Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội bỏ rơi bệnh nhân!

19:46 | 10/07/2017

1,871 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Rạng sáng ngày 9/7, bệnh nhân Nguyễn Ngọc Đức ở 184 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội bị cảm, ngất xỉu, người nhà phải gọi Trung tâm cấp cứu 115. Tuy nhiên, sau khi nhận thông tin, xe cấp cứu 115 của Hà Nội đã không đến.

Người nhà bệnh nhân Nguyễn Ngọc Đức, ở 184 Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội kể lại, vào lúc 3h40' sáng ngày 9/7/2017, bệnh nhân bị cảm, ngất xỉu, người nhà gọi ngay Trung tâm cấp cứu 115 của Hà Nội. Nhân viên trực máy sau khi hỏi địa chỉ chi tiết đã nói rằng ít phút nữa sẽ có xe cấp cứu đến. Tuy nhiên, 15 phút sau, xe cấp cứu không đến.

3h55', người nhà bệnh nhân tiếp tục gọi lần thứ hai, nhưng không có ai nghe máy. Từ đó cho đến 4h03', người nhà lại liên tiếp gọi 4 cuộc điện thoại nữa đến Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, nhưng kết quả vẫn là những tiếng chuông đổ dài…

trung tam cap cuu 115 ha noi bo roi benh nhan
Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội

Gia đình bệnh nhân vô cùng bấn loạn, đã phải tự đưa bệnh nhân vào viện. Đến sáng ngày 10/7, khi bệnh nhân đã được cấp cứu tại bệnh viện E và qua thời điểm nguy cấp, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội vẫn... “bặt vô âm tín”.

Chỉ đến khi nhận được thông tin từ một số phóng viên, vào lúc 14h ngày 10/7, lãnh đạo Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội mới gọi điện hỏi thăm và giải thích với bệnh nhân về lý do “bỏ rơi”. Tuy nhiên, cách giải thích này khó có thể chấp nhận được.

Theo bệnh nhân Nguyễn Ngọc Đức, người gọi điện giới thiệu là bác sĩ Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, đã nói rằng đáng lẽ xe cấp cứu phải đến địa chỉ trên đường Hoàng Quốc Việt thì lại nhầm nên đến đường Phạm Văn Đồng. Sau khi đến đây không tìm được địa chỉ, xe cấp cứu đã quay về và không báo cáo lại thông tin.

Thế nhưng câu hỏi đặt ra là khi không tìm được địa chỉ gọi cấp cứu, tại sao người được giao nhiệm vụ đi cấp cứu không gọi lại số máy lưu lại trên điện thoại mà người nhà bệnh nhân Nguyễn Ngọc Đức đã gọi đến Trung tâm? Bởi máy ở Trung tâm Cấp cứu bao giờ cũng hiện và lưu số điện thoại gọi đến. Cách giải thích này của lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 vẫn chỉ là sự bao che và biện minh cho việc làm vô trách nhiệm và vô cảm của nhân viên cấp dưới của mình.

Giả sử trong trường hợp người bệnh không được cấp cứu kịp thời, bỏ qua mất thời gian “vàng” trong điều trị thì Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội có chịu trách nhiệm về hậu quả này?

Bức xúc trước việc làm của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, người nhà bệnh nhân Nguyễn Ngọc Đức đã nói: “Tôi nghe nhiều về việc ngành y đổi mới phong cách thái độ phục vụ người bệnh. Phải chăng đổi mới là thế này? Tôi đề nghị lãnh đạo ngành y tế xử lý nghiêm sự việc, để những người bệnh không phải chết oan vì sự vô trách nhiệm, vô cảm của một số người trong ngành”.

Xuân Bách