Trung Quốc khai thác thành công băng cháy

12:59 | 20/05/2017

1,224 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 18/5, Trung Quốc thông báo khai thác thành công băng cháy (methane hydrate) ở độ sâu 1.200 m dưới đáy biển. Với kết quả trên, Trung Quốc là nước đầu tiên khai thác được loại nhiên liệu này.  
trung quoc khai thac thanh cong bang chay
Băng cháy

Thông tin trên được Bộ trưởng Lãnh thổ và Tài nguyên Trung Quốc thông báo trên kênh truyền hình nhà nước hôm 18/5.

“Sự kiện này cũng giống như việc Mỹ khai thác thành công dầu đá phiến trước đây. Sắp tới các động cơ sẽ thay đổi để thích nghi với loại nhiên liệu mới, băng cháy” - Li Jinfa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Địa chất học Trung Quốc, nói với đài Sputnik.

Theo ông Li Jinfa, Trung Quốc đã đạt được thành công vượt bậc khi áp dụng lý thuyết và công nghệ vào lĩnh vực này để trở thành nước đầu tiên trên thế giới khai thác được băng cháy.

Theo Bộ trưởng Lãnh thổ và Tài nguyên Trung Quốc, trong 8 ngày, tổng cộng 120,5 mét khối băng cháy đã được khai thác ở một mỏ ngoài khơi, cách Hong Kong 285 km về hước Đông-Nam.

Nhiều quốc gia trên thế giới như Canada hay Nhật Bản cũng tìm cách khai thác băng cháy nhưng tính đến thời điểm này chỉ có Trung Quốc là thành công.

Tháng 3/2013, Nhật Bản tuyên bố phát hiện mỏ băng cháy nhưng đến nay vẫn chưa khai thác được.

Băng cháy là một thứ ở dạng rắn, hình thành từ khí thiên nhiên và nước, ở dưới điều kiện áp suất cao (trên 30 atm) và nhiệt độ thấp (dưới 0 độ C), có tên khoa học là natural hydrate, hoặc gas hydrate. Khi hàm lượng methane vượt quá 75% thành phần của gas hydrate thì nó thường được gọi là methane hydrate.

Chỉ cần nâng nhiệt độ hoặc giảm áp lực là băng cháy sẽ phân giải: 1 mét khối chất này khi phân giải cho ra 164 mét khối khí methane và 0,8 mét khối nước, đủ thấy năng lượng mà nó tiềm tàng lớn tới mức nào (gấp 2-5 lần năng lượng của khí thiên nhiên), lại sạch, không gây ô nhiễm môi trường.

Người ta đã tìm thấy băng cháy ở nhiều đáy biển khắp các đại dương thế giới, và cả ở những vùng băng tuyết phủ quanh năm (như Siberi của Nga) với trữ lượng đủ cung cấp cho toàn thế giới trong hàng trăm năm. Nói chung ở các đáy biển sâu hơn 300 m có nguồn methane hình thành từ xác sinh vật biển trầm tích, và nhiệt độ thấp (dưới 0 độ C) là có thể có thứ chất cháy này.

Theo dự báo của các nhà khoa học, nguồn băng cháy ở đáy các đại dương lớn gấp khoảng 100 lần so với ở trên lục địa. Với những nơi đã thăm dò được, hàm lượng carbon trong chúng nhiều gấp hai lần tổng hàm lượng carbon trong mọi loại nhiên liệu hóa thạch đã biết được tới ngày nay (bao gồm than, dầu mỏ, khí thiên nhiên).

Th.Long