Triều Tiên thách thức cả Mỹ và Trung Quốc

11:18 | 08/01/2016

4,814 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã tới lúc thế giới phải thay đổi cách phản ứng xưa cũ không hiệu quả sau mỗi vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
tin nhap 20160108111202
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một cuộc bắn thử tên lửa

Ngay sau khi Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí bàn các biện pháp gia tăng trừng phạt Triều Tiên, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thảo luận phương cách để “trị” hành động thử hạt nhân hôm 6/1 của Bình Nhưỡng.

Trước đây, sau 3 lần thử vũ khí hạt nhân vào những năm 2006, 2009 và 2013, Triều Tiên đều phải nhận sự trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ. Theo chiều hướng những gì đang diễn ra, vụ thử thứ 4 của Triều Tiên chắc chắn sẽ phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt còn nặng nề hơn.

Trong cuộc họp khẩn diễn ra ngay sau khi Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch ngày 6/1, Hội đồng Bảo an LHQ đã “lên án mạnh mẽ” vụ thử hạt nhân và coi đây là “mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình quốc tế”. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng cho rằng hành động của Triều Tiên gây bất ổn nghiêm trọng đối với an ninh khu vực và yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng ngay các hoạt động hạt nhân.

Một ngày sau, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thảo luận qua điện thoại đòi phạt nặng Bình Nhưỡng.

Trong một thông cáo được phủ Tổng thống Hàn Quốc công bố, hai lãnh đạo Mỹ-Hàn nhất trí cho rằng vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng đáng bị “những biện pháp trừng phạt dữ dội và toàn diện nhất”. Đối với ông Obama và bà Park Geun Hye, “Triều Tiên sẽ phải trả một cái giá thích đáng”.

Nhật Bản cũng phản ứng cứng rắn. Thủ tướng Nhật và Tổng thống Mỹ cùng nhất trí với nhau là phải đi đầu trong việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất nhắm vào Triều Tiên. Riêng Tokyo còn xem xét một số trừng phạt của riêng Nhật Bản.

Reuters dẫn lời một giới chức quân sự Hàn Quốc cho biết Seoul đang thương lượng với Washington để triển khai “các phương tiện chiến lược Mỹ” trên lãnh thổ nước này. Giới chức Hàn Quốc không nói rõ phương tiện chiến lược nào. Việc sử dụng từ “phương tiện chiến lược” có thể khiến người ta nghĩ đến vũ khí hạt nhân.

Trong ngày hôm qua, Hàn Quốc đã có hai phản ứng tức thời trừng phạt Triều Tiên. Thứ nhất là cấm công dân Hàn Quốc (có ngoại lệ) đi vào khu công nghiệp Kaesong ở Triều Tiên. Thứ hai là thông báo sẽ nối lại hoạt động tuyên truyền bằng loa phát thanh tại khu vực biên giới với Triều Tiên, vốn đã tạm ngừng từ hồi cuối tháng 8/2015.

Liên quan đến Trung Quốc, ngày 7/1 Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng cách tiếp cận như hiện tại với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Đại ý của Washington muốn Bắc Kinh thôi bênh vực Bình Nhưỡng để cộng đồng quốc tế dùng biện pháp mạnh. Trung Quốc thì phản ứng lại là không muốn Mỹ cầm tay chỉ việc!

Xét về tổng thể, các biện pháp mà quốc tế sắp đưa ra với Triều Tiên sẽ là trừng phạt và gia tăng trừng phạt. Đây là cách làm không có gì mới và hiệu quả của chúng cũng hoàn toàn vô nghĩa bởi lẽ đây là lần thứ 4 Triều Tiên thử hạt nhân bất chấp lệnh cấm của quốc tế.

Câu hỏi đặt ra là thế giới cần phải làm gì thì mới không có vụ thử hạt nhân tiếp theo ở Triều Tiên? Trước hết, xét đến phản ứng của Trung Quốc vì trước giờ Mỹ và phương Tây cho rằng nếu Trung Quốc không “bênh” Triều Tiên thì có lẽ những biện pháp trừng phạt của họ đã có hiệu quả.

Được coi là đồng minh duy nhất của Triều Tiên, Trung Quốc lại không được Bình Nhưỡng thông báo về vụ thử bom hôm 6/1. Vụ thử này giáng một đòn đau vào uy tín của Bắc Kinh trên trường quốc tế. Theo Xie Yanmei, nhà phân tích của International Crisis Group ở Bắc Á, có trụ sở tại Bắc Kinh, thì Trung Quốc, người đối thoại chính của Bình Nhưỡng, “sẽ phải đối mặt với áp lực tăng lên, vừa từ trong nước vừa quốc tế, đòi trừng phạt và kìm hãm lãnh đạo Kim Jong Un, buộc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân”.

Việc Hội Đồng Bảo An nhanh chóng phản ứng sau vụ Triều Tiên thử bom trái ngược hẳn với thái độ chần chừ trước đây. Điều đó cũng có nghĩa là dường như Trung Quốc đã bắt đầu mệt mỏi trước thái độ của nước láng giềng "gây khó xử " như Triều Tiên. Nhưng liệu rằng Bắc Kinh có biểu quyết để trừng phạt Bình Nhưỡng hay không? Đó là lằn ranh đỏ mà từ trước tới nay, Trung Quốc chưa bao giờ vượt qua.

Trung Quốc có thể gây áp lực mạnh lên nước láng giềng nhỏ bé này, nhưng lo sợ nếu Triều Tiên bị sụp đổ thì sự hiện diện của Mỹ lại trở thành ngay sát biên giới của mình. Bài xã luận của tờ Le Figaro (Pháp) ra ngày 7/1 mang tựa đề “Trung Quốc đứng trước thách thức”, cho rằng Washington cần tháo gỡ bằng cách đề nghị một thỏa thuận khu vực. Những hành động của Bình Nhưỡng sẽ cho thấy liệu Bắc Kinh có sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng ngoại giao tương xứng với sức mạnh kinh tế, vì hòa bình thế giới hay không.

Tương tự, báo Les Echos nhận xét: “Bắc Kinh lên án nhưng không có lợi lộc gì nếu đồng minh Triều Tiên sụp đổ”. Một nước Triều Tiên thống nhất và hàng ngàn chú Mỹ trấn giữ gần biên giới – Washington vốn là đồng minh quân sự chủ chốt của Seoul – là một điều mà không bao giờ Bắc Kinh chấp nhận được.

Sau vụ thử bom của Triều Tiên, Bắc Kinh đã lên tiếng “kiên quyết phản đối”, triệu mời đại sứ để “nghiêm khắc cảnh báo”, cổ vũ nên giữ các cam kết… Theo chuyên gia Shi Yongming của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, Bắc Kinh chẳng có thể làm gì khác.

Theo Mike Chinoy, tác giả của cuốn Meltdown: The Inside Story of the North Korean Nuclear Crisis (Sự sụp đổ: Câu chuyện bí mật của khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên), vụ thử bom nhiệt hạch tạo ra một tình thế nan giải đối với các nhà lãnh đạo thế giới. Những biện pháp trừng phạt của LHQ trong nhiều năm qua đã tác động tới hành vi của Triều Tiên, ngay cả khi chúng gây tổn thất đối với nền kinh tế Triều Tiên ở mức độ nào đó. Nhưng chúng lại không thể dẫn tới kết quả mà các nhà lãnh đạo thế giới muốn.

Trừng phạt Bình Nhưỡng không ngăn cản được ông Kim Jong Un chế tạo bom nguyên tử. Vậy thì phải chăng chỉ còn con đường đối thoại? Cho dù không có gì bảo đảm giải pháp đó sẽ mang lại kết quả. Bởi vì, khoanh tay ngồi nhìn Triều Tiên chế tạo bom nguyên tử cũng là một giải pháp đầy mạo hiểm.

“Đối thoại với Triều Tiên là cách duy nhất. Tôi nghĩ Triều Tiên cũng muốn vậy”-chuyên gia Chinoy quả quyết.

tin nhap 20160108111202

Tranh cãi về “vật nổ” của Triều Tiên

Vụ thử bom của Triều Tiên hôm 6/1 đang gây tranh cãi lớn trong giới chuyên gia quân sự thế giới. Bình Nhưỡng thì khẳng định đó là loại bom H, nhưng phương Tây thì cho rằng “vật nổ” đó chỉ là bom hạt nhân. Sự khác biệt này cho thấy điều gì?

tin nhap 20160108111202

Quan hệ Trung – Triều thời “hậu … nhiệt hạch”?

Người ta có thể trở mặt với bạn bè, đồng chí nhưng không thể từ bỏ “anh em” của mình, cho dù có bị họ gây phiền hà, làm mất mặt. Đó là trường hợp của quan hệ Trung – Triều.

tin nhap 20160108111202

Liên Hiệp Quốc bàn cách trừng phạt Triều Tiên

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra một tuyên bố “lên án mạnh mẽ” vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên. Đồng thời đặt ra khả năng thực hiện các biện pháp trừng phạt mới với Bình Nhưỡng.

tin nhap 20160108111202

Triều Tiên - một 'cường quốc hạt nhân đầy đủ'

Như Petrotimes đã thông tin, nhờ có trữ lượng vô cùng lớn quặng phóng xạ trong lòng đất và được Liên Xô giúp đỡ từ đầu về mặt khoa học kỹ thuật, CHDCND Triều Tiên đã sớm thực hiện chương trình hạt nhân với nhiều tiến bộ vượt bậc. Đến nay, sau khi thử thành công vũ khí nhiệt hạch vào ngày 6/1/2016, Triều Tiên gần như đã hoàn thành giấc mộng “tranh hùng nguyên tử”.

Nh.Thạch

Theo AFP. AP, Reuters, CNN

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc