Trung Quốc đại phẫu thuật các “con cưng”

14:23 | 16/09/2015

1,230 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự đình trệ của nền kinh tế và cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán đã buộc Trung Quốc phải tiến hành tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước.
trung quoc dai phau thuat cac con cung
Sự sụt giảm liên tục của chứng khoán và sự trì trệ của nền kinh tế khiến Trung Quốc phải tiến hành tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước

Trong hai ngày 14 và 15/9, thị trường chứng khoán Trung Quốc lại mất thêm 6%. Đây là đợt giảm mới nhất trong chuỗi những lần mất giá gần đây của chứng khoán Trung Quốc bất chấp việc nước này thông báo nhiều biện pháp can thiệp từ bơm tiền, bắt người tung tin đồn cho đến khóa 3.200 tài khoản giao dịch chứng khoán bất hợp pháp...

Xem ra Bắc Kinh chưa kê đúng liều thuốc cho thị trường chứng khoán của mình.

Nguyên nhân của lần sụt giảm này bắt nguồn từ công bố những dữ liệu tiêu cực về sản lượng nhà máy hồi cuối tuần trước.

“Ai nấy cũng chán nản. Không thấy viễn cảnh thu được lãi nên không ai bỏ tiền mua cổ phiếu”-một nhà phân tích tài chính Trung Quốc nhận định.

Trước tình hình này, Cơ quan quản lý tài sản quốc gia (SASAC) Trung Quốc thông báo chuẩn bị tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước và thậm chí sẵn sàng đóng cửa các chi nhánh hoạt động không có hiệu quả.

Chương trình “Đường lối chỉ đạo cải cách sâu rộng khu vực doanh nghiệp Nhà nước” do SASAC soạn thảo nhằm kích thích khả năng cạnh tranh quốc tế cho các doanh nghiệp Nhà nước, biến các công ty đó trở thành những chủ thể độc lập trên thị trường.

Các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc từ lâu vẫn giữ một vai trò chủ đạo, nhận được nhiều ưu đãi hơn so với khu vực kinh tế tư nhân, từ tài chính đến sự che trở của chính sách. Ngoài ra, doanh nghiệp Nhà nước tại Trung Quốc còn là nơi thường xảy ra các tệ nạn tham ô, tham nhũng hay lũng đoạn thị trường.

Tuy nhiên, giờ đây khi nền kinh tế giảm tốc ngoài dự kiến bởi đầu tư cũng như xuất khẩu sụt giảm - hai lĩnh vực do các doanh nghiệp Nhà nước nắm đa phần - thì ở Bắc Kinh người ta càng nhận thấy rõ hơn sự yếu kém của khu vực kinh tế Nhà nước và nhu cầu cấp bách cần phải cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế.

Chỉ thị của chính phủ nêu rõ, đợt cải cách lần này sẽ là một bước đi quan trọng nhằm loại bỏ dần một số doanh nghiệp Nhà nước cũ và có thể tạo thêm hàng trăm công ty hoặc nhà đầu tư thuộc sở hữu nhà nước khác.

Theo giới quan sát, việc cải cách này sẽ tạo ra nhiều cơ hội nhưng chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Doanh nghiệp Nhà nước là một ưu thế của Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, trong hơn 30 năm cải cách mở cửa cũng đã bộc lộ ra nhiều vấn đề trong đó có tệ tham ô, tham nhũng ở lãnh đạo chủ chốt, lạm dụng để mưu lợi cá nhân.

Chính vì thế, cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn, khốc liệt khi nó đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của giới lãnh đạo.

Thực tế thì SASAC hiện chỉ kiểm soát 111 doanh nghiệp nhà nước, một con số quá nhỏ so với 25.000 công ty do các chính quyền địa phương quản lý. Ngoài ra, có khoảng 100 tập đoàn trực tiếp được đặt dưới sự điều hành của chính quyền trung ương. Trong đó có những đại công ty trong các lĩnh vực chiến lược như giao thông, năng lượng hay công nghệ sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự.

Th.Long

Năng lượng Mới (Theo AFP, AP, Reuters)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc