Trông người lại ngẫm đến ta

07:15 | 07/09/2016

544 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lâu nay đã nói quá nhiều về việc dùng xe công. Nói mãi thành nhàm. Vì việc sử dụng lãng phí xe công hầu như càng phê phán lại càng tăng.
trong nguo i la i nga m de n ta
Chiếc xe HN 158 đã phục vụ Bác Hồ từ năm 1957-1969

Xe biển xanh gây tai nạn rồi bỏ chạy. Xe tư nhân tùy tiện gắn biển xe công. Xe của sếp thành xe của vợ sếp, nai lưng phục vụ cả nhà, cả họ. Một sếp giữ riêng cho mình cả xe 4 chỗ và xe 7 chỗ...

Bên ta thì vậy, bên Tây thì sao?

Ở nước ngoài, chuyện tổng thống, thủ tướng tự lái xe riêng là bình thường. Không chỉ đi ôtô mà còn đi xe máy. Rồi nguyên thủ quốc gia đi máy bay vé hạng thường cũng là chuyện chẳng hiếm.

Còn nhớ câu chuyện cựu Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới dự lễ tốt nghiệp trung học của con trai tại Singapore bằng máy bay thương mại, không phải chuyên cơ tổng thống. Ông đã cùng phu nhân đi máy bay thương mại, ngồi hạng ghế thường, xếp hàng như mọi hành khách khác.

Mới đây là câu chuyện xôn xao dư luận thế giới, bà Aida Hadzialic, nữ Bộ trưởng 29 tuổi, trẻ nhất Thụy Điển từ chức chỉ vì lái xe sau khi uống rượu vang với lượng rượu vượt mức cho phép. Bà tự nhận đã uống hai ly rượu trước khi bị cảnh sát dừng xe kiểm tra trên cây cầu nối Đan Mạch và Thụy Điển.

Gần Việt Nam hơn, cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bị cảnh sát giao thông phạt vì không đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy. Trung úy Cảnh sát giao thông Sun Nem ở huyện Sre Ambel, tỉnh Koh Kong cho biết, ông Hun Sen đã vi phạm điều 6, Luật Giao thông và bị phạt 3,75 USD. Về phần mình, ông Hun Sen nói: “Tôi đánh giá cao cảnh sát huyện Sre Ampel ở tỉnh Koh Kong vì đã thực thi pháp luật mà không phân biệt đối xử cũng như không e ngại những người có quyền lực, kể cả Thủ tướng”.

Và còn nhiều câu chuyện tương tự.

Đây không chỉ là việc quan chức nước ngoài tự trọng, thượng tôn pháp luật. Có lẽ lớn hơn, sâu xa hơn là đạo đức công vụ, là ý thức công dân của họ. Bất kể anh giữ chức vụ gì trong bộ máy nhà nước, trừ những khi thực thi công vụ, ngoài giờ, đều phải sống cuộc sống bình thường như mọi người dân, gương mẫu chấp hành pháp luật. Cựu Tổng thống Indonesia không dùng chuyên cơ vì ông bảo ông đi vì chuyện gia đình, chuyện riêng. Nữ Bộ trưởng Thụy Điển, một nước giàu có hàng đầu thế giới sẵn sàng từ chức chỉ vì uống hai ly rượu vang. Nghe thật khó tin. Có người căn vặn: Sao lại máy móc, cứng nhắc thế? Nhưng ở một đất nước trình độ phát triển cao thì điều đó là có lý. Ở ta thật hiếm có vị Bộ trưởng nào tự lái xe. Và nếu có tự lái, khi cảnh sát giao thông “sờ” tới thì chỉ cần xưng danh là xe đã có thể nhấn ga vút đi luôn.

Tuy nhiên, ở ta cũng đã có những tấm gương sáng. Bác Hồ đi chiếc xe cũ Pô-bê-đa của Liên Xô suốt bao năm. Khi về thăm quê ở Nghệ An năm 1957, tỉnh bố trí một chiếc xe sang trọng, kết hoa rực rỡ. Bác bất ngờ tiến đến chiếc xe Com-măng-ca của bộ phận bảo vệ. Người ngồi lên phía trước xe và bảo cảnh vệ tháo tấm bạt che bên trên để có thể vẫy chào đồng bào đang đón ở hai bên đường. Bác Tôn Đức Thắng khi đã là Phó chủ tịch nước, phu nhân của Bác khi đi khám bệnh vẫn vẫy xe xích-lô để đi. Mấy năm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng yêu cầu, tất cả cán bộ trong Bộ đi công tác trong nước hạng vé phổ thông để tiết kiệm cho ngân sách. Bộ trưởng cũng đi “vé thường”. Rồi một vị Phó chủ nhiệm Quốc hội đi xe ôm đến cơ quan. Rất tiếc, không ai học theo ông cả. Ông thành lẻ loi, thậm chí có kẻ bảo ông lập dị, “đánh bóng” tên tuổi.

Thế là khi có chức quyền, người ta đua nhau sắm xe mới. Xe của người tiền nhiệm vừa mới sử dụng được một vài năm cũng bị chuyển cho văn phòng. Rồi thì tiêu chuẩn được đi xe “chấm tám”, cũng cố sắm xe “hai chấm”, “ba chấm”. Rồi yêu cầu văn phòng đổi xe sơn màu đồng, màu xanh sang màu đen. Nên chẳng lạ khi mấy ông quan chức cấp quận, cấp tỉnh bị báo chí vạch chuyện đi xe quá tiêu chuẩn, lại còn lên báo thanh minh thanh nga.

Khôi hài hơn, có anh cán bộ nọ chức tước tầm tầm cũng mua đâu được cái đèn bão lắp trên nóc xe, đèn xoay nhoang nhoáng, hú còi ưu tiên inh ỏi, khiến mấy bác dân quê được phen mừng hụt vì tưởng làng mình có ông quan lớn (!)

Đến đây thì đã rõ, không còn là “chuyện giao thông” nữa, mà là đạo đức, phẩm giá con người.

Cái tư duy một thời làm quan hưởng lợi, để đè đầu cưỡi cổ thiên hạ, không ai dám động đến ta, đã ngấm quá sâu vào xương tủy một bộ phận quan chức. Ngấm quá sâu và nó dần hủy hoại con người anh ta, chị ta. Vậy nên họ mới cho mình cái quyền đứng trên luật pháp.

Cái áo không làm nên thầy tu. Nhưng vì sao vẫn còn quá nhiều người thích khoác lên mình chiếc áo quá rộng, quá lòe loẹt mà chẳng khi nào bình tĩnh tự hỏi: mình liệu có xứng đáng?

Hài Đường

Năng lượng Mới 555