Trung Quốc thay đổi chính sách sinh đẻ?

07:05 | 03/08/2015

3,147 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chính sách một con của Trung Quốc sẽ chấm dứt cuối năm nay sau 36 năm áp dụng. Sự thay đổi chủ trương mang tính cấp bách về mặt kinh tế cũng như xã hội này lại đang vấp phải những nghịch lý.

Choáng với cảnh đi tàu điện giờ cao điểm ở Thượng Hải

Choáng với cảnh đi tàu điện giờ cao điểm ở Thượng Hải

Thượng Hải, thành phố lớn nhất nhì Trung Quốc đang phải chịu một sức ép lớn về mật độ dân cư cũng như mọi vấn đề về điều kiện, môi trường sống. Và có lẽ, phải chứng kiến cảnh đi tàu điện của người dân sống ở đây vào giờ cao điểm mới có thể thấy được phần nào áp lực cuộc sống đè nặng lên họ...

Trung Quốc sắp làm một cuộc cách mạng nho nhỏ. Từ nay đến cuối năm, chính quyền Bắc Kinh sẽ thông báo bãi bỏ chính sách một con duy nhất được áp dụng từ năm 1979 tuy đã có sửa đổi đôi chút từ đó đến giờ. Theo quy định mới, mọi cặp vợ chồng Trung Quốc từ nay được phép sinh hai con.

Trung Quốc thay đổi chính sách sinh đẻ?
Trung Quốc sắp bỏ chính sách một con

Việc thay đổi này là rất cần thiết cho kinh tế và xã hội của Trung Quốc bởi lẽ tình trạng lão hóa dân số đang rất rõ. Hiện nay tỷ lệ sinh con trung bình của các phụ nữ Trung Quốc ở tuổi sinh nở là 1,7 con. Tức là dưới ngưỡng (2,1) để có thể bảo đảm tiếp nối chuyển tiếp thế hệ. Tỷ lệ này thấp hơn so với các nước có nền kinh tế đang trỗi dậy, như Ấn Độ chẳng hạn.

Một công trình nghiên cứu của chuyên giao Isabelle Attané thuộc Viện Dân số Quốc gia (INED) Pháp, khẳng định: “Đến năm 2050, một phần ba người Trung Quốc sẽ ở độ tuổi trên 64 tuổi”, tức khoảng 400 triệu người. Từ nhiều năm qua, nhiều nhà dân số học Trung Quốc đã cảnh báo chính quyền trước sự mất thăng bằng nghiêm trọng về tháp tuổi tác ở Trung Quốc. Số người trên 60 tuổi tăng lên 16% trong năm nay, còn tỉ lệ thanh niên ngày càng ít đi, gây tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Thêm vào đó là mất cân bằng nam nữ: cứ 117 nam thì chỉ có 100 nữ.

Chính phủ Trung Quốc gần đây nêu rõ đất nước đang phải đương đầu với “quả bom hẹn giờ” về nhân khẩu học và đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Và một trong những hậu quả xã hội bi kịch nhất của chính sách một con ở Trung Quốc là tình trạng bắt cóc trẻ em. Ghi nhận chính thức từ Bộ Công an Trung Quốc cho biết, mỗi năm có đến 10.000 trẻ em bị bắt cóc nhưng con số thật có thể lên đến 70.000! Nghiên cứu của Viện Khoa học - Xã hội Chiết Giang năm ngoái cho biết, bọn kinh doanh trẻ em đã lợi dụng nhiều lỗ hổng trong chính sách kế hoạch hóa gia đình tại các vùng quê và cơ chế quản lý hộ khẩu nói chung.

Tại những vùng quê được khảo sát, hầu hết người độ tuổi mang thai đều bỏ làng lên thành phố kiếm sống, khiến công tác thống kê dân số và quản lý hộ khẩu gặp khó khăn và thiếu chính xác. Trong khi đó, giới chức hành chính địa phương không có chức trách thống kê dân số. Công tác này thuộc về bộ phận kế hoạch hóa gia đình. Phần mình, nhân viên kế hoạch hóa lại nói rằng cơ quan họ không có quyền hạn lẫn khả năng kiểm tra nguồn gốc những đứa trẻ có tên trong sổ bộ. Thế là bên này đùn đẩy cho bên kia. Khoảng trống ở giữa là nơi chen vào của bọn kinh doanh trẻ em. Năm 2010, giá một bé trai được nêu là 30.000 tệ (4.800USD) trong khi bé gái là 20.000 tệ (3.200USD). Tuy nhiên, từ khi chiến dịch truy quét tội phạm bắt cóc trẻ em được triển khai mạnh đầu năm 2011, giá bắt đầu tăng: 42.000 tệ (6.700USD) cho bé trai và 38.000 tệ (6.000USD) cho bé gái…

Nguồn gốc vấn đề vẫn nằm ở chính sách một con. Nhiều thập niên nay, gia đình Trung Quốc chỉ được phép có một con. Nếu đứa đầu là gái, gia đình có thể làm đơn xin được đẻ đứa thứ hai (nhưng nếu là gái nữa thì phải dừng!). Mức phạt với những trường hợp vi phạm là rất cao, khác biệt với từng địa phương. Tại Lâm Nghi (Sơn Đông), mức phạt cho trường hợp sinh đứa thứ hai “không hợp lệ” là 34.779 tệ (5.576USD); và 78.000 tệ (12.507USD) cho cặp nào liều mạng sinh con thứ ba. Tuy nhiên, luật lại không cấm nhận con nuôi.

Theo truyền thống, người Trung Quốc luôn muốn có nhiều con. Nhà nào có con trai thì muốn có thêm con gái hoặc ngược lại. Với họ, có nhiều con là một cách… đầu tư cho tương lai, khi tuổi già của họ có người trông nom chăm sóc. Do đó, nhiều gia đình có tiền bắt đầu đi mua con nuôi, hợp pháp lẫn phi pháp, dẫn đến cơn sốt bắt cóc trẻ em.

Nghịch lý thay, vào lúc chính sách một con này sắp được bãi bỏ, và chỉ còn áp dụng cho 30% dân số, thì các cặp vợ chồng trẻ ở thành thị lại không muốn có thêm con thứ hai vì để bảo đảm con cái có được nền giáo dục tốt họ phải tốn kém rất nhiều. Nghịch lý thứ hai: truyền thống trọng nam khinh nữ đang bị đảo ngược. Để cưới vợ cho con trai, gia đình buộc phải đảm bảo có một căn hộ, xe hơi, lương cao… thêm một gánh nặng trên vai, trong khi đối với con gái thì khỏi phải lo.

Một vấn đề khác cũng liên quan tới việc thay đổi chính sách sinh đẻ ở Trung Quốc là vai trò của những “nhân viên kế hoạch hóa gia đình”. Họ từng một thời gian dài là nỗi kinh hoàng ám ảnh các hộ gia đình ở Trung Quốc. Với những cặp vợ chồng vi phạm chính sách một con, các nhân viên kế hoạch hóa gia đình là những người ra lệnh phạt nặng, thường tương đương với khoảng một năm thu nhập của gia đình, hoặc cưỡng chế họ phải phá thai. Cách hành nghề thô bạo đến mức vô nhân tính của các nhân viên kế hoạch hóa gia đình, chỉ vì mục tiêu con số, đã từng gây ra không ít thảm cảnh cho các cặp vợ chồng chót nhỡ vi phạm chính sách.

Giờ đây trước tình hình mới, các nhân viên đó đang cố gắng tìm cách lấy lại cảm tình của người dân bằng cách chuyển hướng hoạt động sang thành những nhân viên tư vấn về vấn đề giáo dục, chăm sóc trẻ em ở những vùng sâu vùng xa. Đây là một sự chuyển đổi cần thiết vì cái nghề giám sát sinh nở của họ đang bị đe dọa bởi những thay đổi tới đây trong chính sách dân số.

Một công trình nghiên cứu khoa học của Australia công bố năm 2013 đã đi đến kết luận là chính sách một con áp dụng tại Trung Quốc từ nhiều thập niên qua đã tạo ra một thế hệ yếu kém về tâm lý: đa nghi và sợ rủi ro hơn người thường, và có lẽ khó có thể là doanh nhân. Đây là yếu tố có thể tác hại đến nền kinh tế Trung Quốc.

H.Phan