Trò nghèo ở vùng đất “3 không”

08:00 | 06/02/2015

1,191 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giúp việc trong bệnh viện Xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương (Nghệ An) nằm giữa vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, cuộc sống đang gặp rất nhiều khó khăn. Từ lâu, nơi đây được biết đến là vùng đất “3 không” (không đường bộ, không điện lưới và không chợ). Việc học hành của con trẻ cũng còn rất đỗi gian nan, vất vả, đặc biệt là những em có gia đình thuộc diện di dời về các khu tái định cư nhưng vẫn bám trụ lòng hồ để mưu sinh.

Năng lượng Mới số 388

Dựng lều đón chữ

Giữa Đông, khắp mọi nẻo của vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ dường như càng buốt giá hơn. Bởi nơi đây tích tụ khí lạnh của núi rừng và cái lạnh của mặt nước lòng hồ mênh mông. Phía xa xa, những mái lều tạm bên bờ suối đầu bản Con Phen, xã Hữu Khuông như đang run rẩy trong giá lạnh. Đó là nơi chốn tránh nắng, che mưa của 18 em học sinh của Trường tiểu học Hữu Khuông. Bố mẹ chúng mải miết mưu sinh giữa lòng hồ, buộc con cái phải dựng lều “nhặt chữ”.

Dãy lều tạm của 18 em học sinh được dựng ở điểm Trường Con Phen (Trường tiểu học Hữu Khuông)

Sau 2 năm trở lại Hữu Khuông, chúng tôi nhận thấy nơi đây ít nhiều có những đổi thay. Rõ rệt nhất là các em học sinh THCS bán trú không còn phải tá túc trong những mái lều tạm bợ, mà đã được chuyển vào ở trong dãy nhà khá khang trang. Dãy nhà này được các tổ chức có lòng hảo tâm vận động, gây quỹ để xây dựng. Vậy là các em nhỏ có thể yên tâm ăn nghỉ, học hành, không còn ngại những đêm mưa gió. Thế nhưng, phía ngoài bờ suối vẫn còn những mái lều cũ kỹ, tưởng chừng như sót lại từ vài năm trước.

Dường như đoán được những thắc mắc của chúng tôi, thầy Bùi Văn Hảo - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hữu Khuông cho biết: “Đây là chỗ ở của các em học sinh ở Chà Coong, Xốp Lằm, Kim Hồng, Nhạn Nhinh, Nhạn Mai và Nhạn Pá. Những bản này thuộc diện di dời về các khu tái định cư ở huyện Thanh Chương nhưng một số hộ hoặc cố tình không di dời hoặc đã di dời nhưng trở về quê cũ làm ăn. Con em họ phải gửi học ở điểm Trường Con Phen, trường không có nhà bán trú, do không có hộ khẩu ở địa phương nên các em không được hưởng chế độ ưu tiên của Nhà nước. Vì thế, đến học tại đây, bố mẹ các em phải tự túc từ chỗ ăn, chỗ nghỉ và các khoản đóng góp”.

Chúng tôi bước về phía dãy lều, nó quá đơn sơ, nằm chênh vênh bên bờ suối. Mái được lợp bằng tranh lá cọ, phên thưng bằng nứa đan, cột kèo là những cây rừng vừa thấp, vừa nhỏ. Có cảm giác như chỉ cần một trận gió mạnh, nó sẽ cuốn phăng tất cả xuống suối, rồi trôi về phía lòng hồ mênh mông nước. Hôm ấy, vợ chồng anh Lô Văn Phương đến sửa sang mái lều cho các con trọ học, người chồng hì hục với chiếc cưa và tấm ván để làm cánh cửa ra vào cho túp lều. Còn người vợ tỉ mẩn với từng chiếc lá cọ để đan tranh làm mái.

Anh Phương cho biết: “Chiếc lều này vợ chồng tôi đến dựng đã mấy tháng để các con trọ học, vì đường xa, phải đi thuyền nên không thể đi về trong ngày, bố mẹ lại không có thời gian đưa đón. Tuần trước, cháu bảo lều bị dột, gió tràn vào lạnh quá không ngủ được nên vợ chồng tôi phải tranh thủ đến sửa sang cho kín hơn, để các con đỡ rét”. Trong cơn gió lạnh căm căm của đại ngàn, nhìn nét mặt của vợ chồng anh Phương, chúng tôi đọc được những nỗi vất vả và lo toan về cuộc sống. Ở đó, có cả niềm hy vọng tương lai của các con, đó cũng là lý do anh ở Chà Coong sang tận Con Phen gửi con theo học.

Tranh lợp được đan từ lá cọ

Gần trưa, sau hồi trống tan trường, các em lần lượt trở về mái lều của mình để lo việc cơm nước. Cửa ra vào của mái lều chính giữa được mở, chúng tôi bước vào và có dịp được quan sát các vật dụng bên trong. Chiếc bục được làm bằng tre nứa chiếm phần lớn diện tích. Đó vừa là chỗ nằm nghỉ, vừa là chỗ ngồi học và cất đặt sách vở, lại vừa là chỗ để bày biện bữa cơm hằng ngày. Tiếp đến là khu bếp, xung quanh bề bộn với những que củi nằm ngổn ngang, xoong nồi, xô chậu và bát đĩa cũng đặt khá lộn xộn. Các em mỗi người một việc, người xuống suối vo gạo nấu cơm, người nhặt rau, người rửa bát. Bữa trưa chỉ có độc rau rừng chan cơm nhưng các em vẫn ăn uống ngon lành, cười nói vui vẻ.

Có lẽ, ở độ tuổi cấp tiểu học, lại không có nhiều điều kiện để tiếp xúc với bên ngoài nên những em nhỏ này chưa thể ý thực được những thiếu thốn, thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Chúng tôi hỏi: “Bữa nào cũng thế này à?”, cậu bé Lương Văn Nguyễn, học sinh lớp 4, đến từ Chà Coong nhanh nhảu trả lời: “Không! Hôm nay gần cuối tuần, thức ăn dự trữ đưa từ nhà đã sắp hết, buổi sáng bận học không đi bắt cá được. Chiều học về sớm sẽ xuống suối bắt cá về nấu ăn chú ạ!”.

Lênh đênh phận đời           

Khi màn đêm phủ khắp đại ngàn Hữu Khuông, cái rét về đêm như thấm vào từng lan da, thớ thịt, chúng tôi mượn chiếc đèn pin men theo lối mòn dốc đứng, rồi đi dọc theo bờ suối để trở lại dãy lều trọ của các em học sinh. Từ 6 chiếc lều bé nhỏ bên mép suối hắt ra những tia sáng yếu ớt từ những chiếc đèn dầu lọt qua kẽ hở tấm phên. Tất cả đều lặng lẽ, im lìm trong bóng đêm đặc quánh, giữa mênh mông của núi rừng và làn sương quây kín. Thi thoảng, từ trong lều vang lên những tiếng “ê”, “a” học bài, tiếng trao đổi, cười nói của các em học sinh. Nhưng rồi những âm thanh ấy nhanh chóng hòa lẫn trong tiếng suối chảy rì rào, tiếng gió rừng xào xạc. Trong lòng chợt dâng trào một nỗi cảm thương và suy tư về những thiếu thốn, vất vả đủ bề của những đứa trẻ đang sinh sống trong những mái lều tạm bợ kia. Đằng này, họ cứ bám lấy quê cũ mà sinh sống, cho dù không còn hộ khẩu tại đây, buộc con trẻ phải gánh chịu bao nỗi thiệt thòi, hành trình đi tìm con chữ trở nên vô cùng gian nan, trắc trở. Đáng ra, ở lứa tuổi này, những đứa trẻ ấy đang gắn chặt trong vòng tay bố mẹ, đón nhận sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ và chỉ bảo của các bậc sinh thành. Đằng này, hằng ngày các em vẫn phải tự lo liệu cuộc sống và việc học tập...

Xẻ ván làm cửa

Trưa hôm sau, vào đúng ngày cuối tuần, các ông bố, bà mẹ của những đứa trẻ ấy chạy thuyền đến tận mép suối để đón con về. Con thuyền nhỏ của anh Lương Văn Tuấn (bản Xốp Lằm) ghé vào bờ, chúng tôi tranh thủ trò chuyện. Anh Tuấn chia sẻ: “Mình có con trai đang gửi học lớp 1 ở đây. Nhà đã chuyển về khu tái định cư ở dưới Thanh Chương được mấy năm nhưng đất ruộng ít, thiếu việc làm, không có nguồn thu nhập nên phải trở lại đây để mưu sinh. Chỗ ở cách đây hơn 30 phút chạy thuyền máy, không thể hằng ngày chở con đi học rồi đón về, đành phải dựng tạm cái lều cho nó ở trọ. Thiếu thốn, rét mướt, con còn nhỏ, vợ chồng tôi thương lắm nhưng trước mắt chưa có cách nào khác...”.

Sau một tuần tự lo cuộc sống và học hành ở lán trọ, các em nhỏ không dấu được vẻ hồ hởi và niềm phấn khởi khi xếp đặt đồ đạc, hành lý lên thuyền về cùng bố mẹ. Tiếng cười nói, reo vui cất lên, những con thuyền nổ máy rồi lướt nhanh ra phía lòng hồ Bản Vẽ. Vài ngày sau, những con thuyền ấy sẽ đưa các em trở lại nơi đây, bắt đầu một tuần mới...

Bùi Khánh Huyền