Trung Quốc không thể thay đổi diện mạo tài chính thế giới

11:28 | 01/12/2015

1,106 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm qua, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định đưa đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vào rổ tiền tệ quốc tế, sánh ngang cùng đôla Mỹ, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật. Diện mạo nền tài chính thế giới sẽ thay đổi? Và quyết định trên giúp ích được gì cho Trung Quốc?
trung quoc khong the thay doi dien mao tai chinh the gioi
Đồng NDT của Trung Quốc đã có mặt trong rổ tiền tệ quốc tế

Trong thông báo được đưa ra hôm 30/11, Hội đồng giám đốc của IMF – cơ quan đại diện cho 188 quốc gia thành viên – đã quyết định rằng NDT đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của một đồng tiền “tự do sử dụng” và sẽ cùng với USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật cấu thành nên rổ tiền tệ cấu thành nên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

Ra đời năm 1969, SDR là loại tiền tệ quy ước của IMF, được dùng trong quan hệ tín dụng giữa quỹ với các nước thành viên, hoặc giữa các nước với nhau. Khi giải ngân, phương tiện này có thể quy đổi thành một đồng tiền bất kỳ trong rổ - USD, Euro, Yen, Bảng Anh và nay là NDT - để đáp ứng nhu cầu cân bằng thanh toán của các nền kinh tế thành viên.

Đây là lần đầu tiên các thành phần của SDR thay đổi kể từ năm 1999, khi euro thay thế Mark Đức và Franc Pháp trong rổ này. Quyết định của IMF cũng là một bước ngoặt lớn đối với vị thế của đồng NDT trên thị trường tài chính quốc tế. “Thêm NDT vào SDR là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp cải cách”- bà Lagarde nói.

Động thái trên được đánh giá là sẽ giúp Trung Quốc hội nhập sâu hơn với hệ thống kinh tế toàn cầu vốn được thống trị bởi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ.

NDT sẽ chính thức có hiệu lực trong rổ tiền tệ kể từ ngày 1/10/2016. NDT chiếm tỷ trọng 10,92%. Tỷ trọng của USD là 41,73%, euro là 30,98%, yên Nhật là 8,33% và bảng Anh là 8,09%. Tỷ lệ phân bổ này sẽ ảnh hưởng đến lãi suất mà các nước thành viên phải trả khi vay mượn các đồng tiền khác nhau từ IMF cũng như tác động đến dòng chảy vốn trên thế giới.

Quyết định của IMF hôm 30/11 được xem là khá bất ngờ vì trong cuộc họp trước đây ngày 19/8, IMF quyết định tự hạn định thêm 9 tháng nữa, cho đến tháng 9/2016, mới quyết định rổ tiền tệ quốc tế có đồng tiền của Trung Quốc hay không. Theo giải thích của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde, thì “thời hạn này sẽ giúp những người sử dụng SDR có đủ thời gian để chuẩn bị”.

Trung Quốc chính thức xin đưa NDT vào rổ tiền tệ quốc tế từ năm 2009. Một đồng tiền muốn lọt vào đây cần phải thỏa mãn hai điều kiện. Thứ nhất là phải được phát hành bởi một quốc gia có lượng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cao, thứ hai là đồng tiền đó phải được “tự do lưu thông”, có nghĩa là được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch quốc tế và thường xuyên được trao đổi trên các thị trường ngoại hối.

Đồng NDT của Trung Quốc đã thỏa mãn điều kiện thứ nhất vào năm 2010 khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Với quyết định đưa đồng NDT vào rổ tiền tệ quốc tế 5 năm sau đó, IMF chứng thực những cải tổ kinh tế và tài chính mà Trung Quốc đã cam kết. Ngoài ra, hành động này của IMF còn khuyến khích các nhà cải cách Bắc Kinh thúc đẩy hơn nữa việc mở cửa nền kinh tế.

Theo nhận xét của Le Monde, việc đưa đồng NDT vào rổ tiền tệ quốc tế sẽ không thay đổi diện mạo thị trường tài chính quốc tế vì đồng tiền của Trung Quốc hiện chỉ chiếm một vị trí thứ yếu: đồng NDT chỉ chiếm 2,5% các giao dịch quốc tế, trong khi yên Nhật chiếm 3%, euro chiếm 29% và USD là 43%.

Và tờ báo Pháp cũng nói thẳng luôn rằng việc đồng NDT thành đồng tiền dự trữ toàn cầu thực sự không giải quyết được bất cứ vấn đề nào của Trung Quốc hiện nay, nhưng nó lại có thể tạo ra những vấn đề khó khăn mới.

Theo Le Monde, trong 10 năm tới, vai trò toàn cầu của đồng NDT có thể sẽ chỉ lớn hơn một chút so với hiện nay. Đồng tiền này không thể thay thế USD làm đồng tiền dự trữ quốc tế, thậm chí nó còn không cạnh tranh được với đồng yên của Nhật Bản hay đồng bảng của Anh. Để đồng NDT là một sự lựa chọn trong danh mục đầu tư trú ẩn an toàn, đồng tiền này cần phải có khả năng tiếp cận tự do, không giới hạn vào các thị trường nội địa có lợi nhuận cố định. Đó là điều mà đồng USD, đồng euro, cũng như đồng yên và một số đồng tiền mạnh khác làm được, song đồng tiền của Trung Quốc lại không thể. Trung Quốc đang duy trì một cơ chế kế toán khép kín nhất trên thế giới.

Th.Long

Theo AFP. AP, Reuters