TS Nguyễn Ngọc Thơ: Đừng “ngủ quên” trong văn hóa ngoại!

18:00 | 31/01/2015

2,341 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong thời đại toàn cầu hóa, việc tiếp cận, giao lưu với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới là điều tất yếu. Không chỉ có văn hóa Hàn mà nhiều nền văn hóa khác như Trung, Nhật, Thái, Ấn hay phương Tây cũng đang có sự giao lưu, du nhập vào văn hóa bản địa qua những tác phẩm nghệ thuật như những bộ phim, những chương trình văn nghệ giải trí. TS Văn hóa học Nguyễn Ngọc Thơ trò chuyện với PV Báo Năng lượng Mới xung quanh vấn đề văn hóa Việt trước làn sóng văn hóa ngoại.

Năng lượng Mới số 395

Hồn tác phẩm phải mang văn hóa Việt

PV: Những năm gần đây, trào lưu phim Hàn được Việt hóa hoặc phim hợp tác Việt - Hàn được sản xuất và trình chiếu trên các kênh truyền hình Việt, thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả, nhất là giới trẻ. Đứng góc độ là nhà nghiên cứu về văn hóa Việt, TS có ý kiến gì về sự xuất hiện của những bộ phim này? 

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Đầu tiên, cần nhìn nhận lại là khi phim chúng ta đủ hay, đủ mạnh, thật sự giá trị và thể hiện tâm hồn người Việt được chiếu trên các đài thì chắc chắn phim lai Hàn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chúng ta. Nhưng trên thực tế thì nền nghệ thuật nước ta chưa đủ giàu mạnh, sức sáng tạo cũng chưa đủ để thu hút ngay khán giả trong nước chứ đừng nói đến nước ngoài thì đây là lúc chúng ta cũng cần khiêm tốn tiếp thu, học tập cái hay cái đẹp của thế giới để bổ sung, hoàn thiện mình.

Nhưng việc tiếp thu cái hay cái đẹp đó cũng phải có chừng mực, phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển xã hội. Và nó phải tác động để kích thích trí sáng tạo của chúng ta chứ không phải là “coppy” nguyên trạng tâm thức của một dân tộc khác để áp vào trong tình cảm, tâm tư của dân tộc Việt Nam. Điều đó là không chấp nhận được!

TS Nguyễn Ngọc Thơ

Thực tế là không chỉ Hàn Quốc mà từ trước đến nay đã có quá nhiều những trào lưu văn hóa từ phim ảnh nghệ thuật ngoại du nhập vào nước ta, như trào lưu phim cổ trang lịch sử Trung Quốc, phim tình cảm tâm lý Đài Loan, phim hành động Mỹ… Tất cả nói lên hai điều. Một là, sự thừa nhận nền điện ảnh, nghệ thuật nước nhà chưa vượt trội để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả trong nước. Thứ hai người Việt Nam có thái độ tương đối cởi mở trong việc tiếp nhận cái tinh túy, cái hay của các trào lưu văn hóa của nước ngoài nhưng không có nghĩa phải dùng nó để thay thế cái bản địa.

Trở lại những bộ phim “lai Hàn” được đặt ra, tôi nghĩ cũng có mặt tích cực nếu thưởng thức sáng suốt là nó kích thích sự đổi mới một số giá trị truyền thống vốn tỏ ra khá cũ kỹ và không còn hợp thời trong văn hóa ta. Người Hàn biết hiện đại hóa những yếu tố mang tính truyền thống của họ và họ đã thành công. Thay vì người Việt xem những bộ phim Hàn rồi khóc lóc vật vã với những nhân vật trong đó thì hãy ngẫm nhìn lại rằng, họ cũng là một dân tộc Á Đông, họ làm được thì chúng ta cũng phải làm được! Một mặt tích cực nữa là văn hóa Hàn hay sự du nhập của văn hóa Ấn Độ, Thái Lan… là sẽ làm mềm hóa sự ảnh hưởng đơn cực nếu có từ phương Bắc vốn đã ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa nước ta từ hàng thế kỷ qua. Văn hóa chúng ta nhờ đó mà đạt được “đa phương hóa”, có lợi cho sự lựa chọn tinh hoa văn hóa nhân loại.

Song, như tôi đã nói chúng ta không được “ngủ quên” khi thưởng thức nghệ thuật quốc tế, phải xem bằng tâm thức sáng suốt.

PV: Như vậy, những lo lắng về sự phát triển mạnh của dòng điện ảnh “ngoại lai” -  những phim Việt nhưng mang nặng yếu tố văn hóa ngoại là có cơ sở, cần phải lên tiếng mạnh mẽ để cảnh báo nguy cơ văn hóa bản địa bị lấn lướt, thưa TS?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Tôi có nghe vài ý kiến lo ngại về văn hóa nước nhà bị triệt tiêu từ những sản phẩm phim ảnh “lai Hàn”. Song, chúng ta không cần quá lo lắng như thế, vì khi chúng ta lên tiếng tức đó là phản ứng của xã hội, của công luận, của chiều sâu tâm thức, của văn hóa dân tộc. Chúng ta nhận thấy có sự lấn lướt nào đó ngay trước mắt hoặc trên đài, trong một số bộ phim nào đó được công chiếu nhưng không có nghĩa là tất cả chúng ta đều đã chấp nhận chúng. 

Và nếu như tất cả mọi người đều có một trái tim suy nghĩ về dân tộc mình, về bản sắc văn hóa nước nhà, về sự tiến bộ dân tộc thì văn hóa bản địa không bao giờ bị triệt tiêu. Và dĩ nhiên, điều này một phần còn tùy thuộc vào nhà quản lý văn hóa nghĩ gì? Một nhà nghiên cứu văn hóa, một nhà giáo như chúng tôi lên lớp giảng thì cũng chỉ tác động vài chục đến vài trăm sinh viên nhưng một ông giám đốc đài truyền hình, truyền thanh, một tổng biên tập tờ báo sẽ tác động đến hàng triệu triệu khán giả. Tức, đối với một số báo đài chính thống thì sự sàng lọc sản phẩm cần cẩn thận hơn.

Trước đây đã từng có một phim là “Mùi ngò gai” được chiếu, đây cũng là một hợp tác Việt - Hàn. Khán giả rất háo hức chờ xem vì họ mong muốn nhìn thấy cái mới của điện ảnh nước nhà, nhưng không ngờ là “Mùi ngò gai” lại biến thành “mùi kim chi”. Trước đó nữa là có một phim hợp tác với Nhật, tựa tiếng Anh là “Pride”, trong phim có một diễn viên người Nhật đóng vai thanh niên Việt sang Nhật học tập. Phim xây dựng hình ảnh một thanh niên Việt tri thức nhưng không ra dáng tri thức. Tôi nhớ là anh ta để tóc rủ xuống trước mặt khiến thế hệ trí thức trẻ lúc đó rất bức xúc, không có một tri thức Việt nào trông hợm hĩnh như vậy cả. Đến nỗi trên Báo Tuổi Trẻ Cười còn vẽ biếm họa nhân vật đó bị những cụ già dùng kéo cắt chùm tóc ấy khi xuất hiện trên sóng truyền hình.

Như vậy, nếu ta không chủ động trong việc hợp tác làm phim thì chúng ta sẽ bị “dắt mũi” dẫn đi. Và nhớ rằng, những bộ phim dù là phim hợp tác hay phim nước ngoài công chiếu trên đài truyền hình Việt phải phù hợp với văn hóa, thị hiếu công chúng Việt.

PV: Một số chuyên gia cho rằng những bộ phim “lai Hàn” đó không phải là cách tốt phản ánh đời sống văn hóa tinh thần người Việt, thứ hai nữa là nó có thể tạo ra những giá trị thẩm mỹ ngoại lai không phù hợp. TS nghĩ gì về ý kiến này?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Đến lúc nào đó phim ngoại lai sẽ làm thay đổi gu thẩm mỹ của người Việt, thay đổi mức nào thì còn tùy. Nhưng rõ ràng nó tạo cảm giác bất an rằng, gu thẩm mỹ đó vốn dĩ của một dân tộc khác, do người ta chấp nhận và sáng tạo ra vì dân tộc họ chứ không phải của người Việt và vì người Việt. Nếu chúng ta xem và cóp nguyên nó sang rồi chắp nối với gu thẩm mỹ vốn đang trong quá trình cách tân, hiện đại hóa ở Việt Nam thì chắc chắn sẽ có những sai lệch.

Cứ cho là văn hóa Việt và văn hóa Hàn cũng có những điểm tương đồng về những giá trị cơ bản của Nho học Á Đông nhân - lễ - nghĩa - trí - tín thì đã sao? Có mấy ai biết rằng cái trung, nghĩa của người Việt khác xa của Hàn Quốc? Ở Việt Nam, hình thái xã hội theo chiều ngang, có trên có dưới nhưng trải rộng ra còn xã hội Hàn Quốc thì theo chiều dọc tức tôn ti trật tự rất rõ ràng. Ở Hàn Quốc, quyền con trai trưởng rất lớn trong gia đình nhưng ở Việt Nam trật tự đã khác, đặc biệt là Nam Bộ thì trai út mới là người hương khói tổ tiên. Ngay trong chi tiết đó cũng đã khác nhau quá rồi, nếu không hiểu thì sẽ dựng một gia đình Việt Nam theo kiểu Hàn Quốc thì rách việc!

Tốt nhất là nên hợp tác làm phim trên phương diện kỹ thuật nhiều hơn thì sẽ rất có lợi cho chúng ta, đó là học hỏi được kỹ thuật lôi cuốn khán giả, kỹ thuật diễn xuất thật tự nhiên, sự logic trong nội dung câu chuyện… còn linh hồn tác phẩm hãy là Việt Nam, của Việt Nam và vì Việt Nam.

Tự chủ tiếp nhận văn hóa ngoại

PV: TS có nhận xét gì về ảnh hưởng của làn sóng Hàn lưu với văn hóa xã hội, đặc biệt là giới trẻ tại Việt Nam hiện nay?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Hiện tại, kết quả của giới nghiên cứu văn hóa thế giới cho thấy, phong trào văn hóa đại chúng được kích thích bởi phương Tây, chứ không phải từ Hàn Quốc. Hàn lưu cũng chỉ là một sản phẩm của quá trình văn hóa đại chúng đang diễn ra tại Hàn Quốc trên cơ sở học tập từ phương Tây. Văn hóa phương Tây đó thay vì trực tiếp về Việt Nam, thì nó đi qua một kênh là từ Âu - Mỹ về Nhật - Hàn, rồi từ Nhật - Hàn nó đi vào văn hóa Việt Nam qua làn song Hàn lưu như K’movie, K’pop, K’fashion v.v... Do cùng là con người Á Đông với tính cách dịu dàng, những nét đẹp đậm đà nên dễ hợp gu người Việt Nam hơn. Nó giúp chúng ta làm mới thị hiếu về cảm thụ nghệ thuật, mà rộng hơn là cảm thụ văn hóa, làm phong phú hóa sản phẩm tinh thần cho mỗi người Việt Nam.

Nhóm nhạc SNSD

Thứ hai, như tôi đã đề cập ở trên, đó là Hàn lưu góp phần làm đa phương hóa trào lưu giao lưu văn hóa Việt thay vì quá chênh lệch và chủ quan. Chúng ta tiếp xúc với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... sẽ hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong quá trình điều tiết những mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc văn hóa giữa Việt Nam và thế giới. Từ xưa đến nay, chúng ta quá thiên về phương Bắc, phương Tây nhưng chúng ta đâu thể sống theo kiểu người phương Bắc, cũng không thể sống với kiểu phương Tây vì vậy chúng ta cần đa phương hóa hơn trong giao lưu quốc tế, rất có thể ở trong đó chúng ta sẽ tìm thấy những mô hình phù hợp hơn.

PV: Còn về những mặt trái của văn hóa ngoại với văn hóa Việt, thưa TS?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Trong quá trình tiếp nhận làn sóng Hàn lưu, đôi khi vai trò cá nhân bị nhấn thái quá, nó góp phần phá vỡ vai trò tập thể. Nhiều người đã học theo phong trào văn hóa đại chúng, nhưng học theo một cách cực đoan. Cụ thể đó là phong trào “không đụng hàng” bắt đầu từ giới thượng lưu, trung lưu, một số ca sĩ, nghệ sĩ, những người được gọi là “sao” và có ảnh hưởng lớn tới công chúng. Điều này rất nguy hiểm. Nếu báo đài bắt gặp những hình ảnh như vậy, tốt nhất đừng đưa tin thì có lẽ những ảnh hưởng đó sẽ không lan rộng.

Ở Hàn Quốc, dù vẫn hiện đại hóa, vẫn phát triển vai trò cá nhân nhưng vai trò đó nằm trong một khung chung của xã hội. Một số nghiên cứu của Hàn Quốc cho thấy người Hàn Quốc cũng rất chạy theo mốt, chạy theo hàng hiệu, nhưng vẫn ưu tiên lựa chọn loại nào được đông đảo công chúng chấp nhận, tức đẹp, sang nhưng vẫn phải nằm trong khung chuẩn mực xã hội, chứ không phải chạy theo chủ nghĩa “không đụng hàng” như một bộ phận nước ta.

Mặt trái nữa của vấn đề Hàn lưu đối với văn hóa Việt đó chính là không khéo thì chúng ta sẽ đánh mất yếu tố tự lực tự cường. Chúng ta sử dụng những thứ được du nhập vào mà quên rằng mình là một cá thể rất khác họ; rồi chúng ta tự “ru ngủ” khả năng đánh thức năng lực của dân tộc mình do du nhập, lắp ráp cơ học, không đi từ gu truyền thống, không có tính kế thừa. Điều này rất nguy hiểm bởi khi đó cả dân tộc sẽ phải chạy theo, sẽ trở thành “nô lệ” của việc tiêu thụ sản phẩm văn hóa ngoại lai.

PV: Thế còn một bộ phận giới trẻ có biểu hiện hâm mộ thái quá, lệch lạc trong văn hóa thần tượng. Vấn đề này chúng ta đã nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn không có dấu hiệu dừng lại! TS muốn chia sẻ gì?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Thần tượng thái quá là một hiện tượng xã hội hiện tại được đánh giá là tiêu cực, là mặt trái của phong trào Hàn lưu khi giá trị cá nhân bị đẩy lên quá cao, con người sẵn sàng thổ lộ một cách thái quá những gì họ mong muốn, họ thích. Tuy nhiên, hiện tượng này gắn liền với tâm lý lứa tuổi. Nó thường đi chung với hình ảnh những cậu bé trai, những cô bé gái mới lớn, trên tuổi dậy thì và trước tuổi chững chạc. Các cô cậu này đến một số buổi biểu diễn không phải để nghe người ta hát hay dở như thế nào, mà chỉ cần thấy xuất hiện là la hét. Chúng ta hay gọi đó là “fan cuồng”. Đó cũng là hệ quả của trạng thái bồng bềnh khi chuyển tiếp giữa một giai đoạn văn hóa cũ sang một giai đoạn văn hóa mới; do chưa có một khung chuẩn mực mới được định hình rõ ràng nên các bạn trẻ thể hiện một cách cuồng nhiệt theo cách riêng họ.

Một điều rất quan trọng nữa là gia giáo. Đứa trẻ chỉ ở trường nhiều nhất là 8 giờ, thời gian còn lại là ở gia đình. Ở trường, các thầy cô chỉ tác động đến yếu tố tri thức còn tình cảm, nhân cách thì được hình thành chủ yếu từ gia đình. Sự quan tâm, hướng dẫn, lắng nghe của người lớn sẽ tạo ra một môi trường sống, chuẩn mực sống tốt hơn cho thanh thiếu niên. Song, nền tảng gia đình đang thiếu hụt, do thiếu sự quan tâm của cha mẹ hoặc đến tuổi đi học xa nhà; cộng với tác động của mạng, của facebook, của trào lưu, hiện tượng nhóm ảo nên giới trẻ dễ có những thể hiện thái quá mong muốn của mình.

Phát huy sức mạnh văn hóa dân tộc

PV: TS đánh giá thế nào về sức mạnh nội tại của văn hóa Việt trước làn sóng giao lưu, tiếp nhận những luồng văn hóa ngoại?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Nói chung, một dân tộc nếu để đánh mất văn hóa thì đánh mất dân tộc, đó là diệt văn hóa. Tuy nhiên một dân tộc tầm cỡ như chúng ta, một dân tộc đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố lịch sử, bao nhiêu chính sách đồng hóa của ngoại quốc về chính trị lẫn văn hóa mà đến hôm nay chúng ta vẫn đứng vững rạng ngời thì rõ ràng văn hoá Việt Nam có sức mạnh nội tại rất lớn. Lịch sử đã chứng minh tất cả các yếu tố văn hóa du nhập từ bên ngoài (phương Bắc, phương Tây) đều được “Việt hóa”, được tái nhận thức rồi từ đó đi vào văn hóa Việt Nam, cùng tương tác, phối hợp với văn hóa bản địa làm nên cái hồn của văn hóa Việt Nam.

Phim Việt hóa “Tuổi thanh xuân”

Tuy nhiên không có nghĩa là những gì của ngày hôm qua cũng đều tiếp tục là hành trang của ngày mai, vì cuộc sống là một quá trình phải tiếp tục phát triển đi tới, văn hóa cũng vậy. Ngày xưa, cuộc sống canh nông là cố hữu, nhưng bây giờ chúng ta đã đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, do vậy việc lấy nếp sống lấy canh nông làm chuẩn không còn phù hợp nữa. Hiện tại là giai đoạn chuyển giao giữa bản sắc cũ và quá trình kiến lập bản sắc mới nên đôi khi có những suy nghĩ chưa thực sự chín khi du nhập một yếu tố từ bên ngoài vào. Nhưng tôi vẫn có một niềm tin lạc quan rằng văn hóa Việt có thể tiếp nhận được một cách tốt nhất tinh hoa từ bên ngoài.

Trên thế giới, không có dân tộc nào tự phát triển văn hóa mà bao giờ cũng phải có quá trình giao lưu, tiếp xúc, dung nạp tinh hoa từ các nền văn hóa khác. Nếu như không có giao lưu và hấp thụ tinh hoa của các dân tộc xung quanh thì không thể có nền văn minh Ấn Độ, Trung Hoa lừng lẫy đến như vậy ở phương Đông. Văn minh Hy Lạp, La Mã và cả thế giới phương Tây cũng vậy. Văn hóa Việt Nam chắc chắn không ngoại lệ. Điều nay được chứng tỏ rằng qua ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta đã hấp thụ văn hoá phương Bắc nhưng chúng ta không trở thành một phiên bản của họ. Ông bà ta làm được điều đó, thì bây giờ chúng ta phải phát huy và làm được tốt hơn.

Nhưng cần chú ý, ngay trong trạng thái chuyển giao bản sắc văn hóa là lúc chúng ta cần tỉnh táo nhất, nếu không sẽ hỏng.

PV: Nhiều người vẫn băn khoăn về thực chất bản sắc văn hóa Việt thật sự là cái gì. TS suy nghĩ thế nào về việc này?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Bản sắc là giá trị cốt lõi, là giá trị căn bản của một dân tộc. Nhưng tôi thấy rằng, bản sắc không hẳn lá cái cố định, bất biến, không có nghĩa là ngày hôm qua bản sắc thế nào thì ngày hôm nay như vậy. Bản sắc luôn trên đà phát triển, bởi nó chế định hệ giá trị hành vi xã hội và gắn liền với khuôn mặt xã hội. Ví dụ như bản sắc của dân nông nghiệp là tinh thần tập thể, là sự gắn bó sẻ chia, là tình cảm, là hay giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng khi chuyển sang một dân tộc trong xã hội công nghiệp hóa thì phải được điều chỉnh theo hướng hiện đại hơn, con người lại phải điều chỉnh hành vi, thái độ, kèo theo hệ giá trị cũng thay đổi.

Tôi tin rằng việc cách tân, thay đổi, kiến lập cái mới là một phần của bản sắc hoặc tiếp nhận, rồi kiến lập giá trị mới để bổ sung cho cái cũ và làm mới cái cũ cũng là một phần của bản sắc văn hóa dân tộc. Xưa đã thế, hôm nay và mai sau vẫn thế. Quá trình sống sẽ làm giàu thêm bản sắc, hay nói cách khác một phần của bản sắc cũng nằm ở quá trình, chứ không phải bản sắc lúc nào cũng nằm ở chỗ những gì đã được định hình trong quá khứ!

PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!

Vân Trúc (thực hiện)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.