Trung Quốc đang tính gì ở châu Phi?

07:00 | 09/12/2015

3,114 lượt xem
|
Đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi giảm kỷ lục, 43% trong nửa đầu năm 2015. Liệu đây là một sự tính toán chiến lược của Bắc Kinh hay đơn thuần chỉ là ảnh hưởng từ sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc?

Trung Quốc “mất lửa” tại châu Phi

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Zimbabwe ngày 1/12 bắt đầu chuyến công du châu Phi 4 ngày. Trung Quốc là nước ngoài đầu tư lớn nhất ở Zimbabwe với các quyền lợi từ xây dựng và năng lượng cho đến viễn thông. Trung Quốc cũng đã trở thành nước nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm của Zimbabwe - chủ yếu là thuốc lá sợi và khoáng sản như vàng và kim cương.

trung quoc dang tinh gi o chau phi

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma (trái) tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 2/12

Sau Zimbawe, ông Tập đã tới Nam Phi gặp Tổng thống Jacob Zuma. Trong hai ngày 4 và 5/12, Chủ tịch Trung Quốc cùng với các nhà lãnh đạo châu Phi tham dự Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) lần thứ sáu. Cuộc họp thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh đầu tư Trung Quốc tại lục địa đen đã giảm tới 43% vào quý I/2015, tương đương khoảng 1,2 tỉ USD sau khi nhu cầu nhiên liệu tại Trung Quốc giảm mạnh.

Nguồn tài nguyên tại lục địa đen là động lực giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng và Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại số một của châu Phi vào năm 2009. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm xuống còn 6,9% vào quý III/2015, mức thấp nhất từ năm 2009, đã tác động đến nhu cầu nhập khẩu và khiến giá nhiên liệu trên thị trường thế giới giảm mạnh.

Một số nhà phân tích cho rằng sự giảm mạnh của những khoản tiền đầu tư vào châu Phi phản ánh tác động rộng lớn hơn của sự tăng trưởng bị chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc. Họ nói rằng có một sự thật đơn giản là nhu cầu hiện nay của Trung Quốc về tài nguyên thiên nhiên, trong đó có những khoáng sản sản xuất ở châu Phi, đã thấp hơn rất nhiều so với trước đây.

Deborah Brautigam, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc - châu Phi của Đại học Johns Hopkins, nói: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đã giảm đi bởi vì khu vực đầu tư chính của họ là khoáng sản và dầu lửa và giá cả của những mặt hàng này đã giảm mạnh. Điều này có nghĩa là những dự án FDI với kinh phí lớn có phần chắc sẽ bị đình hoãn cho tới khi giá cả gia tăng trở lại và tính chất khả thi của dự án được phục hồi”.

Trung Quốc thường bị chỉ trích là công bố những số liệu thống kê không rõ ràng hoặc không đáng tin cậy về nền kinh tế của họ. Do đó, khi Bộ Thương mại Trung Quốc tiết lộ một việc khá tiêu cực là đầu tư vào châu Phi bị sút giảm trước hội nghị của Diễn đàn Trung Quốc - châu Phi, một số nhà phân tích nói rằng, Bắc Kinh đang tìm cách làm cho các nhà lãnh đạo châu Phi giảm bớt những kỳ vọng.

Lauren Johnston, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Ứng dụng ở Melbourne, nói rằng sự thay đổi trong mức cầu của Trung Quốc về tài nguyên thiên nhiên không phải là một việc riêng giữa Trung Quốc với châu Phi mà là một việc của khu vực khoáng sản trên toàn thế giới và ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế, trong đó có Australia.

Một xu thế mới đã xuất hiện trong những tháng gần đây với việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc ký kết những thỏa thuận về những dự án hợp tác ở châu Âu và Mỹ châu Latinh. Các công ty Trung Quốc cũng đang ngắm nghía những dự án lớn ở Mỹ, như xe lửa cao tốc. Sự thành lập của Ngân hàng BRICS và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á châu mà Bắc Kinh nắm giữ một vai trò quan trọng cũng mở ra những cánh cửa mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Làm sao để châu Phi hưởng lợi từ FDI của Trung Quốc?

Một số người khác lại cho rằng sự sút giảm mạnh trên có liên hệ tới sự thay đổi trong chiến lược đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi. Graham Robinson, Giám đốc Công ty Tư vấn Global Construction Perspectives ở London, nhận định: “Nhu cầu của Trung Quốc đang thay đổi. Trong quá khứ, họ muốn đầu tư vào khu vực tài nguyên thiên nhiên, nhưng bây giờ họ muốn đầu tư vào công nghệ và những sản phẩm đổi mới, cũng như đầu tư vào các thị trường trưởng thành. Đây không phải là giảm thiểu đầu tư trực tiếp nước ngoài”.

Trong kế hoạch 5 năm mới của Trung Quốc, giới hữu trách Bắc Kinh đã chọn một đường lối phát triển mới để tập trung nhiều hơn vào khu vực dịch vụ và giảm thiểu sự lệ thuộc vào công nghiệp nặng, một khu vực sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và tạo ra nhiều khí thải carbon.

Robert Lawrence Kuhn, một nhà tư vấn doanh nghiệp, nhận định về những sự thay đổi này: “Có một số xu thế bất lợi cho châu Phi trong tư cách là điểm đến đầu tư của các công ty Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vững cam kết đối với châu Phi và tiếp tục hỗ trợ cho các dự án ở những nước này”. Minh chứng là trong chuyến thăm châu Phi vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình hứa sẽ đầu tư 60 tỉ USD vào châu lục này trong thời gian tới. Ông Kuhn cho biết, Trung Quốc chú trọng tới việc gia tăng ảnh hưởng tại các nước vì châu lục này có đông hội viên tại Liên Hiệp Quốc và mối quan hệ đã có từ nửa thế kỷ nay giữa Bắc Kinh với châu Phi.

Nhận định về chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến châu Phi, báo Le Monde (Pháp) cho rằng các nước châu Phi ngày càng vỡ mộng trước Trung Quốc. Quá trình chen chân của Trung Quốc vào lục địa này: Từ lúc khởi đầu năm 2000, với sự hiện diện khiêm tốn, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi vào năm 2009. Năm 2013 đã chiếm vị trí nhà đầu tư thứ 4 ở châu Phi sau Pháp, Mỹ, Anh. Mục tiêu của Trung Quốc hiện nay là tăng trao đổi thương mại với châu Phi lên 400 tỉ USD từ nay đến năm 2020.

Theo giới phân tích, công cuộc hợp tác này mang tính chất hai bên cùng có lợi: Trung Quốc đảm bảo được nguồn cung ứng tài nguyên, tìm được thị trường mới cho công ty Trung Quốc, gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở những vùng đất mới, có được đồng minh mới. Nhưng trên bình diện kinh tế thì công cuộc hợp tác có lợi nhiều hơn cho các nước châu Phi.

Tuy nhiên, theo Le Monde, các nước châu Phi cũng đang cảm thấy gánh nặng tài trợ của Trung Quốc. Nếu tài trợ của Trung Quốc có những điều kiện dễ dãi ban đầu, thì về lâu về dài là một gánh nặng khó chịu nổi với lãi suất rất cao. Trong thời buổi khó khăn, ngân sách eo hẹp, nhiều quốc gia châu Phi cảm thấy lo ngại trước nợ cao đối với Trung Quốc.

Mặt khác, hợp tác với Trung Quốc cũng đặt ra những vấn đề xã hội: tiền Trung Quốc đưa ra là cũng để chi vào những lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Lời chỉ trích thường nghe thấy ở đây là Trung Quốc không thuê lao động tại chỗ, mà đưa người của mình đến đây. Còn nếu mướn nhân công châu Phi thì quản lý với bàn tay sắt.

Hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh mạnh mẽ với hàng bản xứ, người Trung Quốc mang hàng bán tận vùng nông thôn, tạo ra không khí bất bình bài xích Trung Quốc ngày càng gia tăng và khiến một số lãnh đạo châu Phi phản ứng. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã từng gây chấn động, năm 2012 ở Bắc Kinh khi ông cho là “hợp tác với Trung Quốc có vấn đề”.

Tăng trưởng kinh tế châu Phi không chỉ dựa trên nguồn bán nguyên vật liệu cơ bản mà còn phụ thuộc vào độ bền vững của các đầu tư nước ngoài. Hơn một thập niên qua, đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi chủ yếu nhằm vào khai thác nguồn quặng mỏ và nhiên liệu. Giờ đây muốn duy trì sự hiện diện lâu dài ở lục địa đen, Bắc Kinh phải mở ra hướng hợp tác mới hai bên cùng có lợi.

Theo giới phân tích, các quốc gia và doanh nghiệp phương Tây có thể nhân cơ hội này để giành lại phần nào những lợi ích ở châu Phi mà họ đã để mất vào tay Trung Quốc trong những năm gần đây.

S.Phương

Năng lượng Mới 481

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc