng hành bằng đất núi lửa và cát biển. Gánh đất núi lửa lót xuống,  trải cát biển lên trên, rồi mới trồng tỏi, trồng hành. Vì thế, cứ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, dân Lý Sơn múc cát dưới biển lên trồng tỏi; hết cát ven bờ thì cho tàu ra hút ngoài xa. Chính vậy nên tuy là huyện đảo, nhưng Lý Sơn có duy nhất một bãi tắm bên đảo Bé, còn đảo Lớn tuyệt nhiên chẳng có bãi tắm nào. Lý Sơn cằn cỗi đến nỗi phải múc cát lên trồng tỏi, cuộc sống cơ cực là vậy nhưng trong tâm thức dân đảo, 2 từ Hoàng Sa luôn đỏ chói.

Lý Sơn đảo nhỏ nhưng bạt ngàn mộ gió và mộ chiêu hồn. Mộ gió là mộ không có gì, chỉ chôn theo đồ vật của người chết, còn mộ chiêu hồn có chôn theo hình nhân bằng đất sét, rồi làm lễ chiêu hồn, an táng. Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776 có đoạn: “Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía đông bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong vùng có Bãi Cát Vàng dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy…”. Bãi Cát Vàng ở đây là tên dân gian của quần đảo Hoàng Sa và theo như Phủ Biên Tạp Lục thì chính sử và văn bản hành chính của triều Nguyễn đều lấy Lý Sơn làm mốc để định vị quần đảo Hoàng Sa. Nói hồn Hoàng Sa luôn gắn bó với Lý Sơn cũng bởi nhẽ đó.

Phủ Biên Tạp Lục cũng viết: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiến, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về...”. Người Lý Sơn gắn bó với Hoàng Sa từ những ngày đó, dẫu cho “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì dễ nhưng không thấy về”. Biển cả mênh mông, sinh mạng con người như chiếc lá trước bão tố, chết là mất xác; những ngôi mộ gió, mộ chiêu hồn ra đời cũng từ đó.

Ngôi mộ chiêu hồn đầu tiên trên đảo là mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh cùng các hùng binh Hoàng Sa. Trong Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi: “Tháng giêng năm Ất Hợi (1815), sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình...”. Trong gia phả của họ Phạm tại Lý Sơn có ghi những chi tiết, đại ý rằng một lần cai đội Phạm Quang Ảnh cùng hải đội của mình trong lúc ra Hoàng Sa, gặp bão biển và không trở về. Vua Gia Long thân chinh ra tận Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho Phạm Quang Ảnh và các tử sĩ. Thầy phong thủy trong đoàn tùy tùng sai dân chúng lên núi Giếng Tiền lấy đất sét về nhào nặn cho nhuyễn, rồi tự tay ông nặn đất thành hình 25 người đã chết. Ông cứ nặn đến khi nào những người thân thấy giống các nghĩa sĩ Hoàng Sa mới thôi. Hình nhân đất sét và tục đắp mộ chiêu hồn tại Lý Sơn ra đời từ đó.

Nghề đi biển là nghề “hồn treo cột buồm”, mà hành nghề biển ở vùng biển Hoàng Sa lắm mưa, nhiều bão lại càng lo lắng hơn. Mỗi lần ra khơi là mỗi lần đối mặt với sóng lớn, bão biển, tàu Trung Quốc, cướp biển, hoặc đơn giản chỉ là chuyện hụt chân rơi xuống biển, trôi đi mất dạng. Phần lớn ngư dân Lý Sơn chết biển, đều là nằm lại với sóng nước Hoàng Sa. Giờ đây, trên đảo chỉ có 2 người biết làm hình nhân trong mộ chiêu hồn. Người đầu tiên là cụ Võ Văn Toại, tóc trắng như cước, hay cười hiền lành, tướng mạo không có vẻ gì cổ quái của một pháp sư chuyên chiêu hồn nhập tướng cả.

Cụ Toại nay đã 80, sức yếu nên không còn làm hình nhân nữa, chỉ ngồi nhà viết chữ Nho và chiều chiều ngồi đầu nhà nhìn ra phía biển. Người duy nhất trên đảo còn làm được hình nhân, làm được mộ chiêu hồn là anh Võ Văn Nhành, con trai cụ Toại. Làm hình nhân mộ chiêu hồn ở Lý Sơn cũng khó có thể gọi được là một nghề, mà làm để sinh nhai thì càng không; vì dân đảo cũng nghèo, mỗi lần làm xong một ngôi mộ chiêu hồn, họ chỉ có chút ít để cám ơn. Anh Nhành bảo, tôi làm như là sự ủy thác của số phận, để an lòng người đã khuất và cả những người còn sống, thế thôi…

Anh Võ Văn Nhành năm nay 46 tuổi, da sạm đen nắng gió, đôi mắt lúc nào cũng đỏ đục như người thiếu ngủ lâu ngày. Hỏi anh về đôi mắt ấy thì anh bảo, cũng chẳng biết nữa, nhưng có lẽ do việc làm hình nhân, cúng vong chiêu hồn phải làm trong bóng đêm, phải xong hết trước khi có ánh bình minh. Rồi ngày này qua ngày khác, sự mất ngủ triền miên ấy khiến đôi mắt anh đỏ đục, không như bình thường nữa...

Anh Nhành kể từ khi 15 tuổi anh đã phụ cha mình làm công việc này, rồi lặng lẽ học, và như cái duyên trời định, anh trở thành người làm mộ chiêu hồn. Lý Sơn là một hòn đảo mà người dân đặc biệt coi trọng yếu tố tâm linh. Họ tin rằng, nếu chưa có một ngôi mộ cho những người chết biển, dù cho chỉ là một ngôi mộ gió, mộ chiêu hồn; thì sẽ điềm dữ đối với con trai của họ khi ra khơi. Mà ở Lý Sơn này, đi biển là nghề cha truyền con nối, ba thế hệ cùng trên một chiếc tàu ra khơi không phải chuyện hiếm. Chính vì thế, anh Nhành đặc biệt được coi trọng ở Lý Sơn; vì với bà con dân đảo, anh là người đem hồn người thân của họ từ mênh mông sóng nước Hoàng Sa trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình.

 Hình nhân trên đảo Lý Sơn phải được làm từ đất sét lấy trên núi Giếng Tiền. Qua vài trăm năm dải đất sét ấy cũng đã vẹt mất non nửa. Lúc làm hình nhân, kiêng cữ rất kỹ, anh Nhành bảo, tất cả các công đoạn làm hình nhân, ngoài anh và người thân của người đã khuất, thì không được ai có mặt. Thậm chí, khi nặn đến phần dưới của hình nhân, ngay cả vợ con cũng phải đi ra ngoài, vì sợ vong hồn sẽ xấu hổ, không chịu nhập hồn vào hình nhân. Theo lời anh Nhành kể, hình nhân dài cỡ tám, chín chục phân, nặng chừng ba chục cân. Đất sét núi Giếng Tiền, mà thực chất là một ngọn núi lửa đã tắt, sau khi lấy về được trộn với bông gòn, giã thật nhuyễn. Khi nặn thì phải nặn bằng hết, không được để sót một mẩu nhỏ, vì số đất này tượng trưng cho da thịt người đã mất.

Cành dâu mồ côi, nghĩa là cành dâu không đẻ nhánh được dùng để làm xương cốt. Đàn ông bảy nhánh, đàn bà chín nhánh xương sườn; chọn phần cành lớn hơn một chút để làm xương tay, xương chân. Than đốt từ cây sầu đông (miền Bắc gọi là cây xoan) dùng làm phổi; lòng đỏ trứng gà đặt vào chỗ trái tim; chỉ tơ làm ruột và gân. Rồi hình nhân được mặc áo quần và đồ liệm, tất cả các việc này, phải xong trước 3 giờ sáng. Sau công đoạn này, hình nhân được đưa ra cùng lễ vật tại chân sóng, theo hướng con tàu cũ ra khơi. Sau lễ cúng, hình nhân được nhập quan và chôn cất; từ đó trở về sau, gia đình lấy ngày làm mộ chiêu hồn là ngày giỗ.

Người Lý Sơn từ bao đời đã gắn bó với Hoàng Sa. Đến bây giờ, ngày ngày vẫn có những người con Lý Sơn lặng lẽ vượt biển ra Hoàng Sa đánh bắt; như để khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng, Hoàng Sa là của Việt Nam, mãi mãi thuộc  về con dân nước Việt. Có lẽ ở dọc dài ven biển Việt Nam, chẳng nơi đâu lại gắn bó với Hoàng Sa như vùng đảo thiêng này. Đàn bà Lý Sơn không đi biển; cứ chiều về, dọc con đường bê tông ven mép biển, những con mắt khắc khoải nhìn về phía Đông, chờ chồng, chờ con trở về.

Và xa xa, theo hướng đó, là Bãi Cát Vàng, là Hoàng Sa. Bóng chiều chạng vạng, những ngôi mộ chiêu hồn nghi ngút khói hương; những ngôi mộ ấy dù nằm trên núi, trên ruộng tỏi hay trong vườn nhà, đều quay đầu ra hướng biển. Và xa xa, theo hướng đó, là Hoàng Sa thân yêu. Và ở nơi ấy, biết bao người con Lý Sơn nằm lại, thân xác hòa với sóng nước Hoàng Sa…

 

Thanh Hiếu

Năng lượng Mới số 455