Trung Quốc lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài

06:00 | 01/12/2015

1,538 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tạp chí Expertonline của Nga ngày 1/12 nhận định Trung Quốc đang âm thầm thay đổi học thuyết quân sự của mình. Vốn tự coi mình là siêu cường quốc, Bắc Kinh, trước đây thích sử dụng “quyền lực mềm”, tức là xâm nhập kinh tế, tài chính và văn hóa sang các nước khác, nhưng trong những năm gần đây đã ngày càng lưu tâm việc bành trướng quân sự.
trung quoc lap can cu quan su dau tien o nuoc ngoai
Một bài tập đổ bộ của thủy quân lục chiến Trung Quốc

Gần đây, Trung Quốc không chỉ quan tâm đến việc lấn chiếm các khu vực ven biển lân cận mà còn nhòm ngó các vùng đất xa xôi. Tuần trước, Bắc Kinh đã ký kết một thỏa thuận với Chính phủ Djibouti thuê mười năm một vùng đất rất lớn với ý định xây dựng căn cứ hải quân ở đó. Chuyện này chưa từng có tiền lệ, và đây sẽ là căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc.

Sự lựa chọn này không phải ngẫu nhiên. Djibouti là một quốc gia nhỏ ở vùng Sừng châu Phi, chỉ có 830.000 dân, nhưng chiếm vị trí chiến lược quan trọng ở yết hầu Vịnh Aden. Ở Djibouti hiện đã có một căn cứ không quân mà người Mỹ thiết lập để kiểm soát cuộc chiến chống khủng bố ở vùng Sừng châu Phi và phục vụ các hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden.

Điều đáng lưu ý là Bắc Kinh rất cẩn trọng, chỉ gọi căn cứ tương lai ở Djibouti là “cơ sở hậu cần cho các tàu Trung Quốc hoạt động trong khu vực”. Rất đơn giản và dễ hiểu: trước đây Bắc Kinh thường trưng ra việc Trung Quốc không có căn cứ quân sự ở nước ngoài như là bằng chứng cho chính sách đối ngoại hòa bình của mình.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng nói rằng các tàu chiến Trung Quốc hiện diện ở vùng Sừng châu Phi chỉ để tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình ở Ấn Độ Dương và Biển Đỏ, bảo vệ các tàu thương mại, tàu khách tại Vịnh Aden và vùng nước ven biển Somali, đồng thời tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo khi cần.

Còn có thêm một cái cớ nữa: giờ đây Bắc Kinh còn cần phải bảo vệ công dân Trung Quốc ở nước ngoài. Vấn đề này đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi chỉ trong tháng 11/2015, bốn công dân Trung Quốc đã bị giết chết ở Syria và Mali. Trung Quốc từng phải di tản công dân của mình Yemen sau khi xảy ra các cuộc tấn công của liên minh người Sunni nhắm vào nhóm người Huthis nổi dậy ở Yemen hồi tháng 3 năm nay và ở Libya năm 2011.

Tất cả những lập luận mà Trung Quốc nêu có phải hoàn toàn là sự thật hay không, có lẽ phải chờ hạ hồi phân giải.

Cũng không đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc quyết định thành lập căn cứ ngoại biên đầu tiên của mình ở châu Phi, vì nơi đó tiềm ẩn nguồn lợi kinh tế to lớn cho Bắc Kinh.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của lục địa Đen. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với châu Phi vượt quá 160 tỷ USD một năm. Châu Phi cung cấp nguyên liệu thô cho Trung Quốc và nhận lại các sản phẩm, máy móc... Trong hai thập niên qua, hơn một triệu người Trung Quốc đã đến châu Phi làm ăn, buôn bán.

Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn nhất ở châu Phi. Các nhà phân tích của công ty tư vấn Baker McKenzie cho biết, Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Trung Quốc đang có kế hoạch trong 10 năm tới sẽ đầu tư 1 nghìn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trên lục địa Đen. Trong giai đoạn từ năm 2009 - 2014, các ngân hàng và các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng châu Phi gần 328 tỷ USD.

Trung Quốc luôn khéo léo sử dụng lợi thế chính của mình. Không giống như Mỹ và châu Âu, Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận chỉ kinh doanh, không can thiệp vào chính trị. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp Trung Quốc, không giống như các đồng nghiệp và cũng là đối thủ cạnh tranh phương Tây, hoàn toàn được rảnh tay làm ăn vì họ không bao giờ chĩa mũi vào vấn đề nhân quyền hay phát triển dân chủ ở nước này nước nọ.

Tất nhiên, giới trí thức và thương nhân châu Phi rất khó chịu với chính sách lấn sân kinh tế của Tring Quốc. Không đáng ngạc nhiên khi ông Lamido Sanusi, cựu giám đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria, trong một lần trả lời phỏng vấn tạp chí The Economist đã cáo buộc Trung Quốc đang thực hành chủ nghĩa thực dân mới trên lục địa Đen.

Phạm Bá Thủy

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc