Trung Quốc và những vấn đề “nhức đầu” năm 2015

07:00 | 08/01/2015

2,895 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có 4 vấn đề quan trọng nhiều khả năng sẽ định hình đường lối ngoại giao năm 2015 của Trung Quốc.

Với khởi đầu tốt đẹp của kế hoạch “một vành đai, một con đường” - tên gọi của dự án Con đường tơ lụa trên bộ và trên biển mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cân Bình khởi xướng từ năm 2013; quan hệ Nga - Trung đạt nhiều bước tiến sâu rộng..., có thể nói, năm 2014, ngoại giao Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên, để duy trì những thắng lợi đó không phải điều dễ dàng với “con rồng châu Á” trong năm 2015, khi những thách thức kinh tế toàn cầu và mối lo an ninh ngày càng gia tăng.

China flag

Trước tiên, mối bận tâm hàng đầu chắc chắn là những căng thẳng trên khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông. Việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực La Haye (Hà Lan) sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế. “Đòn đánh chặn” từ Mỹ khi công bố báo cáo “Ranh giới trên biển” vào đầu tháng 12 tiếp tục là một thách thức với yêu sách đường chín đoạn. Hà Nội cũng đã đề nghị Tòa Trọng tài thường trực quan tâm tới các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam tại Biển Đông. Hành động này tuy mới chỉ là điều tối thiểu trong một loạt các thủ tục pháp lý mà Việt Nam có thể làm để chống lại các yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông, nhưng cũng đủ để đẩy tình hình thêm phức tạp. Tuy nhiên, một yếu tố có thể giúp hạ nhiệt tại vùng biển tranh chấp này là sự tụt dốc của giá dầu sẽ khiến lợi ích tại Biển Đông giảm bớt, và có thể làm giảm khả năng xung đột giữa các quốc gia có liên quan trong ngắn hạn.

Thứ hai, vấn đề không nên xem nhẹ đó là sự suy thoái kinh tế toàn cầu, thậm chí nó có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng mới. Tuy giá dầu xấp xỉ 50USD/thùng như hiện nay là miếng lời của nhiều nền kinh tế nhưng triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn rất “xa màu hồng”.

Khu vực đồng Euro vẫn đang trong quá trình phục hồi từ khủng hoảng năm 2009 nên mức tăng trưởng năm nay chỉ hy vọng khoảng 1%. Chính sách cải cách Abenomics với tư tưởng cốt lõi “ba mũi tên” được đánh giá là bước đi đúng hướng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhưng cho đến nay vẫn thất bại khi chưa làm tăng mức tiêu dùng trong nước. Các nhà phân tích hiện đang bàn đến khả năng về “mũi tên thứ 4” trong tương lai.

Công cuộc phục hưng kinh tế của Mỹ có vẻ sáng sủa hơn châu Âu và Nhật Bản, nhưng vẫn còn nhiều lo ngại như thu nhập thấp và khả năng lạm phát tiềm tàng.

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc năm 2015 nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng từ 6,5% đến 7% - thấp so với hạn mức nước này đề ra nhưng với quốc gia lớn thứ 2 thế giới thì con số đó cũng đã là quá tuyệt vời. Thêm vào đó, nền kinh tế Trung Quốc ngày càng kết nối sâu sắc với nền kinh tế toàn cầu, điều này có nghĩa là các vấn đề quốc tế sẽ tác động sâu rộng hơn tới Trung Quốc, tạo nguy cơ bất ổn về kinh tế - xã hội.

Thứ ba, quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản tiếp tục là vấn đề gai góc. “Cái bắt tay lịch sử” nhưng lạnh nhạt của lãnh đạo 2 nước bên lề hội nghị APEC diễn ra vào tháng 11/2014 đã cảnh báo quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo không dễ tan băng. Năm 2015 sẽ kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Thế giới II kết thúc - một chủ đề nhạy cảm giữa 2 quốc gia. Và vẫn còn đó tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư kéo dài từ năm 2012.

Cuối cùng, mối lo ngại chính là người hàng xóm rắc rối - Triều Tiên. Phát triển vũ khí hạt nhân có thể nói là chính sách cứng rắn, bất di bất dịch của quốc gia bí ẩn nhất thế giới này. Vì vậy, sẽ khó có khả năng Bình Nhưỡng chịu cúi đầu trước áp lực từ bên ngoài (Mỹ hoặc Trung Quốc) để từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Những động thái xa lánh Trung Quốc đồng thời xích lại Hàn Quốc và Nga của Bình Nhưỡng đã khiến Bắc Kinh "nóng mặt". Vấn đề chìa khóa cần quan tâm đó là liệu ông Kim Jong-un có quyết định thực hiện cuộc thử tên lửa hạt nhân trong năm nay không? và Điều kiện gì để Bình Nhưỡng quay trở lại vòng đàm phán 6 bên?

Bên cạnh một số vấn đề cốt lõi trên, vẫn còn nhiều yếu tố bất ngờ cho ngoại giao Trung Quốc trong năm nay, ví như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Sức ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc tỷ lệ thuận với những thách thức mà quốc gia này phải đối mặt. Công tác đối nội cũng sẽ tác động tới những chính sách đối ngoại. Tuy chưa rõ những bước đi tiếp theo của Bắc Kinh như thế nào nhưng có một điều chắc chắn rằng chúng sẽ tiếp tục tạo dấu ấn mạnh mẽ và thay đổi cục diện địa chính trị - kinh tế toàn cầu.

Hà My (tổng hợp)