Trong cái chết, con người bình đẳng

21:08 | 20/04/2017

1,404 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã bao lần tôi nghe kể về một vùng đất lạ lùng, nơi tọa lạc một nhà thờ là ngôi mộ chung của 40 ngàn người dân bản xứ tại Kutna Hora (Cộng hòa Czech). Nghe đồn nhà thờ này được gọi là kim tự tháp xương người, do toàn bộ bên trong khu nhà thờ được trang trí kỳ dị theo kiến trúc Kim tự tháp bởi chính hài cốt của 40 ngàn người.

Những bộ xương người không phải để chôn cất kín đáo dưới đất sâu trong những quách tăm tối, hay trong hầm mộ bí ẩn. Bốn chục ngàn bộ xương người hiển lộ, với hình dạng vẹn nguyên, là chất liệu chung nhất, cùng tạo nên một cảnh tượng kiến trúc lặng người. Một nhà thờ bằng xương người có một không hai trên thế giới.

trong cai chet con nguoi binh dang
Nhà thờ Đức thánh ở Kutna Hora Sedlec.

Tại sao người Czech dám làm một điều lạ lùng, nói đúng hơn là vô cùng kinh khủng như thế? Ai có thể cho phép một điều quá sức tưởng tượng như vậy xảy ra? Khi chưa đến Kutna Hora, nhiều câu hỏi như vậy cứ trở đi trở lại trong đầu tôi. Tôi tìm hiểu thông tin qua nhiều kênh, kể cả Internet và những người có ham mê khám phá, cũng chỉ thu được rất ít thông tin về nhà thờ kỳ lạ này. Vậy là một ngày, tôi quyết tâm tới Czech, đến Kutna Hora, tự mình tìm hiểu và tận mắt ngắm nhìn những con người trần trụi nhất, dùng chính bộ xương của mình để làm nên một kỳ quan chấn động tâm can mãi mãi.

trong cai chet con nguoi binh dang
Hốc tường nhà thờ trang trí bằng xương người.

Kutna Hora là một thành phố tầm trung của Czech, được chia làm hai khu vực, tuy nhiên, khu vực Sedlec của Kutna Hora với khu phố Kostnice luôn thu hút du khách trên thế giới do nhà thờ xương kỳ dị tại đây. Khác với tưởng tượng ban đầu về sự kinh dị của chết chóc, sự ám ảnh nặng nề của bộ xương, khi đặt chân tới Kostnice tôi thấy những hình sọ người, xương người bỗng không còn đáng sợ, trái lại, trở nên gần gũi, tự nhiên với du khách hơn bao giờ hết. Ngay từ khi mới bước chân tới Kostnice, hình ảnh sọ người, xương người trở thành mỹ thuật đặc trưng trang trí cho nhà, đồ dùng, đồ lưu niệm, thậm chí là trên chai bia.

trong cai chet con nguoi binh dang
Chai bia trang trí biểu tượng xương.

Làm quen với xương người từ cửa ngõ, và tới khi bước chân vào nhà thờ xương, đối diện với kiến trúc lạ lùng được làm toàn bộ bằng xương người, bạn sẽ không còn cảm giác cũ cũng như những ám ảnh cố hữu xa xôi. Chỉ còn lại cảm giác tôn kính và ngưỡng mộ trước hình hài cổ nhân, cùng tạo nên một kỳ quan từ những phần thân thể vững chắc nhất còn lại. Tất cả đều bình đẳng trước thần Chết. Tất cả đều bình đẳng trong cùng một mong muốn tạo nên kiệt tác để lại cho đời sau.

trong cai chet con nguoi binh dang
Du khách thích thú thưởng thức những chai bia trang trí độc đáo.

Đây là nơi 40.000 người đã chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng. Nhà thờ chính là khu nghĩa trang độc nhất vô nhị - được thế giới biết đến với tên gọi - Cemetery Church, hay Nhà thờ của các đức Thánh (Church of All Saints). Đây chính là một phần của quần thể tu viện lâu đời nhất tại Bohemia - Cistercian, được thành lập năm 1142. Ngoài ra nơi đây còn một nhà thờ độc đáo thờ “Đức Mẹ” và đức thánh John (được lọt vào danh sách khu tưởng niệm của UNESCO từ năm 1995) và một tu viện Ba-rốc cũ (xây dựng năm 1812) đều được giữ gìn và bảo tồn cẩn trọng.

Nhà thờ của các đức Thánh (Church of All Saints) được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ 14 và là một tượng đài quan trọng đại diện cho phong cách Gothic. Về mặt kiến trúc, đó là một khu nhà chứa hài cốt Gothic với một khu cầu nguyện nhỏ phía trên và khu để hài cốt dưới hầm.

trong cai chet con nguoi binh dang
Nóc giữa nhà thờ trang trí đèn chùm xương người.

Theo một huyền thoại ở nơi đây, một chư hầu địa phương đã được quốc vương Czech gửi đến Jerusalem vào khoảng năm 1278. Người chư hầu mang theo một ít đất màu mỡ từ Golotha và rải chúng khắp nghĩa trang Sedlec. Đất từ khu thánh địa Jerusalem được sử dụng cho việc dâng hiến và hàn gắn. Và từ đó, người dân Czech và một số nước lân cận đều mong muốn được chôn cất tại Sedlec.

Khu nghĩa trang này đã được mở rộng khi một đại dịch kinh hoàng bùng nổ vào thế kỷ 14 - khoảng 30.000 người chết vì đại dịch đã được chôn cất tại đây.

Mùa xuân năm 1421, quân đội Hussite đã chiếm giữ vùng Kutná Hora. Họ còn tấn công cả Sedlec, cướp bóc và đốt cháy nhà thờ cũng như tu viện. Khu nhà thờ của các Thánh cũng bị tàn phá nặng nề. Đã có khoảng 10.000 người bị giết hại được chôn cất tại Sedlec trong cuộc chiến tranh với Hussite.

Vào cuối thế kỷ thứ 15, khu nghĩa trang rộng 35.000 m2 đã bị thu hẹp diện tích một phần, hài cốt từ các ngôi mộ bị bỏ đi đã được chuyển đến Ossuary. Từ đó, một thầy tu bị mù một mắt, đã sắp xếp hài cốt thành các kim tự tháp trang trí cho nhà thờ. Thật kỳ diệu là sau khi hoàn thành công việc có một không hai ấy, ông đã lấy lại được thị lực, tầm nhìn của mình.

Theo nhà ghi chép S.E.Kapihorsky (1630), những bộ xương đã được sắp xếp lại một cách có thẩm mỹ vào thế kỷ 16. Vào giữa những năm 1661-1663, nhà thờ đã được sửa chữa lại, bao gồm cả việc sắp xếp lại những bộ xương. Khung vòm hình ngôi sao Gothic ban đầu ở phía trên điện thờ đã được thay thế.

Cuộc trùng tu lịch sử của cả quần thể tu viện bắt đầu trong thời kỳ Ba-rốc vào nửa đầu thế kỷ 18. Việc trùng tu được ủy thác cho Jan Blalej Santini - Aichei, ông đã xây dựng lại Nhà thờ của các đức Thánh cùng khu vực để hài cốt với phong cách Ba-rốc Gothic.

Santini còn là tác giả của ý tưởng dùng các bộ xương trang trí, như một cách thể hiện sự kính trọng người đã khuất, được sắp xếp theo nguyên tắc thẩm mỹ Ba-rốc. Ông thực hiện những biểu tượng thuộc về lễ nghi trên cốc và bình thánh thể trong các hốc tường Nhà thờ. Những vòng hoa từ xương người gợi nhớ về những chiếc đầu của thiên thần Ba-rốc, những giá đỡ nến hình chóp từ năm 1742 mang ý nghĩa biểu tượng cho ánh sáng vĩnh cửu.

Tu viện Sedlec bị phá bỏ bởi Joseph II vào năm 1783. Toàn bộ tài sản của tu viện được gia đình Schwarzenberg tại Orlik mua lại. Chính nhờ sự bảo tồn tuyệt vời của họ mà toàn bộ hài cốt của Sedlec mới còn nguyên vẹn. Việc trang trí bằng xương được làm mới và phát triển bởi kiến trúc sư Frantisek Rint đến từ Ceska Skalice vào năm 1870. Những bộ xương mà Rint sử dụng được khử trùng và tẩy trắng bằng vôi, clo và được đặt vào trong một mẫu gốc - một chiếc đèn chùm ở giữa nhà thờ và trong phù hiệu của nhà Schwazenberg. Ngoài ra còn một thiết kế đặc biệt từ xương cũng được đặt ở dưới cầu thang.

Điều nhắn nhủ rằng: “Hãy ghi nhớ những cái chết” - cùng với “hy vọng Phục sinh” của Chúa đã duy trì một thông điệp giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa biểu tượng cũng như cách bài trí của Nhà thờ Sedlec. Nhà thờ xương không phải để kỷ niệm những cái chết mà là tượng trưng cho sự bình đẳng giữa mọi người trong cái chết.

Anh Đào

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc