TS Trần Du Lịch: “Tình trạng chạy ngân sách rất nhức nhối!”

10:48 | 26/10/2011

612 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Trả lời phỏng vấn Báo Năng lượng Mới bên lề Quốc hội, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, tỏ ra khá quan ngại trước tình hình phân bổ ngân sách “xin cho” rất bất cập như hiện nay.

PV: Thưa ông, là một chuyên gia kinh tế cao cấp, ông nghĩ sao về bản Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội mà Chính phủ vừa trình bày trước Quốc hội?

TS Trần Du Lịch: Trong những vấn đề Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, tôi đặc biệt quan tâm đến hai nhóm giải pháp mạnh: chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Qua quá trình thực hiện, những tồn tại của kinh tế vĩ mô tiếp tục đặt ra thêm “bộ ba” bất khả thi, là lạm phát, tỷ giá và lãi suất. Theo tôi, toàn bộ vấn đề trên cũng đã cơ bản có được hướng giải quyết, bước đầu đó chính là bản Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội mới đây.

Tuy nhiên, trong năm 2011, chúng ta chưa đánh giá đầy đủ những tác dụng phụ của chính sách tiền tệ. Chúng ta bảo đảm an toàn tín dụng dưới 20% (tức là 18-19%), rồi tổng phương tiện thanh toán tăng 15-16%. Như vậy, đó là sự giảm mạnh của tổng cầu, dẫn đến việc các doanh nghiệp bị tác động mạnh. Riêng vấn đề của doanh nghiệp, họ bị tác động cỡ nào, ở mức độ đủ để đánh giá tiêu cực hay chưa thì hình như vẫn bị bỏ ngỏ. Điều đó khiến kịch bản cứu rỗi nền kinh tế vĩ mô vẫn ở trong bóng tối. Cái mà tôi tạm gọi là nhóm xử lý tác dụng phụ lại không hề rõ ràng, dẫn đến tình trạng hoang mang, gây tâm lý chờ đợi nơi doanh nghiệp.

Đi kèm đó, hai thị trường gắn liền với chính sách tín dụng là thị trường chứng khoán và bất động sản đã ảm đạm như vậy, giờ tiếp tục phải chờ tín hiệu mới đến bao giờ?

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM. Ảnh: Mạnh Thắng

PV: Vậy theo ông, kịch bản cho nền kinh tế vĩ mô và công tác phân bổ ngân sách nói riêng cho năm 2012 liệu đã làm dư luận thực sự yên tâm?

TS Trần Du Lịch: Đối với chính sách tài khóa, và đặc biệt là năm tài chính 2012, tôi hoàn toàn tán đồng với Nghị quyết 11. Theo đó, nền kinh tế vĩ mô chỉ nên tăng trưởng ở mức 6%, tổng phương tiện thanh toán 16%, rồi kiềm chế lạm phát một con số.

Cá nhân tôi cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát một con số là quan trọng nhất. Như tôi thường phát biểu, lạm phát là thứ thuế đánh dồn dập. Nói một cách đơn giản, nếu chúng ta để tình trạng lạm phát diễn ra triền miên, thì mọi thành quả xã hội phải mất rất nhiều năm gây dựng sẽ tan theo “làn khói” lạm phát. Vẫn trên quan điểm cá nhân, tôi thấy rằng, định hướng dài hơi cho 5 năm phải được giữ chặt, kiên định theo Nghị quyết 11.

Tuy nhiên, những thủ thuật cụ thể để xử lý tác dụng phụ thì chưa thấy ai nêu lên, hoặc chí ít là đề cập đến. Rồi phân phối đầu tư, cái lối cũ “xin – cho” chưa bị xóa bỏ. Như vậy, xem ra mục tiêu và chính sách đã không đồng bộ ngay từ xuất phát điểm. Mục tiêu đã khá rõ ràng, nhưng phương thức hành động cụ thể dường như vẫn chưa lộ diện.

Về phân bổ ngân sách, thời gian qua, cách phân bổ chủ yếu dựa trên cơ chế “xin – cho”, chưa minh bạch. Đây là nhược điểm lớn trong chi tiêu vốn ngân sách, dẫn đến bội chi hàng năm. Đáng lẽ chúng ta phải hướng công tác phân bổ theo cơ chế phân cấp trách nhiệm, chức năng quản lý nhà nước, đặc biệt là chức năng thực hiện nhiệm vụ công với mỗi địa phương… thì chúng ta lại phân bổ tùy theo… sở thích bằng lượng tiền cụ thể.

Tôi cho rằng, Nhà nước chỉ nên bao cấp cho các địa phương nghèo về dịch vụ công (giáo dục, y tế, phúc lợi, nông thôn…), chứ với những địa phương khá và giàu thì con số phân bổ phải giảm dần.

Nếu giữ cách làm như hiện nay thì tôi e là trong thời gian tới sẽ không ổn. Dù đã có khá nhiều kinh nghiệm tham gia quyết định ngân sách, nhưng đến nay tôi vẫn không biết lý do Chính phủ cắt địa phương theo tiêu chí gì, ở chỗ nào, tăng cho chỗ nào? Bởi thực tế, không biết lấy từ nguồn nào để tăng cho chỗ này, cũng như cơ sở nào để cắt giảm đầu tư ở chỗ kia. Báo cáo của Chính phủ trình lên Quốc hội thường chậm, con số thì nhiều, đôi khi đọc như “mê hồn trận”. Điều này khiến ĐBQH khó có thể nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, toàn diện về dự toán ngân sách hàng năm.

PV: Như vậy, cụ thể vấn đề đầu tư công và bội chi ngân sách là như thế nào thưa ông?

TS Trần Du Lịch: Đề cập đến đầu tư công, thì đây lại là một phạm trù rất lớn, quan trọng, thậm chí có thể gọi là đại sự. Riêng với vấn đề này, tôi xin nhấn mạnh, cần phải có sự đổi mới toàn diện và cơ bản, thậm chí bắt đầu từ việc chỉnh sửa Luật ngân sách Nhà nước và lại là câu chuyện cũ – phương thức phân bổ đầu tư. Quan điểm xuyên suốt của tôi, là cứ kiểu phương thức hiện nay, người ta sẽ “chạy” ngân sách, “chạy” dự án nhiệt tình. Tháng 7, 8, 9 là các địa phương “chạy” cho ngân sách năm sau, ai cũng thấy chuyện này. Khi đưa ra trình Quốc hội là những điều hình như đã được sắp đặt sẵn, không biết tắc và không tắc chỗ nào.

Chúng ta thay đổi cơ bản, làm sao minh bạch, rõ ràng: cái gì là nguồn thu, cái gì lợi tức của ngân sách quốc gia do Trung ương quản lý, cái nào là của địa phương. Tôi xin phép nhắc lại, ví dụ với những địa phương nghèo, ngân sách Trung ương sẽ đài thọ toàn bộ chi phí các dịch vụ công. Địa phương nào khá hơn thì đầu tư một vài mảng, phần còn lại địa phương buộc phải tính toán để tự lấy thu bù cho đầu tư năm tới. Còn địa phương nào mạnh thì thôi, tự lo lấy các phương án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Tiêu chí nghèo, khá hay không cần đến ngân sách NH do Quốc hội quyết định.

Có như vậy, Chính phủ mới tạo ra cuộc tranh ganh đua, tính toán, điều hành sao cho hợp lý giữa bộ máy lãnh đạo các địa phương. Anh phải làm thế nào sử dụng nguồn ngân sách của mình đầu tư những hạng mục mình muốn, có tiềm năng, để từ đó có thể tự chủ về tài chính.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hữu Tùng

thực hiện

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc