Tập Cận Bình - Lý Khắc Cường:

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”?

07:00 | 28/07/2016

6,902 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những thông điệp mâu thuẫn không phải gần đây mới xuất hiện từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, có thể báo hiệu sự bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hồi đầu tháng này, cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều đưa ra những chỉ thị mạnh mẽ về các biện pháp cải cách khu vực kinh tế nhà nước của Trung Quốc. Nhưng những thông điệp của họ lại mâu thuẫn với nhau rõ rệt, thậm chí “lệch pha” ngay trong cùng một sự kiện.

Chẳng hạn như cuộc họp của các quan chức của Hội đồng Nhà nước thuộc Quốc hội Trung Quốc hôm 4-7-2016. Trong khi ông Tập kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước “tốt hơn, mạnh hơn và lớn hơn” và Đảng Cộng sản sẽ có vai trò trung tâm trong việc quản lý khu vực kinh tế này, thì những bình luận đã được chuẩn bị sẵn của Thủ tướng Lý nhấn mạnh sự cần thiết phải “giảm tải” các doanh nghiệp nhà nước và tái khẳng định việc “tuân theo quy tắc thị trường”.

trong danh xuoi ken thoi nguoc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải)

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), những nguồn tin trong Đảng và các chuyên gia Trung Quốc nói rằng, các thông điệp mâu thuẫn và nhiều động thái khác thời gian gần đây, bao gồm cả những lời chỉ trích gián tiếp và kín đáo của Chủ tịch Tập đối với các chính sách ông Lý đưa ra đã cho thấy sự bất hòa giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.

Hệ lụy ngắn hạn và dài hạn

Bế tắc trong chính sách tái cấu trúc kinh tế Trung Quốc, do chỉ đạo không thống nhất, là điều mà ai cũng có thể nhận ra về hệ lụy trong ngắn hạn của mối bất đồng giữa ông Tập và ông Lý.

Theo WSJ, đến giờ các quan chức Trung Quốc trong lĩnh vực giám sát hoạt động khu vực kinh tế nhà nước vẫn phải “đánh vật” nghiên cứu tinh thần của các mâu thuẫn trong bản chỉ đạo ngày 4-7. Một số vẫn lúng túng. Một quan chức của Ủy ban Giám sát Tài sản và Quản lý Nhà nước tham dự các buổi họp cho biết: “Có một sự thiếu định hướng rõ ràng ngay từ đầu… Mọi người đang chờ đợi để xem những người khác có thể làm gì. Và kết quả là: “Không hành động”.

Tất nhiên, đó chỉ là các tiết lộ từ những nhân vật giấu tên, còn những người có trách nhiệm trả lời báo chí tại các ủy ban nhà nước Trung Quốc thì đến giờ vẫn… không trả lời mọi thắc mắc. Trong một tuyên bố với WSJ cuối tuần trước, Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước cho hay, “những câu hỏi mang tính chất suy đoán” của tờ báo là “thiếu căn cứ”. Họ không đề cập đến mối quan hệ giữa ông Tập và ông Lý, mà chỉ nói chung chung là Trung Quốc đã thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô “nhất quán và ổn định” từ cuối năm 2012 và đã đạt được “bước tiến lớn” trong phát triển kinh tế - xã hội. Bắc Kinh cũng sẵn sàng, kiên định đối mặt với các thách thức kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước.

Về lâu dài, điều mà người ta quan ngại hơn cả là tác động mạnh của sự chia rẽ chính trị trong nội bộ Trung Quốc. Xung đột trong giới lãnh đạo đã trở thành một đặc trưng của các giai đoạn biến động dữ dội nhất của chính trường Trung Quốc, từ cuộc Cách mạng văn hóa đến cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989.

Cần nói lại một chút về mô hình phân chia quyền lực giữa hai chức danh lãnh đạo cao nhất Trung Quốc trong khoảng 4 thập niên trở lại đây. Tổng bí thư sẽ đồng thời là Chủ tịch nước và là người đứng đầu quân đội, Thủ tướng là người đứng đầu nội các và phụ trách việc phát triển kinh tế. Còn các nhiệm vụ khác được phân chia, giao phó cho nhiều quan chức cao cấp khác.

Tuy nhiên, hiện tại ông Tập đã thay đổi mô hình lãnh đạo này khi tập trung quyền quyết định trong nội bộ một số ủy ban do ông đứng đầu, can thiệp vào cả các quyết sách kinh tế.

Những người ủng hộ ông Tập thì cho rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng đã yếu đi do tham nhũng lan rộng trong chính quyền trước và hiện nay cần một nhân vật trung tâm mạnh mẽ để giành được sự ủng hộ của người dân trong quá trình cải tổ nền kinh tế.

Những người phản đối nói ông Tập đã đảm nhận quá nhiều vai trò quản ly, tước quyền của ông Lý và nhiều nhà quản lí kinh tế khác. Ông Lý đã thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ trong 2-3 năm qua nhưng gần đây, những người ủng hộ ông cho biết, vai trò của ông đã bị suy yếu.

Mâu thuẫn hay “đấu đá” quyền lực?

Hiện trong dư luận Đảng Cộng sản Trung Quốc đang lan truyền rộng rãi tin đồn về việc ông Lý có thể bị ông Tập cho “về vườn” trong cuộc cải tổ các vị trí chủ chốt của Đảng vào năm tới. Ông Lý và ông Tập là hai thành viên duy nhất trong Ban Thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc hiện nay chưa đến tuổi nghỉ hưu.

Dấu hiệu đầu tiên của sự bất hòa giữa ông Tập và ông Lý đã được hé lộ từ tháng 5 khi tờ Nhân dân Nhật báo đăng tải một bài phỏng vấn trên trang nhất của một “người có thẩm quyền giấu tên” đã chỉ trích ảnh hưởng xấu của tín dụng đối với tăng trưởng trong quý đầu năm nay. Theo những nguồn tin đáng tin cậy của vấn đề, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập đã soạn thảo bài viết này dưới sự hướng dẫn của ông và “người có thẩm quyền giấu tên” đó chính là ông Tập.

Dù không đề cập đến tên ông Lý, nhưng bài báo đã dội “gáo nước lạnh” vào chính sách kích cầu của Thủ tướng khi bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc đã tung ra 4,6 nghìn tỉ nhân dân tệ (697 tỉ USD) tín dụng ngân hàng từ tháng 1 đến tháng 3, vượt quá cả gói kích cầu trong cuộc khủng hoảng tài chính 2009. Qua đó, cảnh báo về cuộc chạy đua vì mục đích tăng trưởng kinh tế dẫn đến núi nợ công cao, khiến Trung Quốc có thể rơi vào trạng thái bất ổn về tài chính.

Chỉ trong vòng 24 giờ sau đó, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc lại đăng tải một bài viết thứ hai, là xã luận của ông Tập. Lần này, ông Tập đã đích thân đã trình bày cái nhìn của người trong cuộc về những bất ổn mà nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải cũng như chương trình kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.

Barry Naughton, một chuyên gia về kinh tế của Trung Quốc tại Đại học California, San Diego nhận định: “Ông Lý Khắc Cường đã được đặt ở một vị thế không chắc chắn”. Theo ông Naughton, “chính sách kinh tế đang chuyển dịch một cách cơ bản theo định hướng của ông Tập Cận Bình và dần xa rời đường lối của ông Lý Khắc Cường. Ông Lý không hài lòng với điều này và rất khó để hình dung mối quan hệ Tập - Lý hiện nay có thể được duy trì ra sao trong tình hình này”.

Nhiều người cho rằng, sự “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa ông Tập và ông Lý là dấu hiệu “đấu đá quyền lực” giữa hai lãnh đạo cao nhất của Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Scott Kennedy, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, “ông Tập và ông Lý có thể bất đồng ý kiến về các chính sách cụ thể, nhưng sự khác biệt của họ là rất nhỏ trong một kế hoạch lớn và đây chỉ là kết quả của việc chạy đua chính trị, chứ không mang tính cơ bản”.

Không chỉ mâu thuẫn với nhau về chỉ đạo kinh tế, ông Tập và ông Lý còn khác nhau về cả xuất thân, phong thái. Ông Tập là một “Thái tử Đảng” điển hình, trong khi ông Lý đi lên từ phong trào thanh niên, từng tốt nghiệp khoa Luật tại Đại học Bắc Kinh, lấy bằng tiến sĩ kinh tế và thông thạo tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ - điều hiếm thấy ở các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ông Tập bị cho là người gia trưởng, độc đoán, vui buồn không lộ, trong khi ông Lý được đánh giá là niềm nở và khá bình dân.

Linh Phương

Năng lượng Mới 543

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc