Triều Tiên dịch chuyển trọng tâm quốc gia

18:47 | 28/04/2018

620 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 21-4, khi tuyên bố đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết, Đảng Lao động Triều Tiên muốn thực hiện bước dịch chuyển trọng tâm quốc gia và cải cách kinh tế.

Quyết định lịch sử

Hãng tin chính thức KCNA trích lời lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông báo: “Kể từ ngày 21-4-2018, Triều Tiên sẽ ngưng các vụ thử hạt nhân và bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa, cũng như đóng cửa một bãi thử hạt nhân ở miền Bắc đất nước”. Theo lời ông Kim Jong-un, cơ sở được dùng để tiến hành các vụ thử hạt nhân đã “hoàn thành nhiệm vụ”, cho nên Triều Tiên sẽ đóng cửa cơ sở này để thể hiện cam kết ngưng thử nghiệm hạt nhân. Tuy nhiên, lãnh đạo Bình Nhưỡng không nói đến chuyện giải trừ kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Ông Kim Jong-un bảo đảm là việc gắn các đầu đạn hạt nhân lên các tên lửa đạn đạo “đã được hoàn tất”. Dù gì thì đây cũng là một quyết định lịch sử. Trong nhiều thập niên qua, Triều Tiên luôn khẳng định, phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa là chiến lược sống còn của nước này, không chỉ phục vụ cho mục đích phòng vệ mọi mối đe dọa từ bên ngoài, mà còn trở thành lá bài mặc cả trong mọi cuộc thương lượng với Mỹ và Hàn Quốc.

trieu tien dich chuyen trong tam quoc gia
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 21-4 tuyên bố chấm dứt thử vũ khí hạt nhân

Brian Becker, Giám đốc Liên minh ANSWER cho biết: “Khi nhìn lại 25 năm qua của chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, ta thấy rõ rằng Triều Tiên thực sự không muốn có một cuộc chiến tranh với Mỹ. Họ muốn sự đảm bảo an ninh từ phía Mỹ”. Nhà phân tích Zhao từ trung tâm Carnegie-Tsinghua thì nhận định: “Tôi cho rằng, Triều Tiên đang thực hiện một chiến lược gồm 2 bước. Bước đầu tiên là phát triển khả năng phòng thủ hạt nhân bằng mọi giá để đáp ứng nhu cầu an ninh cơ bản. Mục tiêu này đã đạt được vào cuối năm 2017. Bây giờ là lúc Triều Tiên tập trung vào bước thứ 2 là phát triển kinh tế, sau khi đã đáp ứng được các mục tiêu về an ninh. Có lẽ nhà lãnh đạo Kim Jong-un hy vọng đưa Triều Tiên trở thành một quốc gia thịnh vượng, được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế”.

Các chuyên gia nhận định, lý do Triều Tiên quyết định ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa một phần là bởi nước này đã làm chủ công nghệ vũ khí hạt nhân cũng như có khả năng ngăn cản 1 vụ tấn công hạt nhân. Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên thời gian gần đây đã cho thấy sự cải thiện đáng kể về kỹ thuật khi tên lửa bay được ngày càng xa và hiện đã có thể đạt đến tầm bắn 10.400km. Trong khi vụ thử hạt nhân lần thứ 5 và thứ 6 vào năm 2016 và 2017 cũng đánh dấu những cột mốc quan trọng.

Hồ hởi lẫn hoài nghi

Quyết định ngừng thử hạt nhân đã được thông qua tại phiên họp toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra ngày 20-4. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định, Triều Tiên sẽ tập trung mọi nỗ lực để xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vững mạnh, huy động các nguồn nhân lực, vật lực để nhanh chóng nâng cao đời sống nhân dân. Tuyên bố trên được đưa ra chỉ ít ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, dự kiến diễn ra vào ngày 27-4 và cuộc gặp mặt lần đầu tiên giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến vào cuối tháng 5 tới.

Thiện chí của nhà lãnh đạo Triều Tiên nhận được sự phản hồi tích cực của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, là bởi nếu thực hiện được cam kết nói trên, Triều Tiên sẽ không còn trở thành mối lo ngại đối với an ninh trong khu vực. Gần như ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên Twitter phản ứng về tin tức này. “Triều Tiên đã đồng ý đình chỉ tất cả các cuộc thử nghiệm hạt nhân và đóng một địa điểm thử nghiệm lớn. Đây là tin rất tốt cho Triều Tiên và thế giới - tiến bộ lớn!”. Hàn Quốc nói quyết định của Triều Tiên biểu thị tiến bộ “có ý nghĩa” hướng tới việc giải trừ hạt nhân bán đảo và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc gặp gỡ thành công với Hàn Quốc và Mỹ. Trung Quốc hoan nghênh thông báo này, nói rằng, nó sẽ giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy giải trừ hạt nhân. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng hoan nghênh thông báo của Triều Tiên nhưng nói, nó phải đưa tới hành động. “Điều quan trọng là thông báo này đưa tới việc giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng được. Tôi muốn nhấn mạnh điều này”, ông Abe nói với các phóng viên.

Theo KCNA, ngoài quyết định đình chỉ chương trình hạt nhân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên còn thảo luận về một “giai đoạn mới” của các chính sách. Trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên thông báo rằng, “chiến lược mới” của Đảng Lao động Triều Tiên sẽ là “xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Cụm từ “xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa” đã lặp đi lặp lại 56 lần trong bản tin của KCNA.

Kinh tế Triều Tiên từng mạnh hơn Hàn Quốc

Đã có một thời gian, sau khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), miền Bắc giàu hơn miền Nam, do được hưởng lợi hoàn toàn từ chiến lược tập trung phát triển công nghiệp của thực dân Nhật ở miền Bắc. Nhưng tình hình này đã hoàn toàn đảo ngược vì sự nổi lên ngoạn mục của miền Nam và sự sụp đổ của một nền kinh tế nhà nước ở Triều Tiên do sự quản lý kém trong hàng thập kỷ, sau đó bởi sự sụp đổ của Liên Xô.

Trong những năm qua, nền kinh tế Triều Tiên liên tục bị đình trệ do nước này dành ưu tiên nhiều hơn cho các chương trình hạt nhân và tên lửa. Ngoài các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác cũng ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế của Bình Nhưỡng. Đặc biệt, việc Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, tích cực ủng hộ các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Triều Tiên do Bắc Kinh chiếm tới 90% kim ngạch thương mại với Bình Nhưỡng.

Mọi thứ dường như đã được cải thiện kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm 2011, với việc Triều Tiên ngày càng chấp nhận các sáng kiến tư nhân và sự gia tăng của các doanh nghiệp nhỏ buôn bán thực phẩm hoặc hàng hóa từ Trung Quốc. Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, trong năm 2016, nền kinh tế Triều Tiên có sự khởi sắc và phát triển. Nhưng xu hướng này có thể bị ảnh hưởng bất lợi, bởi việc tăng cường các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên. Theo chuyên gia Andrei Lankov, thuộc tổ chức vận động chính trị Korea Risk Group, ông Kim Jong Un dự định sẽ thực hiện “một chương trình kinh tế kiểu Trung Quốc”. Chuyên gia Andrei Lankov cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ để mắt đến mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam.

Trước đây, tại Đại hội Đảng năm 2016, ông Kim Jong-un từng không chấp nhận việc tư nhân hóa một phần nền kinh tế. Tuy nhiên, từ đó đến nay sự thay đổi âm thầm trong nền kinh tế Triều Tiên là có thật. Giới quản lý các nhà máy ở Triều Tiên gần đây đã nói với hãng tin AFP rằng, một khi họ hoàn thành hạn ngạch của nhà nước, họ sẽ được tự do mua và bán với giá thương lượng với các nhà cung cấp và khách hàng. Các công ty nhà nước cũng có thể đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh khác thông qua các công ty con. Hãng Hàng không Quốc gia Air Koryo cũng đã tham gia vào thị trường nước ngọt và taxi.

Ngành nông nghiệp không bị bỏ rơi vì nông dân làm việc cho các hợp tác xã công, có thể canh tác và bán sản phẩm của họ trên thị trường, về mặt lý thuyết là bất hợp pháp nhưng điều này đang tồn tại ở tất cả các thành phố của Triều Tiên. Tuy nhiên, miền Bắc không thể sản xuất đủ số lượng. Ngay cả trong những năm không có hạn hán, hơn 40% dân số bị suy dinh dưỡng. Theo chuyên gia Lankov, với chính sách kinh tế mới mà lãnh đạo Kim Jong Un vừa công bố, Triều Tiên sẽ tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cho phép quyền tự chủ lớn hơn với các công ty nhà nước hoặc cho phép các doanh nhân giữ lại một phần lợi nhuận phục vụ cho phát triển. Ông Kim Jong-un nói trong thông báo ngày 21-4 rằng, với chính sách mới, ông “hy vọng đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, cải thiện mức sống cho người dân”.

Các chuyên gia nhận định, lý do Triều Tiên quyết định ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa một phần là bởi nước này đã làm chủ công nghệ vũ khí hạt nhân cũng như có khả năng ngăn cản 1 vụ tấn công hạt nhân.

D.H

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc