Trung Quốc “chia để trị” châu Âu

11:52 | 31/05/2013

576 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu gần như đã kết thúc trước khi bắt đầu. Quyết định tăng thuế với pin mặt trời nhập từ Trung Quốc của Ủy ban châu Âu đang gây chia rẽ sâu sắc các thành viên chủ chốt của EU. Chuyến thăm Đức của Thủ tướng Lý Khắc Cường được đánh giá là để áp dụng chính sách “chia để trị” đối với liên minh 27 quốc gia EU.

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel đón tiếp ông Lý Khắc Cường (phải) tại Berlin ngày 26/5

Vừa qua, Ủy ban châu Âu đề nghị 27 nước thành viên thông qua chính sách đánh thuế tạm thời 47% lên mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Đồng thời, Ủy ban châu Âu còn tiến hành điều tra tình trạng bán phá giá của các tập đoàn trang thiết bị viễn thông của quốc gia này.

Tuy nhiên, đứng trước quyết định trên, EU đang bị chia rẽ. 18 trên tổng số 27 quốc gia, đứng đầu là Đức, đã phản đối đề xuất trên, vì đối với người Đức, thị trường Trung Quốc còn quan trọng hơn là sự thống nhất của người châu Âu.

Một lần nữa, tình đoàn kết của liên minh này bị lung lay trước lợi ích riêng của từng quốc gia. Trung Quốc đạt được mục đích lợi dụng mối bất hòa này để gây sức ép với Đức thúc đẩy quốc gia này gây ảnh hưởng tới các quốc gia còn lại trong Liên minh, không chỉ trong vấn đề thương mại, mà còn trên nhiều vấn đề khác, như lĩnh vực viễn thông.

Báo La Croix (Pháp) đặt câu hỏi “Phải chăng chiến tranh thương mại với Trung Quốc đã kết thúc trước khi bắt đầu ?”. Vì đe dọa của Liên minh châu Âu nhằm mục đích buộc người Trung Quốc phải đàm phán. “Thế nhưng, nếu người Đức cắt cỏ ngay dưới chân Ủy ban châu Âu, lợi ích của chiến thuật này biến mất”- Giám đốc điều hành của Quỹ Madariaga, Pierre Defraigne, trong buổi phỏng vấn với phóng viên của nhật báo, nhận định bi quan như trên. Do vậy, đàm phán sẽ trở nên khó khăn hơn. Chuyên gia này cũng đồng tình với ý kiến nước Đức đang chỉ cho người Trung Quốc thấy một châu Âu chia rẽ và chỉ trích người Đức chỉ bảo vệ mỗi quyền lợi của họ.

Phóng viên thường trú nhật báo Le Figaro (Pháp) tại Bắc Kinh khẳng định “Trung Quốc thích nước Đức hơn”. Chuyến công du Liên minh châu Âu, mà điểm dừng đầu tiên là Berlin, của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thể hiện rõ quan điểm của Bắc Kinh, dập tắt giấc mộng của Tổng thống Pháp François Hollande muốn mở rộng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia trong chuyến thăm chớp nhoáng tháng 4 vừa qua.

Pin mặt trời, cái gai trong quan hệ Bruxelles - Bắc Kinh

Tác giả cảnh báo người châu Âu phải ghi nhớ chiến lược của Bắc Kinh là “chia để trị”. Không chỉ mượn tay người Đức, Trung Quốc còn gây sức ép với một số nước có tầm quan trọng nhỏ hơn để làm lung lay Liên minh. Một châu Âu bị chia rẽ sẽ mất mặt trước một Trung Quốc chỉ coi trọng duy nhất vấn đề cân bằng quyền lực.

Không những chỉ trích sự thiếu đoàn kết của Đức, tác giả còn đặt câu hỏi điều gì đã làm nên sức mạnh của Đức và sự mờ nhạt của Pháp trong Liên minh. Ngoài sức mạnh kinh tế vượt trội của Đức, xuất khẩu Đức chiếm 1/3 tổng xuất khẩu của châu Âu sang Trung Quốc, hình ảnh của Đức được người Trung Quốc đón nhận tích cực hơn Pháp.

Để hiểu sự ưu đãi này, phóng viên miêu tả cái nhìn của người Trung Quốc, mặc dù nhiều nhận xét được tác giả cho là không đúng. Ví dụ: với người Trung Quốc, Pháp là “đất nước của bảo tàng”, còn Đức là “đất nước của công nghệ”. Nước Pháp là một đất nước đang lâm bệnh và ít tin tưởng được, trong khi đó nước Đức được xem như một nước nghiêm túc và tràn sức sống.

Với người Trung Quốc, năm 2013, người đứng đầu Liên minh châu Âu là Đức và chính với nước này, một mối quan hệ đặc biệt được thiết lập.

Nói về khả năng xảy ra chiến tranh thương mại Trung Quốc-châu Âu, nhiều chuyên gia cho rằng điều này khó xảy ra. Nhật báo kinh tế Les Echos của Pháp nhận thấy dù rằng cả hai phía đang có những hành động “nắn gân nắn cốt” với nhau, nhưng cuộc chiến thương mại này sẽ không bao giờ xảy ra vì quyền lợi chồng chéo của đôi bên. Tờ báo nhận định châu Âu khó có thể mà gây áp lực với Trung Quốc. Một mặt, các biện pháp đề ra không nhận được sự ủng hộ của hơn 15 nước trong khối, đứng đầu là Đức.

Mặt khác, Bruxelles cũng không dám mạnh tay với Bắc Kinh. Bởi vì, trong trường hợp Trung Quốc có hành động trả đũa, cú sốc có thể sẽ là rất ghê gớm cho các doanh nghiệp châu Âu.

Bằng chứng là vừa qua, cảm thấy bực mình trước các biện pháp của đối tác, chỉ trong vòng có hai tuần, Trung Quốc đã liên tiếp tấn công mạnh vào các ngành công nghiệp châu Âu như mở điều tra điều kiện sản xuất thép ống của Pháp hay hiện tượng bán phá giá một số chất dẫn xuất từ hóa chất chlore.

Mức thâm hụt trong trao đổi mậu dịch giữa EU với Trung Quốc ngày càng lớn. Nhiều nhà quan sát chỉ trích sự thiếu minh bạch về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hay như hàng rào phi thuế quan của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Les Echos cũng có cái nhìn tương đối lạc quan hơn về mối quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế khổng lồ này. Theo nhận định của một số chuyên gia, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu đổ sang đầu tư ở nước ngoài. Vì vậy, “Bắc Kinh sẽ phải nới lỏng một chút thị trường của mình. Dù rằng trên phương diện ngoại giao, Trung Quốc buộc phải ‘ăn miếng trả miếng’”.

Tờ báo kết luận lời lẽ “đao to búa lớn” cũng không có nghĩa là có chiến tranh thương mại.

H.Phan (Theo AFP)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc