Trục lợi chứng khoán bằng tin đồn

07:00 | 26/02/2013

894 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - 1,6 tỉ USD là số tiền đã “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán (TTCK) chỉ sau 2 phiên giao dịch khi có tin đồn Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà bị bắt. Một lần nữa, câu chuyện minh bạch - điều vốn được xem là xa xỉ trên thị trường tài chính - ngân hàng ở nước ta lại được nhắc đến. Và đây đang được xem là lỗ hổng lớn nhất để cho những “nhóm lợi ích”, giới đầu cơ, thao túng thị trường hoặc những kẻ có dã tâm phá hoại nền kinh tế lợi dụng!

Nhận diện “tử huyệt”

Tin đồn là một trong những yếu tố xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống nói chung và trong hoạt động đầu tư nói riêng. Nhìn lại các tin đồn xuất hiện trong 2 năm qua cho thấy, tin đồn có cả thật và ảo nhưng dù là đúng hay sai thì nó cũng chứng tỏ thị trường đang thiếu sự ổn định, không minh bạch, khủng hoảng niềm tin. Từ thực tế này, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, nhà đầu tư cần phải học cách “sống chung” với tin đồn bởi những tin đồn thất thiệt không phải hiếm trong ngành tài chính - ngân hàng.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, một loạt “sự cố” tin đồn diễn ra trong thời gian qua cho thấy căn cứ để nhà đầu tư xác định tính xác thực của những thông tin kiểu như vậy trong hoạt động đầu tư hiện rất thấp. Đó chính là những lỗ hổng về mặt pháp lý, là sự thiếu công khai, minh bạch trong việc cung cấp thông tin của các doanh nghiệp niêm yết (câu chuyện này đã được báo chí, các nhà phân tích, chuyên gia kinh tế đề cập và phân tích nhiều năm nay) và cũng là “nguồn sống” cho giới đầu cơ, “nhóm lợi ích” thao túng, trục lợi.

Thiếu minh bạch, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường rất yếu!

Trong lần xuất hiện sau thông tin bị bắt, ông Trần Bắc Hà thẳng thắn chỉ ra rằng: Đây là tin đồn thất thiệt có dụng ý xấu, do một cá nhân, nhóm đầu cơ nào đó tung ra để kiếm lợi. Những kẻ tung tin đồn trong vụ việc này có lẽ đã kiếm được ít nhất 500-700 tỉ đồng từ các TTCK, vàng và tỷ giá vốn diễn biến khá bất thường trong 3 ngày qua. Tin đồn ra, giá cổ phiếu giảm đồng loạt nhưng giao dịch lại tăng mạnh.

Theo phân tích của giới chuyên gia thì đây đều là những kịch bản có sẵn và được tính toán hết sức kỹ lưỡng chứ hoàn toàn không phải trùng lặp ngẫu nhiên. Nhân vật chính của những kịch bản này thường là người có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường bởi giới đầu tư nhỏ lẻ ở Việt Nam thường đầu tư theo kiểu tâm lý đám đông và đặc biệt là do thị trường Việt Nam đang bị dẫn dắt quá nhiều bởi tin đồn và niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường rất yếu ớt. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, sự mong manh, yếu ớt của thị trường tài chính - tài chính Việt Nam chính đang là điều kiện “sống” cho “tin đồn” hay các hành vi thao túng và trục lợi.

TS Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội khi nói về những “cú sốc” tin đồn trên thị trường tài chính - ngân hàng thì cho rằng: Tin đồn “ký sinh” vào kinh tế thị trường như một bạn đồng hành, trục lợi từ cách thức cạnh tranh không lành mạnh hoặc thăm dò phản ứng của xã hội nhân sự kiện nào đó. Nó cho thấy kẽ hở của pháp lý mà cụ thể là quy định xử lý những kẻ tung ra tin đồn chưa nghiêm nên các tin đồn nguy hại vẫn có đất tồn tại.

Qua đó để thấy rằng, chìa khóa cho vấn đề tin đồn, vì thế, không phải là việc nạn nhân xuất hiện bác bỏ tin đồn, cũng không phải là việc “công an vào cuộc”, mà phải là sự công khai, minh bạch và nhất quán trong các chính sách kinh tế vĩ mô. Bởi suy cho cùng, nạn nhân của tin đồn không phải là các “đại gia nạn nhân” mà chính là nhân dân, những người lúc nào cũng thấp tha thấp thỏm với những đồng tiền nhỏ nhoi mà họ chắt bóp được.

Cảnh báo nguy cơ

Như đã nói ở trên, tin đồn không phải chuyện hiếm ở nước ta, thậm chí là có xu hướng diễn ra với mật độ dày đặc trong khoảng 1 năm trở lại đây. Giới phân tích cho rằng, trong xu hướng mua bán - sáp nhập được cho là sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2013 bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải thu hẹp hoạt động, giải thể, phá sản, bị thâu tóm, cổ đông lớn mất quyền kiểm soát công ty, giá trị cổ phiếu giao dịch dưới giá trị thực vì nhà đầu tư không còn nhiều tiền hay không còn dũng cảm để đầu tư… Tin đồn cũng vì thế sẽ có nhiều đất diễn, đòi hỏi nhà đầu tư phải hết sức tỉnh táo, tránh bị sa lầy.

Đầu năm 2013, sau những diễn biến đầy bất ngờ xung quanh bộ ba ngân hàng là Ngân hàng Phương Nam (Southernbank) - Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), giới đầu tư cũng đang đặt ra nghi vấn về một đại gia thực sự đứng đằng sau Eximbank và Southernbank. Thậm chí, trong một số bài viết, vai trò “nhạc trưởng” của Southernbank đã được đề cập tới.

Mối quan hệ giữa bộ ba ngân hàng trên tiếp tục là tâm điểm chú ý sau khi bản “hợp tác chiến lược” giữa Eximbank và Sacombank được ký kết, nhưng có hay không một cuộc sáp nhập giữa 2 ngân hàng này lại vẫn ở thì tương lại và mới đang tồn tại dưới dạng tin… đồn!

Cảnh báo về khả năng tái diễn những “tin vịt” thời gian tới, TS Nguyễn Minh Phong phân tích: Thị trường bất động sản, TTCK, thị trường tài chính ngân hàng hiện nay đang có nhiều dữ liệu để cho những tin đồn xuất hiện. Những dữ liệu này sẽ tạo ra những động lực, lợi ích nhưng cũng gây thiệt hại cho các đối tượng có liên quan. Trong đó, đặc biệt là hiện tượng gây sóng trên TTCK, việc mất các giá trị chứng khoán trên thị trường trong thời gian ngắn cũng giống như một điểm đặc trưng của kinh doanh bất động sản. Một tin đồn chỉ trong nháy mắt có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Đây chính là cơ chế để giới đầu cơ tạo sóng và tranh thủ lướt sóng.

Từ đó, ông cho rằng: Nhà đầu tư chứng khoán, đặc biệt là những người có liên quan về lợi ích với công ty bị tung tin đồn phải hết sức thận trọng. Một là, trực tiếp tìm hiểu các thông tin chính thống, kể cả gọi điện thoại trực tiếp tới nơi bị tung tin, cơ quan chức năng hoặc các chuyên gia để có ý kiến phản hồi chính thức. Hai là, quan sát một cách tinh tường hơn những động thái có liên quan. Ví dụ khi tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà bung ra, xuất hiện hiện tượng mua vét chứng khoán thì dứt khoát đó là tin nhiễu nhằm trục lợi bất chính.

“Tôi nhấn mạnh, phải biết cách quan sát để nắm bắt được đúng trạng thái tin đồn để không trở thành nạn nhân hay không làm nặng nề hơn hậu quả mà tin đồn mang lại” - TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Thanh Ngọc