Trung Quốc “vỗ mặt” Mỹ tại APEC

07:00 | 10/11/2014

4,193 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu Mỹ coi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có Trung Quốc và Nga, là vũ khí của chiến lược tái định vị của Mỹ trong vùng châu Á -Thái Bình Dương, thì Vùng trao đổi mậu dịch tự do châu Á -Thái Bình Dương (FTAAP) đang trở thành tấm khiên cho Bắc Kinh và Moskva.

Trung Quốc “vỗ mặt” Mỹ tại APEC

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại diễn đàn APEC

 

Trong khi tiến trình đàm phán TPP vẫn giậm chân tại chỗ do những bất đồng chủ yếu giữa Mỹ và Nhật Bản về các điều khoản thương mại thì ngày 8/11, những người đứng đầu cơ quan Ngoại giao và Thương mại các nước châu Á-Thái Bình Dương tại hội nghị ở Bắc Kinh đã thông qua "bản đồ lộ trình" để tạo lập khu vực tự do thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Mặc dù chưa công bố các chi tiết của "bản đồ lộ trình" nhưng bộ trưởng các nước APEC khẳng định từng bước hình thành FTAAP ngay khi nào có thể, dựa trên cơ sở các sáng kiến đã có trong khu vực. Dự kiến chương trình nghiên cứu các vấn đề chiến lược gắn với việc thành lập FTAAP sẽ hoàn thành vào năm 2016.

Như vậy, bằng cách đề xuất thành lập FTAAP, Trung Quốc đã “vỗ thẳng” vào mặt Mỹ. Trong vài năm gần đây, Mỹ hăng hái đi đầu trong công cuộc vận động thành lập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương. TPP tập hợp 12 quốc gia đều là thành viên APEC nhưng loại trừ Trung Quốc – nền kinh tế thứ nhì thế giới. Theo Bắc Kinh, nỗ lực này nằm trong chủ trương tái cân bằng chiến lược, hướng sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, nhằm ngăn trở sức mạnh đang lên của Trung Quốc trong khu vực.

TPP được khởi xướng ngay từ năm 2003 theo đề xuất của New Zealand, Singapore và Chile. 5 năm sau, Mỹ chú mục đến dự án này và nhận về mình sứ mệnh tạo lập ra một khối liên kết với khu vực thương mại tự do tiềm năng. Tuy nhiên, các thỏa thuận về thành lập TTP cho đến nay còn chưa được ký kết. Một trở lực lớn cho TPP hiện nay là việc Tokyo và Washington chưa thống nhất được những điều khoản về nông nghiệp.

Theo giới phân tích, dự án Vùng trao đổi mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương do Trung Quốc đề xuất sẽ làm giảm rất nhiều tác động của TPP. Do đó Mỹ đang tìm cách phá dự án này của Bắc Kinh.

Trả lời truyền thông Trung Quốc hôm 7/11, Tổng thống Nga Putin nói rằng sự vắng mặt của Nga và Trung Quốc trong Đối tác Xuyên Thái Bình Dương khó lòng tạo điều kiện xây dựng hợp tác hiệu quả về thương mại-kinh tế trong khu vực. Ông Putin nhấn mạnh rằng liên kết khu vực cần phải mang tính chất minh bạch, đảm bảo trao đổi thông tin giữa tất cả các quá trình đàm phán. Còn bản thân các thỏa thuận về thương mại tự do thì không phân tách mà bổ sung cho hệ thống thương mại đa phương. Những thỏa thuận như thế cần được xây dựng trên cơ sở cởi mở, bình đẳng và tính đến nhu cầu của mỗi nền kinh tế.

Diễn đàn APEC đã được 25 tuổi với 21 thành viên trải dài từ Nam-Bắc Mỹ, qua châu Á xuống tận nước Australia và New Zealand, với 40% dân số thế giới, nắm trong tay 50% của cải toàn cầu và 44% thương mại quốc tế. Trong khi đó, TPP với 12 thành viên đang đàm phán chiếm đến 40% GDP của toàn cầu, nhưng chỉ riêng hai “ông lớn” là Mỹ và Nhật đã chiếm đến 80% GDP của toàn khối. Vì thế mọi con mắt đang đổ dồn về cuộc giằng co trên bàn đàm phán của hai thành viên chủ chốt này.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc