Trình độ và thái độ

21:39 | 19/08/2017

3,526 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có một sai lầm mà nhiều nhà tuyển dụng nhân sự thường mắc phải, đó là quan tâm đến trình độ người ứng tuyển hơn là thái độ của họ với công việc.

Bởi lẽ cũng rất đơn giản, trình độ thì có thể đo đếm được, nào là qua bằng cấp, nào là qua phỏng vấn, rồi qua thử tay nghề... mà thái độ của ứng viên thì quả là khó có thước đo để dễ dàng đánh giá.

Mới đây, khi trích dẫn những câu nói ấn tượng trong tuần, VTV1 có đưa dẫn lời của bà Nguyễn Thị Hằng - Trưởng phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội - rằng, cán bộ tư pháp không “chết” vì trình độ, mà chủ yếu “chết” vì thái độ ứng xử với công dân.

Khi ấy, nhiều người mới giật mình soi xét lại và thấy, đúng là một câu nhận xét đáng giá!

Nội dung vụ việc ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa) và ở phường Trương Định (quận Hoàng Mai) khiến đông đảo dư luận quan tâm thì nhiều người đã biết rồi. Vấn đề đáng bàn ở chỗ, không chỉ những công việc liên quan đến công chúng thì thái độ mới quan trọng hơn trình độ, mà ở hầu hết các công việc, thái độ luôn có tầm quan trọng hàng đầu.

Hẳn nhiều người còn nhớ, một sự kiện có tên là Career Builder Day 2013 - Sự kiện nghề nghiệp và giáo dục quy mô lớn, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã thu hút hơn 15.000 người tham dự tại TP HCM và Hà Nội. Khi ấy, nhiều người mới vỡ ra rằng, thái độ với công việc mới chính là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của mỗi người bên cạnh việc trang bị kiến thức và kỹ năng.

Tại đây, nhà giáo dục Giản Tư Trung đã tạo ra không khí cởi mở bằng những câu chuyện thú vị nhưng khiến nhiều người phải suy ngẫm, nhất là với câu nói: “Trình độ không bằng thái độ”. Ông nói: “Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ với tôi rằng, hiện nay việc tuyển dụng nhân sự có khả năng làm được việc đã khó rồi, tuyển được người có đam mê, có đạo đức và thái độ làm việc tốt còn khó hơn nhiều”.

Theo ông, thái độ và đạo đức nghề nghiệp là phần thể hiện ra bên ngoài của phần gốc bên trong, đó chính là nền tảng văn hóa, tức là nền tảng giáo dục của mỗi con người. Trình độ chuyên môn của mỗi người rất dễ nhận thấy nhưng nền tảng văn hóa thì khó thấy. Tuy nhiên, nếu chỉ có chuyên môn mà không có nền tảng văn hóa vững chắc thì dù có tài năng cỡ nào cũng khó mà tiến xa được.

trinh do va thai do
Ông Trương Gia Bình

Xin ví dụ đơn cử về sự thành công của Trương Gia Bình, một tấm gương tại Tập đoàn FPT. Nếu phân tích các yếu tố khiến ông thành đạt thì có lẽ rất nhiều, nhưng sẽ không thể thiếu một trong những nền tảng, đó là câu hỏi mà ông nung nấu ngay khi lập nghiệp, tại sao chất xám của lớp trẻ Việt Nam không biến được thành vàng ròng?

Trương Gia Bình cùng với các cộng sự của mình đã nhiều năm cháy lòng cháy dạ với ý tưởng này và đến nay, đã tạo ra một giá trị lớn hơn rất nhiều lần so với công sức của một Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam hồi bấy giờ.

Xin đưa một ví dụ để so sánh, Việt Nam ta có 2 mỏ vàng lớn, đó là Bồng Miêu và Phước Sơn. Theo kết quả thăm dò năm 2005 cho thấy, trữ lượng vàng ở mỏ Bồng Miêu khoảng 12.388kg. Tại huyện Phước Sơn, mỏ vàng Phước Thành trữ lượng đạt 11.602kg, mỏ Đắk Sa (xã Phước Đức) có trữ lượng 7.210kg. Mỗi năm, sản lượng khai thác khoảng trên dưới 2 tấn vàng, tính “tẹt ga” cũng chưa tới 100 triệu USD.

Thế nhưng chỉ tính đến năm 2015, “mỏ vàng phần mềm” của Việt Nam đã đem lại cho đất nước khoảng 2,8 tỉ USD, tương đương với trên 60 tấn vàng. Trong khi đó, năm 2015, Việt Nam xuất khẩu được 6,568 triệu tấn gạo, trị giá 2,68 tỉ USD.

Còn đến năm 2016, FPT đã tự hào mà thông báo rằng, trung bình mỗi một công nhân ở đây đã xuất khẩu phần mềm khoảng 550 triệu đồng, xếp hàng đầu trong các ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước.

Khi chia sẻ về vấn giữa trình độ và thái độ, ông Hoàng Minh Châu, nguyên Phó chủ tịch Tập đoàn FPT, đã dẫn câu chuyện Đường Tăng cùng với 3 đồ đệ sang Tây Trúc thỉnh kinh trong tác phẩm Tây Du Ký nổi tiếng. Đường Tăng là người không quá tài giỏi, nhiều lần bị yêu quái che mắt, cũng không có phép thuật. Con đường đi thỉnh kinh đã trải qua vô vàn những kiếp nạn. Vượt qua tất cả, Đường Tăng vẫn hoàn thành sứ mệnh lớn lao của mình. Đó là tinh thần không bao giờ bỏ cuộc, cần phải học hỏi.

Cuối cùng ông kết luận, trong 100 người có thái độ tốt, có 10 người thành công, nhưng 1.000 người giỏi, chưa chắc đã đạt được tỷ lệ đó.

Và nhiều người thành đạt nổi tiếng trên thế giới đã chứng minh điều đó.

trinh do va thai do

TS Phan Quốc Công, người khai sinh ra thương hiệu ICP và nhãn hiệu X-Men, chia sẻ:

“Khi còn trẻ, tôi từng là nhân viên bình thường với mức lương rất khiêm tốn nhưng luôn nỗ lực nhiều hơn người khác. Nhiều người thắc mắc vì sao tôi lại chăm chỉ như vậy khi không được trả công xứng đáng. Nhưng tôi quan niệm rằng, khi đã nhận trách nhiệm thì nên làm hết sức mình. Sau 2 năm, ngoài việc trở thành nhân viên được mọi người tín nhiệm và quý mến thì điều làm tôi không ngờ là chính thái độ làm việc tận tụy, cố gắng lúc đó đã mở ra cho mình những cách cửa mới trong sự nghiệp. Nhiều người vì trân trọng thái độ làm việc của tôi đã nhớ đến và quyết định trở thành đối tác khi tôi có sự nghiệp kinh doanh riêng sau này”.

“Không ai không học mà có thể thành công. Chúng ta thỉnh thoảng lại nghe những tỉ phú này, tỉ phú nọ không học đại học mà vẫn thành công, điều này không hoàn toàn đúng. Những doanh nhân nổi tiếng thế giới không học đại học như Steve Jobs, Bill Gates…, họ chỉ không học tập trong trường đại học nhưng để thành công, họ vẫn học từ cuộc sống, từ giao tiếp, từ công việc…”. Hoàng Minh Châu, nguyên Phó chủ tịch Tập đoàn FPT
trinh do va thai do

Jack Ma, doanh nhân giàu nhất châu Á hiện nay, cho rằng thái độ với công việc mới là yếu tố quyết định vị trí của con người trong xã hội.

Để minh họa nguyên tắc "năng lực không quan trọng bằng thái độ", ông chủ tập đoàn thương mại điện tử Alibaba - Jack Ma, doanh nhân giàu nhất châu Á hiện nay - kể một sai lầm lớn trong sự nghiệp kinh doanh.

"Vào năm 2001, tôi mắc một sai lầm. Tôi nói với 18 cộng sự trong công ty rằng họ không đủ năng lực để đảm đương những vị trí quản lý cấp cao", ông nói.

Với suy nghĩ như thế, Jack Ma thuê người ngoài công ty vào những vị trí như phó chủ tịch tập đoàn, giám đốc các bộ phận. Sau vài năm, tất cả những người đó đều ra đi vì không thể đảm đương công việc hoặc không cùng chí hướng với Jack Ma. Trong khi đó, những cộng sự mà ông nghi ngờ năng lực quản lý dần trở thành các phó chủ tịch và giám đốc.

"Tôi tin vào hai nguyên tắc. Thứ nhất, thái độ của bạn quan trọng hơn năng lực. Thứ hai, quyết định của bạn quan trọng hơn năng lực", ông thổ lộ.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc