Trung Quốc trở mặt với Venezuela?

14:15 | 14/09/2015

5,664 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giữa lúc những trợ giúp từ Nga và Cuba giảm do các nước này đang gặp khó khăn về kinh tế, tình hình khủng hoảng tại Venezuela như được làm sâu sắc hơn bởi quyết định của Trung Quốc.
trung quoc tro mat voi venezuela
Người dân Venezuela xếp hàng mua nhu yếu phẩm

Trong chuyến thăm Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật, ngày 3/9/2015, Tổng thống Venezuela Maduro Moros đã chứng kiến lễ ký kết một kế hoạch phát triển chung mới cho giai đoạn 2015-2025 giữa Caracas và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, không giống như những lần trước, Trung Quốc đã ra thêm điều kiện để có thể tiếp tục hợp tác là Venezuela phải trả đủ toàn bộ các khoản vay trước đó. Một điều khoản được cho là trái ngược hoàn toàn với chính sách hào phóng rót tiền mặt vào các quốc gia Mỹ Latinh khác của Trung Quốc.

Theo giáo sư quan hệ quốc tế Angelina Jaffre tại Caracas, Trung Quốc-những người tự cho là “vị cứu tinh”- đã vơ vét đủ và giờ họ bỏ rơi Venezuela đúng lúc khủng hoảng.

Venezuela đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế và tài chính do dầu mỏ mất giá.

Theo số liệu của Oxford Economics, thu nhập từ dầu lửa của Venezuela giảm mạnh chỉ còn 42,5 tỉ USD trong năm nay, so với năm 2014 là 74 tỉ USD. Quá trình trượt dài vẫn chưa chấm dứt này càng làm tăng thêm những khó khăn mà Caracas đang phải đối mặt. Đó là suy thoái ở mức 7%, tỉ lệ lạm phát hàng đầu thế giới (khoảng 100%), thâm hụt ngân sách khổng lồ, dự trữ ngoại hối thấp nhất trong lịch sử (16,9 tỉ USD vào giữa tháng 9 này), tương đương với khoản chi trả cho hàng nhập khẩu trong vòng một tháng rưỡi.

Bức tranh chưa thể hoàn chỉnh nếu chưa tính đến việc đồng tiền mất giá, và sự hiện diện của ba hối suất khác nhau (1 USD đổi 6 đồng hay 15 đồng bolivar theo tỉ giá chính thức, còn ngoài chợ đen 1 USD đổi được đến 700 đồng bolivar). Tình hình trầm trọng cho đến nỗi một số dữ liệu thống kê nay không còn được công bố.

Nạn khan hiếm các loại hàng nhu yếu phẩm (sữa, bơ, bánh mì…) cũng như thuốc chữa bệnh đang tăng lên, trong một đất nước dù sao cũng là nước sản xuất dầu lửa đứng thứ 12 thế giới, đứng thứ 9 về xuất khẩu dầu và có trữ lượng dầu lửa được xác định lớn nhất toàn cầu.

Tình trạng thiếu tiền mặt trầm trọng do thu nhập từ dầu lửa giảm xuống quá nhiều, đã buộc Venezuela tìm kiếm nguồn tiền bằng mọi giá. Thậm chí còn xóa những món nợ khổng lồ cho khách hàng nếu chịu trả tiền mặt, hoặc cầm cố những tài sản của đất nước, như trữ lượng vàng chẳng hạn.

Mới đây, Venezuela đã phải chấp nhận xóa đến 2 tỉ USD nợ tiền dầu lửa cho Jamaica, và 1,5 tỉ USD – cũng là tiền bán dầu – cho Cộng hòa Dominica. Bên cạnh đó, còn giảm 38% trên tổng số nợ 400 triệu USD mà công ty nhà nước Ancap của Uruguay còn thiếu.

Ngoài ra, chính quyền Caracas còn cầm cố trữ lượng vàng của Venezuela lấy 1,5 tỉ USD; cho phát hành trái phiếu và thương lượng vay 2,5 tỉ USD thông qua Citgo, chi nhánh lọc dầu đặt tại Mỹ của tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA – nguồn tài chính hàng đầu của đất nước.

Venezuela đang cần tiền mặt để chi trả nhiều triệu USD cho các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ nước ngoài, như các công ty hàng không chẳng hạn.

Ngoài ra, Caracas cũng phải thanh toán 6 tỉ USD vốn và lãi trong năm 2015. Ông Asdrubal Oliveros, giám đốc cơ quan tư vấn Ecoanalitica nhấn mạnh, với giá trung bình một thùng dầu thô là 47 USD trong năm nay, Venezuela thiếu mất 23 tỉ USD để quân bình cán cân thanh toán. Trong khi đó dự trữ ngoại hối của đất nước giảm 25% so với năm ngoái.

Trong khi đồng minh Nga đang gặp khó khăn do bị phương Tây cấm vận, Cuba thì vừa mở cửa cần nhiều tiền để đầu tư, Venezuela buộc phải cầu cứu Trung Quốc. Vào tháng 4/2015, Chính quyền Caracas đã được Trung Quốc đồng ý cung cấp 5 tỉ USD tín dụng.

Từ năm 1999, Trung Quốc và các doanh nghiệp của mình đầu tư rất nhiều vào Venezuela. Chỉ chưa đầy một thập niên, Bắc Kinh đã cho Caracas vay hơn 50 tỉ USD để đầu tư cho gần 300 dự án hợp tác kinh tế và văn hóa.

Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại thứ hai của đất nước có những nguồn trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Tham vọng của người Trung Quốc là khai thác những mỏ vàng, trở thành những nhà thầu xây dựng lớn và biến Venezuela thành thị trường xuất khẩu của họ.

Nhưng Bắc Kinh, trước tình trạng chứng khoán sụp đổ, đồng nhân dân tệ mất giá, xuất khẩu sụt giảm…liệu có tỏ ra phóng khoáng trước một đối tác đang trên đà xuống dốc hay không? Hiện số tiền thu được từ số lượng 600.000 thùng dầu mỗi ngày mà Venezuela cung ứng cho Bắc Kinh, hơn phân nửa lại phải dùng để trả nợ cho các ngân hàng Trung Quốc.

Việc Trung Quốc ra thêm điều kiện cho Venezuela hôm 3/9 được đánh giá là một sự trở mặt với đồng minh Caracas.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới (Theo AFP, AP, Reuters)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc