Trò chuyện với một "pho sử sống" của ngành Dầu khí

09:35 | 09/08/2012

2,730 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Tỉnh Thái Bình, “cái nôi của ngành Dầu khí Việt Nam” có hơn 700 cựu cán bộ. Hiện có hàng chục “nguyên lão” đang sinh hoạt trong Ban Liên lạc cựu cán bộ Dầu khí. Một trong những nguyên lão ấy là ông Lê Xuân Tùy, nguyên cán bộ Đoàn Địa chất Xuân Thủy 36N.

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, vóc dáng nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, đôi mắt vẫn sáng và tinh nhanh, giọng nói hùng hồn và thuyết phục, ông Tùy là khách quen của các cán bộ ngành Dầu khí ở Thái Bình, ông được ví như “người đưa tin Dầu khí” của vùng quê lúa. Ngày đêm ông như con thoi chắp nối những con người Dầu khí của Ban Liên lạc Tiền Hải. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với người được coi là một trong những “pho sử sống” của ngành Dầu khí.

Ký ức tìm dầu trong lửa đạn

PV: Là người có thâm niên 30 năm làm việc trong ngành Dầu khí, một trong những người tiên phong thăm dò địa chất trong tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), ông có thể kể lại ấn tượng và cảm xúc của mình khi chứng kiến mũi khoan đầu tiên trong hành trình đi tìm dầu khí trong lòng đất mẹ không?

Ông Lê Xuân Tùy: Tôi còn nhớ như in thời khắc lịch sử ấy. Lúc đó là vào khoảng 10 giờ sáng ngày 10/7/1962, tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đội khoan được giao nhiệm vụ do đồng chí Bùi Kiên Quyết làm Tổ trưởng. Đây là tổ khoan được đồng chí Bùi Đức Thiệu, Đoàn trưởng Đoàn 36 trực tiếp đón từ Đoàn 105 tại xã Biển Động, Lục Ngạn, Bắc Giang về khoan. Khi đó các thao tác chủ yếu dùng sức người, cả đội chỉ có đúng một chiếc máy khoan zíp 150 được anh em nâng niu, chiều chuộng như con trẻ. Theo dõi mũi khoan sâu dần chìm trong lòng đất từ 15m rồi 30m đến 50m, mọi người hồi hộp, nín thở, mồ hôi túa đầy mặt chờ mũi khoan nhích dần trong lòng đất. Khi đến mức 55m thì máy khoan đột nhiên rung lên bần bật rồi bất ngờ khựng lại ở độ sâu 57m. "Tướng" Thiệu khi ấy cố giấu cảm giác lo âu, ngoài mặt luôn miệng động viên anh em cố gắng tiếp tục chuẩn bị cho mũi khoan mới. Ngày qua ngày, những mũi khoan tiếp nối chỉ gặp nước và các tạp chất ở các tầng địa chất ngùn ngụt đùn lên. Dầu mỏ chưa thấy đâu, anh em chẳng ai nản lòng. Những người thợ khoan trẻ măng, còn phảng phất nét ngây ngô của người mới từ chiến trường ra, mới bỏ tay cuốc vẫn luôn hăng hái. Từ sáng đến đêm, cứ vào việc là anh em hò hét, động viên nhau cùng hô khẩu hiệu “vững tay tời, chắc chân đế…” vang vọng cả một vùng cửa biển.

Ông Lê Xuân Tùy

PV: Mũi khoan đầu tiên đó có đạt được thành công như mong đợi?

Ông Lê Xuân Tùy: Cũng khó có thể như mong đợi, nhưng được sự hỗ trợ của chuyên gia Liên Xô, chúng ta đã có những bước tiến dài về kỹ thuật, làm chủ thiết bị, đặc biệt là nâng cao tinh thần chiến đấu của Đoàn 36 trong công cuộc tìm dầu cho đất nước. Hơn thế nữa, công tác thăm dò dầu khí tại Hà Nam Ninh đúng vào thời điểm đế quốc Mỹ đang leo thang bắn phá miền Bắc ác liệt nhất. Người công nhân dầu khí làm nhiệm vụ trong mưa bom bão đạn, bất cứ lúc nào cũng có thể hy sinh.

PV: Khi chuyển về công tác tại Đoàn Địa chất Xuân Thủy 36N, với nhiệm vụ khoan sâu tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở vùng Xuân Thủy, tỉnh Nam Định, chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật tiến dần ra biển để khoan các giếng 102, 110 ở ngoài Cồn Đen, nghe nói ông và các đồng nghiệp đã không ít lần đối mặt với “thần chết”…?

Ông Lê Xuân Tùy: Những năm ấy là khoảng thời gian đầy cam go, ác liệt của Đoàn Địa chất 36, đúng là chúng tôi đã nhiều lần đối mặt với “thần chết” nhưng ai cũng vững tin, đầy nhiệt huyết. Tôi còn nhớ lần đầu tiên đội khoan đối mặt với trận bom của máy bay Mỹ. Hôm ấy đội khoan của chúng tôi đang dựng giàn, tời đang kéo căng, giàn dựng được một góc 45o thì nghe tiếng báo động khẩn cấp. Đang nằm nghỉ trong lán, tôi bật dậy, cùng đội tự vệ vác theo 4 khẩu mousqueton (mút-cơ-tông, loại súng trường của Pháp bắn 1 viên lại phải nạp đạn) lao ra giàn khoan. Ngẩng đầu lên trời đã thấy trước mặt một tốp máy bay Mỹ xám xịt đang rít gào bay thẳng đến chỗ dựng giàn. Cả một bãi biển trống trải, giàn khoan của đoàn như bệ phóng tên lửa chĩa thẳng lên bầu trời rất hùng tráng nhưng cũng là một mục tiêu rất rõ ràng trước mũi địch.

Lúc đó chúng tôi gần như đã nhìn rõ cái mũi khoằm của đầu máy bay địch. Tôi và các anh em thợ khoan bảo nhau, lúc này mà buông tay, chạy xuống hầm trú ẩn thì hỏng hết cả giàn khoan, thiết bị. Cả đội như thần giao cách cảm cùng hét vang: “Nhìn thẳng quân thù, giữ chặt lấy tời, dù có chết cũng vinh quang”. Tốp máy bay giặc quăng bom, vãi đạn, khói lửa mù mịt, đen ngòm cả vùng. Loạt bom nổ cách giàn khoan khoảng 50m, đất và cát bị cày xới hất tung lên cổ, lên mặt cả đội, khói bom mù mịt đen xì phủ kín cả vùng. Anh em ngó quanh tìm nhau, mặt mũi ai cũng đen xì lấm lem. Như một điều thần kỳ, vẫn còn đủ mặt cả, không ai bị thương. Nở nụ cười phô những hàm răng trắng bóng, đôi mắt ai cũng như đang rực cháy một ngọn lửa của quyết tâm, một tinh thần rực cháy sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Có lẽ khởi nguồn của tinh thần người dầu khí, của những người đi tìm lửa là đây. Sau lần đó, địch lại thả bom, bắn phá rất nhiều lần. Anh em Đội khoan 36N chúng tôi dần dần coi như chuyện cơm bữa. Có người còn đùa mỗi lần máy bay địch đến lại ví chúng như bầy ruồi không đầu đang vo vo trên trời. Cho đến bây giờ, cái tư thế “giữ mũi khoan, sẵn sàng hy sinh” ngày ấy đã in sâu vào trí não, trở thành biểu tượng hào hùng của những người trong thế hệ của chúng tôi.

Ngôi nhà của ông Lê Xuân Tùy có lẽ là đặc biệt nhất tỉnh Thái Bình vì trên đỉnh có hẳn biểu tượng một giàn khoan Dầu khí đang phun lửa do chính chủ nhà làm và gắn lên.

PV: Trong cuộc đời của mình, ông đã từng được gặp các vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước, ông có thể kể lại một kỷ niệm sâu sắc nhất đối với mình?

Ông Lê Xuân Tùy: Vào thời điểm tình hình trên các chiến trường phía Nam đang kịch liệt nhất, quân ta giành thắng lợi lớn trên chiến trường Tây Nguyên, thế giặc đang đại bại, Tổ quốc thống nhất đã thành định cuộc khiến lòng người háo hức, mừng vui. Niềm vui như được nhân đôi khi vào ngày 18/3/1975, giếng khoan tìm kiếm 61 đặt tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, Thái Bình đã nhận được dòng khí với trữ lượng xác minh lên tới 1,3 tỉ m3. Đây là giếng phát hiện dòng khí công nghiệp đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác tìm kiếm dầu khí. Nghe tin, chỉ 3 ngày sau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã xuống thăm và chúc mừng cán bộ, công nhân thăm dò dầu khí. Bác Đồng thăm giếng số 60 ở xã Giao An, huyện Xuân Thủy, tỉnh Hà Nam Ninh (cũ). Tôi được vinh dự cử ra báo cáo với Thủ tướng về tiến độ các giếng khoan, về công tác công đoàn. Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng nói: “Bác hôm nay đi rất vội, nghe tin các cháu khoan trúng dòng dầu khí, xuống thăm mà không có quà. Bác hứa lần sau sẽ có quà thưởng. Các chú phóng viên chụp ảnh cho Bác và các cháu, đếm người phóng tặng mỗi chú một tấm làm quà trước”. Hôm ấy, Thủ tướng chỉ đích danh tôi rồi hỏi: “Là người đại diện cho Công đoàn của Đội 36N, cháu có đề nghị gì với Chính phủ không?”. Tôi run lắm nhưng vẫn cố rắn rỏi thưa: “Đất nước đang còn chiến tranh, chúng cháu đã có chế độ tốt rồi, không đề nghị gì hơn. Chỉ mong Chính phủ đừng phát phiếu cá bởi hiện nay giặc bắn phá rát quá, không đánh bắt gì được nên phát ô cá mà không có cá chia cho anh em”. Thủ tướng nghe được, vui mừng động viên đội khoan vững niềm tin, bám đất tìm thêm dầu khí cho đất nước. Cảm xúc tự hào từ lần được thay mặt anh em cán bộ thăm dò địa chất ngành Dầu khí tiếp chuyện Thủ tướng cứ ngân nga mãi trong lòng tôi.

Người chắp nối nghĩa tình

PV: Không thể phủ nhận, một thời bão lửa, dữ dội nhưng đầy vinh quang ấy đã rèn cho ông cũng như các đồng nghiệp đương thời những phẩm chất đáng quý nhất của con người là lòng dũng cảm, ý chí vững như thép, đã làm gì là theo đuổi đến cùng. Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng với những người thợ khoan thời kỳ Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc đều coi mỗi mũi khoan là một trận địa. Thời bình, những phẩm chất đó còn phát huy tác dụng của mình không, trên mặt trận mới - mặt trận kinh tế, thưa ông?

Ông Lê Xuân Tùy: Thời bình, chúng tôi - những cựu đồng sự của nhau vẫn quyết tâm phải động viên nhau vươn lên trong thời bình. Năm 1990, tôi khi ấy mới hơn 50 tuổi đang đảm nhiệm chức vụ Chánh văn phòng Đoàn Địa chất 36N nhưng đã đủ năm cống hiến cho ngành nên đã chủ động xin nghỉ hưu. Tháng 9/1995, tôi cùng với hàng chục đồng nghiệp khác lập nên Ban Liên lạc hưu trí Dầu khí Tiền Hải. Mục đích thành lập là muốn quy tụ những người làm dầu khí ở Tiền Hải để giúp đỡ nhau trong cuộc sống sinh hoạt, thăm hỏi sức khỏe, chăm lo đến con cháu của hội viên.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Đoàn 36 năm 1975, ông Lê Xuân Tùy (thứ hai từ bên trái)

PV: Xin ông cho biết, thời đó, công nhân dầu khí về nghỉ từ Quyết định 176/HĐBT ngày 9/10/1989 rất khó khăn, ruộng đất không còn vì Chính phủ đã chia hết cho nông dân, cơ quan không sử dụng, chẳng ai biết làm nghề gì khác. Khi ấy mỗi người đều phải tự bươn chải đủ nghề kiếm sống như làm hàng xáo, làm thuê làm mướn, một bộ phận thì đi kinh tế mới trên các vùng cao Lâm Đồng, Bảo Lộc. Lại nghe nói, thời điểm ấy, ông cũng là người tiên phong “hưu mà không nghỉ”…

Ông Lê Xuân Tùy: Nói thật, nhìn anh em phân tán mỗi người một phương, tôi xót xa vô cùng. Biết rằng sau này muốn tìm được nhau sẽ rất khó, nên bàn với vợ quyết tâm bám trụ lại mảnh đất Thái Bình vì tôi làm công tác tổ chức nên nắm hết địa chỉ, hoàn cảnh từng người. Tôi nghĩ nếu mình còn ở đây, khi nào anh em muốn tìm lại nhau thì còn có chỗ mà về. May mắn có chút hoa tay, lại được đi nhiều, thấy nhiều nên nghe người trong chợ huyện mách nước, tôi quyết tâm làm hàng mã để xây dựng kinh tế gia đình. Khi ấy cả Tiền Hải chẳng ai biết làm thuyền mã, có thì cũng chỉ xiêu vẹo nhìn cứ như cái mủng. Tôi phải tự mày mò ôm đống tre, nứa, hì hục vót vót, đan đan, bôi hồ, phết màu, nắn khung, dán giấy bản… cuối cùng một chiếc thuyền rồng bằng tre nứa và giấy bồi đã ra đời. Phấn khởi, tôi làm liền 10 cái thuyền to, nhỏ các kiểu, bảo vợ đem đến đại lý vàng mã ngoài chợ lớn gửi bán. Đúng vào dịp tháng 7 nên đại lý bán hết veo ngay trong buổi chiều ấy. Một đồn mười họ kéo đến nhà tôi đòi đặt hàng, đặt cả tiền trước. Từ ngày ấy, hai vợ chồng già cùng xoay sở, có đồng ra đồng vào bằng chính sức lao động của mình, chăm lo cho 5 người con trai được học, đi làm trong các đơn vị của ngành Dầu khí. 

Ban liên lạc Dầu khí huyện Tiền Hải, Thái Bình, gặp mặt đầu xuân 2012

PV: Ông đã thoát khỏi cảnh khốn khó của ngày đầu nghỉ việc, lý do là vì may mắn hay nhờ nhạy bén thức thời?

Ông Lê Xuân Tùy: Tôi cho rằng, có một phần may mắn. Không phải ai trong hơn 200 người cũng may mắn nhanh chóng thoát khó khi mất việc như thế. Bởi vậy, cứ mỗi khi rảnh rỗi, hay vào dịp tết đến, xuân về, tôi lại đạp xe rong ruổi khắp tỉnh Thái Bình, về tận những xã khó khăn nhất, thăm hỏi, động viên đồng nghiệp, hội viên tuổi cao sức yếu.

PV: Và ông đã trở thành giao liên của Ban Liên lạc cựu cán bộ Dầu khí tình cờ như thế?

Ông Lê Xuân Tùy: Ngày 16 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm được những người cựu cán bộ Dầu khí Tiền Hải định ra là ngày họp Ban Liên lạc. Được anh em tín nhiệm, nhà tôi trở thành trụ sở chính của Ban Liên lạc. Khoảng sân trước nhà đủ rộng để Ban Liên lạc họp bàn thảo những phương hướng hoạt động của Ban, đặc biệt là nhiệm vụ chăm lo hội viên và truyền đạt tinh thần Dầu khí bất khuất cho các thế hệ kế cận. Lâu nay, tôi vẫn canh cánh trong lòng là làm sao để con của các hội viên đỗ đại học ngày một nhiều, được học những kiến thức tiên tiến nhất về khoa học kỹ thuật, sẵn sàng phục vụ ngành Dầu khí khi cần đã sẵn người. Hiện nay, Ban Liên lạc có tới 25 người là con, cháu của hội viên đã là cử nhân đại học hoặc đang học các trường đại học. Năm ngoái, con trai tôi hiện đang làm trong Vietsovpetro mua cho chiếc xe máy, một chiếc điện thoại đi động để tiện đi lại, liên lạc. Có xe, tôi có điều kiện đi đến từng hộ gia đình có con em chuẩn bị thi đại học để hỏi han, động viên các cháu.

PV: Xem ra ông cũng là một người thích vác tù và hàng tổng?

Ông Lê Xuân Tùy (cười): Có nhiều người bảo tôi là bị “giời đày”. Họ không hiểu nếu không năng thăm, năng hỏi thì sợi dây tình cảm làm sao mà bền chặt được. Người già như trái chín trên cây, biết ngày nào rụng, nhìn thấy nhau là quý lắm. Mỗi năm ngồi với nhau một lần, người còn người mất, ôn lại chuyện xưa để làm gương cho con cháu. Tuổi già còn sức thì nên vì con cháu mà gắng gượng. Ốm thì thôi, chứ khỏe lại là tôi lại túc tắc phóng xe đi thăm hỏi anh em đồng nghiệp cũ. Không đi thì nhớ lắm…

Công Chính

(Năng lượng Mới số 144, ra thứ Ba ngày 7/8/2012)

DMCA.com Protection Status