Trường chục tỉ… chờ sập

11:23 | 18/10/2017

394 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu, quận 6, TP Hồ Chí Minh được đầu tư hơn 20 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách chỉ sử dụng được vài năm rồi bị bỏ hoang.

Những ngày qua, thông tin về Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu lại tiếp tục được nhắc đến và trở thành tâm điểm thu hút dư luận. Nhà nước đầu tư hơn 20 tỉ đồng để xây dựng trường, nhưng rồi chỉ sử dụng được vài năm thì giáo viên và học sinh đành đi học nhờ trường khác, nhằm đảm bảo an toàn.

Gần 10 năm kể từ lúc xây xong, rồi bị bỏ hoang, trách nhiệm thuộc tổ chức, cá nhân nào và hướng giải quyết ra sao - vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Sự tồn tại của ngôi trường bỏ hoang trở thành cái gai trong mắt và sự bức xúc của người dân.

truong chuc ti cho sap
Bên ngoài Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu

Những ngày giữa tháng 10, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã ghi lại cảnh hoang tàn, vắng lặng không một bóng người, cỏ mọc um tùm, nhiều phòng chức năng của trường vẫn còn các bộ máy tính đặt trên bàn, phủ dầy bụi... Trên tấm bảng phân công công việc của nhà trường vẫn còn lưu lại tên của Ban Giám hiệu, thầy hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cùng các thầy cô khác. Ngôi trường hoang vắng, không ai dám đến và lưu lại quá lâu, vì nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Chính việc thi công kém chất lượng đã dẫn đến tình trạng thầy trò của trường gần như phải “tháo chạy” sang nơi khác và đành để công trình chục tỉ đồng “đắp chiếu” như hôm nay.

Ngược dòng thời gian, vào tháng 8-2004, UBND TP HCM đã chấp thuận chủ trương cho UBND quận 6 đầu tư và tiến hành khởi công xây dựng công trình Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu (đường Hậu Giang). Ngôi trường tọa lạc trên diện tích 6.600m2 và có quy mô 26 phòng học.

Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu được trông đợi sẽ là ngôi trường đạt quy chuẩn cấp thành phố. Sau 1 năm khởi công, tháng 9-2004, ngôi trường được đưa vào sử dụng với niềm hân hoan của lãnh đạo UBND quận 6 và 1.246 học sinh.

truong chuc ti cho sap
Công trình có kết cấu nền móng kém chất lượng, tạo hố sâu hàm ếch bên dưới

Sử dụng chưa được bao lâu, cả nghìn thầy cô giáo và các em học sinh bắt đầu đón nhận những hiện tượng “lạ”… Nền móng của ngôi trường sụt lún để lộ ra “hàm ếch” sâu hoắm bên dưới. Các bậc tam cấp cong vòng, “đánh võng” xuống nền đất. Hệ thống trần nhà bắt đầu rỉ nước, gây thấm dột từ trên xuống dưới.

Đến tháng 6-2009, thầy cô giáo và các em học sinh buộc phải sơ tán sang Trường THCS Nguyễn Văn Luông để học nhờ. Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu chính thức bị bỏ hoang trong nỗi tiếc nuối của giáo viên và học sinh, sau gần 5 năm được đưa vào sử dụng.

Sự việc đã được báo cáo lên UBND quận 6, rồi lên đến UBND TP HCM. Các ngành, các cấp vào cuộc, rà soát hiện trạng và tìm mọi cách khắc phục nhưng… bất thành.

Trước đó, Thanh tra TP HCM đã vào cuộc và có kết luận chính thức về dự án Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu. Chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các đơn vị thi công, tư vấn giám sát đã có nhiều cuộc họp để bàn cách khắc phục sự cố chất lượng ngôi trường. Theo quyết định được đưa ra ở thời điểm đó, các bên tiếp tục đóng góp thêm 6,5 tỉ đồng để tìm cách “cứu” ngôi trường 20 tỉ đồng. Tỷ lệ được chia ra cho mỗi bên như sau: Nhà thầu thi công chịu 45%, tư vấn thiết kế 25%, tư vấn giám sát 25% và chủ đầu tư 25%.

truong chuc ti cho sap
Trang thiết bị còn sót lại bên trong các phòng chức năng

Thế nhưng đến lúc này, nhà thầu thi công công trình Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu đã “lặn mất tăm” và không chi tiền khắc phục sự cố. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lại cho rằng, dù có tìm cách khắc phục thì ngôi trường vẫn không thể đưa vào sử dụng được do công trình kém chất lượng ngay từ nền móng và cốt thép.

Do các khâu thiết kế, thi công, tư vấn giám sát và quản lý Dự án Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu đã có nhiều sai sót. Hệ thống móng cọc bị lún cục bộ là nguyên nhân gây ra sự cố công trình. Trong quá trình ép cọc, hồ sơ theo dõi có nhiều dấu hiệu bất thường, số liệu thí nghiệm thử tải tĩnh cọc không đáng tin cậy, nhật ký công trình không hợp lý, đài cọc không đạt kích thước, cột - dầm - sàn không đạt cường độ thiết kế… Quá trình thi công và giám sát đều không đạt chất lượng nhưng chủ đầu tư vẫn ký nghiệm thu toàn bộ công trình. Đồng thời dư luận cho rằng, không nên mạo hiểm níu giữ một công trình - phế phẩm như vậy cho mục đích vun đắp cho thế hệ măng non, với cả nghìn học sinh học tập, vui chơi mỗi ngày…

Tháng 5-2010, Sở Xây dựng TP HCM đã cùng các đơn vị liên quan khảo sát hiện trạng ngôi trường và được đánh giá, nhiều hạng mục công trình vẫn tiếp tục xuống cấp và hư hỏng nặng. UBND quận 6 đã xác định trách nhiệm chính gây nên sự cố công trình thuộc về các đơn vị thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát và ban quản lý dự án có một phần trách nhiệm do chưa làm hết vai trò quản lý dự án của chủ đầu tư.

Hưng Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc