Truyền hình trả tiền tại Việt Nam: Tiềm năng và khốc liệt

10:58 | 03/06/2011

522 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với chỉ 2,5 triệu thuê bao trong số hơn 80 triệu dân, Việt Nam vẫn được coi là một “miếng bánh” đầy sức hút với các nhà cung cấp truyền hình trả tiền.

Thị trường tiềm năng

Tại Hội nghị về Truyền hình trả tiền (THTT) tổ chức tại Đà Nẵng cuối tháng 5/2011, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết: sau 10 năm, lĩnh vực THTT ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, với khoảng 2,5 triệu thuê bao và hàng trăm kênh TH trong và ngoài nước.

Theo con số của Bộ TT&TT, hiện trên 63 tỉnh, thành đều có ít nhất một mạng TH cáp, với 43% hộ gia đình thành thị sử dụng TH cáp, 18% hộ gia đình dùng đầu thu tín hiệu từ vệ tinh. Các loại hình THTT cũng phát triển nở rộ, từ TH cáp, kỹ thuật số, vệ tinh, TH di động, IP TV…, mang lại nhiều lựa chọn khác nhau cho các phân khúc khách hàng.

Theo ông Manuel Rougeron – Giám đốc điều hành công ty VSTV (K+): thị trường Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng cho THTT, bởi tỷ lệ hộ gia đình sử dụng THTT vẫn còn khá thấp so với mức mơ ước 50 – 60% ở nhiều nước trên thế giới.

Trong số hơn 50 nhà cung cấp dịch vụ THTT tại Việt Nam hiện nay, Canal+ là hãng nước ngoài đầu tiên lao vào cuộc đua dành “miếng bánh” tiềm năng này. Hãng truyền hình nổi tiếng của Pháp với hơn 13 triệu thuê bao đã hợp tác với VTV, với sản phẩm “con chung” là K+ đến nay có gần 200.000 thuê bao, chiếm gần 10% thị phần THTT.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia ngành TH, THTT sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam trong thập kỷ này. Theo Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2009, đến năm 2020 sẽ ngừng việc sử dụng truyền hình tương tự để chuyển sang công nghệ số.

Đây cũng là xu hướng phát triển chung của truyền hình thế giới, với Luxembourg là quốc gia đầu tiên công bố hoàn tất cuộc chuyển đổi TH tương tự sang TH số. Sau Hà Lan, Phần Lan, Mỹ, Đức, Thuỵ Sỹ, Thuỵ Điển… nhiều nước cũng đã lập lộ trình chuyển đổi này.

Thực tế cho thấy, việc số hoá TH cũng gắn liền với sự dịch chuyển từ TH quảng bá (không trả tiền) sang THTT, và không khó để dự đoán các nhà cung cấp dịch vụ THTT sẽ cạnh tranh khốc liệt để giành phần to trong mảnh đất màu mỡ nhưng nhiều khả năng sẽ bão hoà chỉ sau 10 năm như Việt Nam.

Cuộc cạnh tranh cần được kiểm soát

Sự ra đời của hàng loạt “ông lớn” trong lĩnh vực THTT như VTC, HTVC, VSTV, SCTV… cùng với sự “lấn sân” sang lĩnh vực này của các DN viễn thông như VNPT, FPT cộng với hàng loạt đơn vị TH cáp địa phương khiến cuộc cạnh tranh sớm khốc liệt.

Thực tế, mặc dù xu hướng chung TH kỹ thuật số sẽ dần chiếm ưu thế so với TH tương tự với lợi thế về công nghệ, chất lượng hình ảnh, âm thanh và khả năng tích hợp cao nhưng trước mắt, các hãng TH cáp vẫn giữ thị phần khá lớn nhờ vào chi phí ban đầu thấp, sự thích hợp với thiết bị vô tuyến và một lý do quan trọng là đa phần khán giả vẫn quen với TH tương tự.

Trong cuộc cạnh tranh “trăm người bán, vạn người mua” này, các hãng đã có nhiều “chiêu” để “trói” khách hàng. Với các hãng TH cáp địa phương, cách mà phần đông áp dụng vẫn là miễn phí lắp đặt, thuê bao hàng tháng rẻ từ 35.000 – 40.000 đồng/tháng.

Trong khi VTC tung gói khuyến mãi tặng 12 tháng thuê bao cho khách hàng mua bộ giải mã tín hiệu kéo dài tới 30/6 và khuyến mãi thẻ gia hạn cho các thuê bao cũ thì MyTV – dịch vụ TH Internet IPTV của VNPT vừa điều chỉnh gói cước, giảm giá chi phí mua bộ giải mã vừa “dụ” thuê bao mới bằng chương trình “Lắp MyTV trúng LCD”.

Mới, K+ sau một năm khá thành công phần lớn nhờ thắng bản quyền các giải bóng đá lớn đã quyết định cơ cấu lại các gói kênh áp dụng từ 31/5, vừa giảm giá từ 20 – 50% các gói kênh, vừa tăng số lượng kênh trong các gói với điểm nhấn là các kênh giải trí, thể thao, phim truyện nước ngoài chất lượng theo chuẩn HD. Ngoài chất lượng sóng tốt, gói độc quyền Super Sunday thì sự giảm giá và tăng kênh của K+ được đánh giá là một bước đi thích ứng với thị trường.

Tuy nhiên, sự “trăm hoa đua nở” của các hãng THTT ở Việt Nam cũng sớm làm nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, từ những vụ lùm xùm về bản quyền, đến nỗ lực tranh giành các gói độc quyền các giải bóng đá quốc tế khiến chính các hãng trong nước phải mua với giá cao, gián tiếp khiến khán giả chịu thiệt.

Ngoài ra, theo đánh giá của chính một người trong cuộc: ý thức về THTT của chính các đơn vị kinh doanh THTT vẫn còn thấp, và bán THTT nhưng vẫn mang tư duy… TH quảng bá khi nhiều đài vẫn ngang nhiên chèn quảng cáo vào các chương trình để tăng doanh thu trong khi bản chất THTT là thu tiền từ các thuê bao để cung cấp cho họ các kênh “sạch” không quảng cáo.

Theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, THTT ở Việt Nam, bên cạnh những mặt tích cực, đã bộc lộ nhiều nội dung cần có sự quản lý và điều chỉnh để phát triển bền vững. Đó là tình trạng buôn lỏng quản lý, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm bản quyền xảy ra ở nhiều đơn vị, cá nhân…. Do đó, bên cạnh sự phát triển cần phải có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước đề THTT phát triển vững chắc. Cụ thể hoá cho điều này chính là sự ra đời của Quy chế về quản lý THTT, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/5.

KH&DT