Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và những lần gặp Bác Hồ: Bài học nhỏ ý nghĩa lớn

09:20 | 25/01/2012

2,455 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dẫu đã ở tuổi ngoại bát tuần, sức khỏe giảm sút theo thời gian và vì trận ốm tháng trước đến nỗi mất cả giọng, nhưng khi nhớ lại những kỷ niệm về Bác Hồ, đến những trận đánh hào hùng làm nên lịch sử của dân tộc, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, Tư lệnh Chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh, vẫn đầy hứng khởi như thể câu chuyện chỉ vừa xảy ra ngày hôm qua.

Nhân dịp Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh mời 70 nhân chứng lịch sử đã từng có kỷ niệm sâu sắc với Bác Hồ, với công trình vĩ đại của tình hữu nghị Việt – Xô kể lại những câu chuyện để làm tư liệu, một lần nữa Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên lại có dịp hồi tưởng lại những ký ức đã trở thành bài học, thành “kim chỉ nam” cho cuộc sống và sự nghiệp cách mạng của ông.

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở tỉnh Quảng Bình, có thể nói sẵn có trong huyết quản của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là ý chí làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng “đồng bào mình” khỏi ách xâm lược, đói nghèo. Bởi từ khi còn là học trò bậc thành chung (cấp II), ông đã tham gia hoạt động bí mật của tổ chức học sinh và giữ chức vụ Bí thư Chi bộ trường. Sau khi các cơ sở ở tỉnh bị bại lộ, ông bị truy nã ráo riết, Xứ ủy Trung Kỳ đưa ông thoát ly sang hoạt động tại Thái Lan trong phong trào yêu nước của kiều bào ta ở Lào và Thái Lan. Một lần nữa tinh thần chiến đấu quật cường được tôi luyện, những tố chất “cách mạng” được thử thách, phát huy tối đa để rồi sau này trở về nước trên cơ sở đó, ông trở thành Đảng viên đảng Cộng sản năm 1939 và được nắm giữ những cương vị quan trọng trong các chiến dịch mang dấu ấn lớn lao của lịch sử dân tộc. Nhờ vậy, ông có cơ hội được tiếp xúc với vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già của dân tộc – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những lần gặp gỡ, những kỷ niệm không bao giờ quên mà cho tới bây giờ mỗi khi nhớ lại, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên vẫn xúc động rưng rưng nước mắt.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên

Ông kể, năm 1948, khi ấy là Tỉnh đội trưởng kiêm Chính trị viên Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình, sau 5 tháng giữ chức vụ này, ông mới xây dựng mô hình “làng chiến đấu” ở Cảnh Dương để chống trả những đòn tiến công của Pháp vào khu vực này. “Thực lực” quân sự của “làng chiến đấu” khi ấy chỉ là mấy quả lựu đạn, khoảng 10 cây súng… Nhưng chính nhờ những lũy tre làng, đặc biệt là tinh thần chiến đấu quật cường, bất khuất của nhân dân mà 2 ngày liền, một tiểu đoàn Pháp không thể nào tiến vào được. Ở Cự Nẫm, cũng áp dụng “chiến thuật” trên nên liên tiếp 3 lần, mặc dù tốn rất nhiều súng đạn, quân lính, nhưng thực dân Pháp không thể nào chiếm lĩnh để làm chủ. Từ đó, thấy rõ “lũy tre làng” và lòng quả cảm của nhân dân có thể là bức “thành đồng” vững chắc ngăn cản bước tiến của thực dân Pháp và khiến chúng không thể muốn làm gì thì làm, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã nhân rộng mô hình “Làng chiến đấu” và chủ trương xây dựng tập đoàn làng chiến đấu để trở thành tuyến phòng ngự của dân quân tự vệ và nhân dân. Do chiến công này, Bác Hồ đã gửi tặng ông 2 thước vải lụa, trên đó viết tên “Đồng Sĩ Nguyên”. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên giải thích thêm: “Vì điều này, nhiều người lầm tưởng Bác Hồ chính là người đặt tên “Đồng Sĩ Nguyên” cho ông. Nhưng từ tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, ông mới là “tác giả” hai cái tên của chính mình là Nguyễn Văn Đồng và Đồng Sĩ Nguyên.

Đối với vị tướng già tóc đã bạc trắng vì xông pha nơi chiến trường, vì thời gian đang đuổi trước mặt, 2 thước vải lụa đó là kỷ niệm không bao giờ quên vì không những là món quà đầu tiên mà còn là tấm lòng bao la của Bác khi quan tâm, động viên tới mỗi người như người thân ruột thịt của mình. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nuối tiếc: “Do nhiều lần chuyển địa điểm công tác cùng với những lần đi chiến dịch, tôi đã không giữ được tấm lụa vô giá đó”.

Năm 1948, sau khi được cử ra Việt Bắc dự lớp đào tạo quân sự trung cao cấp rồi được điều về công tác tại Tổng cục Chính trị, giữ cương vị Cục phó Cục Tổ chức, phụ trách xây dựng Đảng rồi Cục phó Cục Tổ chức cán bộ, kiêm Bí thư Chi bộ của Tổng cục Chính trị đồng thời là Trưởng ban Tổ chức cán bộ các chiến dịch lớn. Chính nhờ cương vị này mà Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên lại có cơ hội được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 2 để rồi lần gặp đó lại đúc kết cho ông bài học về nhân cách lớn từ Người. Ông nhớ lại: “Thời kỳ đó, có rất nhiều chiến dịch để chống lại quân Pháp. Nhưng trong số ấy, có thể nói chiến dịch Hoàng Hoa Thám là chiến dịch khó khăn nhất, đặc biệt là ở Mạo Khê…”. Ta đã giải phóng hết đồn bốt của địch nhưng đến Mạo Khê không thể làm chủ được do lôcốt boongke của địch quá kiên cố.

Ông nói tiếp: “3 trung đoàn thay nhau tấn công mà không giải phóng được Mạo Khê”. Nắm được tình hình này, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên báo cáo với Tổng tư lệnh là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lập tức ra lệnh dừng chiến đấu và kết thúc chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Để đánh giá, rút kinh nghiệm từ chiến dịch nói trên, Quân ủy đã tổ chức một hội nghị kiểm điểm, nhìn nhận lại chiến thuật chiến dịch trong tấn công đồn địch. Bác Hồ cũng tham dự hội nghị và Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là người được cắt cử đi đón, dẫn đường cho Bác. Hôm ấy, đối với ông là một ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời, một ngày may mắn vì lĩnh hội được một bài đạo đức vô giá từ việc làm rất đỗi giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để đón Bác đến tham dự hội nghị, đã có 5 con ngựa được chuẩn bị sẵn sàng cho 5 người gồm: Bác Hồ, đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác, 2 đồng chí bảo vệ và Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Nhưng khi đến địa điểm tập kết, thấy vậy, Bác Hồ chỉ đạo rút bớt từ 5 con ngựa xuống 3 con.

Theo đó, một đồng chí bảo vệ sẽ ngồi chung ngựa với Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Đồng chí bảo vệ còn lại sẽ rút không phải đi theo đoàn. Vì theo Bác: “Đã có chú Nguyên ở đây thì không cần đến 2 bảo vệ đi theo…”. Vừa đến nơi, xuống ngựa, Bác chủ động ra bắt tay và nói với Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên: “Cảm ơn chú đã dẫn đường chu đáo lắm”. Kể đến đây thì Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nghẹn ngào không nói nên lời, lấy khăn tay chấm nước mắt, giọng ông ngắt quãng trong niềm xúc động vô bờ bến: “Đối với tôi đó là bài học nhớ mãi về nhân cách, đạo đức của một con người luôn luôn vì nước, vì dân từ một việc nhỏ nhất chứ không phải chỉ “tiền hô hậu ủng”, nói suông”.

Trung tướng Đổng Sĩ Nguyên tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2009

Mỗi lần gặp Bác Hồ là một lần “khắc cốt ghi xương” đối với vị tướng mà tên tuổi của ông đặc biệt gắn với con đường mang tên Hồ Chí Minh, con đường chiến lược trở thành tuyến chi viện lớn nhất cho chiến trường miền Nam. Ông là người may mắn bởi ở những giai đoạn lịch sử khác nhau, ông đều được gặp Bác Hồ để từ đó lĩnh hội, đúc kết cho mình những bài học quý giá về phẩm chất của con người cách mạng và hun đúc nhiệt huyết, tinh thần chiến đấu giải phóng dân tộc. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự cao cấp Bắc Kinh, trở về nước, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên giữ cương vị Tổng Tham mưu phó phụ trách phòng không nhân dân, dân quân tự vệ, biên phòng, biên giới v.v…

Là một người rất quan tâm tới phòng không nhân dân, vì liên quan tới sinh mạng của dân, Bác gọi ông đến để báo cáo về tình hình phòng không nhân dân. Bác hẹn 8 giờ đến làm việc tại chỗ Bác ở. Biết Bác là người rất đúng giờ, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã dự tính đến sớm trước 3 phút. Nhưng khi ra đến cửa, đồng chí Tư lệnh Quân khu 3 lại nhờ ông giải đáp một số việc, vậy là khi đến chỗ Bác ông bị muộn mất 1 phút. Lúc đó, Bác đã ngồi chờ sẵn. Nhìn thấy ông, Bác hỏi: “Chú có biết bây giờ là mấy giờ không?”. Ông trả lời: “Dạ, thưa Bác cháu biết, cháu đến muộn một phút”. Bác liền bảo: “Cán bộ bình thường thì tôi không nói. Nhưng là Tổng Tham mưu phó, liên quan đến toàn quân, trễ 1 phút, chú biết nguy hiểm không? Nhớ rút kinh nghiệm, lần sau đừng thế”.

Sau khi hỏi kỹ về tình hình phòng không trong nhân dân, Bác dặn: “Không chỉ tập trung vào hầm trú ẩn cá nhân mà chú còn phải quan tâm đến trường học, bệnh viện, đường phố hầm trú ẩn ra sao. Chú phải kiểm tra kỹ, phải lo cho dân…”. Đặc biệt Bác còn dặn: “…Chú phải nhớ, không được phân biệt tôn giáo, hạng người, tất cả đều là một – là nhân dân, phải lo cho họ”. Khi tiễn Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên ra cửa, Bác còn nói: “Chú đang trẻ, triển vọng tràn đầy, làm việc phải có tính toán, tính toán phải có hai mặt – mặt trái, mặt phải. Bao giờ cũng phải tôn trọng ý kiến ngược lại thế mới “sắc” được. Không được nghe xu nịnh, không ca ngợi một chiều”. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên xúc động: “Đây là bài học xương máu đối với tôi trong công tác lãnh đạo mà tôi không bao giờ có thể quên được”.

Khi chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ trở nên ác liệt, tại Hội nghị Trung ương 2, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên lại được gặp Bác. Tại đây, Bác chỉ đạo: “Dân tộc Việt Nam là một, nước Việt Nam là một nên chiến tranh ở miền Nam cũng là chiến tranh của cả nước, chúng ta không thể để miền Nam đơn độc, phải xây dựng tuyến chi viện cho miền Nam”. Quán triệt tinh thần này, khi giữ cương vị là Tư lệnh Đoàn 559, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã gắn tên tuổi của mình cùng với con đường “máu lửa” mang 3 nhiệm vụ chiến lược: Vận tải chi viện chiến lược; tác chiến binh chủng hợp thành phối hợp với chiến trường ta và bạn (Lào, Campuchia) để đánh địch, đánh địch chống chiến tranh ngăn chặn, chống chiến tranh xâm lược và xây dựng căn cứ chiến lược của 3 nước: Lào, Campuchia, Việt Nam mà tâm điểm là 3 biên giới, 3 cao nguyên bằng những chiến công lẫy lừng, mà chiến công lẫy lừng nhất là đã đóng góp vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tú Anh (ghi)