Trung Quốc vừa mất trắng 2.300 tỷ USD

13:50 | 06/07/2015

3,021 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong ba tuần qua, Trung Quốc đã mất trắng 2.360 tỷ USD trong thị trường chứng khoán, số tiền gấp 10 lần GDP của Hy Lạp. Bắc Kinh đã lên tiếng tố cáo “bàn tay đen tối” của phương Tây.

Cổ phiếu Trung Quốc sụt giảm đến 30% trong vòng có 3 tuần

Euro, dầu mỏ mất giá vì Hy Lạp

Đồng euro giảm mạnh ở châu Á hôm 6/7, có lúc mất giá đến 1.5%, sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy người Hy Lạp từ chối biện pháp thắt lưng buộc bụng để đổi lấy tiền cứu trợ của EU. Dầu thô cũng giảm giá, dầu Brent xuống còn 59.65 USD/thùng. Giới quan sát cho rằng thị trường thế giới vẫn đang ổn định, nhấn mạnh rằng không có dấu hiệu của sự căng thẳng tài chính và họ kỳ vọng Ngân hàng ECB đang sẵn sàng đáp ứng với tình thế bằng những biện pháp cụ thể.

Thị trường cổ phiếu ở Thượng Hải và Thẩm Quyến, Trung Quốc từ ngày 12/6 đến nay đã giảm mất lần lượt 29% và 32% giá trị. Theo các chuyên gia, sự lao dốc này bắt nguồn từ việc thị trường chứng khoán Trung Quốc đã lên quá nhanh một cách bất thường. Từ đầu năm cho tới khi sụt giá, cổ phiếu ở Thượng Hải và Thẩm Quyến tăng thêm 40% và hơn 90%.

Sự tăng giá trên là bất thường. Tất cả là do các nhà đầu tư hy vọng vào các kế hoạch kích thích của nhà nước để cứu vãn thị trường. Kinh tế Trung Quốc hiện nay yếu nhất kể từ năm 2009. Chính phủ Bắc Kinh hứa bơm thêm 800 tỷ USD để kích thích. Mối hy vọng của giới đầu tư là một ảo ảnh. Nhiều người đã chuyển tiền từ thị trường địa ốc đang suy yếu sang thị trường chứng khoán, đẩy cho giá cổ phiếu lên cao.

Nhưng mối lo lớn nhất trong thị trường chứng khoán Trung Quốc là càng ngày càng nhiều người vay nợ để đầu tư. Vì lãi suất khi vay tiền rất thấp so với hy vọng lợi suất cao khi đem tiền mua cổ phiếu. Số trương mục vay nợ để đầu tư đã tăng 86% trong năm 2014, theo Oxford Economics, một công ty nghiên cứu chứng khoán. Mối nguy hiểm ẩn tàng là khi người vay nợ mua một số cổ phần rồi giá các cổ phần đó xuống, họ phải lo trả bớt nợ theo luật định. Họ sẽ phải bán các cổ phần của mình ngay để có tiền trả, kéo theo các cổ phần khác cùng xuống. Ðó là một lý do nữa khiến các thị trường Thượng Hải hay Thẩm Quyến mất gần một phần ba giá trị trong mấy tuần lễ qua.

Ai là người đã mất tiền? Rất nhiều ngân hàng, xí nghiệp và doanh nghiệp nhà nước mua cổ phiếu, nhưng những người mất tiền nặng nhất là các nhà đầu tư nhỏ. Chỉ có 10% đến 12% người dân Trung Quốc làm chủ các cổ phần. Những người đầu tư cũng là nhóm hay đi vay nợ để mua. Họ tiết kiệm nhưng không muốn gửi tiền vào các ngân hàng của nhà nước vì lãi suất thấp quá. Họ cũng có máu cờ bạc, và lại tin tưởng rằng nhà nước thế nào cũng bảo vệ giá trị các thị trường chứng khoán.

Những nhà đầu tư lẻ chiếm 80% các hoạt động mua bán cổ phiếu, khác hẳn với thị trường Mỹ, nơi hơn 80% các vụ mua bán trong thị trường là do các công ty tài chính lớn với số vốn hàng tỷ USD. Nhiều người đầu cơ vay tiền mua cổ phiếu để đẩy giá lên, chờ đến ngày bán tháo chạy trước khi giá xuống.

Các chuyên gia phân tích nhận định, vụ sụt giảm của thị trường Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới. Thứ nhất, dù số người mất tiền sẽ bớt chi tiêu nhưng họ chỉ bớt mua các món hàng xa xỉ; cho nên nói chung, số tiêu thụ của hơn một tỷ người Trung Quốc sẽ không thay đổi. Hơn nữa, giá cổ phiếu tụt giảm lần này là một hiện tượng tự nhiên, đã được giới đầu tư quốc tế chờ đợi. Khi nền kinh tế một nước giảm bớt tốc độ tăng trưởng và các doanh nghiệp cũng bớt kiếm lời thì không có lý do nào để thị trường chứng khoán tăng lên hàng 40% hay 90% như ở Thượng Hải và Thẩm Quyến trong 6 tháng qua.

Theo Oxford Economics, giá chứng khoán ở Trung Quốc sẽ giảm thêm chừng 35% nữa mới vào thế quân bình, phản ảnh đúng tình hình kinh tế. Tức là giới đầu tư Trung Quốc có thể sẽ mất hơn một nghìn tỷ USD nữa.

Cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nới lỏng tiền tệ để kích thích đầu tư; vừa cắt lãi suất, lần thứ tư trong năm, vừa giảm bớt số tiền mà các ngân hàng thương mại phải dự trữ theo luật định. Sở Chứng khoán Trung Quốc lại bãi bỏ một điều lệ có mục đích ngăn chặn việc vay tiền quá nhiều khi mua cổ phiếu. Trong khi đó, đáng lẽ phải đặt ra các điều kiện gắt gao hơn mới cản bớt được các tay đầu cơ liều lĩnh vay tiền mua cổ phiếu.

Ngày 30/6, trong lúc thị trường đã tụt giảm hơn hai tuần, trang mạng thepaper.cn đã đăng tải một đoạn phim hoạt hình trong đó một bà lên tiếng cảm ơn nhà nước đang hỗ trợ thị trường chứng khoán. Bà này cũng tố cáo “các thế lực thù địch ngoại quốc” đang ngấm ngầm phá thị trường chứng khoán Trung Quốc! Phim hoạt họa này lập tức được truyền đi trên các mạng nhiều người vào nhất là Weibo và WeChat. Nhiều công dân mạng đã hùa theo, chỉ trích “bàn tay ngoại quốc can thiệp”, trong đó tên của công ty đầu tư Mỹ Goldman Sachs đã được nêu ra.

Chiều 1/7, Reuters đưa tin, Bắc Kinh xác định rằng không hề có chuyện công ty Goldman Sachs hoặc các nhà đầu tư ngoại quốc nào đã lũng đoạn thị trường Trung Quốc! Hoàn Cầu Thời Báo viết rằng “Vốn ngoại quốc chỉ đóng vai một phần nhỏ trong cả thị trường. Không có dấu hiệu nào cho thấy người ngoại quốc tính phá thị trường chứng khoán Trung Quốc”.

Sắp tới, Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều biện pháp trấn an và nâng giá thị trường. Trong khi chờ đợi, Bắc Kinh sẽ mở cuộc điều tra để truy tố một số người đầu cơ thị trường.

H.Phan

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc