Triển vọng cổ phiếu ngành Dầu khí

08:32 | 26/04/2018

4,034 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giai đoạn tháng đầu năm 2018 chúng ta đã có thể chứng kiến sự bứt phá của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Chỉ số trung bình VN-Index đã lầm lũi vượt các kháng cự mới và tiệm cận vùng 1170 điểm, điểm cao lịch sử của TTCK Việt nam đạt được vào thời điểm 03/2007, đây cũng có thể coi là mốc điểm cao nhất kể từ khi TTCK Việt Nam ra đời và hoạt động cho đến nay.  

Hai chỉ số trung bình chứng khoán VN-Index/VN30 đã lần lượt tăng điểm mạnh nhờ hiệu ứng lan tỏa của dòng tiền lớn tham gia vào thị trường nói chung và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nói riêng. Nhiều phiên tăng điểm bùng nổ với khối lượng giao dịch rất lớn, điển hình có phiên với giá trị giao dịch hơn 15 nghìn tỷ đồng đã phần nào tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư và kênh đầu tư chứng khoán đang được coi như là kênh đầu tư dự báo hấp dẫn nhất trong năm 2018.

TTCK bước vào giai đoạn Uptrend và nhiều khả năng dự báo sẽ đạt được mốc 1500 – 1600 điểm trong năm 2018. Câu hỏi luôn khiến các nhà đầu tư trăn trở nhất vẫn luôn là đầu tư cổ phiếu gì? Thời điểm nào? Và nắm giữ chúng bao lâu? Nghề nào sẽ được hưởng lợi và là tâm điểm thu hút dòng tiền trong giai đoạn Uptrend của thị trường.

Qua thống kê định lượng, phân tích diễn biến vĩ mô cũng như phân tích dòng tiền tham gia vào thị trường thì các nhóm cổ phiếu thuộc các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán và đặc biệt là các cổ phiếu dầu khí sẽ có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhất so với cổ phiếu của các nhóm ngành khác như công nghệ thông tin, dược phẩm hay bất động sản trong năm 2017 và cả năm 2018.

Một trong các nhóm cổ phiếu đang được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế, giá dầu thế giới hồi phục và thể hiện đà tăng giá tốt trong năm 2017 vừa qua đó là nhóm cổ phiếu dầu khí. Các cổ phiếu họ P đã kết quả kinh doanh tốt trong năm 2017 cũng như dự báo triển vọng doanh thu và lợi nhuận tốt trong năm 2018.

Chúng ta có thể nhìn nhận tiềm năng khả quan của nhóm cổ phiếu dầu khí trong năm 2018 dưới 5 yếu tố sau đây

Kinh tế thế giới vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt & giá dầu vẫn trên đà hồi phục lên mốc 70 đô la/thùng.

Nền kinh tế nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU vẫn ở giai đoạn hồi phục tốt. Theo đánh giá của HSBC cũng như một số tổ chức uy tín khác, kinh tế thế giới 2018 vẫn được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, việc tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng Nga và các quốc gia xuất khẩu dầu khác đã nhất trí kéo dài thêm thời gian cắt giảm sản lượng khai thác dầu đến hết quý I/2018 để giải quyết tình trạng cung vượt cầu trên thị trường là cơ sở cho việc giá dầu tiếp tục hồi phục ngay giai đoạn đầu năm 2018.

Giá dầu thấp trong các năm qua là một trong những nhân tố chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty thành viên PVN, việc giá dầu hồi phục sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp thượng nguồn trong chuỗi ngành dầu khí (các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và khoan thăm dò…), việc giá dầu dự báo tăng trong năm 2018 sẽ khiến tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ ổn định và phát triển tốt hơn.

Nhiều doanh nghiệp dầu khí đạt kết quả kinh doanh tốt 2017 – Hứa hẹn đạt doanh thu lợi nhuận cao trong năm 2018

Giá cổ phiếu thường có xu hướng tăng cùng chiều với khả năng cũng như tiềm năng tạo lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngành dầu khí đã qua giai đoạn khó khăn và đang bước vào giai đoạn hồi phục trở lại. Chiến lược hoạt động chủ đạo năm 2018 đó là định hướng vào các dịch vụ, sản phẩm cốt lõi tăng sức cạnh tranh và tạo giá trị cho các cổ đông. Điều này đã phản ánh việc hàng loạt các DN dầu khí đặc biệt là các DN hàng đầu có kết quả kinh doanh tốt năm 2017 và sẽ tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2018.

Những cổ phiếu dầu khí triển vọng trong năm 2018 có thể kể đến như PV GAS. Là một trong doanh nghiệp lớn, cổ phiếu mã GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - HSX) luôn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, bởi là top các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán, cùng với vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam đầy tiềm năng, cung cấp khí để sản xuất gần 30% sản lượng điện, 70% đạm, 70% thị phần LPG cả nước.

Hoặc tương tự đối với trường hợp cổ phiếu PVS (HNX) của Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). PVS được đánh giá là hoạt động hiệu quả với những biến động của giá dầu bởi hoạt động kinh doanh đa dạng, tình hình tài chính lành mạnh, cùng với công tác quản trị được đánh giá cao. Mặc dù kết quả sản xuất kinh doanh sụt giảm cùng với sự lao dốc của giá dầu thời gian qua đã tác động dẫn đến thị trường bị thu hẹp và cạnh tranh gay gắt, nhưng PVS vẫn giữ vững các dịch vụ cốt lõi và là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận cao trong ngành. Năm 2018 sẽ là năm khá thuận lợi đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò và phát triển mỏ, dự báo tình hình triển khai các dự án lớn như: Sư tử trắng, Dự án Cá Rồng Đỏ, Lô B Ô Môn, Đại Nguyệt Sao Vàng… PVS là một trong các DN dầu khí hưởng lợi lớn khi được giao thực hiện nhiều hợp đồng, gói thầu dịch vụ có giá trị trong giai đoạn 2017-2018 và 2019 - 2022.

Bên cạnh đó còn một số các cổ phiếu khác như PVD, PXS, DCM, PVE…cũng sẽ có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong năm 2018.

Tiềm năng của các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn với 4 dự án lớn

Giá dầu hồi phục mạnh trong năm 2017 đã tạo điều kiện khiến các doanh nghiệp dầu khí có kết quả kinh doanh khả quan nhất là các doanh nghiệp thượng nguồn (Thăm dò và khai thác). Chúng ta đều biết sự phát triển của ngành phụ thuộc vào 2 yếu tố quan trọng đó là cơ chế chính sách và giá dầu.

Thứ nhất, Cơ chế chính sách theo hợp đồng chia sẻ sản phẩm Dầu khí (PSC) dựa trên cơ chế phân chia sản phẩm – tô nhượng đã phần nào mang lại hiệu quả cao khi triển khai các dự án phát triển chung giữa PVN, các đơn vị thành viên và các đối tác nước ngoài.

Thứ hai, yếu tố rất quan trọng đó là liên quan đến diễn biến tăng/giảm giá năng lượng – giá dầu. Giá dầu tăng trở lại là một trong những yếu tố khiến các cổ phiếu dầu khí bước vào giai đoạn hồi phục – các doanh nghiệp dầu khí vùng thượng nguồn đặc biệt được hưởng lợi. Là tiền đề cho PVN tiếp tục đẩy mạnh các dự án thăm dò và phát triển các dự án lớn giai đoạn 2018 – 2022 – Đây có thể coi là năm thuận lợi cho các DN kiểu như PVS, PVD, PXS…

4 dự án dầu khí quan trọng được phát triển từ năm 2018 trở đi sẽ là yếu tố tích cực tác động hết hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí. Dự án Nam côn sơn 2 (giai đoạn 2), dự án phát triển mỏ Cá Rồng Đỏ, dự án phát triển mỏ Sư tử trắng và đặc biệt là phát triển ngay trong năm 2018 mỏ Lô B Ô môn.

Dự án Lô B Ô Môn

Dự án thuộc bể trầm tích Malay – Thổ chu nằm ngoài khơi thềm lục địa Việt nam, cách Cà Mau khoảng 280 km về phía Tây Nam. Mục tiêu của Chuỗi dự án khí Lô B là khai thác và thu gom nguồn khí Lô B, 48/95 và 52/97, với tổng trữ lượng thu hồi dự kiến là 107 tỷ m3 và 12,65 triệu thùng condensate, sản lượng khí đưa về bờ khoảng 5,06 tỷ m3/năm và kéo dài 20 năm, để cấp khí cho các nhà máy điện tại khu vực Kiên Giang và Ô Môn, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng điện cho khu vực Nam Bộ trong giai đoạn sau 2020.

Chuỗi dự án khí Lô B bao gồm 2 thành phần là Dự án Phát triển mỏ Lô B, 48/95 & 52/97 và Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn. Các mỏ khí thuộc Lô B có cấu tạo tương đối phức tạp đòi hỏi phương án phát triển tương ứng, khác với các mỏ đã và đang đưa vào khai thác ở Việt Nam. Theo phương án phát triển mỏ mà PVN đệ trình chính phủ sẽ cần 1.000 giếng khoan cùng 50 - 60 giàn khai thác được thi công liên tục trong suốt đời dự án.

Công trình gồm một giàn công nghệ trung tâm và 46 giàn khai thác, một giàn nhà ở, một tầu chứa condensate và khoảng 750 giếng khai thác.

Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang chính thức trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SW POC) để triển khai thực hiện Dự án đường ống dẫn khí trong tháng 5/2017. Cũng trong thời gian trên, Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PVE) cùng đối tác Worley Parsons Australia ký hợp đồng thiết kế tổng thể FEED dự án trên với mục tiêu đến quý 1/2018 sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng.

Tiếp theo đó, các dự án tổng thầu EPC sẽ được triển khai từ cuối năm 2018, đi cùng đó là hợp đồng khoan thăm dò dầu khí. Chính vì vậy, dự án này sẽ tạo cú hích trong kết quả kinh doanh của các công ty thượng nguồn như Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng CTCP Kết cấu thương mại và lắp máy Dầu khí (PXS), hay CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) nhờ khối lượng công việc lớn trải dài trong nhiều năm. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) cũng được hưởng lợi khi công ty có thể gia tăng thêm công suất cung cấp khí của mình thêm 6,4 tỷ m3/năm. Theo quy hoạch phát triển ngành khí đến 2025, dự án sẽ cho dòng khí đầu tiên vào quý 4/2021.

Dự án thành phần thứ 2 là Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD. Các bên gồm PVN/Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Moeco và PTTEP làm chủ đầu tư theo hình thức hợp doanh.

Tuyến ống có tổng chiều dài hơn 430 km, có công suất thiết kế 20,3 triệu m3, gồm tuyến ống biển có chiều dài 295 km tiếp bờ tại An Minh (Kiên Giang), ống nhánh 37 km nối từ KP209 về Trạm tiếp bờ Mũi Tràm để cấp bù khí cho đường ống PM3 - Cà Mau, tuyến ống bờ dài 102 km sẽ chạy tới Kiên Giang và Cần Thơ để cung cấp khí cho các nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Kiên Giang và Trung tâm Điện lực Ô Môn (Cần Thơ).

Dự án Nam Côn Sơn 2 – Giai đoạn 2

Dự án Nam Côn Sơn 2 – Giai đoạn 2 được kỳ vọng hoàn thành vào năm 2019 với công suất thiết kế 7 tỷ m3 khí/năm. Mục tiêu dự án là thu gom khí từ mỏ Sư Tử Trắng – giai đoạn 2 và mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt về nhà máy xử lý khí Dinh Cố 2 nhằm chế tạo ra các sản phẩm LPG, condensate và Ethane. Trước đó, dự án Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 1 được hoàn thành cuối năm 2015.

Với việc hoàn thành 2 hợp phần của dự án, PVN kỳ vọng kích thích hoạt động thăm dò và khai thác tại khu vực nước sâu bể Nam Côn Sơn và Tư Chính - Vũng Mây đồng thời tạo tiền đề thay thế đường ống Bạch Hổ trong chiến lược phát triển dài hơi của PVN.

Dự án Cá Rồng Đỏ

Cùng với mỏ Sư Tử Trắng và Sao Vàng – Đại Nguyệt, dự án Cá Rồng Đỏ là một trong những dự án lớn với tổng lượng khí thu hồi vào khoảng 2,4 tỷ m3/năm. Dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào 2018-2019 nhằm bù đắp sản lượng khí khô vốn được dự báo sẽ suy giảm trong các năm tới. Cá Rồng Đỏ sẽ tạo thêm công việc cho các công ty trong khâu thượng nguồn như PVD, PVS … Cụ thể, PVS đã công bố 2 hợp đồng cung cấp dịch vụ M&C với một giàn chân căng và một tàu xử lý dầu FPSO trong khi giàn PVD 5 của PVD cũng sẽ đảm nhận công việc khoan thăm dò tại khu vực này trong năm 2019.

Dự án Cá Voi Xanh

Đầu năm 2017, ExxonMobil và PVN đã ký thỏa thuận phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh tại lô 117, 118, 119 tại vùng trũng Sông Hồng với mục tiêu đưa khí vào bờ cung cấp cho 2 nhà máy nhiệt điện khí (công suất mỗi nhà máy 1.500 mWh) và 1 nhà máy xử lý khí tại khu kinh tế Chu Lai (tỉnh Quảng Nam). Dự án được đánh giá có tiềm năng về khí lớn nhất tại Việt Nam từ trước tới nay với khả năng thu hồi khoảng 150 tỷ m3 khí, gấp 3 lần lượng khí thu được 2 mỏ khí lớn nhất hiện tại Lan Tây, Lan Đỏ.

Theo kế hoạch, ExxonMobil sẽ đầu tư 1 giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi, 2 cụm khai thác ngầm và một đường ống dài khoảng 88km nối vào bờ biển Chu Lai. Cũng như dự án Lô B, dự án Cá Voi Xanh được kỳ vọng mang lại nguồn công việc lớn cho các công ty ngành dầu khí trong nhiều năm từ 2018 trở đi.

Dự án phát triển mỏ Sư tử trắng

Mỏ Sư Tử Trắng là mỏ khí và condensate lớn thuộc lô 15-1, nằm phía Đông Nam của cụm mỏ Sư Tử, thuộc vùng biển Việt Nam. Hiện tại, mỏ Sư Tử Trắng đang được khai thác giai đoạn 1 với một giàn khai thác kết nối về giàn xử lý trung tâm Sư Tử Vàng, có sản lượng khí bình quân tương đương 1,7 triệu m3/năm hay 600 triệu m3 khí/năm.

PV Gas phụ trách khâu vận chuyển khí từ mỏ Sư Tử Trắng đưa về khu vực mỏ Bạch Hổ rồi về bờ theo đường ống Bạch Hổ dài 117 km. Khí từ mỏ Sư tử Trắng được xử lý tại Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố thành LPG và condensate, chuyển đi cung cấp cho các hộ tiêu thụ.

Mỏ Sư Tử Trắng được xác định phát triển giai đoạn 2 cùng với việc phát triển mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt thuộc lô 05-1bc và các mỏ khí khác, đảm bảo nguồn khí đưa về bờ cho đường ống Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2 là một Dự án quan trọng của PV Gas trong những năm tới, nhằm ổn định và gia tăng nguồn cung cấp khí cho khu vực Đông Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về khí và các sản phẩm khí của vùng kinh tế trọng điểm năng động nhất cả nước.

Dự án phát triển mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2 sẽ xây dựng bổ sung thêm các giàn khai thác, giàn xử lý trung tâm và bơm ép để sản lượng khí khai thác đạt mức 1,5 tỷ m3/năm, dự kiến bắt đầu khai thác từ năm 2020 kéo dài đến sau 2035. Khí mỏ Sư Tử Trắng sẽ không dẫn qua Bạch Hổ nữa, mà được đưa thẳng về bờ qua Dự án đường ống Nam Côn Sơn 2 - Giai đoạn 2 với 117 km đường ống ngoài biển, 39 km đường ống trên bờ. Đây sẽ là nguồn khí chính cung cấp cho Nhà máy Xử lý Khí Dinh Cố 2 sẽ được xây mới (dự kiến khánh thành quý 4/2020) có công suất hàng năm là 300 ngàn tấn LPG, 170 ngàn tấn condensate và thêm 200 ngàn tấn Ethane dự kiến sẽ cấp cho Nhà máy Lọc hóa dầu Long Sơn.

Cổ phiếu ngành dầu khí tiềm năng trong năm 2018 với đặc tính của nhóm ngành giá trị mang tính chu kỳ

Qua thống kê qua các cuộc khủng hoảng dầu mỏ từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ Trung Đông 1973 – 1974, hay hay các cuộc khủng hoảng giá dầu năm 1980, 1990, 2001 hoặc đặc biệt là năm 2007 – 2008, việc giá dầu tăng giảm mạnh đều ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế TG, trong đó có Việt Nam. Việc giá dầu hồi phục kèm theo chu kỳ kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng sẽ khiến các doanh nghiệp dầu khí thu hút sự quan trong không chỉ các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài mà còn cả các nhà đầu tư trong nước. Nhóm cổ phiếu dầu khí không chỉ được hưởng lợi từ hoạt động khai thác và thăm dò đi vào ổn định do giá dầu tăng mà cũng thích hợp trường phái đầu tư giá trị của các tổ chức và quỹ đầu tư nước ngoài, những tay chơi lớn trên TTCK.

PSI