Triều Tiên có bao nhiêu vũ khí hạt nhân và tên lửa?

06:56 | 03/03/2013

5,606 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trước khi ấn nút phóng vệ tinh, cần ít nhất 2 ngày lắp tên lửa Taepodong-2 vào giàn đỡ bệ phóng sau đó cần thêm một thời gian nữa để nạp nhiên liệu lỏng và kiểm tra các hệ thống điện tử của các động cơ tên lửa. Một quả tên lửa Taepodong-2 cần phải được nạp vài xe tải cỡ lớn đựng nhiên liệu lỏng. Thời điểm đó, giới truyền thông Hàn Quốc nhận định, CHDCND Triều Tiên có thể đã chi khoảng 500 triệu USD cho việc chế tạo tên lửa phóng vệ tinh. Trước đó (tháng 7/2006), CHDCND Triều Tiên đã bắn thử ít nhất 7 tên lửa, trong đó có Taepodong-2.

Tin đồn về kho vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên

Mỹ từng nhận định, CHDCND Triều Tiên sở hữu hơn 1.000 tên lửa Nodong và tên lửa Scud. Ngay từ năm 1965, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã cho thành lập Học viện Quân sự Hamhung để nghiên cứu công nghệ tên lửa nhằm sản xuất loại tên lửa có khả năng bắn tới Nhật Bản. Mỹ từng cho rằng, CHDCND Triều Tiên đang phát triển một số tên lửa mới dựa trên mẫu SSN6 của Nga với tầm bắn khoảng 2.500km hoặc xa hơn.

Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc (tháng 5-2004) từng dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao của nước này cho rằng: CHDCND Triều Tiên đang xây dựng 2 căn cứ ngầm để chứa tên lửa đạn đạo mới có tầm bắn tới 4.000km. Còn tờ JoongAng của Hàn Quốc khi đó cũng đưa tin, CHDCND Triều Tiên đã khôi phục những thiết bị dùng để thử nghiệm động cơ tên lửa bị phá hủy trong vụ nổ hồi tháng 12/2002. Và với loại tên lửa tầm xa, CHDCND Triều Tiên có thể uy hiếp tới Hawaii, Alaska và khu vực phía tây nước Mỹ.

Mỹ triển khai thêm một hệ thống radar x-band tại Nhật Bản để đối phó với Triều Tiên

Được biết, số tên lửa mới này được nâng cấp từ loại Scud và Rodong. Tuy xác định được 2 căn cứ này được xây dựng tại Yangdok, cách thủ đô Bình Nhưỡng 80km về phía đông và ở Hochon, tỉnh Hamgyong, nhưng cả Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều không biết chính xác địa điểm này.

Giới quân sự Nga từng cho rằng, trung bình mỗi năm ngành công nghiệp quốc phòng của CHDCND Triều Tiên đủ khả năng sản xuất khoảng 200.000 khẩu súng bộ binh, 3.000 pháo hạng nặng, 200 xe tăng, 400 xe bọc thép, xe lội nước các loại... CHDCND Triều Tiên có 17 nhà máy sản xuất vũ khí bộ binh và pháo binh (pháo M-1975 (130mm), M-1977, M-1978 Koksan, M-1981 (122mm), M-1985 (152mm), M-1989 và M-1991), 35 nhà máy sản xuất đạn dược, 5 nhà máy sản xuất xe tăng (Chonmaho, Pokpoong Ho, M1985), xe bọc thép (M-1973), 8 nhà máy chế tạo máy bay (MiG-21, MiG-23, MiG-29 và Su-25), 5 nhà máy sản xuất chiến hạm, 5 nhà máy sản xuất tên lửa có điều khiển, 5 nhà máy sản xuất các phương tiện thông tin liên lạc và 8 nhà máy sản xuất các loại vũ khí sinh hóa. Bình Nhưỡng có tổng cộng 180 nhà máy được xây dựng ngầm dưới lòng đất để tránh bị không kích bất ngờ.

Sở hữu bao nhiêu tên lửa mới đủ

Ngày 14/2, tờ Chosun Ilbo cho biết, CHDCND Triều Tiên đã thử động cơ của một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ngay trước khi thử hạt nhân lần thứ 3. Và loại tên lửa này được cho là KN-08 có tầm bắn 5.000-6.000km, đủ sức vươn tới bang Alaska và Hawaii của Mỹ. Trước đó (15/4/2012), KN-08 từng xuất hiện công khai và được cho là do Trung Quốc sản xuất.

Giới chuyên môn nhận định, CHDCND Triều Tiên nhiều khả năng có đến 100 bệ phóng di động cho tên lửa đạn đạo tầm trung trở lên: có 27-40 bệ phóng di động cho tên lửa Scud tầm bắn từ 300-1.000km; con số tương tự cho tên lửa Rodong tầm bắn 1.300km và 14 bệ phóng cho tên lửa Musudan tầm bắn 3.000-4.000km.

Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên hiện có đủ các loại hỏa tiễn như tên lửa đạn đạo, tên lửa chống tàu chiến và cả tên lửa hành trình tầm xa. Bình Nhưỡng cũng được cho là sở hữu khoảng 200 tên lửa Hwasong-5, 400 tên lửa Hwasong-6 (tầm bắn 300-700km) và không thiếu tên lửa tầm xa như Nodong-1 (tầm bắn 1.300-1.600km), Nodong-2 (tầm bắn lên đến 2.000km) cùng Taepodong-1, Taepodong-2 đạt tầm bắn từ 4.000-6.000km. Bên cạnh đó, CHDCND Triều Tiên còn có khoảng 640 tên lửa Scud và từ 150-250 tên lửa Rodong, đủ để đưa mọi mục tiêu ở Hàn Quốc vào tầm ngắm.

Gần 4 năm trước, mặc dù hội kiến tới 180 phút (từ 15 giờ ngày 5/4/2009 theo giờ địa phương), nhưng tới sáng 6/4/2009 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vẫn bất đồng về cách thức phản ứng đối với việc CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh. Bởi khi đó, Lầu Năm Góc quan tâm tới chương trình tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên - liệu đã sở hữu công nghệ chế tạo tên lửa bắn tới Alaska hoặc Hawaii?

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên

Ngày 26/3/2009, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc trích dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết, về mặt kỹ thuật tên lửa của CHDCND Triều Tiên có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ. Trong khi Bình Nhưỡng cho rằng, họ phóng vệ tinh bằng tên lửa tự tạo - tên lửa Unha-2 đưa vệ tinh Kwangmyongsong-2 vào quỹ đạo, thì Mỹ và Hàn Quốc đều coi đây là một vụ thử tên lửa tầm xa - phóng tên lửa Taepodong-2 có khả năng vươn tới tận Alaska, Mỹ. Tên lửa Taepodong-2 từng được bắn thử hồi tháng 7/2006. Theo các bức ảnh thu được từ những vệ tinh do thám Mỹ thì từ năm 1994 đến 2003, CHDCND Triều Tiên đã cơ bản hoàn thành các căn cứ phóng tên lửa tầm xa như Chiha-ri, Sangnam-ri, Yongjo-ri, Yongnim-kun…

Năm 1984, CHDCND Triều Tiên bắt đầu chế tạo những quả Scud-B của riêng mình và phát triển 2 phiên bản mới là Scud-C và Scud-D. 20 năm sau (2004), Bình Nhưỡng đã xây dựng 2 căn cứ ngầm để chứa các tên lửa đạn đạo mới có tầm bắn lên tới 4.000km. Khi đó vệ tinh do thám của Mỹ đã phát hiện được 10 tên lửa đạn đạo mới và một số bệ phóng di động được cất giấu tại hai địa điểm này. Một trong hai căn cứ tên lửa mới được xây dựng tại Yangdok, cách thủ đô Bình Nhưỡng của CHDCND Triều Tiên 80km về phía đông, còn căn cứ thứ hai nằm ở Hochon, thuộc tỉnh phía nam Hamgyong.

Giới quân sự cho biết, có hai dạng biến thể của Taepodong-2, đó là loại 2 tầng và 3 tầng. Khi 2 tầng, tầm bắn của Taepodong-2 đạt mức 3.750km, nhưng khi 3 tầng, tầm bắn có thể 4.000-4.300km. Tuy nhiên, khả năng bay xa nhất của Taepodong-2 có thể lên tới 5.000km, thậm chí 7.000-9.000km, tùy theo khả năng phát triển công nghệ động cơ và trọng tải của nó. Nếu có tầm bắn tới 9.000km thì Taepodong-2 có thể công phá các mục tiêu không chỉ ở khu vực Thái Bình Dương mà cả các thành phố Chicago, bang Illinois của Mỹ.

Nhiều chuyên gia vũ khí quốc tế tin rằng, CHDCND Triều Tiên bắt đầu nghiên cứu chế tạo tên lửa Taepodong-2 từ năm 1990. Năm 1995, Mỹ từng xác nhận, CHDCND Triều Tiên đang sở hữu tên lửa tầm xa Taepodong-1. Taepodong-1 là loại tên lửa đạn đạo chiến lược 3 tầng, được thiết kế để mang cả đầu đạn thông thường hay đầu đạn nguyên tử hoặc thiết bị dân sự. Và sau một thời gian nâng cấp, Bình Nhưỡng tiếp tục sở hữu Taepodong-2 cùng tên gọi khác là Moksong-2 hay Pekdosan-2, có khả năng mang 700-1.000kg nếu bắn tầm ngắn và khi đó nó là tên lửa lưỡng dụng - vừa có khả năng mang đầu đạn thông thường, đầu đạn hạt nhân, vũ khí sinh hóa, vừa có thể đưa vệ tinh dân sự lên quỹ đạo.

Năm 2005, lần đầu tiên người ta thấy xuất hiện một tài liệu về tên lửa Taepodong-2 của CHDCND Triều Tiên với các thông số kỹ thuật chi tiết. Ngay từ khi đó, giới truyền thông đã cho rằng, Bình Nhưỡng xuất khẩu Taepodong-2 dưới dạng linh kiện rời, được chuyển đến Nhà máy Shahid Hemat gần Tehran để lắp ráp. Một quả tên lửa Taepodong-1 đời đầu được chào bán với giá 6 triệu USD tại thị trường chợ đen quốc tế.

Tháng 8/2004, tạp chí quốc phòng Janes đưa tin, CHDCND Triều Tiên đang phát triển một số tên lửa dựa theo mẫu SSN6 của Nga với tầm bắn 2.500km và có thể tới Mỹ. Tạp chí này cho rằng, CHDCND Triều Tiên đã thu thập được kỹ thuật chế tạo tên lửa sau khi mua 12 tàu ngầm cũ loại Foxtrot và Golf II từ các nhà kinh doanh Nhật Bản năm 1993. Sau đó, CHDCND Triều Tiên đã nhận được sự giúp đỡ của nhà sản xuất tên lửa Nga VP Makeyev Design. Cho đến nay dư luận vẫn tranh luận về vụ thử tên lửa Taepodong-1.

Ngày 31/8/1998, Bình Nhưỡng đã phóng vệ tinh Kwangmyongsong-1 vào không gian bằng tên lửa đẩy Baekdusan-1, phiên bản dân sự của tên lửa đạn đạo Taepodong-1. Taepodong-1 được phóng tại căn cứ Musudan-ri hồi 12 giờ 7 phút ngày 31/8/1998 và đặt chính xác vệ tinh lên quỹ đạo vào hồi 12 giờ 11 phút 53 giây trong khoảng thời gian 4 phút 53 giây. Trong khi Cơ quan Không gian Nga phát hiện được vệ tinh trên thì Mỹ và phương Tây lại coi đây chỉ là vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của CHDCND Triều Tiên. Gần 1 tháng sau, Washington mới thừa nhận Bình Nhưỡng đã phóng vệ tinh vào không gian, nhưng sự cố đã xảy ra ở giai đoạn 3, khiến tên lửa đẩy rơi xuống Thái Bình Dương.

Tuy tên lửa Scud do Liên Xô chế tạo, có thể mang đầu đạn hạt nhân, hóa học hoặc sinh học, nhưng sau khi được đưa tới sử dụng tại CHDCND Triều Tiên một thời gian, các nhà khoa học nước này đã nâng cấp và biến nó trở thành cơn ác mộng của những quốc gia hữu quan. CHDCND Triều Tiên đã phát triển hai phiên bản mới từ Scud-B thành Scud-C (Hwasong-5) và Scud-D (Hwasong-6). Trong khi Scud-B chỉ bắn ở cự ly 300km thì Scud-C bắn được 500km, còn Scud-D có thể bắn mục tiêu cách xa 700km.

Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên còn thử nghiệm loại tên lửa KN-02 có thể bắn tới những mục tiêu ở Hàn Quốc. Sau đó, CHDCND Triều Tiên còn phát triển Scud thành Nodong, Taepodong-1 và Taepodong-2. Học giả người Nga Alexander Pikayev, đồng Chủ tịch Trung tâm Carnegie tại Moskva thuộc Chương trình cấm phổ biến vũ khí từng tuyên bố, tên lửa Paektusan-1 mà CHDCND Triều Tiên bắn thử tại trung tâm Musudan-ri hôm 31/8/1998 được chế tạo dựa trên cơ sở công nghệ của Liên Xô cũ. Đây là loại tên lửa một tầng dùng nhiên liệu lỏng.

Theo học giả Alexander Pikayev, kể từ những năm 70 của thế kỷ trước Liên Xô đã xuất khẩu hàng trăm quả tên lửa Scud R-17E cho Iraq, Libya, Syria, Aicập và các nước thành viên Hiệp ước Warszawa. Khi chuyển giao Scud R-17E, Liên Xô luôn yêu cầu các bên nhận phải ký một hợp đồng cấm tái xuất khẩu và cấm cải tiến làm hiện đại hóa vũ khí này. Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, cả bên bán và bên mua đều công khai vi phạm những điều cấm của hợp đồng này. Ông Alexander Pikayev cho rằng, nước nào sau khi sở hữu tên lửa Scud R-17E cũng tìm cách cải tiến, nâng cấp nó. Thậm chí họ còn bí mật hợp tác trong việc giúp nhau về tài chính và trao đổi về công nghệ tên lửa.

Kể từ khi được thành lập năm 1948, quân đội nhân dân Triều Tiên đã phát triển thành một đạo quân đông đảo, với tổng quân số hơn 1 triệu binh sĩ, được chia thành nhiều quân đoàn, sư đoàn và lữ đoàn. Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên còn duy trì lực lượng quân sự dự bị lên tới 4,7 triệu người.

Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược London cung cấp năm 2008, CHDCND Triều Tiên có khoảng 1,06 triệu quân, chủ yếu là lục quân (923.000 quân) với trên 6.000 xe tăng thiết giáp (3.500 xe tăng, 2.500 xe thiết giáp), 28.200 khẩu pháo các loại cùng hơn 80 hệ thống tên lửa đất đối đất và 10.000 tên lửa phòng không.

KPA còn có một lực lượng đặc nhiệm lên tới hơn 90.000 người. Không quân nhân dân Triều Tiên có 110.000 quân nhân và khoảng 1.600-1.700 máy bay, cùng một mạng lưới radar và tên lửa phòng không lớn.

 

Phù Lưu - Bắc Ninh