Trung Quốc quản lý chặt rác thải

20:32 | 15/08/2017

3,787 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung Quốc không còn muốn là “thùng rác” của thế giới: Khi dự định cấm nhập khẩu một số loại rác thải tái chế. Thông báo của Bắc Kinh đã khiến ngành công nghiệp rác thải ở nhiều nước trên thế giới hoang mang.

Ngày 18-7, Trung Quốc đã thông báo cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về dự định cấm nhập cảnh vào lãnh thổ của mình 24 loại chất thải rắn, trong đó có một số loại nhựa, giấy và hàng dệt may.

Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết, sẽ áp dụng quyết định trên bắt đầu từ tháng 9-2017, theo thông tin từ cơ quan thông tấn Nhà nước Trung Quốc.

Để bảo vệ cho quyết định của mình, Bắc Kinh đã nhấn mạnh tới khía cạnh môi trường. “Chúng tôi phát hiện ra rằng, một lượng lớn chất thải có chất lượng thấp, thậm chí chất thải độc hại, được trộn lẫn với chất thải rắn khi xuất sang Trung Quốc. Những chất này gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường của Trung Quốc”, Bộ Môi trường cho biết trong thông báo với WTO.

Trung Quốc nói rằng, họ muốn nâng cao chất lượng chất thải khi nhập cảnh vào lãnh thổ của mình và ưu tiên những loại rác thải được lựa chọn và đóng gói kỹ càng.

trung quoc quan ly chat rac thai
Một bãi chứa rác thải tái chế ở Trung Quốc

Nếu được đưa vào áp dụng, biện pháp quản lý rác thải của Trung Quốc “sẽ có tác động rất lớn với ngành công nghiệp tái chế của thế giới và với lĩnh vực sản xuất sử dụng đồ tái chế của Trung Quốc”, BIR, hiệp hội toàn cầu của ngành công nghiệp tái chế rác thải cho biết.

Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới các loại rác thải, vật liệu tái chế (hạt nhựa, giấy và bao bì các-tông). Những loại này từ bao năm qua giúp đẩy nhanh sự tăng trưởng của ngành công nghiệp Trung Quốc.

Trong năm 2015, Trung Quốc đã nhập khẩu 49,6 triệu tấn rác thải rắn, theo Bộ Môi trường nước này.

Nhưng Trung Quốc hiện nay đang cố gắng chống ô nhiễm không khí và đất bắt nguồn từ sự phát triển kinh tế thần tốc mà bỏ qua vấn đề môi trường.

Bắc Kinh cũng muốn đóng cửa rất nhiều nhà máy tái chế rác thải gây ô nhiễm để thay thế bằng những cơ sở mới ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn. Thực hiện chủ trương này, trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát chất lượng của các loại rác nhập khẩu.

Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát chất lượng của các loại rác nhập khẩu, đồng thời sẽ đóng cửa nhiều nhà máy tái chế rác thải gây ô nhiễm để thay thế bằng những cơ sở mới ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn.

Đối với Mỹ, nhà xuất khẩu chất thải lớn nhất thế giới, quyết định của Trung Quốc sẽ có một “ảnh hưởng nghiêm trọng” với Washington, theo Robin Wiener, Chủ tịch Viện Công nghiệp tái chế phế liệu (ISRI) của Mỹ. Năm ngoái, giá trị xuất khẩu phế liệu kim loại, giấy và nhựa của Mỹ đạt 5,6 tỉ USD.

“Trung Quốc cũng chiếm đến hơn 50% kim ngạch xuất khẩu chất thải của Liên minh châu Âu”, Damien Dussaux, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Grantham ở London nói với Hãng tin AFP.

Với việc đóng cửa thị trường Trung Quốc, ngành công nghiệp tái chế rác thải thế giới đứng trước nguy cơ bị ùn ứ một khối lượng chất thải khổng lồ cần tái chế tại chỗ.

Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 7,3 triệu tấn chất thải nhựa, chủ yếu là từ châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ và 27 triệu tấn giấy thải (30% trong số đó thuộc diện bị cấm nhập khẩu theo thông báo mới của Trung Quốc).

Theo AFP, năm 2013, Trung Quốc đã từng tiến hành các biện pháp tăng cường kiểm soát đối với các loại rác thải nhập khẩu. Động thái này của Bắc Kinh đã khiến giá nguyên liệu tái chế trên thị trường thế giới xuống thấp kỷ lục.

“Trong ngắn hạn, chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng ách tắc rác thải tái chế trên thị trường châu Âu. Chắc chắn giá của loại nguyên liệu này sẽ giảm mạnh vì công suất xử lý của các nhà máy tái chế ở châu Âu sẽ không đủ để giải quyết toàn bộ khối lượng rác thải tái chế của châu lục nếu không xuất khẩu”, Pierre Moguérou, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà cung cấp chất thải nhựa tái chế của Pháp lo lắng cho biết.

Một số nhà quan sát thị trường cho rằng, quyết định của Trung Quốc thực chất là nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế trong nước. Hồi đầu năm nay, Trung Quốc “đã công bố kế hoạch tăng 67% doanh thu cho ngành công nghiệp tái chế vào năm 2020, so với mức của năm 2015”, Vincent Will, một chuyên gia kinh tế của Pháp cho biết.

Tái chế rác thải - gà đẻ trứng vàng

Theo AFP, dịch vụ tái xử lý rác thải là một con gà đẻ trứng vàng. Các hoạt động mua bán trái phép đang được phát triển mạnh - chủ yếu là rác điện tử, chiếm tới 20% các khoản xuất nhập khẩu rác công nghiệp trên thế giới.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, trong năm 2015, khoảng 180 triệu tấn rác công nghiệp đã được “xuất khẩu”, trị giá khoảng 86 tỉ USD. Thị trường mua bán và tái chế nguyên liệu vô cùng rộng lớn và là một nguồn cung cấp quý giá. Năm 2015, các nhà máy xử lý rác thải cho phép “lọc lại” đến 87 triệu tấn sắt thép, hơn 57 triệu tấn giấy, gần 12 triệu tấn nhựa đủ loại.

Mỹ là nguồn xuất khẩu rác thải công nghiệp số 1 trên hành tinh, với 42,8 triệu tấn/năm, trị giá 23,7 tỉ USD. Trong đó gần 6 tỉ USD hướng về “cơ xưởng sản xuất của thế giới” là Trung Quốc.

S.Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc