Trông ra bờ biển

08:45 | 17/02/2018

376 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tôi ngắm mãi bức ảnh chụp lãnh đạo 21 quốc gia và nền kinh tế hôm khai hội APEC 2017 do nước chủ nhà Việt Nam chủ trì.

Bức ảnh được chụp ở Khách sạn InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng). Liên tiếp trong 4 năm liền, từ 2014 đến 2017, nơi này được vinh danh ở hạng mục quan trọng trong hệ thống các giải thưởng của World Travel Awards: “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới”. Chắc có từ lý do ấy mà nó được chọn làm nơi ghi dấu lại hình ảnh quan trọng nhất của sự kiện quốc tế tầm cỡ nhất mà nước ta đăng cai tổ chức trong năm 2017.

trong ra bo bien

Một cảnh quan đẹp đẽ hiền hòa, trời xanh, rừng xanh, biển xanh… làm hậu cảnh cho những khuôn mặt cởi mở, thân thiện bên nhau của những con người quan trọng bậc nhất trên hành tinh, những người có thể quyết định ấm - lạnh cho số phận hơn 7 tỉ người trên thế giới hiện nay.

Nhớ lại, đây chính là ở bán đảo Sơn Trà, nơi mà giữa thế kỷ XIX, những tiếng súng, tiếng pháo vang lên, tàu chiến của thực dân Pháp xâm lược đổ bộ vào Việt Nam, mở đầu cho đạn nổ, bom rơi, máu chảy. Rồi sau đó, Mỹ đổ bộ vào xâm lược Việt Nam, cũng là vào từ Đà Nẵng. Dằng dặc thời gian, từ 1858 là gần 120 năm, đến năm 1975 mới yên bình trở lại.

Bây giờ thì, cả những nghĩa tình xưa cùng với cả những thù nghịch xưa đã cùng trở nên là bạn bè, đối tác tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, cùng hẹn đến Đà Nẵng, Sơn Trà, gặp nhau tay bắt mặt mừng, để cùng bàn cách làm ăn, cùng vun đắp cho nhau phát triển và thịnh vượng.

Báo chí thế giới những ngày Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 tập trung con mắt nhìn về Việt Nam, nơi bờ biển Đà Nẵng, để hoan hỉ đưa tin. Những nhận định thật sự chân thành của các nguyên thủ như Tổng thống Mỹ Donal Trump, gọi Việt Nam là “Một điều kỳ diệu”. Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Australia, Thủ tướng Canada, Tổng thống Chile và nhiều lãnh đạo quốc gia và nền kinh tế khác nữa, cũng đều có những nhận định, chia sẻ thật đẹp đẽ về một ấn tượng Việt Nam đang phát triển giữa thế giới còn nhiều biến động và thử thách.

Đặt vào giữa dòng chảy lịch sử bao nhiêu đời nay thì mới thấy tấm ảnh trên có ý nghĩa to lớn, sâu rộng biết chừng nào. Cũng nhớ, còn chưa lâu lắm, nhiều năm sau 1975, Việt Nam được nói tới trên các diễn đàn thế giới, là nói về một cuộc chiến tranh dai dẳng của lịch sử thế giới hiện đại. Nhà ngoại giao kỳ cựu Lê Mai, một trong những kiến trúc sư của quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đã phải đưa ra thông điệp với quốc tế: “Các bạn nên nhớ, Việt Nam là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh!”. Từ năm 1995, Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ và cũng bắt đầu tiến những bước dài trên con đường hội nhập với thế giới, tham gia vào các tổ chức quốc tế, chủ động và tự tin chia sẻ trí tuệ và nguồn lực cùng các chủ thể lớn để giải quyết các công việc của toàn cầu. Để đánh giá vị thế của Việt Nam đối với thế giới hôm nay thì đây cũng là một hình ảnh mang nhiều ý nghĩa nhất.

Thật hạnh phúc biết bao, bây giờ chúng ta trông ra bờ, nhìn ra biển là để chào đón bạn bè. Trông ra bờ biển bây giờ cũng là để nhìn vào những thay đổi, phát triển mạnh mẽ và đẹp đẽ.

Đất nước đã bao nhiêu năm rồi, trông ra bờ là để cảnh giác với kẻ thù nào đang sắp đến, nhìn ra biển là để đoán định cơn bão tố nào sắp cuộn lên?

Cái tên gọi thành phố biển Hải Phòng của nước ta là cách gọi ngắn gọn lại từ cụm từ “Hải tần phòng thủ” hay bắt nguồn từ cái tên đồn Hải Phòng đặt trên cửa sông Cấm xứ Ninh Hải xưa, thì cũng đã lý giải cho cả vùng Bắc Bộ trước đây trông nhìn ra biển, đấy là nơi ta phải phòng thủ, phải để mắt mà canh gác. Bao nhiêu cọc gỗ đẽo nhọn ở bến phà Rừng, sông Bạch Đằng, sông Quan Lạn ngoài Quảng Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn thì cũng là minh chứng cho cái nhìn, cái tâm thế vững vàng trước giặc ngoại xâm. Cha ông ta đã lập bao nhiêu những trạm đồn trú trên biển, mỗi khi giặc dã lăm le tới, lại đốt cao khói đen bốc lên để thông báo cho đất liền? Rồi miên man những hải đoàn trên hải trình mờ mịt tít ngoài Biển Đông hướng đến Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu… Xa hơn nữa, là Hoàng Sa, Trường Sa. Những chuyến đi đánh đổi bằng bao nhiêu mạng sống những trai trẻ vùi thây nơi đáy biển hay thành mồi cho cá dữ, để tạc nên mốc chủ quyền, chưa nghĩ nhiều đến bao giờ sẽ khai thác sản vật, mà mới mong sẽ thêm nhiều ấm vững cho đất liền.

Trong lịch sử thành văn hơn hai ngàn năm của nước ta, những trang viết về gươm đao máu lửa, những loạn ly tứ tán nhiều hơn rất nhiều những trang viết về dựng xây, canh tân đất nước. Đấy là số phận lịch sử của dân tộc này.

Bao đời nay, những làng quê Việt bên bờ sóng Biển Đông, người người lớp lớp đã cần mẫn, đổ mồ hôi sôi hạt máu đi ra với biển, để kiếm sống, để chinh phục gió bão. Hầu như ở làng xóm nào ven biển cũng có thể nghe kể và chứng kiến những câu chuyện mặn mòi sóng biển. Các đền miếu thờ cá ông, thờ kình ngư, thờ Đông hải đại vương… đã được lập nên ở mọi vùng biển. Ngay từ trong truyền thuyết đồng bào ta được sinh ra trong cái bọc trăm trứng nở ra trăm người con thì cũng đã xẻ đàn, năm mươi người lên rừng, năm mươi người xuống biển. Khát vọng chinh phục biển khơi là tự nhiên, như máu chảy liên tục trong trái tim người Việt Nam ta…

Với những gì sử sách đã ghi, cha ông ta đã sớm chinh phục, phát triển kinh tế biển. Nơi sầm uất sớm nhất chính là Vân Đồn ở vùng Đông Bắc đất nước. Người Việt đã có mặt trên các đảo của vùng biển đảo Vân Đồn từ thời kỳ đồ đá mới. Di chỉ khảo cổ Hang Soi Nhụ có trước cả Văn hóa Hạ Long. Do ở cửa ngõ của vùng quần đảo hiểm yếu nên, theo sử sách, năm 980 ở đây đã có đồn Vân (đồn Mây, sau thành tên Vân Đồn), trấn giữ vùng biển Đông Bắc của quân đội nhà Tiền Lê. Triều Lý, thế kỷ thứ XII, năm 1149, vua Lý Anh Tông cho lập trang Vân Ðồn. Vân Đồn phát triển thành thương cảng đầu tiên của Đại Việt, mở ra giao thương với các nước khu vực Đông Á và thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia... Thương cảng Vân Đồn với các bến thuyền cổ, trung chuyển hàng hóa gồm hương liệu, gốm sứ, lâm thổ sản dọc sông Bạch Đằng, Cửa Lục cho tới các đảo Cống Đông, Quan Lạn. Tại đảo Cống Đông, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích của nhiều công trình kiến trúc Phật giáo quy mô thời Trần như chùa, tháp, nhiều di vật bia đá, lan can, chân kê cột... Đây là minh chứng cho sự phát triển phồn thịnh thời nhà Trần. Thương cảng Vân Đồn thịnh vượng suốt các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê, rồi suy thoái và bị lãng quên vào thời nhà Mạc.

Sau thương cảng Vân Đồn, ở miền Trung, đến lượt Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á của nước ta. Hội An ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVI gắn với tên tuổi Nguyễn Hoàng và con trai là Nguyễn Phúc Nguyên. Họ đã xây dựng thành lũy, ra sức phát triển kinh tế, mở rộng giao thương buôn bán với nước ngoài và Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực là vì thế. Bây giờ, chúng ta vẫn đang được chứng kiến Hội An của cách đây 5 thế kỷ đang đồng hành cùng với mình.

Một trăm năm sau, theo bước chân của người Việt hành phương Nam, vào thế kỷ thứ XVII, Phú Quốc, Hà Tiên được mở mang. Một vùng biển đảo đã vang danh “Hà Tiên thập cảnh”, “Hà Tiên thập vịnh”.

Còn nữa, nhiều những bước tiến ra biển của cha ông. Nhưng rồi từ giữa thế kỷ XIX, nhiều kế hoạch lớn đã phải dừng lại vì lửa khói chiến tranh liên miên.

Có khảo sát vào thăm thẳm những năm tháng lịch sử chinh phục, khai phá, phát triển biển từ bao đời, rồi hình dung những gì chúng ta đang làm hôm nay mới thấy ta đang đi những bước thật mạnh mẽ.

Bây giờ, tôi hình dung mình đang trên máy bay bay đêm... Tôi bay xuôi xuống hơn ba ngàn kilômét biển đất nước, từ Trà Cổ, Móng Cái xuống Phú Quốc, Hà Tiên. Bao nhiêu nơi đang sáng lên và còn nhiều nơi đang sắp sáng lên…

Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sắp thành ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, ba đặc khu, chắc chỉ trong một thời gian ngắn nữa. Ở Vân Đồn, một cảng hàng không quốc tế đang được gấp rút chạy đua với thời gian cho máy bay cất cánh. Vân Đồn bên vịnh Bái Tử Long, sát Hạ Long di sản thế giới. Bắc Vân Phong ở phía Bắc vịnh biển Nha Trang. Phú Quốc nằm sát vịnh Hà Tiên. Rồi ba nơi đây sẽ đẹp và duyên dáng, có thể sánh vai với những thành phố biển nổi tiếng ở Địa Trung Hải, Biển Hắc Hải như Nice (Pháp), Venice (Ý) hay Monaco…

Dọc theo bờ biển Việt Nam hôm nay đang thay đổi diện mạo nhanh chóng, đang kiến thiết sôi động, để còn thay đổi nhanh chóng hơn nữa. Này vùng vịnh Hạ Long, Bãi Cháy đã long lanh lên biết bao nhiêu, nơi cái bãi biển váng màu bụi than đen, cả trên mặt người và trên cây lá xưa, giờ tấp nập tàu thuyền du lịch thảnh thơi, những khách sạn năm sao sang trọng. Này Hải Phòng với cầu Lạch Huyện vượt biển dài kỷ lục và nhiều vùng bãi lầy tù đọng đang vươn lên thành đô thị, thành resort. Đây Sầm Sơn, một vùng cửa sông tăm tối, giờ đã rực rỡ ánh đèn đêm, thánh thót đàn ca sáo nhị. Đây Quảng Bình cát trắng đang chuyển mình. Kia Bình Định, Phú Yên cũng đã kịp rực rỡ…

trong ra bo bien

Chắc khó mà đếm hết những gì thay đổi đang diễn ra dọc bờ biển nước ta. Chỉ biết, có cảm giác như tất cả những khát vọng chinh phục và phát triển biển bao đời nay đang được cùng lúc thức dậy và vươn mình…

Thời bắt đầu làm đại lộ Hồ Chí Minh dọc đường mòn Trường Sơn đánh Mỹ song song với đường Quốc lộ số 1, rồi làm đường dây 500kV dài gần 1.500 cây số tải điện Bắc Nam từ Hòa Bình tới TP Hồ Chí Minh, đã hoành tráng ghê gớm lắm rồi. Bây giờ, là một đại lộ mới đang bắt đầu thênh thang dần, đại lộ dọc bờ biển của đất nước. Tôi đã được phóng xe ôtô trên vài đoạn đại lộ ven biển này, suốt từ Phan Thiết, qua Ninh Thuận, Phan Rang, Tháp Chàm, tới Cam Ranh. Ôi chao, một cảm giác thư thái, lâng lâng… Ngồi trên xe phóng trên đường dài ven núi, mà trông ra biển xanh sóng trắng dào dạt, liệu mình có đủ tài đủ chữ mà tả sao cho đúng được cái cảm giác của mình chứ?

Đúng là đang bắt đầu cho một cuộc canh tân mới. Cả đất nước nhìn đâu cũng thấy dựng xây, kiến thiết. Tài nguyên, đất đai biển cả núi non đang được gọi dậy để làm nên những giá trị mới.

Trong cuộc canh tân mới mẻ và tầm cỡ này, phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích và đề cao mọi cá nhân cùng đất nước làm giàu, phát triển kinh tế thị trường, tôn trọng những quy luật khách quan nhưng chú trọng những đặc thù và sáng tạo riêng của quốc gia, đấy như là ta đang mở một mặt trận lớn.

Trong công cuộc canh tân này, phát triển kinh tế biển là mũi nhọn đột phá.

Thiên thời, địa lợi đã dần hội tụ về. Có lẽ, chưa bao giờ đất nước có vị thế và điều kiện để hướng tới phát triển như hiện nay. Lòng người, là nhân hòa, yếu tố rường cột và then chốt cho nguồn lực canh tân, đang được vun đắp. Và phải cần có thời gian, không thể sốt ruột. Những bước đi thận trọng và kiên quyết, để bóc gỡ những tồn tại và sai lạc của cả giai đoạn đã qua, đang đi dần đến đích, là sáng lên ngọn lửa nhân hòa trên đất liền, để chúng ta cùng đồng lòng nhất ý trông ra biển lớn, nơi ngọn lửa thềm lục địa vẫn đang miệt mài cháy sáng.

Việt Nam, một quốc gia biển cường thịnh, sẽ không chỉ là giấc mơ của ngàn đời nay nữa!

Hà Nội, cuối năm 2017

Tùy bút của Nguyễn Thành Phong