Trúng trượt đều là lòng dân

07:06 | 14/06/2016

531 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã thu được kết quả tốt đẹp.

Cả nước có trên 67 triệu cử tri, chiếm tỷ lệ 99,35% đi bỏ phiếu. Tổng số người ứng cử ĐBQH khóa XIV là 870 người, tổng số đại biểu trúng cử là 496 người (thiếu 4 đại biểu so với tổng số 500 đại biểu được bầu).

trung truot deu la long dan
Bầu cử Quốc hội Khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Tuy nhiên, kết quả bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 so với dự kiến, số đại biểu HĐND cấp tỉnh thiếu 8 đại biểu; cấp huyện thiếu 120 đại biểu và đặc biệt cấp xã thiếu tới 6.626 đại biểu.

Kết quả bầu Quốc hội khóa XIV và nhất là HĐND các cấp cho thấy có những vấn đề đáng quan tâm. Việc phải bầu bổ sung mà vẫn không đủ 500 ĐBQH như dự kiến và cơ cấu kết hợp chưa đủ như dự kiến chứng tỏ việc lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử và tiếp xúc của ứng viên với cử tri cần được rút kinh nghiệm.

Về cơ cấu kết hợp, số ĐBQH là người dân tộc thiểu số chỉ có 86 người, thiếu 4 người so với dự kiến. Đại biểu là phụ nữ 133 người, thiếu 17 người so với dự kiến. Số người ngoài Đảng trúng cử là 21 người, giảm 4,2% so với khóa XIII và số người tự ứng cử chỉ trúng cử 2 người, giảm 0,4% so với khóa XIII.

Trong khi ở cấp tỉnh, huyện cơ bản đạt yêu cầu về số lượng và cơ cấu đại biểu. Tuy nhiên, ở HĐND cấp xã, lần đầu tiên có tình trạng hàng chục địa phương không bầu đủ số đại biểu theo quy định. Có địa phương thiếu 300-400 đại biểu, thậm chí có nơi cả Bí thư và Chủ tịch xã đều không trúng cử HĐND xã. Chẳng hạn tại Nam Định, số đại biểu HĐND cấp xã bầu ra còn thiếu đến 213 người. Tại Phú Thọ thiếu 333 đại biểu HĐND cấp xã.

Hà Nội cũng bầu thiếu 272 người. Đáng chú ý, số người không trúng cử không chỉ là quần chúng mà có cả cán bộ, đảng viên lọt qua 3 vòng hiệp thương vẫn không trúng cử hoặc có trúng cũng chỉ có trên 50% phiếu thuận. Đã có thông tin về các ứng viên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND và cán bộ chủ chốt ở địa phương cũng không đủ số phiếu cần thiết để đắc cử. Các tỉnh Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hà Nam, Thái Bình, Phú Yên, Đắk Nông, Lâm Đồng... và một số nơi khác phải tiến hành bầu cử thêm đại biểu HĐND cấp xã.

Vì sao vậy? Có thể nhận thấy việc bầu thiếu đại biểu HĐND cấp xã đã phản ánh ý thức của cử tri. Những người cầm lá phiếu đi bầu đã có trách nhiệm thật sự với quyết định của mình. Họ đòi hỏi cao hơn ở đại biểu HĐND cấp cơ sở. Đã qua rồi cái thời bà con ào ào bỏ phiếu bất cần người được giữ lại hoặc bị gạch tên là ai, cốt để đủ số người được bầu là xong. Nay đã khác, người ta cân nhắc rất kỹ, thậm chí xăm xoi cả nếp ăn, nếp ở của ứng viên. Nếu là cán bộ lãnh đạo, những người đã và đang trực tiếp giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân lại càng được cân nhắc hơn. Kết quả công việc của họ, dân đều biết và khen chê công tâm rành rọt.

Có ý kiến cho rằng, những ứng viên không trúng cử là những người mất lòng dân, xa dân, không thực hành đầy đủ trách nhiệm cán bộ, đảng viên trước quần chúng không hoàn thành nhiệm vụ…

Hẳn vì vậy, các bậc lão thành nhận xét, bầu cử lần này cũng như lửa thử vàng. Ai có tâm có tầm đều được dân tín nhiệm bầu vào HĐND và ngược lại, ai đuối tầm nhạt tâm dân loại ngay.

Việc một số xã phải bầu bổ sung đại biểu cần được đánh giá là bình thường trong xã hội dân chủ, dân quyền. Tuy nhiên cũng có tình trạng bè phái dòng họ bảo nhau dồn phiếu cho người của họ này, họ kia khiến kết quả bầu cử méo mó.

Cũng từ kết quả bầu cử HĐND cấp xã, phường vừa qua, các chuyên gia lưu ý việc chọn một số ứng cử viên đã không thực sự đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống của người dân. Không khó khăn gì người dân không biết vì sao ông A, bà B mất tín nhiệm đến thế nhưng vẫn được giới thiệu và vượt qua các vòng hiệp thương. Bà con ngờ rằng có hiện tượng bè phái, phe nhóm ở đây nên đã không bỏ phiếu cho những người này. Bên cạnh đó, công tác vận động bầu cử cũng cần nghiên cứu hoàn thiện để cử tri tiếp cận nhiều hơn với ứng cử viên, từ đó có đánh giá khách quan, toàn diện hơn trước khi bỏ phiếu bầu.

Mặc dầu vậy, đối chiếu với những yêu cầu trong chỉ thị của Đảng về cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã thành công. Chúng ta hy vọng các đại biểu đắc cử hãy thực hiện đúng lời hứa với cử tri, góp phần xứng đáng vào việc xây dựng cơ quan quyền lực của dân, do dân và vì dân trong nhiệm kỳ mới. Vàng đã qua thử lửa phải là vàng mười đích thực.

Thọ Vinh

Năng lượng Mới 531