Trung Quốc tranh giành địa bàn với Mỹ ở châu Phi

07:00 | 27/08/2016

1,427 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung Quốc đang tiếp tục “vươn vòi bạch tuộc” của mình ra ngoài biên giới.
tin nhap 20160826230759
Tàu trung Quốc cập cảng Djibouti

Bắc Kinh “nói ít làm nhiều”

Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh từ lâu đã hiểu ra rằng mọi loại đầu tư ở nước ngoài chỉ có thể mang lại hiệu quả cao nhất nếu được thực hiện trên nền tảng quân sự-chính trị, và rằng hoạt động thương mại ở nước ngoài sẽ bình yên nếu được yểm trợ bằng lính đặc nhiệm và máy bay tiêm kích đa năng của nước nhà.

Nhiều người Nga than phiền rằng Moscow đầu tư quá nhiều vào quốc phòng. Họ nói rằng các lực lượng vũ trang Nga không có gì để làm ở nước ngoài và đối với một quốc gia "bình thường", thay vì phát triển quân đội thì nên phát triển nền kinh tế của mình.

Nói như vậy nghe có vẻ có lý, nhưng lại bất cập trong tình hình thực tế, vì xét ra, Mỹ sở hữu bên ngoài lãnh thổ của mình khoảng 650 căn cứ quân sự nằm rải rác trên toàn cầu, và Mỹ can dự vào gần như tất cả các cuộc chiến tranh lớn hoặc xung đột cục bộ trên khắp hành tinh.

Nhưng để biện minh cho quan điểm của mình, một số người Nga thuộc phái tự do chỉ ra rằng Trung Quốc, mặc dù là quốc gia dưới chế độ cộng sản nhưng phát triển kinh tế rất năng động, và chỉ sử dụng quân đội để “giữ nhà” chứ không đưa ra nước ngoài chiến đấu.

Tuy nhiên, các sự kiện gần đây đã cho thấy rằng Bắc Kinh đang âm thầm chuẩn bị binh lực, ý thức được rằng một đất nước thật sự mạnh mẽ, có khả năng ảnh hưởng đến chính trường quốc tế và nền kinh tế thế giới thì không thể không có quân đội trú đóng ở các vị trí khác nhau trên thế giới, đồng thời không thể không có các nước đồng minh thân cận.

Những thông tin nói rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị sẵn sàng để bắt đầu đưa quân đội vượt xa ra ngoài biên giới lãnh thổ Trung Quốc đã xuất hiện và tồn tại một thời gian dài, nhưng nhiều người không tin. Trong khí đó, Bắc Kinh hành động theo phương châm "nói ít, làm nhiều", và đã khiến thế giới choáng váng khi tuyên bố vào cuối năm 2015 rằng sẽ lập căn cứ quân sự ở Djibouti và bắt đầu xây dựng căn cứ này từ năm 2016.

Áp sát và “lấn sân” Mỹ

Với diện tích 400 nghìn mét vuông, khu đất mà Trung Quốc thuê của Djibouti để xây dựng căn cứ quân sự nằm cách căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại châu Phi chỉ 13 km và điều này khiến cho các tướng lĩnh diều hâu của Lầu Năm Góc rất bực tức. Chỉ khoảng một năm sau, khi công tác xây dựng hoàn tất, nơi đây sẽ mọc lên một loạt kho vũ khí, kho hậu cần, đường băng sân bay, bến đỗ tàu chiến. Dự kiến, tại đây còn có doanh trại đồn trú dành cho thủy quân lục chiến và lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc (với số lượng không quá lớn).

Để có được “mảnh đất vàng” này, trong vòng 10 năm tới, Bắc Kinh sẽ phải chi cho chính phủ Djibouti mỗi năm 20 triệu USD, đồng thời được giữ quyền gia hạn hợp đồng.

Tại sao Trung Quốc lại chọn chính nơi đây làm căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên của mình?

Vấn đề ở chỗ Djibouti, mặc dù là một quốc gia châu Phi nhỏ và nghèo, nhưng lại có một vị trí địa chính trị rất có giá trị: nằm trên bờ eo biển Bab-el-Mandeb nối Biển Đỏ với vịnh Aden. Theo các ước tính khác nhau, có đến 10-20% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển trên toàn cầu phải đi qua khu vực này, riêng về đầu mỏ thì mỗi ngày có đến 3,8 triệu thùng dầu thô đi qua nơi đây. Djibouti đồng thời đóng vai trò như một cảng chính cho Ethiopia và các nước châu Phi lớn khác không có lối thông ra biển.

Bắc Kinh ít nhất cần một cảng biển mà qua đó có thể thiết lập đường dây thương mại hiệu quả và an toàn với các nước thuộc lục địa Đen. Như vậy Djibouti là một cánh cổng lớn mà thông qua đó Trung Quốc sẽ có thể đi thẳng vào châu Phi, đạt được quyền hợp tác độc quyền và dần dần đánh bật đối thủ cạnh tranh ra khỏi lục địa này.

Chính sách “đồng tiền đi trước”

Trung Quốc suốt nhiều năm liền đã tăng dần sự hiện diện của mình ở châu Phi, và dù rằng lượng đầu tư của Trung Quốc vào đây vẫn còn thua kém so với các nước châu Âu, Bắc Kinh có vẻ như vẫn còn rất nhiều cơ hội ở phía trước.

Kim ngạch thương mại Trung Quốc - châu Phi đạt 220 tỷ USD trong năm 2014. Hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc dần đánh bật các đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường châu Phi. Ở các nước khác nhau của lục địa đen đã mở ra 46 Viện Khổng Tử, như là một chất xúc tác cho văn hóa Trung Hoa. Đồng thời, hàng ngàn thanh niên châu Phi đã được tiếp thu nền giáo dục của Bắc Kinh trong các trường đại học Trung Quốc.

Trong tháng 12 năm 2015, chính quyền Trung Quốc đưa ra một tuyên bố giật gân khi thông báo với thế giới về việc phân bổ cho các quốc gia châu Phi 60 tỷ USD tín dụng không lãi suất và hàng nghìn suất học bổng mới dành cho sinh viên châu Phi. Động thái này đã vượt ra ngoài ranh giới của quan hệ "kinh doanh thuần túy", rõ ràng đã tạo ra một cơ chế tác động chiến lược. Bắc Kinh cũng nhận thức được rằng các khoản đầu tư như vậy không thể “hoàn vốn” một cách nhanh chóng, vì vậy Trung Quốc mong đợi sẽ nhận lại cho mình một cái gì đó lớn hơn nhiều so với những gì đã bỏ ra.

Ở châu Phi hiện nay, người Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện và thuỷ điện, cung cấp các dịch vụ viễn thông, khai thác khoáng sản, sản xuất quần áo và thiết bị gia dụng, hàng điện tử… Tại Zimbabwe, Chad và Nam Sudan, đã có những thời điểm Trung Quốc có ảnh hưởng quyết định về các quá trình chính trị và có những tác động mang tính sống còn đối với các thể chế hiện hành. Cần phải nhìn nhận rằng Trung Quốc đã lãi to trong chính sách đối ngoại của mình ở lĩnh vực này.

Không ngại chen vai thích cánh

Tuy nhiên, tại châu Phi, theo nghĩa đen, chen chúc các căn cứ quân sự phương Tây, và ảnh hưởng của châu Âu cũng như Mỹ đối với các quá trình đang diễn ra ở lục địa đen cũng rất lớn. Sớm muộn gì thì các nước phương Tây cũng không thể ngồi yên nhìn Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Chẳng hạn, Bắc Kinh đã nhảy vào cổ họng các lợi ích Âu-Mỹ ở miền nam Sudan. Vì vậy, "đột nhiên" những kẻ khủng bố đã bắt đầu tấn công, giết chết nhiều binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc ở châu Phi.

Như vậy, căn cứ quân sự là cần thiết đối với Trung Quốc, ít nhất là để không bị các đối tác nước ngoài chèn ép, gây phiền toái cho mưu đồ bành trướng thế lực của Bắc Kinh tại lục địa đen. Nhận thức sâu sắc điều này, Trung Quốc chắc chắn sẽ không giới hạn chỉ một căn cứ ở Djibouti. Theo giới truyền thông, về dài hạn Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng khoảng 18 căn cứ ở châu Phi. Tiếp theo sau Djibouti có thể sẽ là Tanzania, Kenya, Namibia, Nigeria, Angola, Mozambique và các nước khác.

Và không chỉ dừng lại ở châu Phi, về lâu dài, Trung Quốc còn sẽ thực hiện ý đồ “chen vai thích cánh” với các cường quốc quân sự như Anh, Nga, Pháp, Mỹ… trong việc vươn vòi bạch tuộc ra các khu vực khác trên thế giới.

Thiện Tâm

Tass, RIA,